Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo xu hướng chung của kinh tế thế giới đương đại. Thế nhưng, thành quả đạt được vẫn chưa xứng tầm, tình trạng “con đẻ con nuôi” giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, là một trong nhiều nguyên nhân tạo nên sức ì của nền kinh tế, làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh đó, Hiệp định Đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính là một bước đi chiến lược, tạo nên xung lực mới để Việt Nam thực hiện những đột phá trong cải cách thể chế, cởi trói cho doanh nghiệp và tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân trên bước đường hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới.
Thay đổi tư duy chiến lược
Trong xu thế toàn cầu hóa của thế giới, việc hội nhập quốc tế là điều tất yếu mà mọi quốc gia đang hướng đến. Điều tạo nên sự khác biệt là tham gia một cách thụ động hay chủ động. Nếu không nhận thức được xu thế phát triển, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc và sẽ bị lôi cuốn theo dòng chảy một cách thụ động. Nếu có tầm nhìn đúng và có sự chuẩn bị bài bản, sân chơi lớn toàn cầu sẽ đón nhận thành viên tích cực là các doanh nghiệp Việt Nam cùng ganh đua với phần còn lại của thế giới và gặt hái thành quả do những nỗ lực của chính mình.
Quá trình mở cửa ở Việt Nam đã diễn ra từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI. Từ năm 1986 đến nay, quá trình này tuy có những thăng trầm nhưng xuyên suốt thể hiện quyết tâm của Nhà nước ta không lùi bước trên tiến trình hội nhập kinh tế và thương mại với thế giới. Năm 1995, Việt Nam gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN, tham gia AFTA và bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Năm 2007, chúng ta trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đến 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tuyên bố Việt Nam tham gia đàm phán gia nhập TPP và hiện nay, vòng đàm phán cuối cùng đã hoàn tất, Việt Nam trở thành thành viên chính thức cùng với 12 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương của TPP. Có thể nói, Việt Nam đã tiến khá nhanh trong quá trình hội nhập quốc tế và mức độ hội nhập kinh tế của Việt Nam rất cao, chỉ kém Singapore. Hiện nay, chúng ta đã là thành viên chính thức của ASEAN, APEC, ASEM và WTO cũng như nhiều định chế tài chính tiền tệ quốc tế như WB, ADB, IMF… Đây là những thành tựu quan trọng và đáng tự hào của chính sách mở cửa.
Tham gia TPP là một quyết định chiến lược quan trọng thể hiện sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo đất nước. So với 11 nước còn lại trong TPP, Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển tương đối thấp. Gia nhập TPP, khu vực kinh tế có hai cường quốc là Mỹ và Nhật, với dân số trên 800 triệu dân và GDP chiếm 40% GDP toàn cầu, Việt Nam sẽ tranh thủ được lực kéo của cỗ xe 12 ngựa này để tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, nhưng chúng ta phải thực hiện những cải cách thể chế sâu rộng và cấu trúc lại hiệu quả nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia nếu không muốn bị lôi kéo theo một cách bị động, khi 11 con ngựa kia tiến nhanh về phía trước. Nếu chúng ta thực hiện cải cách không hiệu quả hay quá chậm, điều có khả năng xảy ra là nền kinh tế quốc dân sẽ bị tổn thương, giống như con ngựa không còn sức, bị cỗ xe kéo lê lết trên đường chạy.
Cần nỗ lực hơn trong cải cách thể chế
Áp lực từ TPP cũng như thuận lợi mà nó tạo ra sẽ là tiền đề để Chính phủ cải cách ở nhiều lĩnh vực mà trước đây còn trì trệ như cải cách hành chính, tái cấu trúc kinh tế nhà nước, đẩy nhanh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới chính sách tiền tệ, chính sách ngân sách, chính sách thuế, thực hiện chiến lược sung dụng hiệu quả các nguồn lực quốc gia, hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ khu vực kinh tế tư doanh… Trước đây, các nỗ lực đổi mới kinh tế đã được thực hiện chưa đủ mạnh, chưa đủ liều lượng cần được thực hiện nhanh và mạnh hơn trong thời kỳ TPP.
Một ví dụ điển hình là quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Dù chủ trương này được đưa ra và triển khai suốt hai thập niên qua, kết quả đạt được không mấy ấn tượng khi số lượng doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa chỉ mới được một nửa so với kế hoạch. Hiện nay, quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy nhanh, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc sung dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia và khuyến khích khu vực kinh tế tư doanh phát triển, tạo những động lực mới thúc đẩy nền kinh tế tiến nhanh hơn.
