Fideco ra đời vào thời điểm 1989, như một đột phá của thành phố trong việc tìm kiếm mô hình tổ chức doanh nghiệp mới phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước. Một trong những người dám đương đầu để phá cơ chế không ai khác chính là ông Đỗ Hoàng Hải (Năm Khoa) – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP.HCM (Fideco). Ở ông hội tụ những tính cách của một doanh nhân-chiến sĩ: Kinh doanh có lý tưởng, táo bạo, đổi mới không ngừng, nhưng rất nhân ái, đời thường, chịu chơi, hào sảng.
Gặp ông tại cơ ngơi đồ sộ của Fideco ở 28 Phùng Khắc Khoan, trông ông vẫn rất tráng kiện, khỏe mạnh, dù đã trải qua bao tai ương vì những ngày đọa đày nơi Côn Đảo, cùng bao căn bệnh hoành hành. Chậm rãi, khúc chiết, ông trò chuyện cởi mở với chúng tôi về một đoạn đường dài của Fideco, mà lắng đọng trong ấy là tâm nguyện của bao con người…
____
Lý do nào đã khiến ông từ bỏ chức vụ Phó Tổng giám đốc Imexco và “ra riêng” với Fideco?
Khoảng năm 1985, thành phố điều tôi từ Bí thư Quận ủy quận 6 lên làm Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Imexco, một đơn vị xuất nhập khẩu độc quyền của phía Nam, thời kỳ cao điểm nhất của bao cấp. Bữa nọ tôi nhận được một giấy viết tay của vị Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu Imexco nhập một lô hàng sợi để đáp ứng cho yêu cầu ngành dệt thành phố.
Tôi rất ngạc nhiên, một công ty kinh doanh lại nhận chỉ thị từ phía UBND, không có đơn đặt hàng của doanh nghiệp cần nhập. Dù là đơn vị quốc doanh cũng phải tính lời lãi, sổ sách đàng hoàng chứ. Tôi đã không làm theo thư tay đó. Trong một cuộc họp BCH Thành ủy, tôi đã nêu vấn đề quyền tự chủ của doanh nghiệp, phân tích những rủi ro đổ lên đầu Imexco cùng sự thua lỗ của các xí nghiệp và yêu cầu thành phố có cơ chế nào để chấm dứt tai họa cho Imexco.
Vị Phó Chủ tịch đó đã đứng lên bác bỏ quan điểm của tôi với một thái độ rất bực bội, quy trách nhiệm cho tôi rằng cấp trên ra lệnh mà không chấp hành… Cũng phải nói lại, sau này có lẽ ông đã nhận thấy sự rệu rã của bao cấp, nên đã vui vẻ rủ tôi đi đánh tennis với ông. Bức bách bởi một cơ chế vô lý đè đầu Imexco quá nặng, tôi đã tìm cách thoát ra bằng được để có thể tự chủ kinh doanh với Fideco.
____
Tránh được “món nợ” cơ chế của Imexco, ông lại rơi vào món nợ khởi nghiệp với Fideco, và đã từng bị ngân hàng kết tội oan chiếm dụng vốn của Eximbank 1 triệu USD?
Fideco ra đời dưới hình thức công ty liên doanh cổ phần, trước khi Luật Công ty được ban hành, trên cơ sở tự nguyện liên kết các tổ chức kinh tế quốc doanh như Cofidec, Generalimex, Vietcombank TP.HCM, Safico, Codaco, tuy nhiên vốn thực tế ban đầu chỉ có 335 triệu đồng. Từng xuống tàu đánh cá Úc để học nghề đánh bắt xa bờ, sống cùng với một gia đình nông dân Thái Lan quyết tâm học nghề nuôi tôm… nhưng vì bị hạn chế ở cung độ hẹp, mà mùa vụ hải sản thì không dừng lại ở địa phương nào, nên sau một năm, hợp đồng với công ty Hàn Quốc đưa hai tàu đánh bắt từ Địa Trung Hải về biển Việt Nam đã lỗ 1 triệu USD, đành phải đưa tàu trở lại bên đó.
