Nhớ thời còn “ăn cơm tấp thể, nằm giường cá nhân”, thuốc men cực kỳ thiếu thốn, tôi có anh bạn cùng cơ quan bị tiêu chảy lâu ngày không dứt. Tôi hỏi sơ anh ta về triệu chứng, nhằm phân biệt “nhiệt tả” hoặc “hàn tả”. Người Hoa có câu khẩu quyết: “huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh đằng, tam huỳnh giải nhiệt”, chỉ tốn mấy hào, mua một vị hoàng bá sắc cho anh ta uống là hết bệnh liền. Người đồng sự của tôi hết đỗi ngạc nhiên: “Dường như người Hoa các anh ai cũng là thầy lang bẩm sinh”!
Đông y trở thành một phần hành trang vào đời
Dĩ nhiên, không phải người Hoa nào cũng là thầy lang, nhưng từ khi cất tiếng khóc chào đời, mỗi gia đình người Hoa hoặc ít hoặc nhiều, đều có sử dụng thuốc Bắc. Hằng ngày mắt thấy tai nghe, nên kiến thức về thuốc Bắc đã trở thành một phần hành trang vào đời, đóng góp lớn cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nhớ hồi nhỏ đi học, mẹ tôi bắt phải mang theo một bình nước sắc phòng đảng hoàng kỳ thay nước uống để giải nhiệt. Về sau, tôi mới biết mấy vị thuốc đó có tác dụng nâng cao sức miễn dịch cơ thể, giúp phòng ngừa bệnh tật. Miền Bắc vào hè, khí trời oi bức, trong nhà luôn chuẩn bị nước sắc hoa kim ngân uống với đường thẻ, vị rất ngon và có tác dụng giải nhiệt tiêu độc. Khi trẻ con trong nhà mọc rôm sảy, mẹ tôi hay nấu canh cua nước với sinh địa, không cần đến thuốc Tây cũng hết bệnh. Đến nay, tôi vẫn còn thích ăn món canh này, mặc cho vợ con chê có vị nhằng nhặng đắng.
Hồi nhỏ, tôi hay bị lở miệng, có khi đau đớn không ăn nổi cơm. Lúc đó, bố tôi hay ra tiệm thuốc Bắc mua một gói nhỏ “băng bằng tán”, bôi chừng vài lần là khỏi. Lớn lên, tôi vẫn hay bị lở miệng, đây là chứng bệnh do nhiễm virus, Tây y không có thuốc đặc trị, nhưng Đông y có nhiều loại thành dược, như “tây qua sương” làm từ vỏ dưa hấu, nhưng không hiệu nghiệm bằng “băng bằng tán” trước đây, có lẽ do loại thuốc này chứa borax (bằng sa), nên không còn sản xuất nữa.
Năm 1946, khi thực dân Pháp quay trở lại miền Bắc, gia đình tôi phải tản cư về vùng tự do. Trong lúc gian nan phiêu bạc, thuốc men khan hiếm, tôi lại hay lên cơn kinh giật, nhờ có thuốc lục thần hoàn mẹ tôi mang theo mới bảo tồn được tính mạng. Do điều kiện sinh hoạt lúc đó không đảm bảo vệ sinh, mọi người hay bị tiêu chảy, thậm chí dịch tả, phải nhờ đến thuốc thần công tế chúng thủy.
Đông y quảng bá khắp thế giới
Đông y tuy bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng đã mang tính quốc tế, trở thành tài sản chung của các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Hàn Quốc gọi Đông y là “Hàn y”, còn lập hồ sơ xin đăng ký di sản văn hóa thế giới phi vật thể cho riêng mình.
Theo bước chân không mệt mỏi của người Hoa và người Việt, Đông y cũng lan tỏa khắp thế giới, được các nước phương Tây nhìn nhận. Cách đây 20 năm, nước Mỹ đã cho phép những thầy thuốc có chứng chỉ của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hành nghề Đông y. Anh Quốc nay có 16.000 thầy thuốc hành nghề châm cứu; Đức là nước sử dụng đông thảo dược rộng rãi nhất châu Âu, có hẳn một Viện Nghiên cứu Đông y.
