Câu nói: “Dùng thuốc Nam trị bệnh người nước Nam” (Nam dược trị Nam nhân) của ông Tổ thuốc Nam – Tuệ Tĩnh đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ lương y Việt Nam.
Nhà thư mục học nổi tiếng E. Gaspardone (Pháp) hoàn toàn có lý khi viết trong tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ: “Có thể nói không quá đáng rằng, Tuệ Tĩnh là người sáng lập thật sự ra nghề thuốc Việt Nam. Về sau Hải Thượng Lãn Ông là người tuyên truyền có hiệu quả về nghề này”.
Không chỉ tại Hải Dương, trên đất nước ta còn có nhiều nơi thờ Tuệ Tĩnh – nhằm tôn vinh và ghi nhớ công ơn của ông từng thể hiện qua câu đối xưa mà nay còn lưu truyền:
Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh;
Sống nhờ cửa Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm giang.
Về tiểu sử của ông, cho đến nay vẫn còn có nhiều nguồn tài liệu khác nhau, chưa thống nhất. Nhà thư mục học Trần Văn Giáp khi biên soạn Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn tư liệu văn học, sử học Việt Nam (NXB Văn Hóa – 1984) chỉ viết dè dặt: “Theo tục truyền Tuệ Tĩnh thiền sư tên thực là Nguyễn Bá Tĩnh”.
Thế nhưng, “Theo sách Hải Dương phong vật chí (mục danh y) thì thiền sư tự là Vô Dật, hiệu Thận Trai, Tuệ Tĩnh là pháp hiệu; không rõ tên thật là gì.
Ông quê ở làng ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Hưng, sống vào khoảng giữa thế kỷ XVII.
Theo sách Hồng nghĩa giác y thư, Tuệ Tĩnh tu ở chùa Hộ Xá, huyện Giao Thủy, tỉnh Hà Nam Ninh nên sách của ông thường ghi khắc in ở chùa Hộ Xá” (Sđd, tr.420-421). Với sự thay đổi về ranh giới hành chánh, chùa Hộ Xá nay thuộc tỉnh Nam Định.
Nhiều tài liệu ghi nhận, Tuệ Tĩnh mồ côi mẹ lúc 6 tuổi, được các nhà sư nuôi ở chùa cho ăn học. Nhưng cụ thể ở chùa nào, hầu như các nguồn tài liệu cũng không thống nhất.
Có thể, từ chi tiết được các nhà sư cưu mang nên dân gian mới lưu truyền giai thoại như nhà báo Vũ Kiên đã ghi nhận: “Thấy Bá Tĩnh tư chất thông minh, nhà sư trụ trì chùa đã hết mực thương yêu và dạy dỗ, cho cậu học sách thánh hiền.
Ngay từ tuổi nhỏ, tự mình trải nghiệm cảnh cha mẹ chết sớm vì bệnh tật hiểm nghèo, lại được chứng kiến cảnh dân tình sống cơ cực, đau ốm không có thuốc men, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh không được chăm sóc, nạn hữu sinh vô dưỡng và chết non, chết yểu, chết oan đập vào mắt mình hằng ngày làm cho Bá Tĩnh day dứt, suy nghĩ.
Tủ sách nhà chùa khá phong phú. Ngoài việc dùi mài kinh sử, cậu say mê tìm đọc các sách về y lý, y thuật, mong sau này có thể chữa bệnh cứu người. Cậu còn được giao việc trông nom vườn thuốc và vườn cây cảnh của nhà chùa.
Vườn chùa quanh năm có cây thuốc xanh tốt, hoa cảnh rực rỡ, hương thơm ngào ngạt. Trong các loài hoa do tay mình vun trồng, Bá Tĩnh thích nhất hoa huệ.
- Xem thêm: Báu vật chùa Trúc Lâm
Một hôm nhà sư trụ trì ở chùa ra thăm vườn, thấy Bá Tĩnh cắm cúi vun xới luống hoa huệ, cụ rất hài lòng.
