Tạp chí TIME giữa tháng 11.2019 đã công bố danh sách lần đầu tiên thực hiện TIME 100 Next, tôn vinh các nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới. Trong đó, có tên Amanda Nguyễn – cô gái người Mỹ gốc Việt từng được hai nghị sĩ Mỹ đề cử Nobel Hòa bình 2019 vì đã soạn thảo và vận động Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật về quyền của những người sống sót sau cuộc tấn công tình dục.
Trước đó, khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhóm họp tại New York trung tuần tháng 10.2019, Amanda Nguyễn cũng đã có mặt để vận động hành lang Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết về quyền của những nạn nhân bị tấn công tình dục trên khắp thế giới.
Nói với truyền thông, Amanda Nguyễn cho biết: “Bạo lực tình dục là một vấn đề phổ quát, đòi hỏi phải có sự công nhận quốc tế. Hơn 1,3 tỷ người là những người sống sót sau các vụ tấn công tình dục. Liên Hiệp Quốc được thành lập để bảo vệ sự bình đẳng của tất cả mọi người, bất kể họ là ai và sống ở đâu.
Mặc dù vậy, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chưa bao giờ thông qua nghị quyết tập trung hoàn toàn vào bạo lực tình dục và những người sống sót…”. Thỉnh nguyện thư do Amanda Nguyễn công bố trên mạng xã hội để vận động mọi người ký tên ủng hộ nghị quyết, đến cuối tháng 12.2019 đã gần chạm ngưỡng 300.000 chữ ký như mục tiêu Amanda Nguyễn đặt ra.
Viết lại luật của nước Mỹ
Người viết từng tham dự hai cuộc diễn thuyết của Amanda Nguyễn khi cô thực hiện chiến dịch vận động Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật về quyền của những người sống sót sau tấn công tình dục.
Khẳng khái và dứt khoát trong từng tuyên ngôn vận động, Amanda Nguyễn thu hút sự chú ý của đám đông bằng sắc giọng mỹ cảm: “Tôi là một nạn nhân bị tấn công tình dục. Khi nhận thấy lỗ hổng trong luật pháp hiện hành tôi hiểu rằng, giờ đây chuyện này không chỉ của riêng mình.
Tôi nhớ rằng sau khi bị tấn công tình dục, tôi đã cố gắng tìm hiểu để biết những quyền lợi của tôi là gì nhưng thật khó để tìm được thông tin căn bản. Những người sống sót sau khi bị tấn công tình dục liên tục trở thành nạn nhân bởi chính hệ thống pháp luật được xây dựng để tìm kiếm công lý cho họ…”.
Amanda Nguyễn kể, khi bất ngờ bị tấn công tình dục ở tuổi 22 bởi một bạn học trong ký túc xá, lúc đang sắp kết thúc năm cuối Đại học Harvard (bang Massachusetts), cô cũng khủng hoảng tâm lý như bất kỳ nạn nhân nào. Tuy nhiên, cô không cam tâm im lặng, tự mình một đời giằng xé những ám ảnh bị xâm hại, Amanda Nguyễn bắt đầu đi tìm bằng chứng tội phạm, thu thập mẫu ADN và đến cơ quan chức trách ở Massachusetts tố giác.
Tại đây, sau khi trình báo cô mới vỡ lẽ những bằng chứng đó có thể bị giới hữu trách hủy bỏ sau sáu tháng nếu nạn nhân không nộp đơn gia hạn, ngay cả khi thời hạn truy tố loại tội phạm tấn công tình dục là 15 năm.
Sau vài lần gia hạn và gặp rất nhiều khó khăn để theo dõi bằng chứng của mình, Amanda Nguyễn quyết định nghiên cứu những luật lệ chi phối các chính quyền tiểu bang khi giải quyết cáo buộc tấn công tình dục. Cô lên danh sách hơn 20 quyền lợi mà những người bị xâm hại tình dục có trong nhiều bang và thấy rằng mức độ bảo vệ rất khác nhau.
Ở một vài tiểu bang, chính quyền không hủy bằng chứng, trong khi ở Massachusetts thì ngược lại. Ở một số tiểu bang, khoảng thời gian đó thậm chí còn ngắn hơn, như ở New Hampshire chỉ 60 ngày, Florida là 30 ngày…
“Điều tệ hại nhất đã xảy ra cho tôi không phải là bị tấn công tình dục mà là bị phản bội bởi một hệ thống tư pháp hình sự khiếm khuyết. Tôi nhận ra rằng tôi chỉ có một chọn lựa, hoặc chấp nhận sự bất công đó hay viết lại luật. Và tôi đã viết lại luật”, Amanda Nguyễn nói chắc giọng.