Chương trình nuôi tôm của Fideco ở Duyên Hải, Cần Giờ nhanh chóng đem lại nguồn lợi góp phần xây dựng đường điện Cần Giờ, nhưng càng về sau, do kỹ thuật chưa cao, không xử lý được ô nhiễm nước của hai con sông Soài Rạp và Lòng Tàu, lại gặp tai nạn tràn dầu gây ô nhiễm khắp đầm tôm… khiến cho hai chương trình mũi nhọn của Fideco đều không thành công. Fideco lâm vào nợ quá hạn đối với Eximbank khoảng 20 tỉ đồng.
Trong một báo cáo của đoàn thanh tra Ngân hàng Trung ương được gửi đi khắp nơi, Fideco bị kết luận là chiếm dụng Eximbank 1 triệu USD! Fideco nợ Eximbank 20 tỉ là có, nhưng Fideco không chiếm dụng, bởi tôi không lấy tư cách ủy viên HĐQT để vay nợ, mà hợp đồng tín dụng giữa hai doanh nghiệp được ký kết trên cơ sở pháp lý đàng hoàng, có thế chấp tài sản, chẳng qua khó khăn tài chính nên chúng tôi đã phải nợ quá hạn, chứ không hề chiếm đoạt.
Nếu không đi lên bằng tài năng, tâm huyết thì khi chỗ dựa không còn nữa sẽ bị hổng chân.
____
Suốt 10 năm nợ điên khùng ấy, làm thế nào ông đã đưa con tàu Fideco vượt qua sóng dữ, mở rộng kinh doanh ra 5 lĩnh vực lớn?
Thực sự Fideco mới thanh toán cơ bản công nợ từ năm 2000. Khởi điểm là con số không, trụ sở không có, cho đến nay đã có một tích sản với trị giá lớn, số cán bộ công nhân viên lên đến 80 người, xây dựng được trụ sở riêng và cho thuê văn phòng, đang là chủ đầu tư của một số dự án trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh… Bằng cách lấy nợ nuôi nợ, vay nợ mới, kinh doanh hải sản và xuất nhập khẩu để trả nợ ngân hàng, Fideco đã từ từ trả nợ quá hạn, đến trả nợ gốc. Được xem là thành phần kinh tế dân doanh, mục đích kinh doanh của Fideco không vì làm giàu cá nhân, mà vì lợi ích cộng đồng, ý nghĩ đó xuyên suốt trong tôi cho đến hôm nay.
____
Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Kinh tế Thành ủy, ông đã từng đưa ra Quốc hội một lộ trình kinh tế dài hơi cho Việt Nam?
Cách đây 10 năm, trước Quốc hội, tôi đã từng nói phải có một tổng công ty tài chính quốc gia để kinh doanh đồng vốn của Nhà nước. Lĩnh vực nào có hiệu quả mới đưa vốn, đưa con người vào đó để kinh doanh. Lĩnh vực nào không hiệu quả do cung cầu thị trường thế giới thay đổi thì phải điều vốn để đầu tư sang lĩnh vực khác, dùng chế độ “rót” vốn là hoàn toàn sai lầm.
Chủ nghĩa xã hội là phải làm cho đồng vốn nhà nước sinh sôi nảy nở, bất luận thành phần kinh tế nào, chứ không ném vào đâu mất tới đó như hiện nay. Chủ nghĩa xã hội có mặt khắp nơi, không có đứa con nào bị bỏ rơi, con nào cũng là con ruột. Tôi đã đem suy nghĩ đó áp dụng ở Fideco.
