Ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015 không thể về đích khi mới chỉ cổ phần hóa được 340 trong tổng số hơn 1.300 DNNN thuộc diện này.
Kế hoạch cổ phần hóa cả giai đoạn là khoảng 531 DNNN, đến tháng 9-2015 đã cổ phần hóa được gần 340 đơn vị, tức là đạt tỷ lệ 64%. Thế nhưng so với yêu cầu cần sắp xếp lại 1.309 DNNN tại thời điểm 1-1-2011, tới cuối năm 2015 số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn đến hơn 600 đơn vị.
Kết quả cổ phần hóa và sắp xếp DNNN cho thấy số DNNN đã giảm mạnh nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn của Chính phủ.
Ông Tiến cho rằng giai đoạn 2016-2020 phải tiếp tục làm quyết liệt hơn khi mọi cơ chế đã rõ ràng. Quan trọng nhất là cải thiện thông tin minh bạch để tiếp tục cổ phần hóa, thu hút nhà đầu tư ngoại.
Trong giai đoạn này, cổ phần hóa tiến hành bước thứ hai là đưa các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa bán được cổ phần như mong đợi thành công ty đại chúng, niêm yết để thu hút các nhà đầu tư.
Chính phủ cũng vừa cho phép Tổng công ty Quản lý Vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, trong tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp không diễn ra theo đúng kế hoạch.
Việc lựa chọn chính xác thời điểm nào để bán hết vốn nhà nước mà SCIC đang quản lý tại 10 doanh nghiệp lớn là do tổng công ty này quyết định, Chính phủ không trực tiếp chỉ đạo doanh nghiệp phải chọn thời điểm nào, miễn là thời điểm nào họ thấy có lợi nhất.
Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp nhận định rằng danh mục thoái vốn của SCIC là danh mục cụ thể hóa Quyết định 37/2014 của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước cần nắm giữ vốn và không cần nắm giữ vốn. Danh mục thoái vốn này nhằm đón đầu giai đoạn tới – có nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên.
Gia Minh (DNSGCT)