Rừng là hữu hạn. Nhưng nhu cầu sử dụng gỗ của nhân loại thì vô hạn. Tỉ lệ nghịch giữa hai yếu tố này khiến diện tích rừng trên thế giới bị thu hẹp. Thế nhưng, ở Canada thì ngược lại. Càng khai thác, diện tích rừng ở Canada càng tăng lên. Đây là khác biệt kỳ diệu của những khu rừng bền vững.
Để đốn một cây rừng tại Canada
“Hoạt động khai thác gỗ khiến diện tích rừng Canada ngày càng tăng lên” – mệnh đề vô lý này lại là một điều tất yếu tại đất nước hình lá phong. Lý do là để đốn chặt một cây rừng, người Canada phải trồng lại ba cây mới.
Thế nhưng, không phải vì thế mà người ta dễ dàng được phép đốn chặt gỗ tại các khu rừng của Canada. Trước đó, để được phép đốn một cây rừng bất kỳ, đơn vị khai thác gỗ phải trình kế hoạch quản lý rừng cho chính quyền phê duyệt. Đốn một cây rừng tại Canada là chạm vào một hệ thống quản lý, bao gồm hàng loạt tiêu chí nghiêm ngặt về xã hội, môi trường và kinh tế trong chính sách quản lý rừng bền vững của Canada.
Rừng chiếm hơn 38% diện tích quốc gia, và là một phần quan trọng trong lịch sử Canada. Từ thế kỷ 19, người Canada đã khai thác gỗ rừng cho xây dựng, phát triển đường xá và hạ tầng. Khi nhu cầu khai thác gỗ ngày càng tăng lên, chính phủ và người dân Canada nhận thức sâu sắc về sự biến động ở các khu rừng. Nhu cầu “giữ rừng cho tương lai” xuất hiện, đòi hỏi những động thái thiết thực trong việc bảo vệ rừng.
Bảo vệ rừng, bảo vệ cả nhu cầu sử dụng gỗ cho nhiều thế hệ, Canada thực hiện một chính sách thông minh cho mục tiêu kép này, với tên gọi “quản lý rừng bền vững”. Từ những năm 1980, chính phủ Canada đã bắt đầu hợp tác với ngành công nghiệp gỗ, đề ra các tiêu chí đầu tiên về quản lý rừng bền vững.
Những năm 1990, các khu rừng tại Canada được chứng nhận bởi các tiêu chuẩn quốc tế như FSC và SFI. Việc quản lý rừng tại Canada nâng lên một tầm cao mới, cụ thể và nghiêm ngặt trong các khía cạnh khai thác gỗ bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và các loài động thực vật, duy trì quyền lợi của người lao động và cộng đồng bản địa, minh bạch trong chuỗi cung ứng từ rừng cho đến sản phẩm cuối cùng.
Nhờ thực thi các tiêu chí rừng bền vững, rừng Canada có sức tái tạo đáng kinh ngạc. Mỗi năm, có 200 triệu cây mới được trồng tại những khu rừng Canada. Con số này, tất nhiên, lớn gấp 3 lần số cây rừng bị đốn chặt.
Rừng bền vững cho gỗ bền vững
Với các nguyên tắc bền vững trong quản lý rừng, Canada được đánh giá là một trong các quốc gia có luật lâm nghiệp nghiêm ngặt nhất thế giới. Nếu chỉ 9% diện tích rừng trên thế giới đạt chứng nhận bền vững, thì Canada chiếm 30% trong số đó. Cơ chế quản lý bền vững giúp Canada trở thành nguồn cung gỗ rừng ổn định, chất lượng, và hợp với xu thế tiêu dùng trân trọng môi trường.
Trong quy trình khai thác gỗ bền vững tại Canada, mỗi cây gỗ trước khi đốn hạ đều được xác định tuổi đời, chất lượng. Mọi can thiệp của con người vào từng lóng gỗ đều được chuẩn hóa bằng công nghệ hiện đại, để tối ưu hiệu quả, chi phí, và bảo vệ môi trường. Quy trình kiểm soát chặt chẽ được áp dụng từ lúc gieo hạt, đốn chặt, xẻ gỗ, cho đến hoạt động vận chuyển đến tay khách hàng khắp thế giới.
Nhưng, bền vững không chỉ là những nguyên tắc có tính xã hội. Tính bền vững trong hành trình của gỗ được lượng hóa bằng những phép tính chi tiết về lượng carbon. Theo phép tính đã được kiểm chứng, hoạt động trồng, khai thác, chế biến và vận chuyển suốt vòng đời của một sản phẩm gỗ tạo ra một lượng carbon thấp hơn lượng carbon mà cây gỗ ấy hấp thu khi còn là một cây rừng và lưu giữ suốt phần đời còn lại. Khả năng lưu giữ carbon một cách hiệu quả giúp những thân gỗ này đảm đương một phần đáng kể trong việc giữ cân bằng bầu khí quyển. Trong đó, các dòng gỗ mềm Canada là những “đại sứ bền vững” tiêu biểu.
Khi tâm thức tiêu dùng của nhân loại đã chạm đến sự trăn trở về môi trường sống, thì các nguyên tắc bền vững lâu đời của những khu rừng Canada “tình cờ” đúng điểm rơi của thị trường. Gỗ Canada đĩnh đạc bước ra thế giới, với những phẩm chất bền vững được chứng nhận các tiêu chuẩn toàn cầu. Chọn một lóng gỗ Canada, người tiêu dùng đồng thời nắm biết nguồn gốc, độ tuổi, cách đốn chặt, xử lý và mọi thông tin về tính chất, công năng của gỗ. Đặc biệt, người mua luôn biết, cây gỗ làm ra sản phẩm họ đang chọn đã được thay thế bằng 3 cây khác tại khu rừng quê hương của nó. Đây chính là tính minh bạch, là sức tái tạo của sản phẩm gỗ bền vững – một thế mạnh đáng mơ ước của mọi nhà cung cấp đương đại. Điều này, hẳn không đến từ việc “đón đầu thị trường”, mà đến từ chính tâm thức đầy trách nhiệm của người Canada với cây, với rừng.