Một đất nước muốn phát triển hùng mạnh phải hội đủ ba điều kiện: Thứ nhất là sự điều hành thông thoáng của Nhà nước, của cơ chế chính sách vĩ mô, luật pháp. Thứ hai là hình thành những tập đoàn kinh tế với số vốn rất lớn, những doanh nhân giỏi, chuyên nghiệp, có tri thức. Thứ ba là những sản phẩm độc đáo mang tính cạnh tranh toàn cầu. Không tạo được ba điều đó thì đừng hy vọng gì đất nước thoát khỏi cảnh thua thiệt. Cả ba yếu tố chúng ta đều có, nhưng chỉ là manh nha, khởi đầu.
Nhà nước đã thay đổi, nhưng sự thay đổi đó hoàn toàn chưa theo kịp được tốc độ phát triển của các nước. Những nhà lãnh đạo của chúng ta đã có ai đi cắm lều, nằm sương nằm gió như Thủ tướng Thái Lan, để thúc giục nhà đầu tư ì ạch phải đẩy nhanh tiến độ? Có ai đi chào bán sản phẩm hải sản Việt Nam như Thống đốc Washington của Mỹ chào bán táo ngay tại TP. HCM? Công chúa Thái Lan cũng xuống nông thôn để tổ chức triển lãm và dạy cách nuôi trồng bông súng, tập hợp toàn bộ gien bông súng khắp thế giới để cải tạo giống cho Thái Lan… Chúng ta chưa có một tập đoàn kinh tế, bởi nói đến tập đoàn trước nhất là nói đến doanh số khổng lồ…
____
Nói vậy, Nhà nước không có tập đoàn kinh tế sao?
Có, nhưng chỉ từng thời điểm. Những công ty Nhà nước có số vốn rất lớn, nhưng không tự chủ, người lãnh đạo công ty cũng do cấp trên bổ nhiệm, nếu rơi vào tay người tâm huyết sẽ phát đạt, nhưng rơi vào tay người tiêu cực, không có tài, cơ hội, tham nhũng, thì một ngày nào đó “chết” như dệt Long An, tai tiếng như Tổng cục Dầu khí… làm nghèo đất nước. Mới thấy tưởng đâu đó là tập đoàn kinh tế, nhưng vì không rõ ràng về chủ sở hữu, nên suy sụp nay mai không ai biết được. Điều này cứ bị lặp đi lặp lại hoài.
____
Điều gì đã giúp ông vượt qua bao trở lực để có được một tầm nhìn độc lập? Đã có lúc vừa làm chức năng lãnh đạo về mặt Nhà nước, vừa có công ty riêng?
Tôi quan niệm đây là con đường yêu nước. Tôi và nhiều anh em ở Fideco đã từng bầm dập trong cơ chế cũ, gặp nhau ở chí hướng, quan điểm, hoàn cảnh. Tôi rất hạnh phúc được cùng làm việc với một đội ngũ cán bộ công ty rất tuyệt vời. Họ là vốn quý nhất của Fideco. Con người doanh nhân và một cán bộ nhà nước là một trong tôi. Thành phố ai cũng biết tôi có công ty riêng, có trang trại, nhưng không ai nghĩ tôi lợi dụng chức tước, bởi tài sản đó tôi có được trước khi được bổ nhiệm làm Trưởng ban Kinh tế Thành ủy.
Bất hạnh của mình so với người khác chẳng thấm vào đâu, sống được đến hôm nay là “lời” lắm rồi.
____
Ông nghĩ gì về mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế?
Tất nhiên không thể tách bạch. Nếu tôi không có uy tín chính trị, không được Đảng đào tạo, được tôi luyện trong sự nghiệp cách mạng, thì cũng không thể làm được như hôm nay. Nhưng tôi luôn tự nhủ đừng bao giờ lợi dụng chức quyền, lợi dụng ưu thế của Đảng để vun đắp cho riêng tư, cho lợi ích công ty mình. Đừng nhập nhằng giữa chính trị và kinh tế. Nếu không đi lên bằng tài năng, tâm huyết của mình thì khi chỗ dựa không còn nữa sẽ bị hổng chân, không căn cơ. Tôi dứt khoát không chấp nhận bất cứ luồn lách nào tồn tại trong công ty, mặc dù có điều kiện để làm như thế.
