Các nghệ phẩm thiết kế, trang trí, chạm khắc chữ hoặc hoa văn trên bề mặt giấy, vải, kim loại hay thậm chí cả da để tạo nên một bức phù điêu đầy sáng tạo và ấn tượng được gọi là chạm rập nổi.
Theo nghĩa rộng nhất, chạm rập nổi chỉ sự biến đổi bề mặt được nâng lên bên trên một bề mặt nói chung của loại vật liệu mỏng khớp với một vùng lõm ở mặt đối diện có hình dạng ngược lại, để một số khoảng được nâng lên so với các khoảng khác. Rập nổi được tạo tác chủ yếu vì lý do trang trí thuần túy.
Kim loại là chất liệu cứng, mờ đục, sáng bóng, dẫn điện, dẫn nhiệt tốt, dễ uốn, dát mỏng – cho nên có thể đập bẹt/đập mỏng hoặc ép mỏng mà không dễ gây nên sự nứt gãy.
Một số nghệ phẩm chạm rập nổi kim loại Pembarthi, Ấn Độ
1 Cả các tài liệu thư tịch và những hiện vật kim loại mà nhà khảo cổ học khai quật được đều cho thấy thực tế nghệ thuật đúc đồng đã liên tục được tạo tác ở Ấn Độ trong hơn 5 thiên niên kỷ. Người thợ rèn kim loại Ấn Độ được biết đến với nhiều phương pháp gia công kim loại khác nhau và đã tạo ra các hình thức với con mắt, quan niệm và sự nhạy cảm của một nhà điêu khắc.
Đồng và thiếc là những kim loại màu được con người sử dụng sớm nhất. Sau đó, chúng được trộn lẫn để tạo thành một hợp kim gọi là đồng thiếc. Ngày nay có rất nhiều kim loại được sử dụng như đồng thau, đồng thiếc, đồng đỏ… ở Ấn Độ trong tạo tác các nghệ phẩm chạm rập nổi này.
- Xem thêm: Nghệ phẩm khảm đá Pietra dura
2 Kỹ thuật chạm rập nổi cổ xưa đã được sử dụng rộng rãi trên cả chất liệu vàng và bạc cho ra những nghệ phẩm chi tiết tinh xảo trong khi đồng đỏ, đồng thiếc được sử dụng cho các tác phẩm chạm khắc lớn hơn. Một nghệ phẩm cổ điển sử dụng phương pháp rập nổi bao gồm các tấm bọc thép bằng đồng thiếc Hy Lạp từ thế kỷ 3 trước Công nguyên.
Chạm rập nổi thường được thực hiện ở Ấn Độ để tạo ra các vật thể như các bình/chậu/vại/lọ với các đồ án thiết kế rập nổi. Những chiếc bình/vại này thường được làm bằng đồng đỏ và bạc. Kim loại rập nổi là truyền thống đã có trên dưới 500 năm tuổi của Ấn Độ.
Một số nghệ phẩm chạm rập nổi kim loại Pembarthi, Ấn Độ
Kashipura tọa lạc ở Varanasi thuộc bang Uttar Pradesh và ngôi làng Pembarthi thuộc quận Jangaon, bang Telangana của Ấn Độ là một trong những vùng nổi tiếng về nghệ thuật chạm rập nổi trên những tấm kim loại. Ngôi làng Pembarthi phát triển mạnh mẽ nghệ thuật rập nổi kim loại dưới triều đại của đế chế Kakatiyas. Kakatiyas sử dụng nghệ phẩm này để tô điểm cho xe ngựa, đền thờ. Nhưng nghệ thuật này đã mất đi ý nghĩa của nó cùng với sự sụp đổ của đế chế.
Tuy nhiên, dưới thời cai trị của Nizams thuộc Hyderabad, việc tạo tác đồng thau đã tìm lại vinh quang đã mất. Pembarthi trở thành một nơi phải đến cho tất cả những ai yêu thích thủ công mỹ nghệ và đặc biệt cho những người muốn hiểu biết nhiều hơn về nghệ thuật chạm rập nổi tấm kim loại tấm. Người thợ thủ công nơi đây thường thích sử dụng những tấm đồng đỏ và đồng thau trong tạo tác rập nổi.
3 Các vật dụng được sử dụng trong tạo tác rập nổi kim loại bao gồm:
- Tấm kim loại như bạc, đồng đỏ, đồng thau, đồng thiếc và vàng được sử dụng để tạo ra các thiết kế/hoa văn rập nổi.
- Cánh kiến đỏ được sử dụng để cung cấp một nền tảng vững chắc để cho việc tạo tác, đồng thời cho phép kim loại được đẩy ra và định hình mà không bị trở lực.
