Nước ta đã thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài gần 30 năm. Cơ cấu kinh tế đã có những bước thay đổi lớn, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP từ 22,7% (năm 1990) lên hơn 33% GDP hiện nay, thu hút vốn FDI cũng thuộc loại cao nhất khối ASEAN.
Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 162,11 tỉ USD, sản phẩm xuất khẩu đến từ ngành công nghiệp bình thường (may mặc, giày da…) và cả những ngành có hàm lượng kỹ thuật cao (máy ảnh, máy tính, điện thoại thông minh…). Phải chăng chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa đến năm 2020 sẽ sớm được hoàn thành và nước ta đang thoát khỏi nhóm nước nông nghiệp lạc hậu, bước vào nhóm nước công nghiệp hiện đại?
Câu trả lời là không phải, nếu nhìn vào mức thu nhập cũng như cuộc sống của người lao động trong khu vực công nghiệp. Phần lớn họ không thể nuôi sống gia đình, một bộ phận không nhỏ phải nhờ sự tài trợ của người thân ở nông thôn. Do trên 90% lao động của nước ta là phổ thông giản đơn, nên dù đang làm việc cho xí nghiệp nước ngoài thì thu nhập của họ cũng rất thấp. Có làm việc cho một tập đoàn công nghiệp lừng danh, tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật đỉnh cao, thì cũng là làm ở công đoạn chỉ cần lao động giản đơn.
Nói cách khác, ngành công nghiệp của nước ta tuy có doanh số cao nhưng phần lớn là gia công cho nước ngoài. Ngay trong ngành sản xuất nông nghiệp thì tỷ lệ nhập khẩu vật tư và các sản phẩm hỗ trợ cũng lên đến 70 – 80% giá sản phẩm, đó là một dạng gia công trong nông nghiệp. Điều này cũng giải thích được vì sao người lao động của nước ta nghèo như vậy!
Phải nói ngay rằng, để xây dựng nền công nghiệp từ một xã hội nông nghiệp lạc hậu, thì giai đoạn gia công cho doanh nghiệp nước ngoài là tất yếu. Từ bốn con rồng châu Á (Singapore, Hàn Quốc, Hongkong, Đài Loan), đến Trung Quốc, Ấn Độ… đều phải qua giai đoạn gia công. Nhưng họ đang vươn lên để xây dựng nền công nghiệp mạnh cho riêng mình. Trung Quốc từ công xưởng của toàn cầu đã tiến lên bằng sản phẩm do chính họ sáng tạo.
Số lượng bằng sáng chế hằng năm của nước này luôn thuộc hàng đầu của thế giới. Ấn Độ cũng trở thành nước có ngành công nghiệp dịch vụ phần mềm cung ứng cho toàn cầu. Họ đã từng bước thoát khỏi thân phận gia công, một phân khúc chỉ dành cho lao động của các nước nghèo nhất đảm nhiệm trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa.
Vậy Việt Nam phải làm gì để thoát khỏi giai đoạn gia công này và tại sao chúng ta lặn ngụp quá lâu trong nền công nghiệp gia công như hiện nay? Qua nhiều kế hoạch năm năm, chúng ta đã đề ra những ngành công nghiệp mũi nhọn, như vật liệu mới, năng lượng mới, cơ khí chính xác, điện tử, nano…
Nhưng phải chăng chúng ta luôn đề ra mục tiêu quá cao, còn những ngành công nghiệp thiết thực hơn nhằm phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế như công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, nông cơ, dược phẩm… thì không có một chiến lược đầu tư để từng bước tạo dựng nền công nghiệp riêng và tiến đến xuất khẩu, cạnh tranh trên thị trường thế giới? Trong khi đây chính là bước đi khả thi để chúng ta từng bước thoát ra khỏi nền kinh tế gia công như hiện nay.
Trước khi tìm một mô hình phát triển công nghiệp trong giai đoạn 1960-1990, Đài Loan cử ba nhóm chuyên gia đi học tập từ nước ngoài, hai nhóm đến Mỹ (Chicago, Harvard), một nhóm đến Nhật. Thành phần nòng cốt của ba nhóm là trí thức được đào tạo từ các trường danh tiếng của ba nơi đó và muốn dựa vào kinh nghiệm thành công của địa phương để đề ra kịch bản cho chiến lược công nghiệp hóa Đài Loan.
