Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong mười tháng đầu năm 2015, lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đạt 272.000 tấn, giá trị thu về là 1,97 tỉ USD, tăng 6% về lượng và tăng hơn 18% về giá trị.
Trong khi đó, theo dự báo của Hiệp hội Điều Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu điều có thể đạt 2,5 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay, gần bằng kim ngạch có được từ việc xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm 2015.
Trong số 272.000 tấn điều nhân xuất khẩu của mười tháng qua, có khoảng hơn 90% là điều nhân đóng bao, còn sản phẩm giá trị gia tăng – vốn có bán giá cao hơn – chỉ chiếm chưa đến 10%. Và để có được 2,5 tỉ USD xuất khẩu hạt điều, chúng ta phải nhập gần 1 tỉ USD điều thô về chế biến.
Thông tin này đặt ra hai vấn đề. Một là các giải pháp tạo giá trị gia tăng như điều đóng hộp chưa được triển khai đúng mức và chỉ hạn chế ở 10% lượng xuất khẩu.
Hai là việc phát triển cây điều vẫn chưa đạt yêu cầu nên từ hàng chục năm qua, trong khi nhà máy chế biến dư công suất vì sản lượng điều còn thấp, thế là phải nhập điều thô cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Cả nước hiện có hơn 300.000ha điều, cho sản lượng 285.000 tấn, năng suất bình quân đạt 9 tạ/ha, trong đó tập trung nhiều nhất tại tỉnh Bình Phước với khoảng 140.000ha. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, diện tích điều suy giảm, một phần do vườn điều già cỗi (hơn 20 năm tuổi chưa được thay thế chiếm 1/3 diện tích), mặt khác cây điều khó cạnh tranh với nhiều loại cây công nghiệp khác như cao su, cà phê, tiêu, gây ra tình trạng nông dân đốn bỏ điều. Vì vậy, bảo toàn diện tích điều và ngành điều phát triển bền vững là vấn đề đang được nhiều nhà khoa học lẫn doanh nghiệp quan tâm.
Hiện có tới 84% cây điều được trồng ở những vùng đất xấu, thiếu nước do trước đây điều được trồng với mục đích phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm phòng hộ nên ít được chú trọng chăm sóc, dễ bị sâu bệnh tấn công. Mặt khác, diện tích điều sử dụng giống do người dân tự ươm, tự trồng, không qua chọn lọc chiếm 65%, chỉ 35% diện tích được trồng bằng giống mới. Nhưng những vườn điều trồng giống mới cũng còn bất cập về chất lượng giống do chưa quản lý tốt nguồn gốc, xuất xứ, khiến người trồng điều chưa thật sự yên tâm. Ngoài những nguyên nhân do trình độ canh tác và chọn giống, yếu tố thời tiết bất thường cũng gây trở ngại cho cây điều.
Trước thực trạng cây điều hiện nay, các nhà khoa học, cơ quan chức năng đang tìm giải pháp để đưa ngành điều phát triển bền vững, như phải tìm hiểu kỹ đặc tính của cây điều, từng giống điều. Khi chọn giống cần nắm ưu điểm và nhược điểm của từng loại giống.
Còn nông dân trồng điều phải cùng áp dụng phương thức chăm sóc, tránh trường hợp mỗi người làm theo một kiểu. Phía doanh nghiệp xuất khẩu điều cũng xem lại cách thức tổ chức sản xuất, quan tâm hỗ trợ nông dân để có vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng và chia sẻ thông tin về thu mua nguyên liệu.
Vào năm 2016, cơ hội có thể đến với ngành điều khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được các nước thông qua, chính là tín hiệu vui đối với ngành chế biến xuất khẩu nhân điều. Các nước tham gia TPP chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam (chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu), Singapore (10%), Úc (7%), Canada (5%),… Vấn đề cần quan tâm là chúng ta cần phải có những giải pháp đột phá để góp phần gia tăng chất lượng và sản lượng nguyên liệu điều thô trong nước, bởi như vậy chúng ta mới được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi về thuế suất, thuế nhập khẩu (0%). Được biết hiện nay nguyên liệu điều thô phục vụ chế biến xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% công suất chế biến. Do vậy với ngành điều, việc tham gia TPP đối với các doanh nghiệp sẽ có lợi nhiều hơn các ngành khác.
Ngọc Anh (DNSGCT)