Cũng chưa thấy hiện tượng người dân đổ xô đi mua hoặc bán vàng như các đợt giá biến động trước đây. Thị trường tỏ ra bình lặng, sự bình lặng đáng ngờ trước dấu hiệu của một cơn bão.
Bàn tay sắt mạ vàng
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi ba lần, lần nào đề cập đến thị trường vàng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đều nói nhu cầu mua vàng của người dân trong mọi hoàn cảnh, thời điểm luôn luôn tồn tại. Nhưng nhu cầu ấy không lớn đến mức gây nên các cơn sốt vàng, làm nháo nhào cả xã hội. Theo ông, các lực lượng đầu cơ vàng có lúc đã lợi dụng nhu cầu của người dân để tạo biến động thị trường, kiếm lợi.
“Cuộc chiến” của cơ quan quản lý, như vậy, không chỉ tập trung vào đối tượng đầu cơ vàng, mà rộng lớn hơn là kiểm soát thị trường vàng, hướng đến mục tiêu làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một kênh đầu tư, bảo toàn vốn liếng, tài sản. Động thái này, ở một góc độ nào đó, mang tính lặp lại và tương tự như điều hành thị trường ngoại hối, nhưng nó mang hơi hướng hành chính hơn.
Cho đến ngày 12-4-2013, NHNN đã thực hiện năm phiên đấu thầu giá vàng liên tiếp với tổng lượng vàng bán được 158.200 lượng, tương đương 5,94 tấn, tức khoảng 60% số lượng dự trữ cho đợt một là 10 tấn, đã được tung ra thị trường. Giá sàn trong các phiên đấu thầu và giá trúng thầu đều ngang ngửa giá thị trường nội địa, tức vẫn cao hơn giá quốc tế 3,5-4 triệu đồng/lượng. Người dân và các ngân hàng, doanh nghiệp, tiệm vàng đều chung nhận định chênh lệch giá vàng trong – ngoài nước đã không rút ngắn và NHNN đã lời khoảng 500 tỉ đồng do độc quyền nhập vàng. Nói cách khác, mục tiêu bình ổn giá vàng đã không đạt được.
Vấn đề là NHNN không đặt ra mục tiêu bình ổn giá vàng, thì làm sao đạt được? Mục tiêu kéo giá vàng nội về sát giá vàng ngoại, chỉ chênh nhau 400.000 đồng/lượng mà Thống đốc Bình tuyên bố khi mới nhậm chức, đã nhanh chóng bị NHNN lãng quên. Sự lãng quên ấy là minh chứng cho sự thay đổi trong chiến lược điều hành thị trường vàng của NHNN. Không nên quên rằng trước đây NHNN đã từng khẳng định sẽ xây dựng đề án huy động vàng trong dân, nhưng nay hầu như không quan chức NHNN nào nhắc đến đề án ấy nữa. Quan hệ vay mượn, huy động vàng trong tương lai có thể sẽ chấm dứt và thay vào đó là quan hệ mua bán và NHNN đứng ở vai trò người mua – người bán cuối cùng.
Vậy mục tiêu trước mắt của NHNN trong quản lý vàng là gì?
Trước ngày tiến hành đấu thầu vàng, trao đổi với chúng tôi ngày 21-3-2013, Thống đốc Bình nói: “NHNN không bình ổn giá vàng. Mục tiêu điều hành không làm cho giá vàng trong nước và quốc tế lưu thông. Một trăm phần trăm là không. Và do không lưu thông, giá vàng trong – ngoài không phải là một, nghĩa là giá vàng nội cao hơn ngoại hoặc ngược lại”.
Ông nhấn mạnh NHNN bình ổn cả thị trường vàng, trong đó giá cả là một phần, để thể hiện trong lĩnh vực vàng miếng Nhà nước độc quyền. “Bình ổn để tránh đầu cơ làm lũng đoạn thị trường. Cứ khi nào giá vàng nội – ngoại chênh lệch 2-2,5 triệu đồng/lượng thì các chủ thể trên thị trường tự điều tiết. Còn nếu cao hơn mức này, NHNN bán ra can thiệp” – ông Bình khẳng định.
