Từ lâu trên thế giới, hình thức đấu giá ngược trong thương mại điện tử (thông qua trang web, nhiều người bán tiếp cận một người mua và cố gắng đưa ra mức giá thấp nhất trong khoảng thời gian đấu giá) đã mang lại nhiều lợi ích cho bên mua hàng. Tại Việt Nam hình thức này tuy không được phổ biến nhưng mới đây, một ứng dụng Đấu giá ngược trên điện thoại thông minh do Tiến sĩ Ngô Trần Công Luận tạo ra hứa hẹn sẽ đem lại cho người tiêu dùng cơ hội mua hàng hóa chính hãng với giá tốt nhất.
Khách hàng sẽ đúng là Thượng đế
Lấy bằng Tiến sĩ Cơ học đất tại Đại học Oxford (Anh) năm 1997, Ngô Trần Công Luận là một trong những người đi tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ý tưởng về ứng dụng Đấu giá ngược đã được ông ấp ủ từ năm 2011. Cho đến cách đây hai tháng, hago.me chính thức ra đời sau hàng loạt phiên bản thất bại.
Là ứng dụng mua bán dành cho hệ điều hành iOS, hago.me được phát triển bởi Công ty Thương mại Hago.me do ông Luận sáng lập. Sau khi cài ứng dụng, khách hàng đăng tìm sản phẩm mình cần, các nhà cung cấp sẽ vào chào giá. Trong vòng 120 phút, khách hàng có thể chọn nhà cung cấp và trò chuyện trực tuyến để thỏa thuận mức giá. Cả hai phía đều ẩn danh trước khi đơn hàng được chốt.
Ông Công Luận cho biết: “Người bán không biết người mua và đối thủ là ai nên họ sẵn sàng hạ giá mà không ngại. Thực tế, cùng một sản phẩm nhưng với mỗi cửa hàng, mỗi người bán lại có cơ cấu thành giá đến tay người tiêu dùng khác nhau, trong những thời điểm khác nhau để cân đối doanh thu”. Chẳng hạn, những dự án căn hộ quy mô hàng đầu TP. Hồ Chí Minh hiện giờ có cả ngàn nhà môi giới. Cả ngàn nhà môi giới đó giới thiệu sản phẩm thuộc hàng trăm rổ hàng khác nhau. Người mua căn hộ nếu làm theo cách cũ là liên lạc với vài nhà môi giới thì rất có thể sẽ bỏ lỡ hàng trăm cơ hội mua nhà đúng yêu cầu với giá tốt nhất. Ngoài ra, khi cạnh tranh quyết liệt, các dự án bất động sản muốn giảm giá thì việc công khai giảm giá thường phải rất khéo léo, hago.me sẽ giúp các nhà môi giới thực hiện tốt điều này.
Ứng dụng hago.me hiện có khoảng 5.000 sản phẩm từ 500 cửa hàng. Dự kiến trong tháng tới, số sản phẩm sẽ tăng gấp đôi, với các ngành hàng giá trị sản phẩm lớn như nhà đất, ôtô, điện thoại, điện tử – điện lạnh, đồ dùng nhà bếp. Với mỗi cuộc trả giá, người mua không mất khoản phí gì. Ứng dụng này kiếm tiền bằng cách thu phí người bán khi muốn vào chào giá (từ 1.000 đồng/lần) và hoa hồng khi giao dịch thành công (từ 5.000 đồng). Hiện nay, mỗi người bán được ứng trước 1 triệu đồng trong tài khoản, khi sử dụng vượt quá số tiền này, họ sẽ được yêu cầu trả nợ để tiếp tục sử dụng.
Theo ông Công Luận, hàng hóa trên ứng dụng của ông có thể thấp hơn từ 5% đến 10% so với giá thị trường. Đôi khi, món hàng có thể hạ giá được 20% đến 30%. Bên cạnh đó là tiết kiệm thời gian hơn, bởi theo cách thông thường sau khi tìm kỹ thông tin chi tiết về sản phẩm, khách hàng sẽ dò giá trên internet và theo thói quen sẽ chọn ra ba, bốn điểm có mức giá vừa ý. Với hago.me họ chỉ cần hỏi giá, ngay lập tức sẽ nhận được nhiều câu trả lời.
