Tôi đã mấy lần ngồi xe máy về chợ Hàng Dương ăn hải sản, ra chợ Cần Giờ ăn bánh khọt; rồi người Cần Giờ đãi bạn Sài Gòn hai món tủ hột vịt lộn, sò huyết. Cái cảm giác mỗi lần lên phà Bình Khánh, nhìn dòng người tất tả đội nắng che mưa mà nửa xót xa nửa không thôi trách cứ sao cũng là người-thành-phố lại cứ để bà con phải “lụy phà”; nhưng rồi lại tự nhủ, có khi nhờ sự ngăn sông ấy mà Cần Giờ vẫn còn xanh mướt đến giờ.
Nhưng, lần này, tôi lỡ hẹn với Cần Giờ, chỉ có thể đứng từ xa nhìn về huyện đảo qua chiếc điện thoại, trong một phiên livestream bán hàng. Trước đó, những khuôn mặt “ảnh hưởng” trên cộng đồng mạng, họ là những KOLs, KOCs, Tiktoker khắp mọi miền đã tụ hội ở Cần Giờ. Người tuổi “dày” cũng có, đa phần đều trẻ; giọng Bắc thì những tận miền trung du, giọng Thanh Hóa nói như hát…, họ cùng trên chuyến xe về Cần Giờ, khám phá và tham dự ngày hội “Ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng OCOP của TPHCM thông qua hình thức thương mại điện tử – trên nền tảng mạng xã hội” (từ 19 – 21/10).
Ít ai nghĩ những món đặc sản từ bánh tráng Củ Chi đến yến đảo Cần Giờ lại rộn ràng lên “sóng”, với phiên chợ đầu tiên của các sản phẩm địa phương, trong 3 ngày, những-người-bán-hàng trên sóng đã thu hút 16 triệu lượt khách với hơn 350.000 người xem livestream bán hàng, thu về gần 1 tỉ đồng. Lại càng khó hình dung hơn từ việc đưa các sản phẩm thuộc “tài nguyên bản địa” tham dự các hội chợ, hội nghị xúc tiến… để từ đó tiếp cận khách hàng tại địa phương, tổ chức hoặc tạo hiệu ứng nhằm phát triển thị trường. Đến một ngày, cũng là tập hợp các dòng sản phẩm đặc trưng về một điểm, dùng kỹ năng bán hàng, kỹ thuật công nghệ để tương tác mua – bán, tức dẫn – dụ khách hàng “lives” – “like” các sản phẩm thực, được chính người livestream trải nghiệm thực tế từ vườn, chuồng, trang trại đến thành phẩm chào hàng.
Một động thái khá nhạy bén, vừa đo được thị hiếu, nhu cầu thị trường – quan tâm, yêu thích, tin cậy khi sử dụng những sản phẩm, hàng hóa sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; vừa tiếp cận người tiêu dùng trực tiếp. Điều đáng ghi nhận đây là thành quả của một đơn vị “hàn lâm” chuyên tham vấn, định hướng về chính sách là Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), nền tảng Tiktok và UBND huyện Cần Giờ. Đối tác và cũng là khách hàng của “bộ tứ” nói trên không ai khác chính là doanh nghiệp và người dân – vừa là nông dân sản xuất trực tiếp vừa là người tiêu dùng.
Rõ ràng, nhìn ở khía cạnh xu hướng thương mại thì không nghi ngờ gì nữa khi thương mại điện tử đang là giải pháp đột phá cho nhiều khu vực kinh tế, ngành nghề. Nó không chỉ phản ánh bằng con số tăng trưởng ổn định (trên mặt bằng mọi lĩnh vực đều suy giảm, thậm chí giảm sâu) với 22,66% trong 3 quý đầu 2023 mà còn phản chiếu một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa chính các sàn thương mại điện tử. Trong đó, đang có sự dịch chuyển từ thương mại điện tử sang thương mại mạng xã hội (social commerce) khi lượng hàng hóa bán trên các shop của thương mại điện tử đã giảm mạnh trong khi shop trên nền tảng Tiktok lại tăng. Điều này lý giải cú vượt mặt ngoạn mục của TiktokShop trước Lazada để trở thành sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 Việt Nam với 16% thị phần, doanh thu hàng hóa đạt hơn 10.000 tỉ đồng với 90.000 shop tham gia.
Tôi nhớ, từ nhiều năm trước, khi còn là Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan đã xác quyết vai trò của “tài nguyên bản địa” trong kế hoạch tái cấu trúc nông nghiệp và phát triển kinh tế đồng bằng. Giờ thì vị bí thư năm xưa đang là tư lệnh ngành nông nghiệp đã “trending” để số hóa chính nguồn tài nguyên ấy, dưới tên gọi OCOP.
Công nghệ đã đưa hàng hóa từ nông thôn ra đô thị; nó giữ người nông dân ở lại một cách “hạnh phúc” trên mảnh đất của mình đồng thời xóa dần khoảng cách từ quê lên thành trong tiện nghi, sinh hoạt và người-thành-phố có thể hưởng thụ trực tiếp nguồn thực phẩm tươi-xanh hơn, sạch-sống hơn. Một con số cần được tham khảo: 1/3 lượng thực phẩm được nuôi trồng, chế biến lại không được chuyển từ trang trại, nhà xưởng tới tay người tiêu dùng.
Thử nhìn rộng ra và sâu hơn, có lẽ đây là cách thức vừa phát huy nguồn lực nội sinh của địa phương với dòng tài nguyên, gia tăng giá trị, phát triển kinh tế, chống làn sóng di cư – li nông vừa bảo vệ môi trường khi trả lại cho đất nguồn dinh dưỡng được sản sinh từ những giống trồng, vật nuôi bản địa. Giữ đất là giữ người; và ngược lại là đấy chứ đâu