Từ nơi sâu thẳm của lòng thiền, bỗng trào lên một niềm vui khó tả, nhà sư nghĩ đến tương lai của cậu bé, tuy nhà nghèo, nhưng biết thương người, thông tuệ khác thường, lại cần cù, chăm chỉ, học đâu nhớ đấy, nhà sư ngẫu hứng ngâm:
Hoa khai bất trạch bần gia địa;
(Hoa nở không chọn đất nhà nghèo hay giàu)
Bá Tĩnh nghe đọc, lòng bồi hồi xúc động, hứng khởi đối lại:
Đức thụ tự bồi phúc quả chung.
(Trồng vun cho cây đức thì được quả phúc)
Nhà sư sung sướng, thương mến nhìn Bá Tĩnh, lấy ngay chữ Huệ đặt cho Tĩnh, gọi là Huệ Tĩnh, cũng chính là Tuệ Tĩnh – bậc danh y có công xây dựng nền y học dân tộc nước ta.
Những việc làm cùng kết quả của nhiều năm nghiên cứu cần cù và phục vụ tận tụy của ông đã minh chứng: Tuệ Tĩnh đã vun trồng cây đức thì được quả phúc” (Báo Sức khỏe & đời sống, ngày 27-2-2006).
Xưa nay, có tài liệu cho rằng, năm 22 tuổi, Tuệ Tĩnh thi đậu Thái học sinh dưới triều Trần Dụ Tông (1341-1369) nhưng không ra làm quan. Ông ở chùa đi tu, làm thuốc chữa bệnh giúp dân, lấy pháp danh Tuệ Tĩnh.
Chi tiết này, liệu có xác thực? Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp: “Nhưng tìm trong các sách Đăng khoa lục, không thấy chép tên các Thái học sinh đời Trần Dụ Tông và cũng không thấy tên Nguyễn Bá Tĩnh đậu Thái học sinh đời Trần. Khảo về đời Lê Dụ Tông (1705-1731) thì chỉ thấy có tên Nguyễn Quốc Tĩnh, người làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, đậu đồng Tiến sĩ khoa Vĩnh Thịnh thứ 6 (1700), tức năm thứ 6 đời Lê Dụ Tông mà không thấy tên Nguyễn Bá Tĩnh. Vậy có thể, truyền thuyết sai từ Lê Dụ Tông sang Trần Dụ Tông và từ Nguyễn Quốc Tĩnh sang Nguyễn Bá Tĩnh” (Sđd, tr.421).
Sau này, đoàn khảo sát của các nhà sử học khi đến chùa Giám (tức Nghiêm Quang tự) ở Hải Hưng, sau khi nghiên cứu tấm bia Vĩnh Thịnh (1717), GS Hà Văn Tấn và Đỗ Tất Lợi tạm thời kết luận: “Tuệ Tĩnh có tên đầy đủ là Chân An Giác Tính Tuệ Tĩnh thiền sư, tự gọi là Trúc Lâm đầu đà (thuộc phái Trúc Lâm) – xuất gia từ bé và mất năm 1713.
Tài liệu và tiểu sử dù chưa thống nhất, nhưng có một điều chắc chắn là ngài còn để lại đến ngày nay hai bộ sách quý Nam dược thần hiệu, Hồng nghĩa giác tư y thư. Công đức này đã được nhân dân Việt Nam tôn vinh là “Việt Nam y thánh”.
Ngài đã dành trọn đời mình để thể hiện Y phương minh – tức là kết hợp việc giảng kinh với việc cứu tế chữa bệnh cho dân làm phương tiện cứu độ của một tu sĩ Phật giáo” (Tạp chí Lạc Thiện của Tuệ Tĩnh Đường TP.HCM – 1995, tr.10).
Cũng theo truyền thuyết, năm 55 tuổi, Tuệ Tĩnh bị bắt đi cống triều Minh (Trung Quốc). Sang đó, ông giữ chức Y tư cửu phẩm và nổi tiếng là một thầy thuốc giỏi.
Có lần Tuệ Tĩnh chữa bệnh cho Tống vương phi (vợ vua Minh) khỏi bệnh sản hậu nên được phong Đại y thiền sư. Chính vì lẽ đó nên hiện nay, ở các đền thờ Tuệ Tĩnh đều có những câu đối ngụ ý về chuyện này, chẳng hạn:
Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa;
Thánh sư liệu dược trấn Nam bang.
