Mùa tựu trường vừa đi qua, dư luận lại bùng lên với những băn khoăn mới về giáo dục, từ những khoản tiền trường ngày càng tăng, những bức xúc về chuyện dạy thêm – học thêm, đến những chuyện cao xa hơn về chương trình học, định hướng mục tiêu giáo dục. Phải chăng tất cả những điều này là vì chúng ta không “bắt bệnh” đúng thực trạng của nền giáo dục nước nhà?
Cần gác lại những mục tiêu to lớn…
Chúng ta ai cũng từng được nghe đến mục tiêu của ngành giáo dục – đào tạo. Về vĩ mô, giáo dục tạo ra nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nên những con người là chủ nhân tương lai của đất nước.Ở tầm vi mô, mục tiêu của giáo dục là đào tạo được những con người phát triển toàn diện, những công dân tốt…
Để thực hiện mục tiêu tốt đẹp đó, ngành giáo dục đào tạo đã và đang đưa ra rất nhiều sáng kiến vụn vặt, từ sửa đổi chữ viết để tiết kiệm năng lượng cho học sinh, thay chữ y bằng chữ i… đến việc cho trẻ học chữ e trước để các em biết vần e, chữ mẹ… Chúng ta trước kia từng học tập mô hình giáo dục các nước xã hội chủ nghĩa, sau này lại tham khảo học tập các mô hình giáo dục các nước phát triển. Rồi chọn môn học mới, cách dạy mới, thay đổi cả cách sắp xếp chỗ ngồi, xây dựng chương trình tích hợp, v.v… Có thể nói là đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn chưa tìm ra được một lối đi phù hợp để đạt được mục tiêu đào tạo ra con người toàn diện như trong chiến lược giáo dục đã nêu.
Theo dòng thời gian, nước ta đã có những bước hội nhập sâu rộng với thế giới, tham gia vào nhiều hiệp định hợp tác kinh tế song phương, đa phương. Cửa đã mở toang, đường rộng thênh thang nhưng hiệu quả đem lại cho đất nước không cao, năng suất lao động thấp ở mọi lĩnh vực, sức cạnh tranh quốc gia kém. Nếu xét từng cá nhân thì dường như ai cũng đủ lanh lợi, thông minh để tranh thủ lợi ích cho riêng mình, nhưng tựu trung lại không thể kết thành một lực tổng hợp để đưa kinh tế quốc gia cất cánh.
Có thể hình dung chúng ta như những hạt cát trong một bãi cát, chỉ chờ người khác đem đi làm nền cho một công trình nào đó. Hay chỉ là lực của những chiếc xe máy, nhanh tay lạng lách vượt lên để rồi làm ùn tắc ở những ngã ba ngã tư trên các nẻo đường giao thông. Hoặc “khá hơn” thì kết hợp với nhau thành những nhóm lợi ích, tranh giành sát phạt, liên kết hàng ngang hàng dọc ở mọi lĩnh vực…, gây nên sự tàn phá đất nước. Thực trạng này có thể có phần lỗi của giáo dục.
Nhưng với thực trạng giáo dục như hiện nay, làm sao tạo được niềm tin cho thế hệ trẻ đang ngồi dưới mái trường? Càng không thểtheo đuổi những mục tiêu lý tưởng cao xa trước đây. Có lẽ chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm chọn chiến lược giáo dục phù hợp cho hiện tại và tương lai, nói cách khác là tìm lời giải cho nền giáo dục. Đừng chỉ giải bằng phương pháp chiếc xe máy, không vượt lên để lao qua vùng ùn tắc mà tìm lên đường cao tốc (nước ngoài) riêng cho con em mình! Đây cũng là một biện pháp, nhưng chỉ đem lại hiệu quả cụ thể cho một nhóm thiểu số, chứ không phải là giải pháp cho cả một nền giáo dục.
