Dưới bàn tay điêu luyện, khéo léo của người nghệ nhân mà những sợi dây bạc được cắt tỉa, uốn lượn, trau chuốt thành hình thành dạng tạo nên những đồ án đặc sắc trên nghệ phẩm chạm lộng cầu kỳ của Ấn Độ mà tiêu biểu là Tarakasi và Vendi teega pani.
I. Tarakasi là một loại nghệ phẩm chạm lộng bằng bạc đến từ Cuttack, một thành phố từ Odisha ở phía Đông Ấn Độ. Loại hình mỹ nghệ đòi hỏi tay nghề cao và sự khéo léo này đã có hơn 500 năm tuổi và truyền thống được tạo tác bởi các nghệ nhân địa phương ở bờ Đông Odisha. Ngày nay, những nghệ nhân chạm lộng bạc phần lớn đến từ quận Cuttack, nơi nghệ thuật phát triển hưng thịnh.
1. Các nghệ phẩm bạc chạm lộng làm từ hợp kim với 90% bạc nguyên chất trở lên. Trước tiên, một cục bạc được cho vào một cái vại nhỏ bằng đất sét và cả hai đặt vào trong xô chứa đầy than nóng. Nhiệt độ được điều chỉnh thông qua một ống thổi được vận hành bằng tay quay.
Quá trình nấu chảy bạc mất khoảng 10 phút và sau đó bạc được rót vào một chiếc khuôn nhỏ có dạng hình que và chúng được làm nguội bằng cách nhúng que bạc vào nước. Sau đó, que bạc được đặt vào một máy ép thành một sợi dây dài và mỏng. Quá trình đơn điệu và đòi hỏi thể chất này được thực hiện theo truyền thống bằng tay và cần đến hai người đàn ông để quay tay quay.
- Xem thêm: Nghệ phẩm khảm gỗ hồng sắc Mysore, Ấn Độ
Khi bạc được ép thành một sợi dây dẹt, có thể gia công được, bản thân sợi dây này trước tiên có thể được chạm khắc bằng tay với những đồ án/thiết kế phức tạp hoặc ngay lập tức được đốt bằng một ngọn lửa nhỏ thắp lên từ dầu hỏa với người nghệ nhân hướng ống ngậm trong miệng để thổi vào ngọn lửa này. Quá trình này giúp nghệ nhân dễ dàng tạo khuôn dây thành khung với tạo hình mong muốn cho nghệ phẩm trước khi làm nguội. Tiếp theo, các sợi dây được xâu lại với nhau, xoắn lại và tạo thành một đồ án/thiết kế bằng những ngón tay chính xác mà tài hoa của người nghệ nhân. Công đoạn hàn được thực hiện bằng cách đặt mảnh kim loại vào hỗn hợp bột hàn the và nước, rắc bột hàn lên trên rồi đặt lại một lần nữa dưới ngọn lửa nhỏ. Điều này đảm bảo rằng các chi tiết của đồ án/thiết kế sẽ vẫn nguyên vẹn.
Sau khi hoàn thành, nghệ nhân sẽ lấy mẩu đã được tạo tác còn ấm và tạo hình nên một vật trang trí. Các kỹ thuật như tạo hạt, tráng men tuyết và đúc được sử dụng một cách sáng tạo để nâng cao hiệu ứng. Nghệ nhân Jagdish Mishra, nói về các kỹ thuật được sử dụng, cho biết: “Thị hiếu của khách hàng luôn thay đổi và người nghệ nhân phải cập nhật để theo kịp các xu hướng mới nổi”. Những phương pháp và thử nghiệm mới như vậy ngày càng được sử dụng nhiều hơn để tạo ra các món đồ tạo tác có độ bóng và tinh tế cao đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đánh bóng bạch kim được thực hiện để mang lại vẻ sáng bóng lâu dài hơn trong khi việc kết hợp bạc và đồng thau hoặc các vật liệu khác được thực hiện để tạo ra các hiệu ứng màu sắc thú vị.
