Ngày 3-8 vừa rồi, Singapore công bố toàn bộ quảng trường Padang là biểu tượng quốc gia nhân kỷ niệm 200 năm Singapore từ một làng chài trở thành đô thị.
Đọc tin này, tôi không thể không nghĩ đến Sài Gòn của tôi – một đô thị cũng thoát thai từ một làng chài và một cung điện trong rừng, với niên đại lâu hơn, từ hơn 300 năm trước.
Quản trị bằng luật và bộ máy
Chậm nhưng không trễ, nhiều nước tiên tiến đã phát hiện và sửa chữa sai lầm bằng luật lệ và bộ máy cụ thể khi phát triển kinh tế mà lãng quên di sản.
Tại Singapore từ năm 1971, đã ra đời Luật Bảo tồn các tượng đài (Preservation of Monuments Act), quy định rõ thế nào là các biểu tượng lịch sử cùng chế độ giữ gìn và hình phạt việc xâm hại chúng.
Quyết liệt và toàn diện hơn, năm 1998, Singapore thông qua Luật Quy hoạch (Planing Act), chính thức đưa các khu vực bảo tồn nằm trong quy hoạch đất đai và xây dựng.
Đồng thời, nhà nước còn ra các quy định hướng dẫn cách thức xây sửa nhà cửa tại các khu vực bảo tồn.
Chính phủ Singapore hình thành rành mạch hai “cánh tay thép” giữ gìn di sản. Đó là National Heritage Board (NHB) – Tổng cục Di sản quốc gia, trực thuộc Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên, ra đời năm 1993.
Nhà nước giao cho NHB làm chiến lược và quy hoạch di sản, đồng thời trực tiếp quản lý hệ thống bảo tàng, xếp hạng và tu sửa các công trình di sản.
Bản thân NHB còn là người phát động phong trào người dân tham gia học hỏi, quảng bá và giữ gìn di sản thông qua nhiều lễ hội, phong trào thiết thực.
Hai năm trước, tôi đã gặp Tổng cục trưởng NHB trình bày cho dân biết dự thảo quy hoạch mới di sản của Singapore ngay tại sân triển lãm quy hoạch này, diễn ra ở thương xá Raffles City lộng lẫy.
“Cánh tay thép” thứ hai bảo vệ di sản ở Singapore là Urban Redevelopment Authority – URA, Tổng cục Chỉnh trang đô thị, trực thuộc Bộ Phát triển quốc gia (phụ trách xây dựng và địa ốc), thành lập năm 1974.
URA được giao thiết kế đô thị quy hoạch đất đai, quản trị các car park và bán đất công – thông qua đấu thầu, đồng thời là người giám sát xây dựng mới, và bảo tồn kiến trúc.
Năm 1996, khi lần đầu đến thăm URA trong một khóa học tìm hiểu về ASEAN, tôi được nghe một chuyên viên trẻ của URA cho biết cha anh ngày xưa từng đến Sài Gòn để học hỏi quy hoạch, đặc biệt là khu vực ngân hàng và xưởng đóng tàu, vốn dĩ có nhiều điểm tương đồng với Singapore!
Cả hai NHB và URA phối hợp với nhau giữ gìn được các công trình kiến trúc tiêu biểu của đảo quốc này thoát được cơn lốc tràn lan cao ốc mới, đồng thời còn tái tạo sinh động và giàu có cho các khu phố cổ China Town, Little India, Malay Village, Arab Street và nhiều nơi khác.
Trong khi đó, tại Anh – “chính quốc” của Singapore trước đây, từ năm 1882, đã có Ancient Monuments Protection Act – Luật Bảo vệ tượng đài cổ.
Đúng 100 năm sau, năm 1983, người Anh thông qua một bộ luật toàn diện hơn, mang tên National Heritage Act – Luật Di sản quốc gia (sửa đổi năm 2002).
Năm 1990, người Anh còn ra thêm Planing Act – Listed buildings and Conservation area – Luật Quy hoạch các tòa nhà và khu vực bảo tồn.
Từ thập niên 1970, Department of the Environment – Bộ Môi trường và hiện nay là Department of Culture, Media and Sports – Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao đảm nhận việc giữ gìn di sản.
Đến năm 1984, chính phủ Anh thành lập Historic Buildings and Monuments Commission – Ủy ban Các tòa nhà và tượng đài lịch sử, là cơ quan ngang bộ phụ trách toàn bộ các kiến trúc di sản. Xem ra, “cặp đôi” Singapore và Anh, liên thông văn hóa và học hỏi lẫn nhau, đều có cách quản trị di sản thông minh và sáng tạo.
