Có khoảng 93% các thuốc được thử nghiệm đều bị thức ăn tác động vào các mặt dược động học (hấp thu, chuyển hóa và bài tiết) – đó là kết quả nghiên cứu mới đây của một nhóm chuyên gia ở Đại học Western Ontario (Mỹ).
Vì vậy, để phát huy được hiệu quả cao trong điều trị bệnh, đồng thời không làm giảm chất dinh dưỡng từ thức ăn, chúng ta phải biết uống thuốc đúng cách.
Thức ăn ảnh hưởng đến sự hấp thụ dược phẩm
Dược phẩm được đưa vào cơ thể qua đường miệng, qua thực quản đến dạ dày và lưu lại ở đó một thời gian. Sau đó, thuốc được hấp thụ vào máu, chuyển đến các tế bào và bắt đầu phát huy tác dụng.
Sự hấp thụ tùy thuộc vào kích thước cũng như tác dụng lý, hóa của thuốc. Ngoài ra, sự hấp thụ cũng chịu ảnh hưởng của độ acid, độ kiềm, sự co bóp của ruột, sự hiện diện của thức ăn, khả năng hấp thụ của tế bào ruột và số lượng máu lưu thông trong ruột.
Giới hạn hấp thụ do môi trường sinh học của cơ thể quy định là lượng thuốc tối đa mà cơ thể có khả năng hấp thụ vào một khoảng thời gian nhất định đối với một loại thuốc nhất định.
Vì vậy, một số loại thuốc gặp phải giới hạn này nên không đạt được nồng độ tối thiểu trong máu để phát huy hết hiệu quả. Đôi khi, sự hấp thụ chậm cũng làm chậm tác dụng của thuốc.
Chẳng hạn hầu hết các thuốc kháng sinh nếu được uống chung với thức ăn thì tốc độ cũng như lượng thuốc được hấp thụ đều giảm. Vì thể, chỉ nên uống kháng sinh khi đói (thường là khoảng hai giờ trước hoặc sau bữa ăn).
Đối với trường hợp hấp thụ calci cũng tương tự. Một số loại thực phẩm khi được ăn cùng nhau sẽ làm cản trở việc hấp thụ calci, nhất là các thực phẩm giàu acid oxalic và thực phẩm giàu acid phytic.
Các thực phẩm giàu acid oxalic là rau khoai lang, đại hoàng và đậu. Thực phẩm giàu acid phytic bao gồm bánh mì, đậu, hạt, ngũ cốc và đậu nành chủng.
Chất xơ cũng có thể ảnh hưởng đến việc hấp thụ calci nhưng phụ thuộc và nguồn gốc và bản chất của chất xơ.
Các chất xơ cản trở việc hấp thụ calci điển hình là chất xơ trong vỏ lúa mạch, vỏ ngũ cốc. Các chất xơ này đặc biệt cản trở việc hấp thụ calci khi được kết hợp với các thực phẩm giàu acid oxalic và acid phytic.
Chất calci trong thực phẩm ngăn sự hấp thụ thuốc tetracycline nên khi sử dụng thuốc này thì không được uống sữa có nhiều calci.
Thuốc nước (dạng siro) thường ít bị ảnh hưởng của thực phẩm vì không cần hòa tan và có thể chuyển dễ dàng sang máu.
Các loại vitamin như A, D, E, K… hay thuốc kháng nấm griseofulvin khi được dùng chung với các thức ăn giàu chất béo sẽ làm tăng sự hấp thụ của thuốc vì chất béo làm gan tăng tiết mật. Thuốc hòa tan trong dầu mỡ cũng theo mật để chuyển vào máu nhiều hơn.
Làm giảm hiệu lực của dược phẩm
Uống nước trái cây có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc. Nhóm chuyên gia ở Đại học Western Ontario đã tìm hiểu tác dụng của nước bưởi đối với fexofenadine (một loại thuốc chống dị ứng), ở một số bệnh nhân tình nguyện tham gia chương trình.
Họ yêu cầu một nửa tình nguyện viên uống thuốc kèm theo nước bưởi, số còn lại uống thuốc với nước tinh khiết. Kết quả là các chuyên gia nhận thấy chỉ một nửa số thuốc được hấp thụ vào máu của những người uống nước bưởi.
- Xem thêm: 4 sự phối hợp thuốc nên tránh
Các chuyên gia tin rằng naringin – một chất có hoạt tính cao trong nước bưởi ép đã ngăn chặn các phân tử thuốc rời khỏi ruột và xâm nhập vào máu.
Nước cam và nước táo cũng có nhiều chất có tác dụng tương tự naringin. Ngoài ra, người ta đã chứng minh được rằng nước bưởi làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh huyết áp cao.
Trên hộp đựng một số loại thuốc, nhà sản xuất phải đề dòng chữ cảnh báo rằng nếu uống thuốc kèm theo nước bưởi ép, người dùng có thể bị sốc thuốc.
Nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn và được điều trị bằng các kháng sinh thông dụng như tetracyclin, doxycyclin (nhóm cyclin), mà lại tự ý dùng thêm các viên thuốc “bổ xương” có chứa calci hoặc uống sữa có chứa nhiều calci hay ăn nhiều tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến (là nguồn thực phẩm có chứa chất vôi calci) thì hậu quả là thuốc kháng sinh sẽ bị giảm hoặc mất tác dụng điều trị.
Nguyên nhân là các kháng sinh trên và chất vôi sẽ gây áp lực cho đường tiêu hóa, chúng sẽ gắn kết lại thành một phức chất rất khó phân ly, vì vậy lượng kháng sinh không phóng thích đủ trong máu để tạo hiệu quả trị liệu nhiễm khuẩn.
Trường hợp này cũng xảy ra khi phối hợp sử dụng các kháng sinh trên với thuốc bổ máu có chứa nhiều chất sắt.
Nam giới khi sử dụng nhiều loại thuốc cũng cần lưu ý thêm đến sự tương tác giữa thuốc với rượu bia. Người đang dùng một số thuốc trị cao huyết áp hoặc thuốc lợi tiểu nếu dùng rượu bia sẽ có nguy cơ hạ huyết áp xuống mức không kiểm soát được, có thể dẫn đến tai biến hoặc tử vong.
Đối với người bị tiểu đường phải dùng thường xuyên chất insulin để điều trị dưới nhiều dạng bào chế như thuốc tiêm, thuốc dán qua da thì chính việc sử dụng nhiều rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ làm hạ đường huyết dưới mức an toàn.
Tác động đối với sự chuyển hóa dược phẩm
Sự chuyển hóa thuốc tùy thuộc phần lớn vào số lượng các chất dinh dưỡng như đạm, chất béo và carbohydrat. Đa số phản ứng chuyển hóa thuốc xảy ra ở gan, nhưng cũng có thể ở một số cơ quan khác.
Với các thuốc chuyển hóa mạnh ở gan (hormon, morphin…) thì bữa ăn sẽ làm tăng lượng thuốc qua gan, tăng lượng thuốc có hoạt tính trong máu.
Một số thức ăn như thịt hầm, bắp cải, củ cải… kích thích các men chuyển hóa thuốc ở gan. Khi ăn nhiều các thức ăn này sẽ có khả năng làm giảm tác dụng của một số thuốc như warfarin, dicoumarol, phenytoin, theophyllin…).
Ngoài ra, sự chuyển hóa thuốc cũng tùy thuộc vào tốc độ hấp thụ thuốc ở ruột chuyển sang gan tùy theo tình trạng tốt xấu của chức năng gan và tùy theo các bệnh của cơ thể cũng như tình trạng dinh dưỡng.