Nghệ phẩm Tarakasi, thành phố Cuttack, bang Odisha, Ấn Độ
2. Các tạo hình động vật, chim chóc, hoa lá và thậm chí cả những chiếc túi xách nhỏ nhắn và những món quà lưu niệm khác đều được tạo tác trong các nghệ phẩm Tarakasi. Các Konark Chakra (luân xa) và đền thờ được yêu thích nhất trong những vật phẩm lưu niệm. Những cảnh trong sử thi Mahabharata, đặc biệt là cảnh trong Bhagavad Gita mô tả cỗ xe của vị chúa tể Krishna được Arjuna điều khiển khá phổ biến. Trong nhiều năm, nhiều di tích nổi tiếng khác nhau như TajMahal, tháp Eiffel đã được tạo tác và nhận được sự tán thưởng từ những người yêu thích nghệ thuật.
Đồ trang sức chạm lộng đặc biệt phong phú về các kiếu thức hoa văn. Ở Odisha, điểm nhấn là ở trang sức vòng tay, vòng cổ, nhẫn ngón chân và đặc biệt vòng chân, là những món đồ được yêu thích nhất. Chúng cũng được coi là điềm lành/cát tường. Những chiếc vòng chân tinh xảo, sử dụng kết hợp bán đá quý rất được ưa chuộng.
- Xem thêm: Đặc sắc những chiếc đèn đất nung Diya
Hộp son, trâm cài, mặt dây chuyền, hoa tai và kẹp tóc là những nghệ phẩm có nhu cầu lớn. Hộp son là một nghệ phẩm phải có trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào của Oriya, nhưng truyền thống này đang dần mai một. Băng thắt lưng làm từ nghệ phẩm Tarakasi được sử dụng theo truyền thống trong hôn lễ. Những hôn lễ của Oriya sẽ không trọn vẹn nếu không có chiếc vòng chân và cái nhẫn chân Tarakasi.
Odissi
Đồ trang sức được đeo trong Odissi, một vũ điệu cổ điển của Ấn Độ có nguồn gốc từ Odisha, được làm từ nghệ phẩm Tarakasi. Những món đồ trang sức này tô điểm cho đầu, tai, cổ, bàn tay, ngón tay và eo của vũ công. Các món đồ trang sức bao gồm vòng cổ, “padaka-tilaka” (vòng cổ dài), “bahichudi” hoặc “tayila” (vòng tay), “kankana” (vòng tay), “mekhalaa” (thắt lưng), vòng chân, chuông, “kapa” (hoa tai) và “seenthi” (vật điểm trang cho đầu tóc và trán). Những món đồ trang sức này được thêm thắt với những viên đá tự nhiên chưa cắt gọt viền bạc hay bọc vàng.
Durga puja
Sự ra đời của truyền thống Sharadiya Utsav trong thành phố bắt nguồn từ chuyến viếng thăm của vị thánh Chaitanya vào thế kỷ 16, khi lễ tôn phong nữ thần Durga sử dụng chiếc mẫu mặt nạ được tiến hành với sự hiện diện của ngài tại Binod Behari Devi Mandap.
Hàng năm, trong suốt Durga Puja ở Cuttack, những món đồ trang sức Tarakasi được sử dụng ở nhiều nhà rạp để tô điểm cho các tượng thần Durga. Một trong những tượng thần nổi tiếng nhất là ở Chandni Chowk, nơi toàn bộ vương miện và phụ kiện của nữ thần Durga được làm bằng bạc, thường được biết đến như Chaandi Medha. Những nhà rạp khác sử dụng Tarakasi là Chauliaganj, Choudhury Bazar, Khan Nagar, Banka Bazar, Balu Bazar,…
Hàng năm, hơn 150 nghệ nhân chạm lộng tham gia vào việc sắp đặt/bố trí nền và tạo tác đồ án/thiết kế trang trí. Phong cách này đã được giới thiệu tại Choudhury Bazaar puja pandal với chandi medha nặng 250kg vào năm 1956. Tiếp theo đó, Sheikh Bazaar puja mandap đã thiết lập chandi medha 350kg vào năm 1991. Năm 2004, Ủy ban Ranihat puja gia nhập nhóm thượng lưu với 483kg bạc chạm lộng nền, đồ trang sức và vũ khí. Vào những năm sau đó, ủy ban Haripur-Dolamundai puja đã thay thế Ranihat khi cho lắp đặt bộ chạm lộng bằng bạc nặng 500kg. Năm 2006, Ủy ban Sheikh Bazaar đã tu sửa lại chạm lộng nền mới bằng cách sử dụng 450kg bạc. Các ủy ban Chandini Chowk, Sheikh Bazaar, Alisha Bazaar, Chauliaganj, Badambadi, Ranihat, Haripur-Dolamundai và Balu Bazaar-Binod Behari puja đang xác nhận cho nghệ phẩm chạm lộng. Có một cuộc thi để có được màn thể hiện hay nhất hàng năm giữa tất cả các ủy ban puja ở Cuttack.