(Thi đậu Hoàng giáp tiếng thơm lẫy lừng phương Bắc;
Chữa bệnh thần diệu, tài nghệ vang lừng khắp trời Nam)
Tương truyền sau khi ông mất, vua Minh thương tiếc cho chôn cất gần Hoàng thành, và dựng bia kỷ niệm.
Đời sau, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho người cùng làng, khoảng năm 1671 đi sứ sang Trung Quốc, có phát hiện tấm bia trên ngôi mộ Tuệ Tĩnh có ghi: “Về sau có ai bên nước nhà sang, nhờ cho hài cốt tôi về với”.
Nếu đúng như thế, rõ ràng, không phù hợp với thời gian mà tấm bia Vĩnh Thịnh ghi năm mất của ông là năm 1713.
- Xem thêm: Những ngày xưa thân ái…
Dù tiểu sử, hành trạng của Tuệ Tĩnh thiền sư chưa thống nhất nhưng điều trước nhất cần phải ghi nhận, ông là bậc danh y rất có ý thức đề cao vai trò tự chủ của người Nam. Trong bài phú Nam dược quốc âm, ông viết:
Tôi tiên sư kính đạo tiên sư
Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt.
hoặc trong bài phú Chỉ dẫn tính năng các bài thuốc, ông cũng nêu rõ:
Muốn giúp nhân dân
Trước tìm vị thuốc
Sách trời đã định cõi Nam bang
Thổ sản cũng khác miền Bắc quốc
Quyển Nam dược thần hiệu là cuốn sách thuốc Nam có hệ thống đầu tiên của nước ta, trong đó có trên 500 vị thuốc được ghi tính vị và công dụng của nó.
Xin trích lời Tựa của Hòa thượng Bản Lai viết năm Tân Tỵ dưới đời Lê Cảnh Hưng: “Mong rằng sách này được truyền đi nhiều nơi để mọi người thấu rõ tấm lòng của tiền nhân và lấy đó để chữa cho mình, cho gia đình mình và giúp ích cho nhân quần xã hội, thì cái đức sáng lưu truyền trăm đời gội nhuần ơn giáo hóa. Như vậy đã lợi cho mình lại lợi cho người, việc nghĩa đó sẽ sáng chói mãi mãi vô cùng”.
Trong sách này, thiền sư Tuệ Tĩnh không chỉ nghiên cứu thảo mộc nước Nam dùng để chữa bệnh mà còn sưu tầm ý nghĩa các bài thuốc lưu truyền trong dân gian.
Qua đó, ông thu thập kinh nghiệm xây dựng nền y học có tính chất dân tộc, đại chúng. Còn trong Hồng nghĩa giác tư y thư, thiền sư Tuệ Tĩnh đã nói về những điểm mấu chốt trong y lý, các kinh nghiệm, các phép trị bệnh v.v…
Năm 1717 khi in lại sách này, các quan Thị nội trong phủ Chúa đã viết Tựa khẳng định công đức của Tuệ Tĩnh: “Lưu truyền đến nay, tiếng tăm vang dội bốn phương”; và “giao cho nhà sách khắc bản ấn hành để truyền bá trong nước, cho ân đức được gội khắp thiên hạ. Mong thấy toàn dân đều bước lên cõi thọ, đời này còn vui hưởng đài xuân, thật một việc bổ ích không phải là nhỏ”.
Nếu Thiền sư Tuệ Tĩnh – ông Tổ thuốc Nam, người đầu tiên xây dựng truyền thống y dược học dân tộc thì danh y Lê Hữu Trác một lần cũng nữa khẳng định ở nước ta có nguồn dược liệu phong phú để chữa bệnh:
Thuốc thang sẵn có khắp nơi
Trong vườn, ngoài ruộng, trên đồi, dưới sông
Hàng ngàn thảo mộc, thú trùng
Thiếu gì thuốc bổ, thuốc công quanh mình
Cũng như Thiền sư Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được nhân dân ta tôn vinh Đại y tôn Việt Nam.
Đúc kết tâm nguyện của về y đức, Hải Thượng Lãn Ông đã để lại Cách ngôn dạy người làm thuốc. Thiết nghĩ, những lời vàng ngọc này cũng đã làm sáng tỏ hơn nữa tư tưởng Nam dược trị Nam nhân của Tuệ Tĩnh:
- Học thuốc phải thấu hiểu cả nho lý, rỗi nên xem những sách thuốc của các bậc lương y thời trước, để gặp bệnh biết thông biến, mới khỏi sai lầm.
