Diya, diyo, deya, divaa, deepa, deepam hoặc deepak là một loại đèn dầu thường được làm từ đất sét, với một sợi bấc bông nhúng trong bơ loãng hay dầu thực vật. Diya có nguồn gốc từ Ấn Độ thường được sử dụng trong các lễ hội tôn giáo/tín ngưỡng của đạo Hindu, Sikh, Kỳ Na giáo và Bái hỏa giáo.
1. Những chiếc đèn diya đất nung thường được sử dụng để chiếu sáng tạm thời cho những dịp đặc biệt, trong khi bên cạnh đó còn những chiếc đèn diya làm bằng đồng thau là những vật dụng cố định trong những ngôi nhà hay điện thờ. Đặc biệt trong lễ Diwali, những ngọn đèn diya hoặc nến là biểu thị sự giác ngộ, kiến thức hay trí tuệ.
Những chiếc đèn diya đất nung rất phong phú về kiểu dáng và màu sắc thấy phổ biến trong lễ hội Diwali (một lễ hội ánh sáng của Hindu giáo, thường kéo dài năm ngày và được cử hành trong tháng âm dương lịch Kartika (giữa tháng 10 đến giữa tháng 11) của Ấn Độ. Diwali tượng trưng cho “sự chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, thiện thắng ác, và sự hiểu biết thắng vô minh”.
Lễ hội gắn liền với Lakshmi, vị nữ thần của sự thịnh vượng, nhưng truyền thống khu vực còn kết nối lễ hội với Sita và Rama, Vishnu, Krishna, Durga, Kali, Dhanvantari, hoặc Vishvakarman). Ánh sáng của những chiếc đèn diya tạo thành một phần của hoạt động nhân dịp lễ kỷ niệm và nghi thức của lễ hội. Những chiếc đèn diya nhỏ được đặt tại biên và lối vào trang trí cho những ngôi nhà. Trên thực tế, tên của lễ hội Diwali bắt nguồn từ Phạn ngữ Deepavali, có nghĩa là những dãy đèn (diya có nghĩa là “sâu thẳm” và avali có nghĩa là hàng/dãy).
Ngoài ra, những chiếc đèn diya còn được thấy trong Karthikai Deepam (một lễ hội ánh sáng được cử hành bởi tín đồ đạo Hindu vùng Tamil Nadu, Sri Lanka và Kerala. Lễ hội rơi vào tháng Karttikai (giữa tháng 11 đến giữa tháng 12) theo lịch của người Tamil): Diya, cũng được biết như là deepam ở Tamil Nadu.
Ngoài ra, ánh sáng của những chiếc đèn diya cũng là một phần của các nghi lễ tôn giáo Hindu liên quan đến cái chết.
Một số dạng thức đèn đất nung diya
2. Một chiếc đèn diya được đặt trong các đền thờ và được sử dụng để ban phước cho những người thờ phụng như một aarti [aarti là một nghi lễ tôn giáo của đạo Hindu, một phần của puja/nghi thức cầu nguyện được thực hiện bởi những tín đồ theo đạo Hindu để thờ phụng một hoặc nhiều vị thần, hoặc để tổ chức và tôn vinh một vị khách; trong đó ánh sáng (thường là từ một ngọn lửa) dâng cúng đến một hay nhiều vị thần. Aarti cũng đề cập đến những bài hát ca ngợi về vị thần, khi ánh sáng được dâng lên].
3. Những chiếc đèn diya lúc đầu được tạo tác bằng đất nung tiếp theo là bằng kim loại với nhiều bấc, chủ yếu là đồng thau được gọi là Samai, là phổ biến nhất, mặc dù những chất liệu khác cũng được sử dụng như chiếc đèn nổi patravali làm từ lá hoặc các chiếc đèn chắn chắc, bền vững được làm từ đá.
Loại đèn diya một bấc là phổ biến nhất theo sau đó là kiểu bốn bấc, các biến thể khác như hai, năm hoặc bảy bấc cũng được tạo tác.
Đèn diya trang trí có nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng nói chung với những chiếc đèn đất nung thì có khoảng 300 kiểu loại đèn. Đèn diya đất nung này được tạo tác trên khắp các vùng miền của Ấn Độ như ở thị trấn Bengaluru thuộc bang Karnataka; thị trấn Sarhol, Badshahpur, Dhankot thuộc bang Haryana; Kumbharwada thuộc Maharashtra; Bikaner thuộc Rajasthan… Đèn diya một số được tráng men và một số khác lại được để thô. Chúng có sẵn các thiết kế độc đáo với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Những diya nhỏ nhất có giá trên dưới 10 INR (khoảng 3.000 VNĐ).
