Giả làm khách hàng tìm mua xương hổ người Trung Quốc, nhân viên của Ủy ban Tư pháp Động vật Hoang dã (WJC) thâm nhập các cơ sở nuôi nhốt hổ bất hợp pháp tại Đông Nam Á. Trong khi số lượng hổ ngoài tự nhiên của khu vực này còn chưa tới 4.000, số lượng hổ bị nuôi nhốt làm hàng hóa trên khắp Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Việt Nam lại lên đến những 8.000 con.
1. Trò cân não với công tác điều tra
Từ ngà voi đến hoa phong lan hiếm, buôn bán sinh vật hoang dã trái phép đang gây nguy cơ cho hàng chục ngàn loài trên trái đất. Với hình thức phạm pháp ngày càng tinh vi và mạng lưới hoạt động mỗi lúc một rộng khắp, nạn buôn lậu này đã trở thành nỗi nhức nhối trên toàn cầu.
Trong vai người tìm mua cao hổ về ngâm rượu người Trung Quốc, nhân viên WJC được dẫn vào con đường quê quanh co, chật hẹp cách xa đường cao tốc của một làng xa ở miền Trung Việt Nam. Sau khi ngả giá với trung gian, họ tiếp tục được đưa tới một ngôi nhà có vườn cây rậm rạp và chiếc xế hộp SUV đắt đỏ đậu trước hiên.
Phía sau ngôi nhà, trong một cánh cửa bí mật ẩn sau bức tường giả là 3 cái lồng nhốt 3 con hổ. “Còn nhiều con nữa ở sân sau”, người phụ nữ vừa mở cánh cửa bí mật nọ rót nước mời khách. Dù yêu cầu của người mua có là xương, răng, vuốt hay bất cứ bộ phận nào trên cơ thể một con hổ, chỉ cần họ đồng ý thanh toán tiền là có tất.
Trong thực tế, số lượng hổ sống trong tự nhiên ở Đông Nam Á hiện nay đang ít hơn 4.000 con. Tuy nhiên, số lượng hổ nuôi nhốt, chỉ tính trong 4 quốc gia là Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã lên tới 8.000 con. Dưới lớp vỏ bọc trung tâm bảo tồn, địa điểm du lịch sinh thái, một số tổ chức buôn bán hổ trái phép còn hiên ngang hoạt động giữa ban ngày ban mặt, ví dụ Chùa Hổ của Thái Lan.
Trong không ít trang trại hổ của Việt Nam và Trung Quốc, hổ được nhân giống hàng loạt như heo, bò. Bên cạnh đó, hai quốc gia này còn nhiều cá nhân lén lút nuôi nhốt hổ ở các tầng hầm hoặc sân sau nhà của họ.
Y học cổ truyền vùng Đông Nam Á rất chuộng cao hổ. Hổ nuôi nhốt thường bị mổ xẻ lấy xương nấu cao. Bộ da của hổ thì bị biến thành thảm trang trí, còn răng được dùng như đồ trang sức. Giữa thập niên 1980, khi chuyện săn bắt hổ ngoài hoang dã ngày càng trở nên khó khăn, Trung Quốc bắt đầu mở các trung tâm nuôi nhốt hổ. Công ước Thương mại Quốc tế về các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã cấm buôn bán hổ hoang kể từ năm 1987 song phải đến năm 2007, họ mới để tâm đến vấn đề hổ nuôi.
2. Hệ lụy từ cao hổ!
Một người phụ nữ Việt Nam giới thiệu hổ nuôi để bán cho nhân viên WJC giả dạng người mua nói trên còn vui vẻ đề nghị khách ở lại, tận mắt chứng thực việc giết mổ để đảm bảo “hàng thật 100%”. Khách cũng chỉ cần thanh toán trước 30% vào tài khoản ngân hàng Trung Quốc của cô, 70% còn lại thì chờ đến khi nhận hàng (được gửi sang Trung Quốc) rồi mới trả cũng được.
Dù hầu hết các đơn đặt hàng mua hổ đều từ Trung Quốc song, Việt Nam được coi là “vườn nuôi” hổ. Cao hổ cũng là sản phẩm thương mại nội địa đặc biệt “chạy” của người Việt. Nó thúc đẩy nạn nuôi nhốt hổ bất hợp pháp.
Luôn có một “cò” hổ để kết nối kẻ bán với người mua. Khi giao kèo được thành lập, người bán mới tiến hành giết mổ hổ. Xương hổ sẽ được bỏ vào nồi nấu suốt 7 ngày đêm, đến khi hóa thành chất dịch lỏng đặc sánh màu nâu. Người ta đổ nước cốt xương hổ này vào khay, chờ nguội rồi cắt thành các miếng đều nhau và gọi đó là cao hổ.
Rời Việt Nam, nhân viên WJC tạt vào Muang Thong, trang trại hổ nổi tiếng của Lào. Qua lời kể của vài “cò” hổ, họ biết lái hổ còn thường nhập khẩu hổ từ trang trại này. Từ lâu, thực trạng buôn bán động vật hoang dã, thậm chí là buôn bán ma túy và cả buôn bán người đã là vấn nạn của “tam giác vàng” Lào, Thái Lan, Myanmar.
Theo lời khai của quản lý Muang Thong, khách hàng tiềm năng của họ thật sự “chủ yếu là thương buôn hổ người Việt Nam”. Đôi khi, họ còn nhập lậu hổ từ châu Phi. Theo báo cáo từ hai tổ chức phi chính phủ tại Nam Phi, Nam Phi có ít nhất 56 cơ sở nuôi nhốt hổ. Kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã nhập hơn 50 con hổ sống từ Nam Phi. Ngoài ra, 98% xương sư tử xuất khẩu của Nam Phi cũng “hạ cánh” tại Việt Nam hoặc Lào.
3. Động thái của các chính phủ
Trong tọa đàm CITES năm 2016, chính phủ Lào cam kết giải quyết triệt để nạn nuôi hổ trái phép. Đến tháng 5.2018, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith ban lệnh cấm xây dựng thêm các trang trại động vật hoang dã mới trên cả nước. Ông cũng đề xuất chuyển các trang trại hổ hiện có thành vườn thú và công viên thú hoang.
Còn tại Việt Nam, luật hình sự bổ sung năm 2018 quy định sở hữu hổ là phạm pháp. Mức phạt đối với tội vận chuyển, buôn bán hổ và các loài nguy cấp khác trái phép cũng được nâng lên tối đa. Tuy nhiên, cái đáng lo ngại hơn cả tại Đông Nam Á là quan niệm phổ biến “cao hổ là thần dược”. Người ta tin cao hổ cốt có thể chữa mọi vấn đề về xương khớp ở người. Một khi nhận thức này chưa thay đổi, số phận “hàng hóa” của hổ sẽ vẫn tiếp diễn.