Giấc mơ thương mại siêu tốc
Ngoài bất động sản và ôtô là nhóm hàng chính, hago.me kinh doanh cả mặt hàng điện tử, điện lạnh nhưng nhóm hàng này vẫn đang trong thời gian phát triển vì bên cạnh câu chuyện giá cả, kinh doanh các sản phẩm này còn đòi hỏi chất lượng sản phẩm và hoạt động kết nối với các bên giao hàng, thanh toán. Để tạo niềm tin ở khách hàng, các cửa hàng được hago.me lựa chọn đều bán hàng chính hãng, có thương hiệu và mới nguyên, có giấy chứng nhận đăng ký mới được ký hợp đồng bán hàng. “Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện chức năng này. Trước mắt, chúng tôi tập trung tạo thói quen mua sắm cho người sử dụng”, ông Công Luận cho biết.
Đầu tháng Bảy tới, hago.me sẽ phát hành trên hệ điều hành Android. Theo thống kê vào năm 2016 của GreenApp, nền tảng quảng cáo ứng dụng, chi phí cho mỗi lần cài đặt một người sử dụng điện thoại ở châu Á trên iOS là 0,9 USD và Android là 0,74 USD. Chắc chắn hago.me sẽ phải chịu tốn kém để thu hút người sử dụng mới. Hình thức sàn giao dịch trên ứng dụng di động với mức độ giao tiếp giữa người và người nhiều như hago.me chưa phổ biến ở Đông Nam Á, vì vậy công ty cần thời gian để định hướng người sử dụng. Và để đạt được lượng giao dịch cao, hago.me cần lượng người sử dụng rất lớn. Mục tiêu của doanh nghiệp này là thu hút được 100.000 cuộc trả giá trong ba tháng đầu.
Tiến sĩ Ngô Trần Công Luận cũng không giấu tham vọng của mình là đưa dịch vụ này đến tầm khu vực. Chẳng hạn một người Việt sang Singapore chơi nếu muốn mua điện thoại mới cũng có thể lên hago.me trả giá với những người bán hàng ở đó. Sử dụng app này, người mua không sợ bị lừa đảo khi mua hàng ở nước ngoài vì mọi chuyện sẽ được phản hồi trên toàn hệ thống. Ông chia sẻ thêm: “Với hago.me, người mua không nói chuyện với máy, với web, mà là đang đối thoại trực tiếp với người bán hàng, có bao nhiêu người bán người mua biết hết luôn, biết cả từng mặt hàng giá cả thế nào. Trả giá, đấu giá là chuyện bình thường, nhưng tôi muốn làm chuyện đối thoại trực tiếp. Tôi tin sau này kiểu trả giá như hago.me sẽ làm cho thương mại thay đổi hoàn toàn, vì sau mỗi hai giờ mọi giá cả đều thay đổi. Chính vì vậy mà tôi gọi nó là thương mại siêu tốc. Thương mại điện tử thì phải trải qua nhiều bước hơn nên có thể trở nên chậm chạp”.
Tại nhiều nước phát triển, hình thức đấu giá ngược là “cơn ác mộng” với các nhà bán hàng vì luôn phải đưa ra mức giá cạnh tranh nhất. Tuy nhiên ở các nước này, người mua chủ yếu là chính phủ hoặc các tập đoàn lớn. Ứng dụng đấu giá ngược trên smartphone cho người mua lẻ như hago.me chưa phổ biến trên thế giới nhưng cũng có thể tin vào dự đoán của ông Công Luận: “Khi người mua đưa ra giá cao hơn giá sàn hiện tại, họ sẽ mua được sản phẩm với mức giá tốt hơn hoặc bằng giá nhưng kèm thêm các ưu đãi. Khi người mua đưa ra giá quá thấp sẽ không có người chào bán”.