Tiếp thị qua các thiết bị di động (mobile marketing) đang trở thành một xu hướng phổ biến nhờ số người tiêu dùng sử dụng các thiết bị này ngày càng tăng và sự phát triển của các phần mềm ứng dụng đi kèm. Một trong những cách tiếp thị qua thiết bị di động đơn giản và dễ thực hiện nhất là gửi tin nhắn (SMS).
Theo các chuyên gia tiếp thị, để hình thức tiếp thị này đạt hiệu quả cao nhất, doanh nghiệp cần phải tuân thủ một số nguyên tắc sau đây.
Tin nhắn phải tạo ra giá trị khác biệt cho khách hàng
Để được khách hàng quan tâm, thông điệp tiếp thị qua tin nhắn phải tạo cho họ cảm giác “gửi cho riêng mình”. Tránh gửi những lời mời chào mà khách hàng có thể tìm thấy qua các kênh tiếp thị khác như thư điện tử, quảng cáo bằng ấn phẩm hay qua trang web của doanh nghiệp. Khách hàng sử dụng điện thoại di động thường chỉ lưu lại những tin nhắn mà họ cảm thấy có giá trị hoặc thú vị.
Tìm hiểu những quan tâm của khách hàng
Những người làm tiếp thị hẳn là rất muốn biết những gì khách hàng mong chờ nhận được từ doanh nghiệp. Theo một nghiên cứu của ExactTarget, 15% người tiêu dùng thích nhận các thông tin tài chính qua tin nhắn, 25% muốn nhận được các thông báo về các chương trình khuyến mãi liên quan đến lĩnh vực du lịch và lữ hành. Những thông tin liên quan đến dịch vụ chăm sóc khách hàng thường cũng được khách hàng quan tâm.
Tránh làm phiền khách hàng
Không nên gửi các tin nhắn tiếp thị cho khách hàng sau 10 giờ tối hoặc trước 8 giờ sáng để tránh làm phiền họ vì có thể họ đang ngủ. Nên để ý đến sự khác biệt về thời gian khi gửi tin nhắn cho khách hàng ở nhiều khu vực thị trường khác nhau và chọn thời gian sao cho sự tương tác với khách hàng được thuận tiện nhất.
Gửi tin đúng thời điểm
Khách hàng mong đợi doanh nghiệp cung cấp thông tin thật sự cần thiết và chấp nhận đọc thông tin này dù đang ở bất kỳ đâu. Vì vậy, các công ty bán lẻ nên gửi tin nhắn cho khách hàng trước và trong thời gian mua sắm của họ.
Các nhà hàng nên cập nhật thông tin cho khách hàng trước lúc họ chuẩn bị dùng bữa ăn khoảng một giờ. Không nên gửi tin nhắn về chương trình khuyến mãi đang áp dụng tại cửa hàng nào đó ở thời điểm cửa hàng ấy sắp đóng cửa nghỉ trưa.
Tạo ra giá trị cho khách hàng trước, thu thập dữ liệu về khách hàng sau
Không nên đặt ra mục tiêu khai thác những thông tin cá nhân về khách hàng ngay từ đầu, mà chỉ làm việc đó sau khi đã gửi những thông điệp có giá trị cho khách hàng.
Theo dõi tỷ lệ tin nhắn phản hồi của khách hàng
Qua đó, doanh nghiệp sẽ biết được những nội dung gì được khách hàng quan tâm nhất.
Chuẩn bị chu đáo thông điệp tiếp thị trước khi thu thập số điện thoại của khách hàng
Nếu để quá lâu (vài tuần thậm chí vài tháng) sau khi báo số điện thoại cá nhân để nhận thông tin tiếp thị từ doanh nghiệp nhưng khách hàng không nhận được tin nhắn nào thì tất nhiên họ sẽ không còn quan tâm đến doanh nghiệp nữa.
Tìm hiểu kỹ thông tin của khách hàng
Khi khách hàng đăng ký số điện thoại để nhận các tin nhắn tiếp thị từ doanh nghiệp (thông thường qua trang web của doanh nghiệp), nên tìm hiểu kỹ các sở thích, các mối quan tâm của khách hàng. Thông tin càng chi tiết thì doanh nghiệp càng có thể gửi những tin nhắn phù hợp cho khách hàng và dễ đạt được hiệu quả cao về mặt tiếp thị.
Tạo trải nghiệm tích cực cho khách hàng
Không nên gửi cho khách hàng những đường dẫn hay tập tin hình ảnh mà họ phải kết nối với các trang web khác hay phải in ra thì mới đọc được. Thay vào đó, có thể kết nối với các trang web xã hội phổ biến như Facebook để khách hàng có thể dễ dàng truy cập và chia sẻ thông tin từ các thiết bị di động của họ.