Có thể thấy mức chênh lệch 2-2,5 triệu đồng/lượng giữa lỗ và lãi không nhiều. Hiện nay do không được nhập khẩu, người bán vàng ra không còn nguồn để bù đắp trạng thái. Bán rồi thì phải mua lại. Đồng thời để giữ trạng thái không thiếu hụt (âm) quá lâu, người bán phải có hàng dự trữ tồn kho lớn. Canh thời điểm mua lại là rủi ro, vì nếu giá không xuống thấp hơn giá đã bán, họ có thể bị lỗ. Chưa kể tiền mua bán vàng là tiền vay, phải trả lãi. NHNN ở đây, đã tự đặt mình vào vai trò của người đầu cơ vàng để nhìn nhận, suy tính cái được cái mất và từ đó đưa ra một sách lược điều hành mà giới quan sát tinh tường cho là khả dĩ có thể chấp nhận. Một bàn tay sắt mạ vàng đang là xương sống của chính sách quản lý vàng!
Người bán ra giá nào, người mua mua giá đó
Ai là người mua vào lượng vàng NHNN đã bán ra? Liệu họ còn mua trong các phiên đấu thầu tới? Thống kê của NHNN cho biết người mua phần lớn là các ngân hàng thương mại và một số doanh nghiệp kinh doanh vàng. Thông thường khi tham gia đấu thầu (mua sỉ), người mua mang vàng về bán lại (sỉ hoặc lẻ) kiếm lời. Tuy nhiên, lượng vàng mua và bán của ngân hàng, doanh nghiệp trong hai tuần qua bình thường, không có đột biến. Lượng vàng mà NHNN bán ra, rõ ràng, đã không được cung ra thị trường qua kênh bán lẻ của ngân hàng, doanh nghiệp. Nó đang chảy vào đâu?
Theo số liệu của chi nhánh NHNN TP.HCM, đến đầu tháng 4-2013 tổng nguồn vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 1,63 triệu lượng, tương đương 61,3 tấn. Trong đó vàng huy động là 664.776 lượng (25 tấn); vàng giữ hộ 657.517 lượng (24,7 tấn); nguồn vốn bằng vàng khác 307.638 lượng.
Hình thức giữ hộ vàng (thường là kỳ hạn ba tháng) mới được các ngân hàng triển khai gần đây và nó tuyệt đối không được dùng để cho vay hay chuyển đổi thành tiền. Trong nguồn vốn khác bằng vàng, có hình thức gửi tiết kiệm đảm bảo bằng vàng, có một phần nào đó vốn chủ sở hữu bằng vàng của ngân hàng. Vàng huy động là phần lớn nhất (mới chỉ tính trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi chưa có được số liệu cả nước – NV) và đây là gánh nặng cho một số ngân hàng. Theo quy định, đến ngày 30-6-2013 tới, các ngân hàng phải tất toán số dư, đóng trạng thái, chấm dứt huy động vốn bằng vàng.
Phần lớn số vàng huy động được các ngân hàng đã cho vay, và nhiều khả năng người vay đã chuyển thành tiền. Kỳ hạn huy động vàng rất ngắn, chủ yếu 3-6 tháng, dài cũng chỉ 12 tháng, trong khi kỳ hạn cho vay thường 3-5 năm, có ngân hàng cho vay tới 10-15 năm. Ngân hàng lấy số vàng huy động của người sau trả cho người trước, cứ thế gối đầu. Nay sắp chấm dứt huy động vàng hoàn toàn, mà vàng đã cho vay chưa đòi được, ngân hàng buộc phải mua vàng để trả cho người gửi.
Khoảng 25 tấn vàng huy động phải trả cho người gửi chính là cái thùng hứng lượng vàng NHNN bán ra vừa qua. Gần 6 tấn đã bán, hay 10 tấn như NHNN dự kiến chưa thấm vào đâu so với nhu cầu. NHNN cho biết sẽ chuẩn bị thêm 12 tấn cho đợt đấu thầu thứ hai sau khi đợt một kết thúc và trong trường hợp cần thiết, có thể nhập thêm.
Hiện tại chưa thể nói là NHNN đã lời 500 tỉ đồng khi bán 6 tấn vàng. Quan trọng là sáu trong tổng số 10 tấn vàng mà NHNN đã tích trong kho được cơ quan này mua vào khi nào? Từ đầu năm đến nay ViệtNamkhông nhập một ký lô vàng nào theo đường chính thức. Nếu NHNN mua vào từ thị trường nội địa, thì giá mua cũng luôn cao hơn giá quốc tế. Còn nếu đó là vàng đã được tích lũy từ nhiều năm trước, thuộc diện nằm trong quỹ dự trữ ngoại hối của quốc gia, đó lại là câu chuyện khác.