Tôi có anh bạn đồng học trước đây mở phòng mạch ở Montréal – Canada, hành nghề chữa bệnh và châm cứu, nhập khẩu các dược liệu Trung Quốc. Điều khiến tôi ngạc nhiên là phòng mạch anh ta không những đông khách, những người đến chữa bệnh không chỉ có người châu Á, mà có tới một nửa là dân Tây. Anh ta nhớ lại, Đông y có được vị trí như hôm nay phải trải qua muôn nỗi gian truân. Năm 1996, nhân viên kiểm tra dược phẩm sở Y tế tỉnh bang Québec xét nghiệm thấy một sồ vị đông dược như bả đậu, mã tiền, ma hoàng, dương địa hoàng có chứa độc chất, nên đã ra lệnh niêm phong. Anh bạn tôi đấu tranh không mệt mỏi, viện dẫn nguyên lý “quân thần tá sứ”, âm dương ngũ hành, tương sinh tương khắc trong Đông y, có thể giảm bớt hoặc triệt tiêu độc tính của dược thảo. Không ngờ các quan viên mắt xanh mũi lõ cũng nghe vô được một mớ lý luận siêu hình đó, 6 tháng sau lệnh cấm được giải tỏa.
Trong khi các nước phương Tây phổ biến công nhận Đông y, thì Nhật Bản lại ra lệnh cấm Đông y (họ gọi là “Hán y”) từ thời Minh Trị Thiên Hoàng (cuối TK 19). Tuy vậy, họ không cấm đông dược và từng sáng chế ra các loại thành dược nổi tiếng như chính lộ hoàn (trị tiêu chảy), cao dán tuokuko; nhưng đông dược phải trích ly, cô đặc theo quy trình Tây y, không được sắc thuốc tại gia. Mặc dù chúng ta chưa hẳn hoàn toàn tán đồng cách làm của họ, nhưng sự thật mạnh hơn hùng biện, trong vòng hơn 40 năm, Nhật đã nâng bình quân tuổi thọ quốc dân từ 30 tuổi lên 82 tuổi, dẫn đầu thế giới. Không những chỉ cấm Đông y, họ còn phế bỏ Âm lịch và Tết Nguyên đán, cưỡng bức thực hành ưu sinh (loại những người có khuyết tật về gien ra ngoài vòng sinh sản). Không biết có phải họ dám mạnh dạn cải cách, mới tạo nên một nước Nhật cường thịnh trên đống tro tàn?
Trung Quốc chú trọng kết hợp Đông-Tây y, nên nhiều loại thành dược của Trung Quốc chứa tân dược, điều đó ở Singapore và các nước phương Tây bị nghiêm cấm. Ví dụ thành dược “tiêu khát hoàn” chữa bệnh tiểu đường mỗi viên chưa 2,5mg Gibenclamide, có tác dụng hạ đường huyết rất mạnh, dễ gây sốc do hạ đường huyết, người sử dụng phải thận trọng.
Tôi tự chữa bệnh nan y bằng dược thảo
Trở về thời xí muội
Cả tháng trời, tôi bị ho sặc sụa, mất ăn mất ngủ. Tôi đã quay như chiếc bông vụ, chạy đôn chạy đáo theo các chỉ định dựa trên những giả định bệnh do bác sĩ tưởng tượng ra, bao bồm: suyễn, thuyên tắc đường hô hấp, di vật phổi, viêm phế quản thể hen v.v. Tôi đã tốn hơn 20 triệu làm đủ thứ xét nghiệm bao gồm cả cắt lớp vi tính tạo hình dùng chất cản quang khá phức tạp MSCT, khi làm phải ký giấy cam kết như lên bàn mổ.
Người Trung Hoa thường nói: “Đã là thưốc đều có 3 phần độc”, uống nhiều thuốc quá, tôi cảm thấy tay run, đi không vững, cực kỳ hư nhược. Có lần đến tiệm thuốc Bắc mua thuốc hoàn tán, tình cờ thấy bày bán ô mai trần bì Hong Kong, tôi mua về ăn chơi. Có lần đang lên cơn ho, tôi ngậm ô mai. không ngờ cơn ho thuyên giảm ngay. Tôi lặp lại nhiều lần, rồi bỏ hẳn các loại thuốc Tây trị ho, đến nay đã im bặt tiếng ho. Dần dần, 25.000đ/gói ô mai, tôi còn chê mắc, chỉ dẫn vợ ngào vỏ quýt với nước muối, cũng hiệu nghiệm không kém.
Mang chuyện của tôi kể lại cho bác sĩ điều trị nghe, thì được một phen chế giễu. Bác sĩ cho là chắc tôi thấy các em mặc váy ngắn đầy đường, nên muốn trở lại thời xí muội (?!) thật là dở khóc dở cười, chỉ còn cách về nhà chia sẻ với cô vợ kiêm chức “y tá” không chuyên lo thuốc thang cho tôi.