II. Đồ bạc chạm lộng Karimnagar có tên gọi xuất phát từ thị trấn Karimnagar, một quận thuộc bang Andhra Pradesh. Trong suốt các thế kỷ 19 và 20, nghề thủ công này đã phát triển mạnh mẽ, đóng một vai trò quan trọng vì đây là sinh kế của nhiều gia đình. Từ thế kỷ 19, những người thợ thủ công ở Karimnagar đã tạo tác nên những mạng tấm lưới phức tạp nhưng đầy mỹ thuật bằng cách bện/xoắn các sợi dây bạc được gọi là Jaali. Người ta tin rằng nghề thủ công thuộc kiểu thức chạm lộng bạc này đã được kế thừa từ thị trấn Elgandal gần Karimnagar trước khi nó di chuyển đến thị trấn Karimnagar gần 200 năm trước.
1. Trong ngôn ngữ địa phương, kiểu thức chạm lộng này được gọi là nghệ phẩm dây bạc – Vendi teega pani.
Các công cụ và nguyên liệu thô khác nhau được sử dụng là:
- Bạc nguyên chất: Bạc là nguyên liệu chính được sử dụng trong quy trình; bạc được nấu chảy thành các hình dạng khác nhau theo yêu cầu của đồ án/thiết kế.
- Navasagaram: Bột Navasagaram (theo ngôn ngữ địa phương) được thêm vào bạc nóng chảy để đảm bảo dòng chất lỏng bạc dễ tan chảy, khi được đổ vào khuôn đúc.
- Kẹp/cặp sắt: Đây là những “giá đỡ” được sử dụng để giữ nồi nung kim loại trong quá trình đúc và cũng để xử lý chúng được an toàn và dễ dàng hơn.
- Máy cắt ép bạc: Chiếc máy này được sử dụng để định cỡ các que bạc thành kích thước như yêu cầu.
- Com-pa: Com-pa được sử dụng để tạo nên các dạng hình tròn chính xác cho đồ án/thiết kế.
- Yerigaram: Nó là một loại bột có tên địa phương, giống như một chất kết dính. Các hạt bạc nhỏ ướp trong loại bột này và cố định tại các gờ/cạnh của đồ án/thiết kế được thực hiện trên sản phẩm bạc bằng cách nung nóng.
- Nồi nấu bạc: Nồi nấu kim loại là một vật chứa đặc biệt được sử dụng để nấu chảy bạc.
- Reetha: Reetha là một hạt giống tự nhiên. Hạt giống được làm nóng và ngâm trong nước. Nước chiết xuất được sử dụng để rửa các sản phẩm bạc để có được độ sáng bóng.
- Bàn chải đồng: Đây là chiếc bàn chải kim loại được sử dụng chà cọ trên các thành phẩm cuối cùng để có được độ sáng bóng ấn tượng.
Nghệ phẩm Vendi teega pani, thị trấn Karimnagar, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ
2. Đầu tiên, các đồ án/thiết kế được vẽ trên phác thảo trên giấy tham chiếu ở khung bên ngoài các nghệ phẩm mong muốn được tạo tác. Bạc nguyên chất được nấu chảy và chuyển thành thanh/que bạc. Các thanh/que bạc này được chuyển đổi thành các sợi dây bạc mỏng, chúng được sử dụng để lấp đầy trên các nghệ phẩm bạc chạm lộng. Việc tạo ra sợi dây bạc này tự nó là một quá trình hấp dẫn. Bạc nguyên chất được đưa qua một máy kéo dây để tạo ra các sợi dây bạc mảnh mịn.
