Khoảng ba năm trở lại đây, làn sóng dịch chuyển thị trường dịch vụ phần mềm từ hai trung tâm lớn là Trung Quốc và Ấn Độ sang các nước ASEAN đã góp phần giúp thị trường xuất khẩu ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam đạt tốc độ phát triển từ 15 – 25%/năm. Dù vậy, nhiều người trong ngành vẫn cho rằng con số trên còn có thể lớn hơn nếu doanh nghiệp Việt có thể thay đổi phương thức phát triển cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017 (VNITO 2017) được tổ chức ngày 20-10 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, bà Denyse Cardozo – Giám đốc điều hành Silicon Valley Forum nhận xét: Việc thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới để giải quyết những vấn đề hiện tại của đất nước và thế giới sẽ giúp các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đứng vững trên thị trường. Đặc biệt là những cơ hội gắn với xu hướng phát triển của công nghệ mới như Cloud (đám mây), Mobility (di động), Big Data (dữ liệu lớn). Bà Denyse Cardozo cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam không nhất thiết phải tạo ra những xu thế mới mà chỉ cần giải quyết tốt những vấn đề mà thế giới hay đất nước mình đang gặp phải.
Còn bà Nguyễn Thị Kiều Quyên, Giám đốc điều hành Công ty S3 Corp cho biết hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này đều có khách hàng nước ngoài, chủ yếu đến từ Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, trong đó thị trường Nhật Bản mang đến nhiều cơ hội nhất. Tuy vậy theo bà Kiều Quyên, hiện khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp là nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường Nhật Bản. Từng làm qua nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực, bà Kiều Quyên cho rằng Trung Quốc chính là quốc gia đang cạnh tranh lớn nhất với Việt Nam về việc xuất khẩu phần mềm.
Dù Việt Nam nhiều lần được đánh giá là điểm đến của thị trường gia công phần mềm, TS Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) vẫn lưu ý rằng để giữ được vị trí này, có thể nói Việt Nam đang phải tập trung vào những sản phẩm ở vị trí từ thấp đến trung bình. Đây là phân khúc rất dễ bị ảnh hưởng trong các xu thế phát triển công nghiệp vào thời gian tới.
Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh thì ngành phần mềm Việt Nam đã được nhiều tổ chức xếp hạng trên thế giới đánh giá cao, nhưng phần lớn các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có quy mô nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp thị ra thị trường quốc tế. Vì vậy, việc tăng cường xúc tiến, đầu tư để quảng bá hơn nữa về ngành công nghệ thông tin Việt Nam ra thế giới là cần thiết.
Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Công ty KPMG Việt Nam với các doanh nghiệp ở Việt Nam cho thấy, mong mỏi về mặt chính sách của các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT là Chính phủ cần đưa ra những chính sách để tạo được môi trường đầu tư minh bạch, thủ tục cấp phép cũng phải đơn giản hơn, đồng thời nên có ưu đãi về thuế đối với những công ty đầu tư công nghệ cao…