____
Người ta thường nghĩ thuộc tính của doanh nhân là tính toán, khôn ngoan, trong những năm tháng khó khăn của Fideco, ông vẫn được anh em nhận xét là người quá nhân hậu, hiền từ, ông có gặp khó khăn không khi tạo lập Fideco? Là người chịu nhiều bất hạnh riêng tư, sức khỏe lại trồi sụt bất thường, làm thế nào ông vượt qua được những nỗi đau riêng?
Bất hạnh thì hầu như không ai tránh khỏi, nó hiện ra như một thế lực khách quan, thử thách gay go để tăng thêm ý chí. Trước nỗi bất hạnh, tôi bao giờ cũng nghĩ phải làm sao để vượt qua. Tôi đã tập được cho mình thói quen lên giường là ngủ ngay, để có đủ sức khỏe ngày mai tiếp tục đi con đường bất hạnh. Bất hạnh của mình so với người khác chẳng thấm vào đâu, sống được đến hôm nay là “lời” lắm rồi. Tuổi hai mươi bảy tràn đầy nhựa sống của tôi đã trải qua trong địa ngục của trần gian, không nhớ nổi ngày, tháng, chỉ biết mỗi khi gió lạnh phải dựa sát vào vách tường chuồng cọp mới ngủ được, đó là mùa đông đã về… Ngày hiệp định Paris được ký kết, tôi thân tàn ma dại chỉ còn 35kg, chân chống nạng, phải ăn cháo vì chứng kiết lỵ kinh niên gần 5 năm trời… Được nước bạn Cộng hòa Dân chủ Đức tận tình cứu chữa, sức khỏe của tôi đã dần hồi phục. Từ Berlin, máy bay quá cảnh Matxcơva, lòng tôi ngổn ngang suy tư, vừa hạnh phúc vô bờ bến, vừa nghĩ đến cảnh lầm than, nghèo nàn của đồng bào mình sau bao năm bị chiến tranh tàn phá, bị tụt hậu so với thế giới văn minh. Tôi xác định ngay ý hướng của mình: Phải cùng với nhân dân thành phố góp phần cùng cả nước xây dựng lại quê hương.
Tôi là người vốn rộng lượng. Trong đội ngũ làm kinh doanh cùng tôi, có người đã tách ra, thậm chí bằng uy tín của tôi để tính toán con đường riêng tư, nhưng không bao giờ tôi ăn thua đủ hoặc ác cảm, trái lại tôi sẵn sàng bỏ qua, tay bắt mặt mừng miễn là họ thành công trên đường đời, làm đúng pháp luật. Nhưng đối với cơ quan, đội ngũ, tôi rất nghiêm khắc. Nằm trong một guồng máy phải tuân theo kỷ luật, sự thôi thúc thành công của công ty là trên hết, nếu ai không chịu làm việc, không hiệu quả phải thay ngay để bố trí người khác. Người Hoa có một câu rất hay: “Người kinh doanh thật không có vốn thật. Vốn bằng tiền mặt cộng với uy tín”.
____
Ông còn nổi tiếng trong giới doanh nhân là người nhảy đầm rất điệu nghệ, biết nhậu, phong thái tự do, rất đời, có bao giờ ông bị… kiểm điểm vì nhảy đầm?
Tôi không thích những gì không thật. Khi là Bí thư Quận ủy quận 6, tôi là người đầu tiên mặc quần jean đi họp Thành ủy. Vấn đề không phải là quần jean, mà là mình phát biểu điều gì trước Thành ủy. Có một nhân vật đã lên án tôi rất dõng dạc: “Có những cán bộ chủ chốt thành phố mà đi nhảy đầm”, kèm theo một bức ảnh chụp tôi đang nhảy đầm đưa cho Chủ tịch thành phố.