Có thể liệt kê ra một số kiểu loại đèn đất nung diya như sau: Khay/mâm Shankhdiya/diya ốc xà cừ, đèn diya vị chúa tể Ganesha, đèn diya đồ án cá, đèn cầy/nến tạ ơn, đèn cầy/nến cho khu vườn, Shankhdiya/diya ốc xà cừ tô vẽ, đèn diya hình lá, bộ shankhdiya/diya ốc xà cừ màu đỏ và xanh lá cây, đèn diya ngôi sao, đèn diya đồ án Swastika, aartidiya tín ngưỡng Ấn Độ, đèn diya voi Paanchbatti, đèn diya tô vẽ cây mù tạc, đèn diya khuôn mặt Lakshmi-Ganesha, đèn diya nhiều đài/bệ, đèn diya tô vẽ khác lạ, đèn diya đồ án hoa, đèn diya hình vỏ sò, đèn diya thali tròn, đèn diya đồ án ngựa, đèn diya đồ án lạc đà, đèn diya đồ án tô vẽ chim công, đèn diya treo, đèn diya trang trí, đèn diya thiết kế, đèn diya phong cách, đèn diya truyền thống…
- Xem thêm: Biến hóa họa tiết Boteh
4. Truyền thống làm đồ gốm là một trong những nghề thủ công rất lâu đời của Ấn Độ. Từ lâu, nó là một trong những phương tiện quan trọng mà qua đó xúc cảm của người nghệ nhân được thể hiện thông qua hình thức nghệ thuật này. Một mảnh đồ gốm hiển thị thông điệp trực quan qua dạng thức, hình dạng và màu sắc đẹp đẽ. Đó là một trong những nét gợi cảm nhất của nghệ thuật. Người ta có thể nhìn thấy nghệ thuật tuyệt đẹp như vậy thông qua những ngôi làng chuyên tạo tác đồ gốm ở Ấn Độ, sẽ rất thú vị trong mắt người xem và các nhà phê bình nghệ thuật.
Thật thú vị khi nhìn thấy rất nhiều kiểu loại ấm/bình/lọ/chậu/hũ, nghệ phẩm chạm khắc gốm, đồ vật bằng đất nung và đích thân tiếp xúc với những người thợ gốm chiêm ngưỡng họ tạo tác tại cùng một nơi. Những món đồ gốm được tìm thấy ở đây có các thiết kế của những món đồ đất nung truyền thống và cả nghệ thuật bản địa. Đất sét trông giống như những hạt bụi ngũ cốc đơn thuần được biến thành những hình dáng và dạng thức đẹp đẽ qua bàn tay khéo léo của những người thợ gốm. Đất sét liên tục kết nối với sự điêu luyện và sáng tạo của người nghệ nhân cho mục đích thực tế, thể hiện tính mỹ thuật và giải trí/tiêu khiển.
Tiêu biểu như thị trấn gốm tọa lạc ở phía đông Bengaluru thuộc Karnataka, Ấn Độ. Những sáng tạo được tạo ra trong thị trấn nhỏ này là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Nơi đây có các cửa hàng gốm liền kề với ngôi nhà của những người thợ gốm trên các con đường chính. Thị trấn tuy đơn giản nhưng lại rất cuốn hút. Nghề tạo tác đồ gốm này đã được truyền qua nhiều thế hệ và tất cả họ đều là những người thợ gốm trong suốt cuộc đời của mình.
Những nghệ nhân làm gốm ngày nay là thợ gốm thế hệ thứ năm từ Tamil Nadu. Họ là những nhà bán sỉ các ấm/bình/vại/lọ/hũ/ca/chậu tiện ích như chiếc nồi biryani, tộ sữa đông, đèn diya, vò/hũ và các vật phẩm trang trí lạ mắt được bán hoặc cho thuê trong các dịp như đám cưới, tiệc tùng. Ngoài ra, còn có một cửa hàng khiêm tốn cho một số món đồ đất sét được tạo tác sáng tạo giống với các mặt hàng thiết kế, những mảnh gốm tùy biến, và các khuôn đúc… Đôi khi, các đơn đặt hàng được lấy theo yêu cầu của các khách hàng để tạo nên các nghệ phẩm sáng tạo.