Amanda Nguyễn bắt tay vào soạn thảo dự luật về các quyền của những người sống sót sau khi bị tấn công tình dục (Sexual Assault Survivors’ Bill Of Rights), công bố tháng 4.2015, với mục đích giúp nạn nhân sử dụng các quyền căn bản để bảo vệ mình, được gặp tư vấn viên, được cung cấp thông tin toàn diện về các lựa chọn pháp lý, bằng chứng tố giác tội phạm không bị đột ngột tiêu hủy, các luật lệ và thủ tục nhất quán toàn nước Mỹ để truy tố tội phạm tấn công tình dục…
Để tiến trình soạn thảo và đệ trình dự luật được diễn ra hợp pháp, Amanda Nguyễn cần phải kêu gọi tài trợ được số tiền lên tới 450.000 USD. Đó là một điều kiện quá ngặt nghèo với một cô gái mới bắt đầu hoạt động xã hội. Amanda Nguyễn đã rút hết tiền trong các tài khoản cá nhân để đi lại liên tục nhiều ngày giữa Massachusetts và Washington D.C vận động hành lang cho dự luật.
Với sự cộng hưởng của mạng xã hội, sức ảnh hưởng của Amanda Nguyễn dần dần tạo hiệu ứng tích cực khi các nhóm tình nguyện viên, các nhà hoạt động xã hội, những ngôi sao quốc tế cùng lên tiếng ủng hộ dự luật của cô.
Dự luật của Amanda Nguyễn với sự đề cử bởi hai đại biểu bang California đồng thời là thành viên Hạ viện Mỹ Mimi Walters và Zoe Lofgren, đã nhanh chóng trở thành dự luật thứ 21 trong lịch sử hiện đại xứ cờ hoa được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Barack Obama ký ban hành ngày 7.10.2016. Theo luật mới, nạn nhân bị tấn công tình dục được cơ quan hữu trách thông báo 60 ngày trước khi hồ sơ và chứng cứ bị hủy. “Chúng tôi đã luật hóa các quyền dân sự cho 25 triệu người từng bị tấn công tình dục ở Mỹ”, Amanda Nguyễn cho biết.
Vận động Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết
Theo quan sát của Amanda Nguyễn, rất nhiều nạn nhân bị tấn công tình dục hoặc bạo hành tình dục luôn sợ người khác kỳ thị khi nói lên câu chuyện của mình, nhất là khi chia sẻ những đau đớn chưa bao giờ nguôi ngoai.
“Công lý không nên phụ thuộc vào địa lý… Trên khắp thế giới, những người biểu tình đang tuần hành để đòi công nhận và công lý cho những người sống sót sau tấn công tình dục bị từ chối các quyền cơ bản và tiếp cận công lý.
Các quốc gia đang tích cực cải cách luật để cải thiện khả năng tiếp cận công lý. Điều này thể hiện sự đồng thuận toàn cầu ngày càng tăng, rằng những người sống sót sau tấn công tình dục xứng đáng có những quyền cơ bản nhất định…”, Amanda Nguyễn cho biết lý do vì sao cô không dừng lại ở đạo luật riêng cho nước Mỹ.
“Bằng việc sử dụng sức mạnh tiếng nói của mình để giúp nước Mỹ giữ vững cam kết thượng tôn pháp luật, Amanda Nguyễn đã chứng tỏ những phẩm chất tốt đẹp nhất của một công dân và cô không dừng ở đó. Là một công dân của thế giới, cô đã đầy lòng vị tha, nhân rộng ảnh hưởng của mình bằng cách mở cánh cửa cho khoảng 35% phụ nữ trên thế giới từng trải qua bạo lực tình dục cùng đồng hành…”
Nghị sĩ Mimi Walters
“Một quyết định của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rõ ràng sẽ khẳng định quyền của những người sống sót sau tấn công tình dục như một quyền cơ bản của con người.
Nếu Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết có tính lịch sử như thế, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho tất cả những người sống sót trong hành trình tìm kiếm công lý của họ. Những quyền cơ bản này phải được bảo vệ và độc lập với thói quen, truyền thống hoặc tín ngưỡng tôn giáo”, Amanda Nguyễn nhấn mạnh.
Không sinh trưởng ở Việt Nam nhưng qua những chia sẻ trên mạng xã hội của một số nạn nhân bị tấn công tình dục đang sống ở Việt Nam, Amanda Nguyễn nghiệm ra trong văn hóa Việt Nam, chuyện kỳ thị đối với các nạn nhân bạo lực tình dục là có thật. “Tôi muốn các nạn nhân sống sót biết rằng, họ không đơn độc. Họ được yêu thương. Họ không trở nên ít giá trị hơn vì trải qua chuyện chấn động như vậy”.
“Bạn có thể thay đổi vấn đề quốc gia”
Chào đời năm 1991 tại California, cư trú ở Washington D.C, gia đình là thuyền nhân Việt Nam, nếu không bị tai họa tấn công tình dục giáng xuống năm 2013, con đường và sự nghiệp của Amanda Nguyễn (tên tiếng Anh: Amanda Ngoc Nguyen) có lẽ đã đi theo một hướng khác.