Chữa thết ngữ broca
Tháng 3.2016, tôi bị cơn đột quỵ phải nhập viện 115. Mấy ngày đầu, khả năng phát âm và viết chữ hoàn hoàn bị mất; sau đó tuy khôi phục dần, nhưng nói ngọng nghịu, vợ tôi cũng nghe không hiểu, phải nhờ cô con gái tôi có bằng thạc sĩ ngôn ngữ học làm thông dịch. Tôi cầm tờ giấy xuất viện với chẩn đoán “nhồi máu não, xuất huyết não thất trái, rối loạn ngôn ngữ Broca, rung nhĩ trái”. Qua nội soi, phát hiện dây tanh trái của tôi liệt hoàn toàn, Tây y bó tay.
Để điều trị chứng thất ngữ, ở nước ngoài có ngôn ngữ sư (language theraoiist) chuyên nghiệp, ở ta, chỉ là bộ môn phụ thuộc của vật lý trị liệu. Họ chia bệnh nhân ra 6 cung bậc, bắt đầu luyện tập từ “a…quả na”, chữ cái, cho tới các từ phản nghĩa, màu sắc v.v. như dạy em nhỏ vỡ lòng. Tôi tự thấy chẳng có “khóa học” nào thích hợp cả, chữa bằng châm cứu có hiệu quả đối với những người bị liệt nửa người, miệng méo xếch theo kiểu “còn nước còn tát”; đối với những bệnh nhân “nửa vời” như tôi hoàn toàn vô hiệu, đành phải trông cậy vào phục hồi tự thân.
Một năm sau, ông bạn già Chu Ứng Xương, làm đồ gỗ nghệ thuật kiêm nhà thư pháp, giới thiêu tôi uống “An cung ngưu hoàng hoàn” của Đồng Nhân Đường Bắc Kinh. “An cung ngưu hoàng hoàn” ngoài ngưu hoàng (sỏi mật con bò) làm chủ lực, còn có các vị hùng hoàng, châu sa, mạt vàng, đều là những chất cực độc. Xuất phát từ tâm lý “có bệnh vái tứ phuơng”, hơn nữa, tiếng tăm của Đồng Nhân Đường quá lớn làm cho tôi tin tưởng và uống ngay không do dự. Đến nay, di chứng đột quỵ đã dược khắc phục dần, tiếng nói cũng khôi phục được 90%, có thể đọc thơ trước đám đông.
Chữa nhức xương bằng vỏ quế
Khoảng 10 năm trước, tôi bỗng dưng vô cớ bị nhức ống xương, đau ê ẩm khắp người, nhưng lại không chỉ rõ được đau ở vị trí nào, đến nỗi đi lại trong nhà cũng phải chống gậy. Đi khám 1 vị bác sĩ nội thần kinh khá nổi tiếng ở đường Cống Quỳnh, thì được chẩn đoán là viêm quanh khớp, yêu cầu tôi phải nhập viện ngay. Hôm đó, đã là ngày 28 Tết, nên tôi không đủ can đảm ăn Tết ở bệnh viện.
Tết năm đó, má tôi dọn dẹp đồ đạc, phát hiện có vài thanh quế xứ Thanh để lâu không sử dụng tới, nên cho tôi. Coi như “tận dụng phế liệu”, tôi mang xay thành bột uống để đuổi phong hàn. Không ngờ đúng bệnh, uống đến dâu tôi cảm thấy như có 1 luồng khí nóng chạy khắp cơ thể, bệnh tình thuyên giảm tức thì như liều thuốc tiên. Người Hoa có câu “thập bệnh cửu hàn”, bệnh đau nhức hầu hết do hàn tà xâm nhiễm, nên uống quế có thể ấm tỳ vị, khu phong hàn, nhưng phải phối hợp “quân thần tá sứ”. uống 1 vị độc nhất mà kiến hiệu ngay lập tức như tôi có lẽ là ngoại lệ.
Nhục quế có thể mua dễ dàng ở khu thuốc Bắc Chợ Lớn, nên 10 năm nay tôi đã duy trì thói quen hằng ngày uống liều duy trì 1 muỗng nhỏ quế, khi cảm thấy nhức ông chân thì uống 1 muỗng canh, có thể phòng bệnh từ xa.
Ngày nay, mạng lưới y tế phát triển, Đông y càng ngày càng ít người hỏi han tới, nhưng bệnh lặt vặt và ngừa bệnh hằng ngày vẫn cần đến Đông y, những bệnh nan y khi Tây y đã bó tay, chuyển qua chữa Đông y đôi khi có kết quả bất ngờ. Đông y không chỉ đóng góp cho việc bảo vệ sức khỏe, còn trở thành một phần tinh hoa của nền văn hóa dân tộc.
Mỗi khi đi ngang qua “Phố thuốc Bắc” trên đường Hải Thượng Lãn Ông, ngửi thấy thoảng mùi hương thuốc Bắc, tôi không khỏi thầm nghĩ: Đông y và thuốc Bắc sẽ cùng tôi đi hết cuộc đời.