Geoffrey Jones và Rei Morimoto
Ngày 05 tháng 11, 2021
(Courtesy Harvard Business School)
Lời nói đầu. Thế giới ngày càng nhiều tiền hơn, công nghệ ngày càng phát triển vượt bậc, nhưng khoảng cách giàu-nghèo càng lớn ra, tài sản ngày càng tập trung vào một số ít chủ nhân, chứ không thu hẹp lại, lợi nhuận đi trước môi trường và sức khỏe con người. Có điều gì sai ở hệ thống tư bản chủ nghĩa? Nó đã trở thành hoang dã – theo một cách khác chăng? Những ý tưởng “chủ nghĩa tư bản đạo đức” của doanh nhân Shibusawa Eiichi của Nhật Bản Minh Trị có thể là liều thuốc chữa trị? Dưới đây là một số suy nghĩ của hai tác giả Geoffrey Jones và Rei Morimoto đăng trên báo của Trường kinh tế Harvard. Sau đó, trong phần Lời bạt, chúng tôi nói thêm một số ý tưởng của Shibusawa trong cùng ngữ cảnh. – Nguyễn Xuân Xanh
[I] Bài báo
Nhà tài chính huyền thoại Eiichi Shibusawa cổ vũ sự phát triển thịnh vượng của doanh nghiệp, loại thịnh vượng cũng mang lại lợi ích cho xã hội. Một trăm năm sau khi ông qua đời, thông điệp của ông vẫn đang gây tiếng vang đối với một thế hệ lãnh đạo mới, Geoffrey Jones và Rei Morimoto cho biết.
Eiichi Shibusawa tiếp tục có ảnh hưởng ở Nhật Bản – mặc dù ông đã qua đời gần một thế kỷ trước
Đầu năm nay, chính phủ Nhật Bản đã thông báo rằng chân dung nhà lãnh đạo doanh nghiệp thế kỷ 19 sẽ được in trên tờ 10.000 yên (90 USD) – tờ tiền có mệnh giá lớn nhất ở Nhật Bản – bắt đầu từ năm 2024. Câu chuyện cuộc đời ông là chủ đề của bộ phim truyền hình dài nhiều tập năm nay trên NHK (Japan Broadcasting Corp.), phiên bản PBS hoặc BBC của đất nước này.
Số lượng bài viết đề cập đến Shibusawa trong những năm gần đây đã tăng mạnh trên Nikkei, tờ báo kinh doanh hàng đầu của Nhật Bản. Và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mới đây đã công bố kế hoạch thành lập một hội đồng chuyên gia để thảo luận về hình thức chủ nghĩa tư bản mới của Nhật Bản như một nền tảng chính sách quan trọng của ông, và mời một hậu duệ của Shibusawa làm thành viên cốt cán.
Vẫn là điểm nổi bật của truyền thông
Số lượng bài báo của Nikkei đề cập đến Shibusawa đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2010, và tăng vọt vào năm 2019.
Tại sao ngày nay Shibusawa lại nổi tiếng đến như vậy?
Tóm tắt về Alexander Hamilton của Nhật Bản
Rõ ràng, ông là một nhân vật lịch sử đáng chú ý. Ông sinh năm 1840 tại một đất nước phong kiến hầu như tự tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới trong nhiều thế kỷ. Vào thời điểm ông qua đời năm 1931, Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất đã trở thành nước công nghiệp hóa về cơ bản. Ông đã chứng kiến sự biến đổi phi thường này, bắt đầu từ năm 13 tuổi khi Matthew C. Perry, Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ đến Vịnh Tokyo yêu cầu Nhật Bản mở cửa thương mại – theo các điều kiện của người nước ngoài.
Shibusawa là người tạo ra thay đổi (changemaker) hơn là người quan sát (observer). Lấy cảm hứng từ mô hình công ty cổ phần mà ông quan sát được trong chuyến thăm Pháp năm 1868, ông đã thành lập ngân hàng hiện đại đầu tiên của Nhật Bản, Dai’ichi Bank (First National Bank- Ngân hàng Quốc gia Đệ nhất). Định chế kế nhiệm của nó, Ngân hàng Mizuho, vẫn là một trong những ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản.
Các nhà quan sát có thể xem Shibusawa là Alexander Hamilton[1] của Nhật Bản. Alexander Hamilton, người mà sự phục hưng văn hóa đại chúng (pop-culture[2]) tương tự Shibusawa, đã đạt đến đỉnh cao trong một vở nhạc kịch Broadway về cuộc đời ông. Tuy nhiên, Shibusawa sống lâu gần gấp đôi Hamilton, và sau khi làm việc trong khu vực công, ông cũng đã đóng góp đáng kể cho khu vực tư nhân. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã tham gia vào việc thành lập của gần 500 công ty. Các ngành công nghiệp mà ông đầu tư đã trở thành nòng cốt của sự phát triển kinh tế của đất nước.
