Trung bình, mỗi năm, tại B.C. Canada, khoảng 200 triệu cây mới được gieo trồng. Quy luật “ăn khế trả vàng” tưởng chỉ có trong chuyện cổ tích, lại chính là luật khai thác rừng tại đất nước này. Đây là một trong những yếu tố đưa Canada thành thiên đường của rừng bền vững, chiếm 35% diện tích rừng đạt chứng nhận bền vững trên thế giới.
Ứng xử có trách nhiệm với… rừng
Gần 40% diện tích quốc gia là rừng. Đây có lẽ là điều khiến người Canada có nhận thức rất sớm về trách nhiệm của con người với rừng. Chia sẻ với báo giới TPHCM vào ngày 24/9, Đại diện của Canadian Wood Việt Nam – tổ chức quảng bá, tư vấn và giới thiệu các sản phẩm gỗ Canada tại thị trường Việt Nam – cho biết, những khu rừng là một nguồn cung bền vững sản lượng gỗ cho nhu cầu xây dựng của người dân, và là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế đất nước ông. Ghi nhận này, cộng với sự nhạy cảm với những tổn hại của rừng do hoạt động của con người khiến người Canada gần như tiên phong quản lý rừng bền vững. Từ những năm 1980, chính phủ Canada đã bắt đầu liên kết với ngành công nghiệp gỗ hợp tác quản lý rừng bền vững. Các tiêu chí đầu tiên về quản lý rừng bền vững ra đời.
Gần hai thập kỷ trước, khi thành lập, Canada và tỉnh bang British Columbia đã nhanh chóng áp dụng chứng chỉ rừng. Theo đó, có ba hệ thống chứng nhận của bên thứ ba để quản lý rừng bền vững bao gồm: Tiêu chuẩn Quản lý Rừng Bền vững của Hiệp hội Tiêu chuẩn Canada (CSA), Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) và Sáng kiến Lâm nghiệp Bền vững (SFI)…
Việc quản lý rừng tại B.C. nói riêng và Canada nói chung được thể hiện ở nhiều khía cạnh, bao gồm quy hoạch đất rừng dài hạn, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và các loài động thực vật, duy trì quyền lợi của người lao động cùng cộng đồng bản địa, minh bạch trong chuỗi cung ứng từ rừng cho đến sản phẩm cuối cùng.
Đến nay, chỉ 9% diện tích rừng trên thế giới được chứng nhận và các khu rừng đến từ Canada chiếm 35% trong số đấy. Canada hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về chứng chỉ rừng, trong đó B.C. đóng góp phần nhiều nhất về số lượng rừng được chứng nhận. Mỗi năm chỉ một phần nhỏ khoảng 1% trên tổng số rừng được khai thác, đồng thời, có khoảng 200 triệu cây mới được gieo trồng. Có thể nói, sức tái tạo của những khu rừng bền vững tại British Columbia, Canada là đáng kinh ngạc.
Hành trình của gỗ
Từ những khu rừng bền vững, Canada cho ra những sản phẩm gỗ bền vững đúng như tiêu chí tiêu dùng của con người hiện đại: đảm bảo chất lượng, thân thiện với môi trường và giàu sức tái tạo.
“Bền vững” trong đánh giá về gỗ và rừng tại Canada không chỉ là một khái niệm lý tưởng. “Bền vững” là một chứng nhận với các tiêu chí cụ thể, được đánh giá bởi các đơn vị quốc tế độc lập. Quản lý rừng bền vững, khai thác gỗ bền vững nhằm mục tiêu cuối cùng là bảo vệ một môi trường sống bền vững. Điều này được thể hiện rõ ràng, chặt chẽ trong các chính sách về quản lý, khai thác và trồng lại rừng của tỉnh bang British Columbia – nơi vốn được biết đến là ‘thủ phủ’ của những khu rừng đạt chứng nhận bền vững tại Canada. Chính vì vậy, gỗ mềm từ British Columbia, Canada cũng là sản phẩm từ một quy trình nghiêm ngặt từ gieo hạt, xẻ gỗ, cho đến hoạt động vận chuyển đến tay khách hàng khắp thế giới. Tất cả được thực hiện bằng một quy trình hiện đại, tiết kiệm, đảm bảo quản lý tài nguyên có trách nhiệm.
Tính bền vững trong hành trình của gỗ được lượng hóa bằng những phép tính chi tiết về lượng carbon. Theo phép tính đã được kiểm chứng, hoạt động trồng, khai thác, chế biến và vận chuyển suốt vòng đời của một sản phẩm gỗ tạo ra một lượng carbon thấp hơn lượng carbon mà cây gỗ ấy hấp thu khi còn là một cây rừng và lưu giữ suốt phần đời còn lại. Khả năng lưu giữ carbon một cách hiệu quả giúp những thân gỗ này “gánh vác” một phần đáng kể trong việc cân bằng môi trường. Những đặc điểm này được thể hiện khá rõ ràng ở một ví dụ tiêu biểu là gỗ mềm từ British Columbia, Canada.
Ứng xử với rừng như một di sản cho thế hệ tương lai khiến Canada chạm vào “insight” khách hàng hiện đại trên toàn thế giới. “Chạm” vào gỗ bền vững tại Canada, người ta chạm vào cả những khu rừng uy nghi tại đất nước xanh, chạm vào cả một nền văn hóa trân trọng và tha thiết bảo vệ rừng.