Trở về, nhóm đi Nhật đưa ra chiến lược lấy cơ khí nông nghiệp làm nền tảng, nhóm đi Chicago chọn lấy ngành ôtô làm trọng tâm, còn nhóm đi Harvard lấy ngành sản xuất thiết bị cơ khí phục vụ xây dựng để thúc đẩy ngành bất động sản, từ đó làm đòn bẩy để phát triển các ngành công nghiệp liên quan.
Ba nhóm cùng tranh luận trước các bộ ngành, dưới sự chủ trì của Hội đồng Kinh tế Kiến thiết quốc gia (tương đương Bộ Kế hoạch và Đầu tư của nước ta) trong nhiều tháng, dù không nhóm nào thuyết phục được tất cả, nhưng có một nhận định quan trọng được rút ra, đó là nếu thực hiện theo bất cứ nhóm nào thì cái giá phải trả đều là hy sinh lợi ích của một số ngành nghề hay cộng đồng người dân. Hơn nữa, chính quyền cũng không đủ ngoại tệ để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu các thiết bị hay một số điều kiện tiếp theo. Cuối cùng, Hội đồng Kinh tế Kiến thiết quốc gia Đài Loan đưa ra một chiến lược cụ thể phù hợp với tình trạng kinh tế – xã hội bấy giờ, với những điểm chủ yếu sau:
- Thứ nhất, chính quyền ưu tiên xây dựng 10 công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm, như đường cao tốc bắc nam, cảng nước sâu Cao Hùng, khu chế xuất Cao Hùng để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tạo nguồn ngoại tệ và du nhập kỹ thuật sản xuất công nghiệp, tiếp cận thị trường thế giới… Tất cả nhằm tạo công ăn việc làm cho lực lượng quân nhân buộc phải giải ngũ lúc bấy giờ.
- Thứ hai, thực hiện chính sách người cày có ruộng, giảm các loại thu tô của địa chủ, mua lại ruộng của địa chủ và thanh toán bằng trị giá cổ phần trong các doanh nghiệp quốc doanh, buộc họ tham gia vào quá trình công nghiệp hóa. Có chính sách khuyến khích nông dân sử dụng giống cây trồng mới, áp dụng kỹ thuật canh tác mới (dựa vào Trung tâm nghiên cứu rau củ quốc tế đặt tại Đài Loan).
- Thứ ba, phát triển công nghiệp vừa và nhỏ đi vào các ngành sản xuất dù che, giày, may mặc (gia công)… nhằm giải quyết công ăn việc làm từ nông thôn và tăng nguồn thu ngoại tệ.
- Thứ tư, thành lập ngân hàng hỗ trợ cho tiểu thủ công nghiệp và xây dựng hệ thống tín dụng nông thôn qua hệ thống bưu điện. Hình thành các hợp tác xã hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, thị trường,… để nâng cao đời sống cho họ.
- Thứ năm, xây dựng hệ thống giáo dục bắt buộc chín năm (đến lớp 9). Bậc trung học được xây dựng theo tỷ lệ 1/3 là trường THPT, 2/3 là trường kỹ thuật và trường nghề (xuống đến cấp huyện).
- Cuối cùng, có chính sách giúp đỡ những kỹ thuật viên, công nhân làm việc trong khu chế xuất Cao Hùng ra ngoài lập nghiệp. Họ trở thành những doanh nghiệp nhỏ gia công lại cho các xí nghiệp trong khu, đồng thời tạo ra những sản phẩm riêng để xuất khẩu.
Khoảng 10-15 năm sau khi thực hiện những chính sách trên, đời sống người lao động Đài Loan được nâng cao, tích lũy của người dân cũng như chính quyền đã khá hơn, sự bình đẳng trong xã hội được cải thiện. Chiến lược giáo dục đã phát huy hiệu quả, một lớp lao động có kỹ thuật được hình thành, đội ngũ trí thức mới bắt đầu tham gia vào mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội. Khi ấy, chính quyền lần lượt đưa ra những chính sách mới.