Chúng ta cần đặt nền giáo dục nước nhà vào thực trạng kinh tế – xã hội hiện nay, với tâm thế như đang tham gia giao thông thì bị kẹt vào khu vực ùn tắc. Nếu không có giải pháp “giải tỏa ùn tắc” thì mọi mục tiêu, cơ hội đến đích đều lỡ hẹn. Chúng ta nên gác lại những mục tiêu quá xa vời là đào tạo ra hàng loạt “sản phẩm con người toàn diện”, vì “nguyên liệu” đã bị thực trạng xã hội hiện nay làm nhiễm bẩn, “khung mẫu” đã bị biến dạng, “lò nung” nhiệt độ chập chờn. Nếu cố sức thực hiện thì cũng không ra được loại sản phẩm toàn diện, mà chỉ có loại đồ giả mà thôi.
Năm vấn đề trước mắt cần giải quyết
Thiết nghĩ, chúng ta cần đặt ra các mục tiêu giáo dục gần gũi, thiết thực, ít bịảnh hưởng bởi thực trạng chung (bởi việc cải thiện thực trạng là nhiệm vụ hàng đầu của những người lãnh đạo đất nước, không nằm trong nội dung bài viết này). Trên tinh thần đó, xin được đưa ra năm vấn đề sau:
- Mục đích của giáo dục
Đầu tiên, cần trả lời được câu hỏi “Học để làm gì?”.Đó có thể là vì cá nhân (tùy ý chí, nhận thức của cá nhân), cũng có thể vì cộng đồng (cha mẹ, xã hội…). Tiếp đến, cần trả lời được câu hỏi “Học những gì?”. Điều này tùy theo mục đích yêu cầu của từng thời đại, từng cá nhân, cộng đồng. Cuối cùng, là “Học như thế nào?”. Câu trả lời là do điều kiện xã hội, ý chí của người học, mục đích và lòng thiện nguyện, khả năng của người dạy.
- Ai là chủ thể của giáo dục?
Phải minh định rằng mọi cá nhân và cộng đồng đều là chủ thể của giáo dục và đều muốn thực hiện ý chí mục tiêu của mình.Nếu chỉ chú trọng vào việc thỏa mãn mục đích của cá nhân hay cho cả cộng đồng thì sự phát triển xã hội sẽ bị khập khiễng, vai trò của giáo dục đối với xã hội sẽ bị hạn chế.
- Trách nhiệm và quyền lợi của cá nhân và cộng đồng đối với giáo dục
Trước hết là trách nhiệm của cộng đồng, vì cộng đồng có điều kiện nắm giữ mọi tài nguyên về giáo dục, chủ động định ra mục tiêu, cung cấp môi trường và mọi biện pháp cho công tác giáo dục. Một nền giáo dục tốt sẽ tạo được một xã hội tốt và phát triển bền vững lâu dài cho mọi thành viên trong cộng đồng.
Tiếp đến, là trách nhiệm của cá nhân, đó là học cho sự phát triển tự thân (cho gia đình tam đại – cá nhân mình, cho con cháu mai sau và để báo hiếu cha mẹ) và học để góp phần phát triển cộng đồng, dân tộc, quốc gia, cho sự phát triển văn minh con người (làm người có ích cho xã hội), làm nghĩa vụ xã hội với tư cách một công dân tốt. Một cá nhân được hưởng một nền giáo dục tốt luôn có điều kiện tạo nên cuộc sống tốt cho cá nhân và cho cộng đồng. Do đó, được giáo dục tốt là một quyền lợi và chăm chỉ học tốt cũng là một nghĩa vụ đối với xã hội.
- Làm cách nào để thực hiện tốt công tác giáo dục?
Cần phải xây dựng được mục tiêu chung của cá nhân và cộng đồng. Lưu ý rằng mục tiêu của cá nhân thường là riêng tư và ngắn hạn, còn mục tiêu của cộng đồng là bao quát và dài hạn. Do đó, cần phải có những giải pháp thiết thực, cụ thể vừa thỏa mãn yêu cầu trước mắt của cá nhân, vừa thỏa mãn yêu cầu dài hạn của cộng đồng.