- Kéo dùng để cắt các tấm kim loại.
- Mỏ hàn xì được sử dụng để đốt cháy vùng cần chạm khắc và rập nổi với sự trợ giúp của mỏ hàn xì khiến cho tấm kim loại mềm ra và công việc chạm khắc trở nên dễ dàng.
- Gọt giũa và bộ đệm được sử dụng để làm mịn các gờ cạnh và tạo độ bóng cho sản phẩm.
- Búa được sử dụng để đánh những đầu mũi đục trong quá trình gia công, tạo tác.
- Giấy dùng để vẽ các đồ án thiết kế được chạm khắc để tham khảo và định hình.
- Đục với kích thước và hình dạng mũi đục khác nhau được sử dụng trong quá trình chạm rập nổi.
Một số nghệ phẩm chạm rập nổi kim loại Varanasi, Ấn Độ
4 Nghệ phẩm rập nổi kim loại là một quá trình nhằm tạo nên những đồ án thiết kế trên được nâng cao hơn bề mặt chung của những tấm kim loại hoặc như dạng thức phù điêu nói chung. Quá trình rập nổi kim loại mất rất nhiều thời gian do sự lặp lại của một số giai đoạn.
Dụng cụ được sử dụng trong rập nổi kim loại là những công cụ tùy chỉnh được thực hiện bởi chính nghệ nhân. Người nghệ nhân tạo tác nên các nghệ phẩm này khi họ được khách hàng đặt hàng, một khi đã hiểu được yêu cầu của khách hàng, họ sẽ tạo nên một bản vẽ thô trên giấy và khi thiết kế đó được khách hàng chấp thuận, họ sẽ bắt đầu với công việc rập nổi.
- Xem thêm: 10 kiểu in đặc sắc trên vải Ấn Độ
Kích thước của tấm kim loại phụ thuộc vào kiểu loại thiết kế và kích thước nghệ phẩm được thể hiện. Thời gian tạo tác chủ yếu cũng phụ thuộc vào kích thước và đồ án thiết kế. Thông thường, việc tạo tác mất từ sáu tháng đến một năm hoặc đôi khi nó sẽ được hoàn thành trong vòng 2 tháng. Ở kỹ thuật tạo tác này, tấm kim loại được cắt với kích thước và hình dạng cần thiết.
Cánh kiến đỏ sẽ được nấu chảy trong một chiếc thùng lớn. Sau khi cánh kiến tan chảy hoàn toàn, chúng được đổ ra và tấm kim loại sau đó sẽ được đặt lên trên cánh kiến này. Mục đích của việc sử dụng cánh kiến là để có một nền tảng vững chắc để tạo tác, đồng thời cho phép kim loại được nâng lên và định hình mà không bị bất kỳ trở lực nào.
Một số nghệ phẩm chạm rập nổi kim loại Varanasi, Ấn Độ
Bản vẽ chi tiết về đồ án hoa văn tạo tác trên nghệ phẩm trước tiên được thực hiện trên giấy và sau đó được dán lên một tấm kim loại và cuối cùng là tấm kim loại này đặt trên một bề mặt được đổ cánh kiến hoặc sáp và thiết kế được vạch trên tấm kim loại bằng cách sử dụng các dụng cụ sắc mảnh. Sau khi những nét cơ bản được vạch ra, giấy vẽ sẽ được bỏ đi. Trước khi chạm khắc tấm kim loại, vùng chạm khắc được đốt với sự trợ giúp của mỏ hàn xì khiến kim loại mềm ra.
Hơn nữa, tấm kim loại được chạm khắc theo mẫu thiết kế với sự trợ giúp của những chiếc đục với các hình dạng và kích thước khác nhau. Sau khi thiết kế được chạm khắc hoàn toàn, cánh kiến đỏ, được giữ dưới tấm kim loại được loại bỏ và tấm kim loại được rửa và cuối cùng nó được hoàn thành bằng việc đánh bóng. Các công cụ được sử dụng trong chạm rập nổi vẫn còn thô sơ, mặc dù các tấm kim loại nguyên liệu thô ngày nay lại đến từ các mỏ và lò nung hiện đại.
Những tấm kim loại rập nổi này thường được tạo tác cho cỗ xe của nhà vua, cửa đền đài, tượng các vị thần và nữ thần, cột trụ của đền thờ, khám thờ/tiền đình của ngôi đền dành cho các tượng thần, tấm bảng tròn trang trí, bảng tên, danh hiệu, các món đồ dùng cúng tế nghi lễ…