Tôi hỏi ngay lại ông chủ tịch: “Mà anh thấy tôi nhảy đầm có đẹp không?”. Khi họp Quốc hội xong, buổi chiều tôi nói với anh Chánh văn phòng Quốc hội: bố trí giùm một chiếc xe đưa tôi đến chỗ nhảy đầm đẹp của Hà Nội nhé. Đó là sở thích của riêng tôi, và tôi nghĩ đó cũng là phong thái của những nhà doanh nghiệp. Tất nhiên làm gì cũng có đạo đức và chừng mực. Tôi nghĩ đại biểu Quốc hội cũng là những người rất đời, biết làm chính trị, biết làm thương nhân, suy nghĩ thông thái, chứ không phải là những người khúm núm dạ thưa. Đại biểu Quốc hội phải là đại biểu của dân, biết thế nào là cuộc sống của dân, biết phát biểu trước Quốc hội những vấn đề ích nước lợi dân.
Tôi may mắn được làm doanh nhân sớm, có điều kiện đi nhiều nơi trên thế giới nên cũng mở được tầm nhìn, biết mình phải làm gì cho đất nước, biết lĩnh vực nào làm ra tiền.
____
Cuộc đời làm doanh nghiệp đã cộng thêm cho ông những điều gì?
Tôi may mắn được làm doanh nhân sớm, có điều kiện đi nhiều nơi trên thế giới, hầu như tất cả các nước châu Á, châu Âu, Mỹ, Canada… nên cũng mở được tầm nhìn, biết mình phải làm gì cho đất nước, biết lĩnh vực nào làm ra tiền, biết cái gì nên, cái gì không nên, dân mình bị tụt hậu và bỏ rơi đến đâu, dân mình có những vốn quý nào cần phải được phát huy… nhưng buồn nhất là những điều mình thấy mà chưa làm được…
____
Vậy trái tim của ông vẫn đập khỏe chứ?
Vẫn lạc quan, khỏe khoắn, vì con đường mình vạch ra đã từng bước được thực hiện. Tôi muốn cống hiến bằng thành quả một công ty, mà phía trước là một tập đoàn, một đơn vị kinh tế mạnh của thành phố, với những sản phẩm công nghiệp và một hệ thống phân phối mạnh đi ra thế giới. Một cuộc sống bình dị và phong phú cũng giúp cho trái tim của tôi khỏe khoắn, tôi chơi tennis hàng ngày, có bạn bè bù khú, giải tỏa mọi ấm ức, tạo cảm giác hưng phấn cho đời. Đối với tôi nếu người nào mà sống không có bạn thì đừng bao giờ giao du, vì họ không biết mình sống để làm gì. Có những việc mà tổ chức không biết, gia đình không biết, nhưng bạn biết (cười sảng khoái).
____
Ông có thể nói gì về chị Năm, người bạn đời của mình?
Bà xã tôi đã cực nhiều vì tôi, cũng từng bị tù đày và là người rất kiên cường. Cô ấy là một hậu cứ, giềng mối của gia đình, một nội tướng lo toan hết mọi điều, nhất là những ngày tôi bị ốm đau…
____
Làm thế nào ở tuổi này, ông còn giữ được một tính cách hào sảng, đầy nhiệt huyết như vậy?
Sáng tạo bằng tâm huyết và tri thức để giải quyết thấu đáo công việc là một bản tính của doanh nhân, nhưng nếu không có lòng tin thì rất dễ nản lòng trước thực tế hiện nay. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ lịch sử, và có một niềm tin mãnh liệt vào dân mình, một dân tộc có sức sống bất diệt, không ngơi nghỉ.
____
Ông vượt qua những nỗi đau riêng rất nhẹ nhàng, vậy điều gì làm ông nôn nóng thế?
Làm sao rút ngắn khoảng cách bị bỏ rơi của đất nước đối với khu vực, đối với thế giới, đó là nỗi niềm của những người nằm trong bộ máy nhà nước và những doanh nhân như tôi. Sự nóng lòng đôi khi khiến mình bực dọc, nhưng phải biết biến những bực dọc ấy thành thành quả của công việc, bớt nói đi, và làm nhiều hơn.