Quá trình định cỡ được thực hiện để các thanh/que bạc mỏng như kích thước yêu cầu. Thanh/que bạc đã chuẩn bị được ép giữa các thanh của máy để thay đổi kích thước những sợi bạc. Thanh/que bạc đi qua các lỗ mở rộng của máy khoan để có được kích thước mong muốn. Các sợi bạc thành phẩm sau đó được sử dụng để tạo ra nghệ phẩm Jaali.
Quá trình tạo tác được thực hiện với niềm đam mê to lớn bởi các nghệ nhân có kinh nghiệm, tay nghề cao để tạo nên những kiệt tác hấp dẫn. Quá trình này bao gồm các công đoạn như làm khung, tạo hình dây bạc, chèn thiết kế vào khung, hàn và đánh bóng.
Quá trình bắt đầu bằng việc chọn lựa những sợi dây bạc phẳng mỏng. Các sợi dây này sau đó được xoắn bện lại với nhau thành các hình zigzag và được sử dụng để làm khung. Căn chỉnh và nối các mảnh dây bạc làm khung nền/cơ bản. Sau đó, các đồ án/thiết kế với họa tiết khác nhau được thực hiện bằng cách xoắn các sợi dây bạc thủ công bằng cách sử dụng giá đỡ và công cụ khác gọi là Podi sravanam tại địa phương. Những đồ án/thiết kế này được căn chỉnh chính xác trong khung và được tạo tác bằng cách thêm vào một số họa tiết đồ án/thiết kế. Sau khi căn chỉnh được hoàn thiện, khung bạc chạm lộng được hàn để xứng hợp, khớp vào khung. Nghệ phẩm này sau đó được gia nhiệt để uốn nó thành hình dạng cần thiết. Thành phẩm được nhúng vào lưu huỳnh pha loãng và đánh bóng bằng dung dịch làm từ Reetha. Quá trình làm nóng và nhúng trong lưu huỳnh lỏng này được thực hiện 3 đến 4 lần để loại bỏ cặn ám đen khỏi đồ án/thiết kế, do đó mang lại hiệu ứng lấp lánh, rực rỡ. Việc đánh bóng được thực hiện với chiếc bàn chải bằng đồng, nó được làm bằng những sợi dây đồng nhỏ, có bán sẵn trên thị trường. Cuối cùng, sản phẩm một lần nữa được làm mịn và chà bóng bằng vải bông mềm.
Từ khi sản phẩm được làm nóng và đánh bóng nhiều lần, các nghệ phẩm bạc chạm lộng đạt được độ bóng và lóng lánh nổi bật, lưu giữ lâu hơn. Các vật phẩm nhỏ hơn được đúc trực tiếp thành các đồ án/thiết kế khác nhau. Đối với những nghệ phẩm lớn hơn, các thành phần nhỏ hơn được tạo ra và ghép lại với nhau. Những sợi bạc này sau đó được định hình thành các đồ án/thiết kế và hình mẫu khác nhau. Kiểu thức bạc chạm lộng do đó là sự kết hợp của các mảnh khác nhau xứng hợp vào nhau.
3. Chạm lộng bạc Karimnagar là một hình thức tạo tác thủ công độc đáo bởi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân. Bạc được thiết kế để tạo ra một loạt các nghệ phẩm với các mẫu họa tiết phức tạp và mô-típ hình mẫu tráng lệ, nguy nga. Hoa tai, dây chuyền, vòng đeo tay, nhẫn và mặt dây chuyền là các sản phẩm truyền thống. Tượng thần Ganesha, vị chúa tể Venkateshwara hay trang hoàng cho các hình tượng của những vị thần được tạo ra để thờ cúng. Các vật thể Puja và nghệ phẩm trang trí được tạo tác lấy cảm hứng từ hệ thực vật và động vật, chim chóc, chim công, cỗ xe ngựa, thậm chí cả túi xách nữ, những món đồ tiện ích như đĩa, khay, thìa, gạt tàn, khung tranh/ảnh, hộp với các hình dạng và kích cỡ khác nhau. Các vật phẩm lưu trữ được làm với chiếc ngăn đa năng để chứa các vật phẩm khác nhau như gia vị, trầu, lá trầu (paandaan). Vật chứa, chân đèn, giỏ hoa, bình tưới và những vật phẩm lôi cuốn khác cũng chứa đựng nét đặc trưng này…