Hướng đó, có thể là cô sẽ thực hiện ước mơ như chuyên ngành được học khoa học và nghệ thuật tại Đại học Harvard, để trở thành phi hành gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ NASA, nơi cô có hai lần thực tập. Cũng có thể Amanda Nguyễn sẽ làm việc lâu dài hơn cho Bộ Ngoại giao hoặc Phủ Tổng thống Mỹ, nơi cô từng bắt đầu sau khi tốt nghiệp đại học với vai trò viết bài diễn thuyết rồi trở thành phó liên lạc viên giữa Phủ Tổng thống với Bộ Ngoại giao dưới thời Barack Obama, trước khi cô quyết định nghỉ việc để sáng lập Tổ chức phi lợi nhuận Rise, với mục đích tranh đấu cho dân quyền của những nạn nhân trong các vụ tấn công tình dục, và cô làm chủ tịch điều hành từ tháng 11.2014 đến nay.
“Tôi nhớ ngày tôi bước vào cơ quan phụ trách các tố giác tấn công tình dục ở địa phương, tôi đã nhìn thấy trong phòng chờ đầy người, lúc ấy tôi nhận ra không chỉ mình tôi phải trải qua ám ảnh khủng khiếp đó. Sau khi liên hệ với những người sống sót khác, tôi nhanh chóng nhận ra đây không phải cuộc chiến của riêng tôi. Ý tưởng hàng trăm, hàng nghìn hoặc thậm chí hàng triệu người cùng nhau đứng lên vượt qua nỗi nhục, cảm giác có lỗi hoặc thậm chí sự bất công khiến tôi quyết định sáng lập Rise”, Amanda Nguyễn kể.
Nhằm vinh danh những đóng góp lớn lao của Amanda Nguyễn trong hoạt động vì quyền con người, đã truyền cảm hứng cho nhiều người trên khắp thế giới; tháng 5.2018 hai nghị sĩ Mỹ Mimi Walters và Zoe Lofgren đã cùng đề cử Amanda Nguyễn cho giải Nobel Hòa bình 2019. Trong lá thư đề cử gửi Ủy ban Nobel, nghị sĩ Mimi Walters nhận xét: “Bằng việc sử dụng sức mạnh tiếng nói của mình để giúp nước Mỹ giữ vững cam kết thượng tôn pháp luật, Amanda Nguyễn đã chứng tỏ những phẩm chất tốt đẹp nhất của một công dân và cô không dừng ở đó. Là một công dân của thế giới, cô đã đầy lòng vị tha, nhân rộng ảnh hưởng của mình bằng cách mở cánh cửa cho khoảng 35% phụ nữ trên thế giới từng trải qua bạo lực tình dục cùng đồng hành…”.
Ủy ban Nobel cũng đã có thư thông báo tiếp nhận đề cử gửi đến Amanda Nguyễn.
Trước ngày tạp chí TIME vinh danh Amanda Nguyễn là nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới trong danh sách TIME 100 Next năm 2019, tạp chí Forbes năm 2017 đã bình chọn Amanda Nguyễn là 1 trong 30 nhân vật dưới 30 tuổi có sức ảnh hưởng nhất thế giới.
Cô cũng là một trong 8 phụ nữ trẻ được vinh danh vì những thành tựu đáng trân trọng trong sự kiện Young Women’s Honor lần thứ nhất năm 2016 của tạp chí thời trang hàng đầu Marie Claire. Mới đây nhất, ngày 17.10, Amanda Nguyễn đã cùng bốn người khác được trao giải thưởng Heinz 2019 trị giá 250.000 USD/người.
Nhiều giải thưởng và hoạt động tôn vinh khác cũng đã gọi tên Amanda Nguyễn: “Rise có rất nhiều điều để tự hào nhưng tôi tự hào nhất là chứng kiến hàng trăm người sống sót sau khi bị tấn công tình dục khắp nước Mỹ nhiệt huyết lên tiếng để tác động tới việc lập pháp và tạo ra thay đổi tại các cộng đồng của mình… Tiếng nói chính là thứ công cụ quyền lực nhất mà chúng ta đang sở hữu. Đó là lý do tôi sử dụng tiếng nói của mình chiến đấu cho điều tôi tin tưởng”.
Amanda Nguyễn cho biết thêm: “Rise bắt đầu chỉ từ con số 0 nhưng những gì mà chúng tôi đã làm được cho thấy khi phép mầu xảy ra bạn có thể tạo dựng một tương lai tươi sáng hơn. Tôi là bằng chứng rằng bạn có thể thay đổi vấn đề quốc gia”.
– Ảnh: Patrick T. Fallon