Đầu tiên, hướng dẫn nông dân cách thức hợp tác hóa, chuyển đổi dần một số đất trồng lúa qua trồng rau củ, các loại cây ăn trái giá trị cao, nhắm vào thị trường xuất khẩu. Hướng dẫn sử dụng lao động lúc nông nhàn vào sản xuất kinh tế phụ như trồng hoa, dược liệu, hay tổ chức gia công lắp ráp các sản phẩm trò chơi có sử dụng điện – điện tử (lúc bấy giờ, công nghiệp trò chơi của Nhật Bản và các nước phát triển khác tràn vào Đài Loan gia công và xuất khẩu khắp thế giới).
Tiếp theo là chính sách thu hút Hoa kiều từ các nước phát triển về Đài Loan lập nghiệp. Khu công nghiệp kỹ thuật cao Tân Trúc ra đời. Các sản phẩm kỹ thuật cao như chất bán dẫn, máy tính để bàn, thiết bị văn phòng, cơ khí nông nghiệp thể hiện cho nền công nghiệp của Đài Loan hình thành.
Thời điểm chín muồi sau đó là chính sách hạn chế các ngành hàng không có tương lai, không có sức cạnh tranh như sản xuất đồ chơi điện tử để chuyển qua sản xuất phụ kiện cho các xí nghiệp sản xuất hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao với sự hỗ trợ tài chính, tín dụng của chính quyền. Tạo nên một đợt chuyển dịch cơ cấu vào các ngành hàng điện và điện tử gia dụng. Đây chính là bước ngoặt lớn trong tiến trình tạo dựng sự tự chủ trong nền công nghiệp của Đài Loan.
Chính sách giáo dục có sự thay đổi, các trường trung học kỹ thuật phần lớn chuyển thành cao đẳng kỹ thuật học ba năm bậc trung học và hai năm cao đẳng chuyên ngành. Khuyến khích sinh viên du học nước ngoài (sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự 18 tháng). Các trường tư thục được mọc lên ở mọi nơi, tạo nền cho việc cung ứng lao động và cán bộ kỹ thuật sau này.
Các mầm sáng tạo từ những lực lượng kỹ thuật trong các xí nghiệp gia công trước đây đã ra đời nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Năng suất quốc gia, các hiệp hội, vườn ươm doanh nghiệp…, tiến hành sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Với thị trường nội địa, sản phẩm các loại được triển lãm ở khu triển lãm thường xuyên tại Đài Bắc (mỗi tuần cho một vài ngành hàng, với khoảng 500 cửa hàng giao dịch với thị trường thế giới và khoảng 6.000 điểm liên lạc giữa khách hàng và doanh nghiệp).
Mỗi tháng, các hiệp hội tổ chức nhiều đoàn doanh nhân đem sản phẩm tham gia triển lãm ở khắp thế giới, nhằm không ngừng mở rộng thị trường và nâng tầm nhận thức cho doanh nhân trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Những mầm công nghiệp mới này sau đó đã trưởng thành, tạo nên lực lượng chủ lực cho ngành công nghiệp Đài Loan hiện nay.
Tất cả những bước đi, chính sách trong từng giai đoạn của Đài Loan đã nói lên vai trò quan trọng của chính quyền và các hiệp hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và họ đã thoát khỏi số phận của nền kinh tế gia công. Rõ ràng là không thể rập khuôn bất cứ một mô hình thành công nào của nước ngoài, giới lãnh đạo Đài Loan phải trải qua một hành trình gian nan mới có thể chắt lọc và tìm ra hướng đi phù hợp, rồi không ngừng đề ra những chính sách hỗ trợ tiếp theo ở từng giai đoạn sau này.
Một hướng phát triển xuyên suốt mà chính sách phải có tính dự báo, kế thừa, mới tạo dựng được một nền công nghiệp dựa vào đặc tính lịch sử, địa lý và thực trạng của riêng mình. Đó có thể là một bài học kinh nghiệm đáng quý cho chúng ta.