Trung tâm kiến thức về dừa Tetra Pak tại Singapore vừa mới giới thiệu cuốn Cẩm nang về dừa cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dừa Việt Nam. Cuốn sách này tổng hợp những kiến thức chuyên môn và các bí quyết sản xuất các sản phẩm dừa, bao gồm tất cả các quy trình gieo trồng, thu hoạch, đánh giá thành phần sản phẩm, kiểm tra chất lượng, chế biến và đóng gói, bên cạnh những thông tin khác như lợi ích dinh dưỡng từ dừa, thông tin về thị trường. Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp dừa trong nước nên tham khảo về tài liệu này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải tiến hiệu quả chuỗi giá trị cây dừa từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ…
Dừa là một trong những cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Riêng tại tỉnh Bến Tre, địa phương có diện tích sản xuất dừa lớn nhất trên cả nước, có gần 2.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ dừa. Mỗi năm ngành dừa tạo ra giá trị tăng khoảng 4.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 60.000 lao động. Dừa xuất khẩu nước ta đã xâm nhập được vào hàng chục thị trường khác nhau trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Singapore… nhưng phải cạnh tranh gay gắt với các nước láng giềng Indonesia, Philippines và Ấn Độ. Trong năm 2015, xuất khẩu dừa trái của Bến Tre – phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dừa năm 2015 lên hơn 138 triệu đôla Mỹ, nhưng trong đó, kim ngạch xuất khẩu của nước dừa đóng hộp chỉ chiếm dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dừa của tỉnh, do thiếu công nghệ phù hợp. Điều này cho thấy thực tế là một lượng lớn nước dừa bị bỏ phí, hoặc được sử dụng để làm một số thực phẩm có giá trị thấp khác.
Theo ông Trương Minh Nhựt – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre thì nội tại ngành dừa cũng còn tồn tại nhiều vấn đề như các sản phẩm từ dừa tuy đa dạng nhưng vẫn chứa hàm lượng chất xám thấp nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Từ lâu ngành dừa nước ta đã hình thành nhiều phân khúc liên hoàn gồm các khâu: trồng cây, cung cấp nguyên liệu, chế biến, dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu. Thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu dừa đang gặp khó, có những hộ nông dân phải chặt phá vườn dừa để chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi tôm… Điều này đòi hỏi ngành dừa cần có những bước cải thiện sản phẩm, tăng xuất khẩu để tạo niềm tin và thu nhập ổn định cho người nông dân.
Các chính sách phát triển ngành dừa muốn đi vào thực tế thường mất nhiều thời gian. Doanh nghiệp nên chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu để giảm rủi ro khi thị trường thế giới biến động, gắn thị trường trong nước với thị trường xuất khẩu theo hướng phát triển thị trường trong nước để tạo nguồn hàng cung ứng cho xuất khẩu, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu để kích thích phát triển sản xuất trong tỉnh ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tham khảo thêm sách Cẩm nang về dừa để nắm chắc tình hình thị trường, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tổ chức lại sản xuất, lựa chọn tập trung sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Sách có thể đặt mua tại: www.tetrapak.com/about/book-store.
Thanh Nhã (DNSGCT)