Các ngân hàng đã huy động nhiều vàng, cho vay nhiều vàng, là những người chịu thiệt thòi nhất. Để đóng trạng thái, mà không có cửa nhập vàng, họ chỉ còn cách mua ở thị trường trong nước. Mua nhiều giá sẽ chạy lên. Đại diện của Công ty SJC cho biết chỉ cần đầu mối nào mua vào cỡ 1.000 lượng trong ngày là giá vàng tăng vọt ngay. Cho nên NHNN bán giá nào, các ngân hàng phải mua giá đó. Cung – cầu ở đây không do thị trường quyết định.
Chuyện gì sẽ diễn ra sau ngày 30-6-2013?
Ngân hàng Nhà nước tự tin sau thời điểm ấy nhu cầu mua vàng để đóng trạng thái của các ngân hàng không còn, chỉ còn nhu cầu thực của người dân và nhu cầu này không phải vô hạn. Do đó thị trường vàng sẽ thu hẹp quy mô.
Thực ra quy mô thị trường vàng vừa qua đã bị biện pháp hành chính o ép xiết nhỏ lại khi mà chỉ còn chừng 2.000 điểm giao dịch mua bán vàng so với mười mấy ngàn tiệm buôn bán vàng trước đây. Hơn nữa với cách duy trì giá vàng nội cao hơn giá vàng ngoại, dù ở mức thấp hơn là 2-2,5 triệu đồng/lượng so với 4,3 triệu đồng/lượng của ngày 13-4-2013, người mua vàng sẽ phải cân nhắc. Chưa kể nếu giá vàng thế giới giảm mạnh (từ đầu năm đến nay giá vàng quốc tế giảm 11% và nó đã giảm 22% so với mức đỉnh cao nhất theo dữ liệu của Bloomberg), người sở hữu vàng bán ra nhiều, NHNN sẽ phải mua vào, và không loại trừ khả năng giá mua của NHNN sẽ thấp hơn giá thế giới. Người bán vàng khi đó sẽ chịu thiệt hai lần, một lần do giá quốc tế giảm, và một lần do NHNN hạ giá mua.
Mua bán vàng của NHNN sẽ ảnh hưởng đến quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, chủ yếu đến tỷ lệ phân bổ USD và vàng. NHNN có nhiệm vụ giữ cho quỹ này luôn tăng, không giảm, tức là bảo toàn vốn. Sẽ không có chuyện NHNN bù lỗ vàng khi xuất nhập khẩu cũng như khi mua/bán can thiệp thị trường trong nước.
Ở đầu bài chúng tôi có nói đến sự bình lặng đáng ngờ của thị trường vàng trước dấu hiệu có thể có của một cơn bão. Ở chiều thứ nhất nếu giá vàng thế giới tiếp tục giảm, NHNN sẽ xuất vàng như đã nói ở trên. Ở chiều thứ hai, giả sử giá vàng quốc tế tăng trở lại từ mức hiện hành, NHNN bán ra nốt 4 tấn vàng miếng đã dập, và nhập khẩu để bán tiếp, hỗ trợ các ngân hàng đóng trạng thái nhanh nhằm tránh giá quốc tế leo thang. Quyết định mua vàng lúc này thuộc về các ngân hàng, quyết định mua chứ không phải giá mua, vì giá bán do NHNN ấn định. Tuy nhiên cho dù có suy tính chần chừ, thì thời gian hơn hai tháng còn lại đối với các ngân hàng là không nhiều.
Mặt khác khi giá vàng quốc tế tăng, nhu cầu mua vàng của người dân trong nước có thể tăng theo. Người dân chỉ bán ra khi giá lên rất cao nhằm chốt lời như quá khứ đã chỉ ra, còn khi giá chạy lên từ mức thấp, nhiều khả năng họ sẽ mua thay vì bán. Cầu cao mà cung nhập khẩu bị chặn, thì giá dễ biến động, gây áp lực cho thị trường.
Cho dù chịu áp lực ở chiều nào, bão cũng có khả năng hình thành và đổ bộ. Liệu NHNN có giải tỏa được áp lực và ngăn được bão?
Hải Lý