Chỉ với người thầy thuốc thôi, người bệnh mới sẵn sàng tiết lộ những thông tin bí mật, riêng tư, không muốn cho ai khác biết – kể cả những người thân – về bệnh tật của mình; cũng chỉ với người thầy thuốc thôi, người bệnh mới yên tâm trút bỏ quần, áo… để được khám, xét nghiệm, vì biết rằng với cái học chuyên sâu của họ, việc phơi bày thân thể trước mắt họ không phải là sự giao tiếp giữa hai con người “bình thường”.
Người thầy thuốc luôn ứng xử với một “khoảng cách lạnh lùng”, khoa học, không phân biệt giới tính, do những năm tháng được trui rèn trong môi trường y khoa. Chỉ cần một cái nhìn, một cử chỉ, một lời nói khác thường lúc đó là đủ đưa người bệnh trở về với con người bình thường của họ và người thầy thuốc sẽ rơi ngay xuống vực sâu! Mối tương quan sẽ lập tức gãy đổ!
Cái “thẩm quyền y học” đó không phải tự nhiên mà có. Nó được huấn luyện nghiêm ngặt và lâu dài ở trường Y, nó được sự phân công của xã hội, để giữ mối cân bằng trong kiểm soát xã hội, tạo nên một hoạt động nhịp nhàng, phù hợp chức năng của mỗi thành viên.
Mỗi lời thầy thuốc nói ra gần như là mệnh lệnh, buộc phải tuân phục, chấp hành. Mối tương quan “bất bình đẳng” này giữa thầy thuốc với bệnh nhân có lẽ đã có từ xa xưa, hồi còn có những thầy thuốc kiêm phù thủy, pháp sư, nắm “vận mệnh” bộ lạc, nắm quyền sanh sát… trong bộ lạc, vì họ biết được một số bí truyền về nghệ thuật chữa bệnh, những loại thuốc trong thiên nhiên, như vỏ cây quinquina ở Nam Mỹ chữa được bệnh sốt rét – mà sau này Y học đã chiết xuất và tổng hợp ra quinine – hay rễ cây lựu ở châu Á chữa được sán xơ-mít sau này đựơc biết dưới tên biệt dược là Yomesan v.v…
Các nhà xã hội học đã nghiên cứu về mối tương quan đặc biệt giữa thầy thuốc và bệnh nhân này, dựa trên lý thuyết về vai trò bệnh tật (sick role) và đã đặt cho nó cái tên là mối quan hệ “gia trưởng” (parentalism). Chính kiến thức y học cũng như những kinh nghiệm tích lũy của người thầy thuốc đã làm cho họ được xã hội nhìn với con mắt kính phục, tôn trọng.
Người thầy thuốc lúc đó không phải là một cá nhân mà là người đại diện cho một ngành khoa học chuyên biệt, khoa học liên quan đến khổ đau, mạng sống của con người.
Thế nhưng y học ngày càng phát triển với những tiến bộ vượt bậc như thay tim, ghép gan, ghép thận…; tách con người thành từng mảng, từng cơ quan, tế bào, từng gène riêng lẻ để chữa trị – kể cả sinh sản vô tính – đã đặt mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân trước những bối rối mới.
Tại các nước phát triển, hệ thống y tế được tổ chức chặt chẽ, bảo hiểm làm trung gian giữa thầy thuốc và bệnh nhân, luật pháp can thiệp trong mỗi hành vi của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Giữa thầy thuốc và bệnh nhân bấy giờ là kỹ thuật, máy móc, phòng thí nghiệm, luật pháp và… đồng tiền, trong một mối quan hệ của chủ nghĩa tiêu thụ (consumerism), mối quan hệ giữa “khách hàng” và người cung cấp dịch vụ. Kẻ mua người bán. Tiền trao cháo múc. Đúng luật cung cầu.
Bệnh nhân là khách hàng – tức Thượng đế – là kẻ bỏ tiền mua, luôn luôn “có lý” và thầy thuốc là người bán: bán kiến thức, bán kinh nghiệm, bán dịch vụ chăm sóc, chữa trị hay dự phòng. Người bán phải chiều chuộng, đáp ứng, và người mua có đủ tất cả mọi thứ quyền, từ quyền từ chối đến quyền đưa bác sĩ ra tòa! Người bệnh từ vai trò cầu xin, lép vế đã trở thành người quyết định, yêu cầu, đòi hỏi, ra lệnh, có quyền hoài nghi, trả giá. “Người bán”(!) không còn được gọi là quan đốc-tờ, thầy thuốc (doctor, physician) nữa mà được gọi là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (health care provider).
Khi mối tương quan đã trở thành “mua bán” thì các nhà kinh doanh không bỏ lỡ cơ hội. Giám đốc bệnh viện hiện nay đa số là những nhà đầu tư. Bác sĩ là người làm công ăn lương. Ngành dược béo bở nhất, không chỉ thuyết phục, người ta còn có chiến dịch hù dọa, quảng cáo tinh vi và người bệnh cứ… mặc sức mà “tiêu thụ”! Còn thầy thuốc thì tìm cách “phục vụ” bệnh nhân tối đa.
Thỉnh thoảng, đọc báo thấy người ta ăn cắp cả thận của một người Ấn Độ bán qua Âu – Mỹ! Người ta còn rao bán trứng người trên mạng cho những ai hiếm muộn đang cần. Ở môi trường mua bán, mọi việc sòng phẳng. Bảo hiểm tham gia. Nhiều nơi ở Mỹ, bệnh nhân và bác sĩ câu kết làm hồ sơ giả, qua mặt bảo hiểm. Nhiều vụ đổ bể ra tòa!
Xã hội biến chuyển, vẫn còn đan chéo nhau nhiều nền “văn hóa”. Đô thị khác nông thôn, già khác trẻ, có học khác thất học. Mối giao tình thầy thuốc – bệnh nhân luôn không êm ả, ngày càng nghiêng về khuynh hướng “tiêu dùng”, khuynh hướng thương mại hóa. Các dịch vụ kỹ thuật cao, cầu kỳ, tốn kém ngày càng nhiều và người bệnh “nhà quê” bây giờ tìm một bác sĩ “nhà quê” của ngày xưa thân ái không phải là dễ!
Hẹn thư sau. Thân mến.