Để làm được điều này, chúng ta phải xây dựng một chiến lược giáo dục phát triển lâu dài và được thực hiện qua từng giai đoạn cụ thể, trên cơ sở nền kinh tế, luật pháp đương đại. Đồng thời phải đáp ứng được điểm bắt đầu tâm sinh lý, văn hóa của học viên. Từ quan điểm đó, chúng ta mới có các cấp lớp, các chuyên ngành, các hình thức giáo dục đào tạo khác nhau để đáp ứng mọi yêu cầu trong xã hội theo từng giai đoạn phát triển.
- Hướng phát triển giáo dục trên cơ sở thực trạng hiện nay
Thứ nhất, cần lấy người học làm trung tâm. Đó là lợi ích thiết thực của người học, với nội dung đào tạo là Đức dục, Trí dục, Thể dục, đây là nội dung của nền giáo dục truyền thống trước đây. Nội dung này xuyên suốt từ lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học đến trung học cơ sở, nhằm định vị và định hướng được đạo đức con người trong tương lai. Đến bậc trung học, chúng ta chia ra làm ba hướng:
- Trung học nghề (từ một đến ba năm) dành cho những em không có điều kiện tiếp tục học chính quy.Các em có thể vừa học vừa làm (tự nuôi sống trong khi học) để chuẩn bị vào đời ở tuổi mười tám.Đây là loại trường học không hạn chế tuổi tác cũng như điều kiện, quy mô. Chỉ yêu cầu học nghề và hành nghề với tay nghề vững vàng. Nhà nước hằng năm đều mở khoa thi (cho từng ngành nghề) để đánh giá bậc tay nghề cho các đối tượng này.
- Trung học kỹ thuật (ba năm), sau đó các em có thể học tiếp cao đẳng kỹ thuật (thêm hai năm), hoặc đại học chuyên ngành kỹ thuật, hay có thể ra đời làm công nhân có trình độ cao. Loại trường này đòi hỏi điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ và đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản.
- Trung học phổ thông với các chuyên ban khác nhau (xã hội nhân văn, khoa học tổng hợp) để vào đại học và các bậc học cao hơn trong tương lai.
Chúng ta có thể từng bước chuyển các trường trung học hiện nay theo mục tiêu: 30% là trung học phổ thông, 35% trung học kỹ thuật, 35% là trung học nghề. Loại trường trung học phổ thông có thể do Nhà nước đảm nhiệm là chủ yếu. Loại trung học kỹ thật và trung học nghề sẽ xã hội hóa, do doanh nghiệp hay tư nhân thực hiện trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất, mặt bằng xây dựng (nếu xây mới) và đội ngũ giảng dạy (trường sẽ chủ động trong việc chọn đội ngũ giảng dạy, nội dung giảng dạy, tự chủ về mặt tài chính, tự chủ trong sự liên kết đào tạo trong và ngoài nước).
Thứ hai, cần lấy hướng phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở hội nhập toàn cầu làm đầu ra cho người học, nhằm đảm bảo học sinh, sinh viên ra trường có công ăn việc làm, đồng thời góp phần phát triển chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Mục tiêu trước mắt là thị trường nội địa và thị trường các nước thuộc cộng đồng ASEAN.
Thứ ba, ở cấp giáo dục đào tạo đại học và trên đại học, nên mở ra cho các nước có trình độ phát triển giáo dục, kinh tế, xã hội cao vào nước ta mở trường đại học, xem như một dạng đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu họ đủ điều kiện. Một mặt, giúp con em chúng ta không có điều kiện tài chính dồi dào được tiếp cận với chương trình đào tạo của nước ngoài, mặt khác giúp làm giảm đáng kể khoản ngoại tệ lâu nay dành cho du học.