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam gần đây cũng liên tục ghi nhận những đóng góp của thành phần kinh tế tư nhân vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Chúng ta có quyền kỳ vọng rằng TPP sẽ là một động lực mạnh mẽ đưa Việt Nam vào quỹ đạo tăng trưởng kinh tế mới với tốc độ tăng trưởng cao hơn và chất lượng phát triển tốt hơn.
Từ góc độ kinh tế vĩ mô, TPP buộc Nhà nước phải hành xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Nếu trước đây, phần lớn nguồn lực quốc gia đều dồn vào doanh nghiệp nhà nước thì sắp tới sẽ được chuyển sang tư nhân. Hiện nay, kinh tế tư nhân Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm lực của nó, nhưng nếu chiến lược sung dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia được triển khai đúng đắn, khu vực này sẽ chính là đầu tàu tăng trưởng giúp nền kinh tế tiến nhanh về phía trước với sức cạnh tranh cao hơn, tránh được nguy cơ thị trường nội địa có thể bị kiểm soát bởi doanh nghiệp của các nước có thế thượng phong.
Thêm vào đó, TPP sẽ góp phần tạo ra sân chơi lành mạnh và bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp. Hiện tượng ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước trong mua sắm công sẽ không còn như lâu nay, điều này sẽ tạo áp lực để các doanh nghiệp trong nước, công cũng như tư, phải cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ đồng thời giảm giá thành. Như vậy, cục diện kinh tế sẽ thay đổi, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tăng lên. Biến những rào cản thành cơ hội phát triển, đó chính là mặt tích cực quan trọng nhất mà TPP mang đến cho Việt Nam.
Trước đây, dù chúng ta luôn nói đến quá trình đổi mới hội nhập, thế nhưng ngoài việc nguồn lực quốc gia tập trung không đúng địa chỉ còn thiếu sự liên kết công – nông, thiếu sự đầu tư phát triển công nghệ phụ trợ, mối quan hệ giữa nhà nước và tư nhân không có sự gắn bó, điều này tạo ra tình trạng lợi ích nhóm trong nền kinh tế. Khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều người nói nông nghiệp sẽ bịảnh hưởng từ bên ngoài và không có sức cạnh tranh, thế nhưng trên thực tế, sức ì là do những yếu tố nội tại chứ không phải từ tác động bên ngoài. Nhiều sản phẩm của Việt Nam đang có năng lực cạnh tranh khá mạnh trên thị trường như cá ba sa, tôm, hàng dệt may… khiến Mỹ phải áp thuế chống phá giá chứ không phải chúng ta không đủ năng lực. Nếu sự hỗ trợ trong nước mạnh hơn, đầy đủ hơn, tích cực hơn, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ củng cố được lợi thế cạnh tranh so với các đối tác của họ trong TPP.
Ràng buộc của TPP đối với các nước trong việc sử dụng nguyên liệu từ chính đất nước sở tại hay có xuất xứ từ các nước thành viên cũng là yếu tố giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đang nhập siêu nhiều mặt hàng từ Trung Quốc như máy móc giá rẻ, nguyên liệu giá rẻ… Các sản phẩm này cạnh tranh với chính các nhà sản xuất trong nước, gây tổn thất cho nền kinh tế, đặc biệt khi các doanh nghiệp của chúng ta có nhu cầu đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để cạnh tranh trong TPP cũng cần được chú trọng, nếu không, Việt Nam có thể phải nhập khẩu lao động từ bên ngoài.
Vẫn còn một thời gian nữa cho sự chuẩn bị từ nay đến khi TPP chính thức được quốc hội các nước thông qua để triển khai. Tại Việt Nam, TPP được ký kết trùng hợp với Đại hội Đảng lần thứ XII. Trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ sẽ nhận lấy trọng trách cũng như tập trung toàn lực để đảm bảo rằngViệt Nam sẽ là một quốc gia thành công trong TPP. Việc cải cách thể chế cần được xem trọng. Quá trình gia nhập TPP chắc chắn không tránh khỏi những vấp váp ban đầu nhưng nếu đi đúng hướng, kết nối được tinh thần dân tộc, Việt Nam sẽ tập hợp được sức mạnh của toàn thể cộng đồng dân tộc đưa đất nước nhanh chóng tiến đến cường thịnh theo đúng tiềm năng và kỳ vọng.
Huỳnh Bửu Sơn (DNSGCT)