Ngày 6-8-2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ký quyết định thành lập bảy đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Theo quyết định, đoàn công tác số 1 do ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ nhiệm vụ trưởng đoàn, làm việc tại Thanh tra Chính phủ và TP. Hồ Chí Minh.
Đoàn công tác số 2, trưởng đoàn là Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, làm việc tại hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng.
Đoàn công tác số 3 do ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương là trưởng đoàn, làm việc tại Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao.
Đoàn công tác số 4 do Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn, làm việc tại TP. Cần Thơ và tỉnh Đồng Nai.
Đoàn công tác số 5 do ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, là trưởng đoàn, làm việc tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên.
Đoàn công tác số 6 do ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ, làm trưởng đoàn, làm việc tại các tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận.
Đoàn công tác số 7 do ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, làm trưởng đoàn, làm việc tại các tỉnh Cà Mau, An Giang.
Theo kế hoạch, thời gian thực hiện kiểm tra, giám sát từ 15-8 đến ngày 30-9-2013.
Có thể nói đây là một hành động thể hiện quyền lãnh đạo và quyết tâm từ khi Bộ Chính trị nhận Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng từ chính phủ theo quyết định của hội nghị Trung ương 6.
Ai cũng biết tham nhũng là vấn đề nan giải và biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng, tham nhũng chủ yếu là ép buộc khách hàng phải cắt lại phần trăm cho vay, nhận lối lộ để hợp thức hóa hồ sơ xin vay không có tài sản thế chấp, thông đồng để lập hợp đồng khống, nâng giá tài sản thuê mua.
Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên khoáng sản, tham nhũng nghiêm trọng và phức tạp diễn ra trong việc quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, định giá đất; cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản… Một số đối tượng đã nhũng nhiễu để vụ lợi, lập khống hồ sơ hoặc khai tăng diện tích đất đền bù, không tổ chức đấu giá đất, hợp thức hóa cho việc mua bán dự án.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tham nhũng nhiều nhất là ở khâu đấu thầu, khai khống khối lượng và giá trị vật tư, thiết bị, đưa vật liệu kém chất lượng, sai quy cách vào công trình…
Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, hành vi tham nhũng được kể đến như giấu bớt và định giá tài sản thấp hơn giá trị thực khi cổ phần hóa hoặc bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp; lập các hợp đồng, hóa đơn khống để chiếm đoạt; nâng khống giá hoặc gửi giá khu mua bán tài sản công để vụ lợi.
Trong lĩnh vực quản lý ngân sách, sử dụng vốn, tài sản, hành vi tham nhũng chủ yếu là lập hợp đồng khống để chiếm đoạt, nâng khống giá hoặc “gửi giá” khi mua bán vật tư, tài sản, dịch vụ để trục lợi, chuyển giá hay chuyển lợi nhuận cho các công ty khác, công ty là “sân sau” để trục lợi…
Việc quản lý ngân sách cũng phát sinh các hành vi cấu kết, thông đồng, làm giảm số tiền phải nộp ngân sách, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, biển thủ công quỹ nhà nước.
Trong lĩnh vực đầu tư, tham nhũng thể hiện ở một số khâu như phân bổ vốn đầu tư, xác định chủ đầu tư dự án, công tác đấu thầu, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA…
Sở dĩ có tình trạng tham nhũng tràn lan là do một số cơ quan và người đứng đầu chưa quyết liệt, thể chế – chính sách trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, quản lý tài chính, tài sản nhà nước còn nhiều hạn chế.
Tại một cuộc hội thảo bàn về vai trò của các cơ quan nhà nước trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức một tháng trước đây, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết bình quân mỗi năm cơ quan chức năng khởi tố 282 vụ/600 bị can về tham nhũng.
Riêng trong năm 2012, ngành thanh tra phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là trên 104 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính hai tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu.
Đây là một con số không có gì tích cực bởi qua phản ánh của dư luận xã hội cũng như các báo cáo của cơ quan chức năng, số vụ tham nhũng lớn hơn nhiều lần số vụ được xử lý.
Chính ông Huỳnh Phong Tranh cũng phải nhìn nhận rằng công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều yếu kém, đặc biệt việc tự phát hiện hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, sự phối hợp chưa đồng bộ, thiếu nhất quán giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, việc thông tin chưa đầy đủ, kịp thời đã gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân. Công tác phòng chống tham nhũng chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản.
Hồi giữa tháng trước Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI) đã công bố kết quả khảo sát “Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu lần thứ 8” được thực hiện với hơn 114.000 người tại 107 nước trên thế giới về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng.
Tại ViệtNam, cuộc khảo sát đã phỏng vấn trực tiếp 1.000 người được lựa chọn ngẫu nhiên tại các vùng thành thị và nông thôn thuộc 15 tỉnh thành từ tháng 9-2012 đến tháng 3-2013, kết quả cho thấy 55% người dân được hỏi đã cảm nhận tham nhũng tăng lên trong hai năm qua. Chỉ 18% cho rằng tham nhũng đã giảm và 27% nói tham nhũng không thay đổi.
Trong 13 lĩnh vực được khảo sát thì hoạt động của một số ngành chức năng và lĩnh vực đất đai được cho là bịảnh hưởng lớn bởi nạn tham nhũng. Bên cạnh đó, người được khảo sát cũng tỏ ra ít tự tin hơn về vai trò của mình trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chỉ có 38% số người Việt được hỏi cho rằng sẵn sàng tố cáo tham nhũng, thấp hơn rất nhiều mức bình quân sáu nước ở Đông Nam Á là 63%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Malaysia là 79%, Indonesia là 49%…
TI cũng đã gửi kết quả và các khuyến nghị tới một số cơ quan phòng chống tham nhũng Việt Nam, trong đó nhấn mạnh một số giải pháp như các cơ quan phòng chống tham nhũng cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà người dân hay gặp hiện tượng tham nhũng; có biện pháp xử lý kịp thời và thích đáng với những kẻ tham nhũng, tạo niềm tin cho người dân vào nỗ lực chống tham nhũng của nhà nước.
Làm sao để việc chống tham nhũng không là chuyện đầu voi đuôi chuột, làm sao để lời báo động “tham nhũng là quốc nạn” không phải là câu nói đầu môi, chủ yếu vẫn tùy thuộc vào việc cải cách thể chế, cải cách bộ máy công quyền, bộ máy giám sát quyền lực và thực hiện các quyền dân chủ, công khai và minh bạch chi tiêu nhà nước.
Hoàng Hà