- Nếu nhà bệnh có mời, nên tùy bệnh nặng nhẹ mà đi xem, chớ thấy người phú quý mà đi trước, nhà bần tiện mà đi sau.
- Xem mạch cho đàn bà, con gái, nhất là gái góa và các ni cô, phải bảo một người đứng bên cạnh để tránh sự hiềm nghi.
- Đã là nhà làm thuốc phải để ý giúp người, mà không nên vắng nhà luôn, nhất là đi hành lạc.
- Gặp chừng bệnh ngặt, muốn hết sức cứu vãn, nhưng nói cho người nhà có bệnh biết trước là bệnh khó chữa, rồi hãy cắt thuốc.
- Thuốc phải chọn vị tốt và bào chế đúng phép, chứ không được cẩu thả.
- Gặp người đồng nghiệp, người học hơn mình thời thờ làm thầy; người cao hơn mình thì kính cẩn; người kém mình nên khuyên bảo thêm; dù gặp người kiêu ngạo cũng nên khiêm nhường.
- Chữa bệnh cho người nghèo và quan quả cô độc, ta càng thêm lưu ý, nhất là người con hiếu, vợ hiền hay nghèo mà bị bệnh, thời ngoài sự cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm, nếu không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật.
- Khi bệnh nhân khỏi, chớ cầu trả lễ nhiều, nên để họ tùy ý vì làm thuốc là thuật thanh cao, thời phải có tiết thanh cao.
- Tôi xét, làm thuốc là nhân thuật giữ tính mạng cho người, vậy không nên mưu lợi. Ngạn ngữ có câu: “Ba đời làm thuốc hay tất đời sau có người làm nên khanh tướng”. Tôi thường thấy các thầy thuốc tầm thường, hoặc nhân cha mẹ người bệnh ốm ngặt, hoặc nhân lúc nguy cấp về đêm tối, mà bệnh dễ chữa bảo là khó, bệnh khó bảo là không chửa được, thế là lập tâm bất lương; hơn nữa đối với người cao cấp thì ân cần để tính lợi, đối với người nghèo túng thời lạnh nhạt coi thường, cho việc làm thuốc như nghề buôn bán, thời không đáng kể. Cổ nhân có nói: “Không làm quan giỏi cũng làm thầy thuốc giỏi”, vậy tôi chỉ nghĩ sao cho không hổ với lương tâm, nên bệnh nào không thể chữa được, thời báo trước cho nhà có bệnh biết. Nếu gặp những người tiếc của coi thường tính mệnh, hay là không đủ ăn mặc, thời tôi lại chu cấp thêm”.
Có thể nói Cách ngôn dạy người làm thuốc của Hải Thượng Lãn Ông không kém gì Lời thề của danh y Hippocrate.
Về bộ sách Nam dược thần hiệu, Hồng nghĩa giác tư y thư của Tuệ Tĩnh, năm 1960, Nhà xuất bản Y học (Hà Nội) đã in bằng tiếng Việt lần đầu tiên do nhóm tu thư – phòng huấn luyện Viện Nghiên cứu Đông Y phiên dịch theo chủ trương của Bộ Y tế.
Đến nay, Toàn tập Tuệ Tĩnh đã được tái bản nhiều lần, sách dày trên 600 trang, khổ 19 x 27cm.
Viện Nghiên cứu Đông Y Việt Nam đã khẳng định giá trị của hai bộ sách này: “Tuệ Tĩnh là một danh y Việt Nam đã mở đường cho sự nghiên cứu thuốc Nam, xây dựng cho nền móng y học dân tộc. Tuệ Tĩnh đã tổng hợp và để lại nhiều bài thuốc kinh nghiệm quý báu cho một số khác nhiều bệnh tật. Đó là một tài liệu có giá trị lớn cho sự kế thừa và phát huy vốn cũ Y dược của nhân dân ta, thật là một cống hiến rất lớn”.
