Những năm gần đây khi nông nghiệp nước ta gần như chựng lại thì khái niệm tích tụ ruộng đất được nói đến như một giải pháp tháo gỡ khó khăn do chưa thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ. Điều này thể hiện cụ thể qua nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nhưng để thực hiện được chủ trương này thì phải tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, người nông dân không thể sống bằng những khoảnh đất manh mún thuộc quyền sử dụng của mình.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy cả nước hiện có 10 triệu hộ nông dân, diện tích bình quân cho một hộ chỉ khoảng 0,46 hécta, trung bình được chia thành 2,83 mảnh, đó là quy mô diện tích đất nông nghiệp thuộc loại thấp nhất ở các nước châu Á sống nhờ vào ruộng đồng. Đây chính là điểm tắc nghẽn lớn nhất của nông nghiệp như lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường từng phát biểu và cho rằng tích tụ ruộng đất là hướng đi tích cực để hiện đại hóa sản xuất trong lĩnh vực này.
Sau bao nhiêu năm sống trong không gian của chủ trương hạn điền, đất đai nông nghiệp đã được giải phóng đúng nghĩa khi điều 167 Luật Đất đai cho phép người nông dân “được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”. Cứ tưởng luật lệ đã có thì tương lai người làm nghề nông được bảo đảm. Nhưng không hẳn như vậy khi trên thực tế có quá nhiều mảnh đất chưa được cấp quyền sử dụng, việc dồn điền, đổi thửa của các hộ gia đình và cá nhân khác địa bàn không được phép ngay cả khi mảnh đất liền kề nhau. Đó là chưa kể việc chuyển nhượng đất vượt hạn mức quy định là không được luật pháp chấp nhận. Đã có nhiều lời than phiền Luật Đất đai dành quá nhiều quyền cho cơ quan quản lý là nguyên nhân dẫn đến lạm quyền trong cưỡng chế, tham nhũng dựa vào thủ tục chuyển nhượng gây phiền hà, doanh nghiệp thu gom đất nhờ dựa thế lực các nhóm lợi ích… Tóm lại chẳng qua vì đất đai chưa được thừa nhận là một tài sản.
Hiện nay các cơ quan làm chính sách đang nghiên cứu để có thể luật hóa việc tích tụ đất đai cho phù hợp với tình hình thực tế, thì không nên bỏ qua khái niệm tài sản trên những mảnh đất người nông dân được giao quyền sử dụng.
Qua các phương tiện truyền thông, nhiều cách làm ở một số địa phương đã được nhắc đến như một sự sáng tạo để nghiên cứu áp dụng. Chẳng hạn khi nông dân thấy việc canh tác của mình không hiệu quả thì tự nguyện nhờ Ủy ban Nhân dân tỉnh đại diện giao đất cho doanh nghiệp trong thời hạn nhất định. Như vậy quyền sử dụng đất thực chất là của nông dân và họ vẫn có cơ hội làm việc trên chính mảnh đất của mình nếu trở thành người làm công cho doanh nghiệp. Có nơi doanh nghiệp sau khi tiếp nhận quyền sử dụng đất thì hình thành các hợp tác xã liên kết với những người dân có cùng mục đích sản xuất, tận dụng kinh nghiệm và đồng vốn để phát triển theo hướng các bên cùng có lợi. Khi thấy quyền lợi không được thỏa mãn thì có thể rút lui. Tích tụ đất đai trong trường hợp này chính là thừa nhận tài sản về quyền sử dụng của người dân.
Tại một hội nghị bàn về tích tụ đất đai được tổ chức vào trung tuần tháng Tư vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành phải xây dựng các nội dung chế tài bảo đảm quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp và người dân trong việc tích tụ ruộng đất. Đây là một quyết tâm của Chính phủ trong hướng đột phá phát triển nông nghiệp.
- Thiên Ánh