Sự hấp dẫn khác của món đồ gốm là chiếc bàn xoay của người nghệ nhân chế tác gốm. Mặc dù các phát minh về bàn xoay của người thợ gốm không được biết đến, nhưng theo các học giả đương đại, nó được phát triển ở Lưỡng Hà từ khi bàn xoay bằng đá được tìm thấy tại Lưỡng Hà có niên đại từ những năm 3129 trước Công nguyên. Nó thực sự là niềm vui trong việc tạo tác nên các món đồ bằng đất sét tinh tế bằng cách quay/xoay chiếc bàn xoay.
- Xem thêm: Nghệ phẩm khảm đá Pietra dura
Mặc dù tạo tác đồ gốm là một nghề cho nhiều người nhưng nó cũng được lựa chọn như một sở thích thú vị một cách thường xuyên hơn. Ở thị trấn này, sẽ được thấy cả những đúc khuôn các sản phẩm của họ trong suốt cả năm theo mùa như tượng thần Ganesh làm cho lễ hội Ganesh Chaturthi, đèn diya được làm cho lễ hội Diwali, những chiếc nồi tiện dụng được tạo tác cho lễ hội Pongal hoặc tổ chim, hay con heo đất, … Nó luôn luôn ly kỳ khi một người thường dân nhìn thấy một cục đất sét dần dần biến hình thành những chiếc đèn diya và chậu/vại đẹp đẽ ở nơi đây.
Đèn diya và những vật giữ nến nhỏ được tạo tác tập trung trong suốt tháng 10-11 với số lượng lớn, được để trên ban công, trước ngôi nhà và trên vỉa hè để chờ để bán cho lễ hội Diwali cũng như quanh năm cho các nghi lễ thờ cúng khác. Những chiếc đèn diya này mang đến sự hài lòng tuyệt vời về mặt sáng tạo trong tạo tác nên chúng.
Những người thợ gốm nơi đây nhận được đơn đặt hàng từ nhiều công ty như các công ty công nghệ thông tin, công ty đa quốc gia và từ những công ty trang trí nội ngoại thất… Đất sét được lấy từ vùng Chikka Tirupati và Hoskote. Đất sét nguyên liệu khoảng 2,5 tấn có chi phí 8,000 INR (khoảng 2.600.000 VNĐ). Và theo những người thợ gốm, họ kiếm được lợi nhuận từ 1,000 đến 2,000 INR (khoảng 325.000 VNĐ đến 650.000 VNĐ) mỗi ngày.
5. Quá trình tạo tác nên một chiếc đèn diya trước tiên bắt đầu bằng cách sàng/lọc bùn. Sau đó bùn mịn được trộn với nước và nhào kỹ để đạt được độ đặc cần thiết của đất sét. Sau khi đất sét được chuẩn bị, lượng đất sét cần thiết để làm diya được lấy ra và đất sét còn lại được phủ bằng túi đay ướt để giữ cho đất sét nguyên liệu luôn được ẩm.
Sau đó, một cục đất sét được đặt lên bàn xoay điện và bàn xoay được quay/xoay để tạo tác. Bởi áp lực tác động nên đất sét ở trung tâm của bàn xoay. Đất sét dư thừa được loại bỏ bằng cách quay tròn ụ đất sét. Sau đó, dùng ngón tay cái véo một ít đất sét ở trung tâm trên cùng ụ đất sét và tay trái hỗ trợ cho việc tạo hình đất sét được tạo tác. Sau khi có được hình dạng cần thiết cho chiếc đèn diya, nó được lấy ra khỏi phần còn lại của ụ đất sét bằng cách sử dụng một cây kim được gắn vào thanh tre hay sợi dây chỉ mảnh và dai.
Đây là phần khó khăn và thách thức nhất trong việc tách diya đã thảnh hình thành dạng khỏi khối đất sét còn lại. Những chiếc đèn diya này được sắp xếp lần lượt trên tấm ván gỗ để nhận biết thứ tự chúng được tạo ra và phơi khô dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Sau đó, chúng được đem nung trong lò ở nhiệt độ 800oC. Sau khi nung những diya bằng đất sét, nó được để qua đêm để hạ hoàn toàn nhiệt. Sau đó, tùy theo nhu cầu, một số chiếc đèn diya được tráng men, một số được giữ thô hay tô vẽ, đính đá màu và đem đi bán.