- Xem thêm: Kể chuyện thuốc Bắc
Tiếp thu thành tựu này, về sau, Hải Thượng Lãn Ông khi biên soạn Y tôn tâm lĩnh cũng đã tham khảo, chẳng hạn, ở phần Lĩnh Nam bản thảo, ông đã thừa kế 497 vị thuốc Nam và chép thêm hơn 300 vị thuốc được bổ sung thêm công dụng hay mới phát hiện thêm v.v…
“Đây là một công trình kế thừa có phê phán và sáng tạo trước tác y học của nhiều thế hệ, một công trình được xem là bộ “bách khoa toàn thư” y học của thế kỷ XVIII và cũng là bộ sách y học xuất sắc nhất trong suốt thời kỳ phong kiến” (Từ điển văn học – Tập 1, NXB Khoa học Xã hội – 1983, tr.382).
Bộ sách quý Y tôn tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông, nay đã được dịch ra chữ Quốc ngữ, dày đến 3.000 trang in!
Năm 1962, thực hiện việc trao đổi văn hóa quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, Thư viện Quốc gia nước ta có tặng Bắc Kinh đồ thư quán bộ sách này và họ đã viết lời giới thiệu trân trọng: “Sách Lãn Ông Tâm Lĩnh vừa phong phú, vừa phát huy thêm được học thuyết của họ Phùng, vì thế có thể gọi ông là người đã tập hợp được kết quả tốt của mọi nhà làm thuốc, phát huy được nhiều điều mà người trước ông chưa phát hiện, có thể gọi ông là bậc “Thánh thuốc” của Việt Nam.
Nếu ta ví Nguyễn Du là J.W. Goethe của Vệt Nam, thì ta cũng có thể gọi Lê Hữu Trác là Lý Thời Trân của Việt Nam” (Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, NXB Văn Hóa – 1984, tr.427).
Sự so sánh này rất chính xác, bởi lẽ Lý Thời Trân (1518-1593) cũng là danh y dưới triều nhà Minh, từng chữa bệnh cho con trai Sở vương Chu An Nghiệm, được tiến cử vào Thái y viện ở Bắc Kinh và là tác giả của bộ y dược Bản thảo cương mục gồm hơn 190 vạn chữ – một cống hiến vĩ đại của ông cho Trung y học.
Năm 1970, Bộ Y tế nước ta đã tổ chức trọng thể kỷ niệm 250 năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Nhà nghiên cứu Văn Tân – Viện Sử học, trong tham luận của mình đã rút ra sáu bài học, trong đó có nêu rõ: “Cũng như Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác có ý thức dân tộc, ông chủ trương dùng thuốc Nam để chữa bệnh cho người Việt Nam. Chủ trương của ông phù hợp với nguyện vọng và túi tiền của dân nghèo, vì nó làm cho dân nghèo có điều kiện chữa bệnh”.
Khi tôn vinh Tuệ Tĩnh là ông Tổ thuốc Nam, chúng ta một lần nữa lại nhớ đến lời khẳng định của các quan nội thị, quan y viện trong phủ chúa triều Lê đã khẳng định từ năm 1717: “Nước ta từ khi lập quốc trên cõi Nam, kể có hàng trăm nghìn người làm thuốc, nhưng hỏi đến việc trứ tập lập ngôn, để mở bến bắc cầu cho người hậu học thì như tìm cá trên ngọn cây, thật là hiếm thấy.
Gần đây có bậc lão sư, hiệu Tuệ Tĩnh, người làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Gàng, phủ Thượng Hồng, ông là một nhà sư mà nghiên cứu rộng về lẽ âm dương huyền bí, tìm hiểu sâu về đạo Kỳ Bá, Biển Thước tinh truyền, từng soạn tập bản thảo bằng quốc âm… Dụng tâm thật là nhân hậu tốt đẹp”.
- Xem thêm: Tương quan giữa thức ăn và dược phẩm
Để ghi nhớ công lao trời biển của Tuệ Tĩnh thiền sư, từ sau đại hội Phật giáo Việt Nam kỳ 2 (1987) những cơ sở chữa bệnh đặt tại các chùa đều thống nhất mang tên Tuệ Tĩnh Đường.
Điều này xuất phát từ truyền thống lâu đời: Các nhà chùa làm thuốc để chữa bệnh cho dân nghèo. Ngọn cờ “Nam dược trị Nam nhân” mãi mãi tỏa sáng trong Y học và Y giới Việt Nam.