Dân thụ hưởng và tham gia quản trị di sản
Từ năm 2013, chính phủ Anh đã dần dần chuyển Historic Buildings and Monuments Commission và một số cơ quan chính phủ liên quan di sản hợp thành English Heritage Trust (Quỹ Di sản Anh), một tổ chức không trực thuộc chính phủ nhưng được chính phủ tài trợ mỗi năm 80 triệu bảng Anh.
Ngoài tài trợ của nhà nước, Quỹ Di sản Anh có thu nhập từ các nguồn đóng góp từ thiện, hội phí (đã có hơn 1,3 triệu người dân tham gia hội với hội phí 60 bảng Anh/tháng), tiền vé vào cửa các di tích, thu nhập từ các dịch vụ ẩm thực, du lịch, hàng kỷ niệm từ địa điểm di sản.
Hiện nay, Quỹ Di sản Anh quản trị hơn 400 di tích lịch sử từ thời cổ đại (nổi tiếng như công trình Stone Henge) đến hiện đại.
Cùng thời gian này, tại Singapore, Bộ Văn hóa giao Thư viện quốc gia và Cục Lưu trữ Singapore tổ chức phong trào Singapore Memory – Ký ức Singapore.
Đây là cuộc vận động hướng dẫn người dân và nhất là giới trẻ ghi chép và tập hợp hình ảnh, phim ảnh, văn bản, chuyện kể truyền khẩu thể hiện ký ức xưa về Singapore qua câu chuyện sống động của từng cá nhân và từng gia đình.
Toàn bộ các tư liệu trên được Thư viện và Cục Lưu trữ số hóa trao lại cho gia đình, đồng thời lưu giữ cho nhà nước.
- Xem thêm: “Trả lại em yêu”: Bùng binh cây liễu
Đến ngày 14-5-2019, phong trào Singapore Memory đã tiếp nhận 1.081.143 tư liệu từ đông đảo người dân.
Tại các bảo tàng và thư viện ở Singapore, kể cả sân bay Changi, thường xuyên có các triển lãm cố định hay nhất thời về Singapore xưa, sử dụng chính các tư liệu do người dân đóng góp.
“Chơi sang” hơn, từ năm 2015, toàn bộ các bảo tàng của đảo quốc đều mở cửa miễn phí cho người dân Singapore, trong khi giá vé vào cửa cho người nước ngoài tối thiểu là 10 đôla Sing.
Coi di sản là môi trường và kinh tế
Cùng là thành viên khối Thịnh vượng chung – các cựu thuộc địa Anh, nước Úc gắn khái niệm di sản với môi trường sống.
Năm 1975, sau nhiều cuộc thảo luận nhiều năm, Quốc hội Úc nhất trí thông qua luật thành lập Australia Heritage Commission (AHC) là cơ quan liên bang tương đương bộ, phụ trách giữ gìn đồng thời di sản thiên nhiên và di sản văn hóa. Tại bang lớn nhất của Úc là New South Wales, có hẳn Bộ Môi trường và Di sản.
Năm 1999, Quốc hội Úc thông qua Environment Protection and Biodiversity Conservation – Luật Bảo vệ môi trường và Bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó di sản được coi là một phần không thể thiếu của môi trường. Không chỉ là “khí trời”, chính quyền và xã hội còn đồng thuận coi di sản là nguồn lợi kinh tế.
Tại bang South Australia, từ năm 2004, chính quyền tổ chức Festival of History – Lễ hội Lịch sử, kéo dài từ một tuần đến bốn tuần trong tháng 4 và tháng 5.
Đây là một chuỗi hoạt động bao gồm tham quan, nghiên cứu, thương mại, văn hóa văn nghệ nhằm tái tạo lịch sử nhiều mặt của thủ phủ Adelaide và toàn bang, trong đó có các cộng đồng dân tộc, bao gồm cả người Việt. Lễ hội phong phú này trở thành một trong những hoạt động chính thu hút du khách trong và ngoài nước Úc.
Tại Úc, các công ty địa ốc đều định giá cao các nhà cửa có giá trị lịch sử và các không gian kế cận. Các tòa nhà có giá trị lịch sử hoặc được xếp hạng di sản với nhiều cấp độ từ địa phương đến bang và liên bang.
Vào năm 1996, tòa nhà Bưu điện trung tâm Sydney – một lâu đài mỹ lệ, kiến trúc Victoria thế kỷ 19, nằm ở khu tài chính Martin Place, được chính phủ cho phép chuyển thành khách sạn Westin Syndey nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng xưa.
