Quảng Yên xưa (tỉnh Quảng Ninh ngày nay) đã từng có văn miếu góp phần tri ân công đức tiền nhân, tôn vinh sự học hành khoa cử. Không bề thế như Văn miếu Quốc tử giám ở Hà Nội, nhưng Văn miếu Quảng Yên có thể sánh ngang với Văn miếu Mao Điền của tỉnh Hải Dương.
Theo tư liệu của ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Văn Miếu Quảng Yên được triều đình cho xây dựng từ lâu tại núi Long Nhãn, thôn Khê Chanh. Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), triều đình nhà Nguyễn cho Quảng Yên xây dựng lại Văn Thánh miếu và nhà Học chính tại Quỳnh Lâu (khu vực cơ quan Sư đoàn 395, Quân khu Ba thuộc địa phận phường Cộng Hòa hiện nay) để đào tạo sĩ tử và quan lại.
Do nhu cầu học hành ngày một tăng sau này nhà học chính nâng lên thành Trường Huấn đạo. Năm 1849, Tự Đức thứ 2, Trường Huấn đạo thành Giáo thụ đào tạo hiền tài cho đất nước. Trong trường học có xây văn thánh miếu, thường gọi là văn miếu thờ đức Khổng Tử và các tiền hiền để khuyến khích việc học hành.
Sau khi chiếm thành Quảng Yên, người Pháp xây trại lính khố đỏ trong thành (nay là Lữ đoàn Hải quân 147) và xây trại khố xanh ở khu Văn Thánh miếu và Trường Giáo thụ. Nhân dân chuyển trường học Giáo thụ đến khu Chợ Rộc (khu vực gipa ranh giữa phường Quảng Yên và xã Tiền An của TX Quảng Yên).
Tuy nhiên, viên Công sứ Quảng Yên vẫn gửi Công văn số 28 ngày 27-3-1895 lên Công sứ Pháp tại Hà Nội xin trả lại văn miếu.
- Xem thêm: Báu vật chùa Trúc Lâm
Nội dung công văn viết: “Tôi xin hân hạnh thông báo để ngài biết các quan lại bản xứ và dân làng Quỳnh Lâu đã đề nghị cho họ được khởi phục việc tế lễ tại Văn Miếu – nơi trại lính Quảng Yên đang đóng quân”.
Bức điện số 831 ngày 2-4-1895 do Sở Quan hệ với người bản xứ của Chính phủ Bảo hộ Pháp gửi Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp lại có đoạn: “Ngôi chùa (thực ra là văn miếu) đã bị quân đội chiếm đóng từ năm 1884; đến năm 1888, do yêu cầu bảo mật, bên quân đội đã cấm người An Nam vào chùa cúng tế. Biện pháp này tỏ ra không hợp lý. Hiện nay, số quân đồn trú trong trại lính Quảng Yên đã giảm xuống nhiều, chỉ còn khoảng 30 người (lúc đầu là 2 đại đội). Vì vậy, kính mong ngài xem xét trả lại ngôi chùa cho bên dân sự để phục hồi việc tế lễ”.
Đến nay, Văn miếu Quảng Yên và Trường Giáo thụ không còn phế tích nhưng văn miếu vẫn tồn tại trong tâm thức những người già ở Quảng Yên. Người dân Quảng Yên vẫn còn gọi là nơi sư đoàn 395 đóng quân là trại lính văn miếu.
Hiện nay, hiện vật về văn miếu chỉ còn 2 tấm bia đá. Một tấm đặt tại Bảo tàng Bạch Đằng; tấm còn lại có đề 6 chữ Hán “Tiền giám sinh quan chức bi” (bia ghi quan chức giám sinh triều trước) nay mất tích chỉ còn nội dung bia được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Tấm bia lưu giữ ở Bảo tàng Bạch Đằng không có tên bia, chỉ ghi nội dung việc chuyển trường từ địa điểm cũ (khu vực Sư đoàn 395 hiện nay) đến địa điểm mới (khu vực chợ Rộc hiện nay).
