Bán được giá cao, thặng dư nhiều, doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách, nhưng đến nay chúng ta chưa biết tiền thu từ cổ phần hóa đi đâu, về đâu?
Trong cổ phần hóa, mối quan tâm của người bán hầu như tập trung vào giá rẻ hay đắt, mà chưa bao giờ công khai tiền bán được bao nhiêu, sử dụng làm gì. Việt Nam có Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là nơi quản lý, đôn đốc thu. Số tiền theo như công bố đến cuối năm 2010 là hơn 31.500 tỉ đồng. Số này ít được cập nhật và chưa bao gồm số liệu từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Nếu tính cả nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty, hẳn con số sẽ gấp nhiều lần? Nó là nguồn lực không thể bỏ qua.
Chúng ta đang trong giai đoạn tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, tôi tin nguồn lực từ cổ phần hóa có thể hỗ trợ đắc lực cho tiến trình này. Khi mục tiêu tái cơ cấu được định hình rõ ràng, nguồn vốn sẽ được điều tiết và phân bổ có định hướng cụ thể. Tình trạng chỉ biết bán tài sản, vốn, còn tiền thu được tính toán sau cần phải được chấm dứt.
Tới đây nguồn thu có khả năng còn tăng hơn nữa khi chủ trương cổ phần hóa các tập đoàn tầm cỡ đang được lên kế hoạch, cũng như việc giảm tỵ lệ sở hữu nhà nước ở các ngân hàng lớn. Dường như bắt đầu có sự chuyển động: chúng ta không chỉ bán, thoái vốn ở những doanh nghiệp nhỏ, làm ăn kém hiệu quả mà cả ở những doanh nghiệp tốt?
Bên cạnh các doanh nghiệp cổ phần hóa mới, nguồn thu từ thoái vốn tại các công ty đã cổ phần hóa cần phải được nhìn nhận dưới góc độ khác. Cá nhân tôi cho rằng thoái vốn không chỉ tiến hành ở các đơn vị kém hiệu quả, mà nên được thực hiện ở những doanh nghiệp nơi Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Những doanh nghiệp thuốc lá, bia rượu kinh doanh càng hiệu quả về mặt tài chính, thì càng tạo ra bất ổn về mặt xã hội như nhậu nhẹt, say xỉn, giảm sức khỏe do hút thuốc… Ở những đơn vị đó, nếu Nhà nước là cổ đông chi phối, sẽ phát sinh mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và an sinh xã hội. Nhà nước có thể điều phối nguồn vốn từ các doanh nghiệp này sang các công ty chủ lực trong lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, xuất khẩu, hàng thiết yếu, dịch vụ y tế, giáo dục…
Ở trên ông có nói đến tính thời điểm của thị trường trong xác định giá trị doanh nghiệp cũng như IPO. Vậy hiện nay Nhà nước có nên thoái vốn không? Có nên tiếp tục niêm yết các đơn vị đã cổ phần hóa không? Hay Nhà nước cũng chờ một cơ hội bán vốn tốt như nhà đầu tư cá nhân và cải cách DNNN tiếp tục chậm chạp trong khi nhu cầu tái cơ cấu kinh tế lại cấp bách?
Cổ phần hóa gắn với niêm yết là điều chúng ta chưa làm được. Liên tục hoãn, lùi thời điểm niêm yết, chờ thị trường phục hồi là điều thường xảy ra với các đơn vị sau cổ phần hóa. Điều này đã và đang làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư. Niêm yết không chỉ tạo thanh khoản, mà còn minh bạch hóa thông tin, vốn dĩ là điểm yếu của doanh nghiệp. Vì thế niêm yết cần phải đưa vào như một phần bắt buộc của quá trình cổ phần hóa, có quy định cụ thể, rõ ràng thời gian bao lâu sau khi hoàn tất chào bán chứng khoán ra công chúng.
Hải Lý thực hiện