Mới đây, năm 2017, nơi đây chuyển thành khách sạn Fullerton. Nhà đầu tư mới mua tòa nhà với giá khoảng 101 triệu USD cùng cam kết “làm đẹp” lại tòa nhà và giữ nguyên thiết kế mặt ngoài, đồng thời phải mở cửa cho dân vào tham quan.
Trong đại sảnh của tòa nhà, các quầy giao dịch bưu điện và điện thoại vẫn được giữ lại như một bảo tàng độc đáo.
Khách sạn Fullerton Singapore – cùng một chủ đầu tư với khách sạn Fullerton Sydney, cũng được biến cải từ tòa nhà Bưu điện trung tâm Singapore.
Đảo quốc năng động này, không chỉ giữ gìn, trùng tu tốt các công thự và công trình xưa đẹp mà còn thử nghiệm thành công việc chuyển đổi công năng một số tòa nhà thích hợp, vừa giữ dấu ấn lịch sử, vừa sinh lợi kinh tế nhiều mặt.
Chẳng hạn, trại lính Fort Canning – di tích lịch sử, được chuyển thành khách sạn cao cấp. Hay như học xá Trung học St Joseph (được nhà nước xây trường mới ở nơi khác) chuyển thành trụ sở Bảo tàng Mỹ thuật. Hoặc, nhà máy Ford – nơi người Anh ký giấy thua trận người Nhật, trở thành bảo tàng Nhật xâm chiếm Singapore.
Năm 2015, chính phủ Singapore cho trùng tu hai tòa nhà City Hall và Tối cao Pháp viện – kề bên nhau, hợp nhất trở thành Singapore National Gallery với kinh phí hơn 580 triệu đô la Sing.
Với chi phí này, có thể xây được 10 tòa nhà chọc trời mới nhưng chính phủ vẫn kiên quyết dùng tiền này để tái tạo và nâng cấp các công trình kiến trúc lịch sử thành công trình văn hóa hiện đại.
Thật sự, “đầu máy di sản” ở Singapore và nhiều nước còn thúc đẩy phát triển một loạt ngành kinh tế như du lịch và thương mại, thiết kế và mỹ thuật, xây dựng và giao thông, kể cả đào tạo.
Cuối năm nay, theo chương trình đã lên lịch, Hội đồng nhân dân TP.HCM sẽ có phiên họp giám sát và chất vấn các cơ quan chính quyền về công tác di sản.
Từ đấy đến đó, hẳn những người yêu di sản đều mong mỏi các cơ quan dân cử không chỉ dừng ở đó mà rất cần thiết có những cuộc thảo luận và kế hoạch hành động để không những cứu giữ, tôn vinh di sản mà còn có phương cách sử dụng, sinh lợi một cách tường minh và thông minh đối với tài sản vô giá mà các thế hệ trước để lại.
Một số kiến trúc và cảnh quan mang ký ức lịch dử Sài Gòn đã biến mất hoặc biến dạng
- Bồn nước và vòng xoay giao lộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi (bùng binh Sài Gòn)
- Cột đồng hồ và giao lộ Nguyễn Huệ – Mạc Thị Bưởi
- Thương xá Tax (góc Nguyễn Huệ – Lê Lợi) và kế bên là khu garage xe hơi, nhà phố cao tầng, tòa nhà bách hóa Viễn Đông trên đường Lê Lợi
- Tượng đài Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang (trước cửa Nam Chợ Bến Thành)
- Tòa nhà 213 Catinat (nguyên là nhà khách và căn hộ cao cấp của nhà nước, bên cạnh trụ sở UBND TP.HCM)
- Thủy xưởng Ba Son
- Hai hàng cổ thụ trên đại lộ Tôn Đức Thắng (từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng đến khu vực Ba Son)
- Tòa nhà PG Bank, số 8 Lê Duẩn (nguyên là bảo tàng đầu tiên, trụ sở Hội Nghiên cứu Đông Dương)
- Tòa nhà Xổ số kiến thiết (rạp Thống Nhất) số 23 Lê Duẩn
- Nhà máy đèn Chợ Quán
- Lò gốm Hưng Lợi (quận 8)
Ngoài ra, còn có một số kiến trúc và cảnh quan xưa có nguy cơ bị đề xuất phá bỏ và xây mới: Tòa nhà Hải quan, Dinh Thượng thơ, khu biệt thự Nhà khách thuộc Sở Ngoại vụ (khu biệt thự Hui Bon Hoa 110 đường Lý Thái Tổ).