Bia có chân đế hình con rùa cao 1,6m, có một mặt được khắc chữ. Bia được khắc vào ngày 4 tháng 5 năm Bính Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 18 (1906).
Văn bia có đoạn được Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa như sau: “Văn miếu Quảng Yên xưa là đất Yên Bang đã được xây dựng từ lâu. Vào những năm thuộc triều vua Minh Mệnh (1820-1840) phụng sắc lệnh dựng tại địa phận núi Long Nhãn thôn Khê Tranh, các mùa xuân, thu quan tỉnh khâm phụng sắc chỉ đến làm lễ tế theo như điển lệ. Từ khi có việc đó đến nay, vùng đất này đã thành bãi chiến trường hơn chục năm nay. Nay đạo lớn vẫn sáng ngời nhưng từ, chỉ thì trải mưa gió hủy hoại”.
- Xem thêm: Bảo vật quốc gia Việt Nam
Văn bia còn lại đã mất, hiện bản dập nội dung còn lưu lại ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm thể hiện bia có 4 mặt đều được khắc chữ Hán.
Mặt thứ nhất cho biết về đền thờ Khổng Tử: Trước đây đặt di tích đền thờ ngay trên đường, địa phận phía Đông giáp thôn Khê Chanh, phía Tây giáp xã Yên Hưng kéo đến bến Hoành, lại giáp xã Phong Lưu. Đền được thờ phụng đến năm Vĩnh Thịnh thứ 8.
Điều này được khắc đầy đủ trên bia đá. Trải qua lửa đạn chiến tranh, bia đã bị hư hỏng nặng. Các giám sinh Quốc tử giám 30 năm về trước lại dựa theo di chỉ cũ làm lại đền thờ, khắc như cũ.
Đến năm Giáp Tý, trấn dinh cho dời bia ra ngoài, lại gặp phải lúc binh lính của trấn thành Quảng Yên đánh nhau với cướp biển làm bia bị vỡ nát, đạo thống cho đến những điều tốt đẹp có nguy cơ không được tồn tại.
Hội tư văn của bản huyện đã cố giữ đưa ra ngoài gò đất cao bằng phẳng tại xứ Cựu Tôi cho dời nguyên 2 bia đá để đứng lập lại vị trí đền tọa lạc lộ thiên với ba tòa tam cấp và cũng y theo điển lệ cũ mà thờ tự.
Các sinh đồ cũ và mới cùng với những người đỗ đạt có tham dự vào hội tư văn của bản huyện lại tiếp tục truyền thống trọng đạo cho trùng tu bia thêm một lần nữa”.
Như vậy, mặt thứ nhất của bia đá ghi lại nhiều lần trùng tu văn miếu và khắc lại bia đá. 3 mặt bia còn lại ghi rõ tên tuổi quê quán và năm tháng đỗ đạt của từng người trong vùng.
Cuối cùng, ở mặt cuối bia chỉ ghi một ngày lành trọng thu (giữa mùa thu) năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) thì hoàn thành bia đá này.
Trong một bức tranh được người Pháp sưu tầm, đã in trên Nam phong tạp chí, cổng văn miếu Quảng Yên được miêu tả với kiểu cách và quy mô khá độc đáo, xây tựa như 1 tam quan với 3 lầu 2, 3 mái đắp nổi trên tòa mái dưới với 3 vòm cửa đi.
Tường tay ngai thước thợ với trụ lồng đèn nhô ra ở 2 bên ôm bọc không gian trước mặt cổng văn miếu. Trên góc trái bức tranh còn có 6 chữ Hán “Quảng Yên tỉnh văn miếu môn” (Cổng Văn miếu tỉnh Quảng Yên).
Thiết nghĩ, với giá trị độc đáo của mình, văn miếu Quảng Yên rất cần được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, phục dựng, phát huy giá trị tôn vinh sự học trong xã hội hiện đại.