Những năm qua, việc mua bán động vật hoang dã giữa châu Phi và châu Á phần lớn diễn ra với các loài có vú bị săn trộm và các bộ phận cơ thể của chúng. Trong khi đó, hình thức mua bán hợp pháp các loại động thực vật hoang dã ở châu Phi lại ít được quan tâm, cho dù nó có những tác động tích cực lên đời sống và thu nhập ổn định của cộng đồng dân cư bản xứ.
Mới đây, tổ chức TRAFFIC, mạng lưới giám sát, bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu, đã công bố một kết quả nghiên cứu nhằm phục hồi sự cân bằng trong việc đánh giá tình trạng mua bán động vật hoang dã từ châu Phi sang châu Á. Các dữ liệu nghiên cứu là thông tin được phổ biến công khai từ các nước thành viên tham gia Công ước về thương mại quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Kết quả nghiên cứu tiết lộ rằng trong quãng thời gian từ năm 2006 đến 2015, đã có trên 1,3 triệu động thực vật còn sống, 1,5 triệu bộ da và 2.000 tấn thịt từ 40 nước và lãnh thổ châu Phi xuất sang 17 nước và lãnh thổ Đông Á và Đông Nam Á. Sự đa dạng trong số động thực vật này là điều rất đáng lưu ý: khoảng 975 nhóm khác nhau, số động thực vật sống xuất khẩu tăng lên, số chủng loại động vật nuôi nhốt cũng tăng từ 42% vào năm 2006 lên mức cao nhất là 66% vào năm 2013.
Các chứng cứ mới tìm được cho thấy việc mua bán răng hà mã từ Malawi mới nổi lên trên thị trường, giống lươn châu Âu từ Bắc Phi xuất chủ yếu sang Hàn Quốc do châu Âu đã cấm mặt hàng này. Một số động vật hoang dã được bán ra với số lượng lớn thuộc các chủng loại ít được lưu ý về mặt chính trị, trong khuôn khổ CITES, nhất là báo và rùa; hơn 80% số này, khoảng 183.328 con, được xuất từ Zambia; loài trăn do Ghana và Togo là hai nước xuất khẩu hàng đầu và Hongkong là lãnh thổ nhập chủ yếu cả hai loài này.
Về mặt hàng da, da cá sấu sông Nile được xuất khẩu nhiều nhất với khoảng 1,4 triệu bộ, phần lớn từ các trại nuôi. Namibia xếp hàng đầu về xuất khẩu da loài có vú, chủ yếu là da hải cẩu, với khoảng 108.272 bộ bán sang bảy nước và lãnh thổ châu Á. Nhưng có lẽ đáng ngạc nhiên nhất là khoảng 11.285 bộ da voi phần lớn do Zimbabwe và Nam Phi xuất khẩu. Nam Phi là nước xuất khẩu nhiều chim nhất. Riêng Madagascar xuất khẩu các loài lưỡng cư nhiều nhất và Nhật Bản là nước nhập khẩu nhiều nhất.
Theo nhận định của các nhà phân tích, chúng ta đang sống trong thời đại của những “dữ liệu khổng lồ” giúp tạo cơ hội thực hiện công cuộc bảo tồn các loài động vật hoang dã. Vấn đề quan trọng là các nước trong CITES cần tính toán xuất khẩu bao nhiêu động thực vật để số lượng còn tồn tại của chúng không bị giảm sút. Mặt khác, cần có những quy định cụ thể cho việc xuất nhập khẩu hợp pháp các loài động vật hoang dã để không làm tổn thương chủng loài của chúng, đồng thời đảm bảo được đời sống của cư dân bản xứ lâu nay vẫn sống bằng nghề mua bán động vật hoang dã.