Lan tỏa sự thịnh vượng thông qua mô hình kinh doanh gappon
Quan trọng hơn cả thành tựu của ông với tư cách là doanh nhân hàng loạt, quan điểm của ông về mục đích kinh doanh đã thu hút sự quan tâm mới. Triết lý Khổng giáo của chế độ phong kiến cũ coi lợi nhuận và thương mại là tầm thường. Trái ngược hoàn toàn, Shibusawa cho rằng sự thịnh vượng thông qua kinh doanh là đạo đức. Ngay cả với tư cách là một học giả về Khổng giáo, ông khẳng định rằng không nhất thiết phải hy sinh đạo đức để theo đuổi sự giàu có, mà trái lại, những nguyên tắc đó là điều cốt yếu.
Shibusawa không bao giờ dùng từ tiếng Nhật cho chủ nghĩa tư bản khi nói về hệ thống kinh doanh mà ông đã hình dung. Thay vào đó, ông nói về gapponshugi. Những từ tiếng Nhật này được viết bằng Hán tự được gọi là kanji có nhiều nghĩa. Từ gappon kết hợp ga: “tập hợp lại” và pon: “vốn”, nhưng ký tự của pon có thể ám chỉ không riêng tiền tệ mà còn cả vốn con người và xã hội, ngụ ý rằng tiền bạc, lao động và tài năng đều có thể kết hợp với nhau để đạt được mục tiêu chung cho tất cả mọi người.
Shibusawa muốn các công ty do ông thành lập phát triển thịnh vượng về tài chính, nhưng ông coi chúng là một phần của một quá trình rộng lớn hơn liên quan đến sự phát triển của Nhật Bản và xã hội nói chung. Ông đã hình dung ra một hệ thống mở, hoàn toàn không giống như zaibatsu do gia đình sở hữu hoặc các tập đoàn đa dạng như Mitsubishi và Mitsui, những hệ thống này cũng phát triển rực rỡ trong suốt thời của ông.
Tiền thân của stakeholder capitalism (“chủ nghĩa tư bản đại đồng”) lại lên tiếng mạnh mẽ
Gapponshugi của Shibusawa có vẻ rất giống với stakeholder capitalism[3] được thúc đẩy-bởi-mục-đích ngày nay 100 năm trước thời đại của nó, nhưng nó đã chứng tỏ là rất khó để duy trì. Shibusawa đã sử dụng ảnh hưởng của ông đối với nhiều công ty của mình một cách trực tiếp hoặc thông qua các trung gian. Ông hiếm khi nắm giữ đa số cổ phần. Những ý tưởng của ông rất khó để duy trì một khi ông ra đi. .
Sau khi Shibusawa qua đời vào năm 1931, chế độ quân sự đang tham chiến của Nhật Bản buộc phải hợp tác chặt chẽ với các zaibatsu lớn — các tập đoàn công nghiệp lớn — thay vì các công ty gappon. Nhiều công ty do Shibusawa thành lập vẫn tồn tại, nhưng họ mất đi sự cam kết rõ ràng với gapponshugi.
Hệ thống kinh doanh xuất hiện ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai chịu ảnh hưởng của việc quân chiếm đóng Mỹ chia nhỏ các zaibatsu, được đặc trưng bởi việc sở hữu cổ phần chéo rộng rãi, ảnh hưởng to lớn của ngân hàng, việc làm trọn đời và sự phối hợp chặt chẽ với chính sách công. Nhật Bản được ca tụng trên toàn cầu như một “phép lạ kinh tế”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thời hậu chiến khác xa với hệ thống mở hơn xét trên phương diện trách nhiệm xã hội rộng lớn mà Shibusawa đã thúc đẩy. Mãi đến những năm 2000, một số ít các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản mới khám phá lại Shibusawa. Nhiều thứ đã thay đổi vào thời điểm đó. Nền kinh tế Nhật Bản đã trì trệ kể từ khi bong bóng kinh tế bùng nổ vào cuối những năm 1980. Đã xảy ra nhiều vụ bê bối trong các công ty Doanh nghiệp Nhật Bản chấp nhận khái niệm đầu tư vào môi trường, xã hội và quản trị (ESG, enviromental, social and governance), nhưng quan điểm thực sự của nó là khoa trương đáng tranh cãi do kết quả hoạt động môi trường nhìn chung yếu kém, thiếu hụt các nhà quản lý nữ, v.v.
Phong trào B Corp[4] của Hoa Kỳ – nơi mà các doanh nghiệp nỗ lực để cân bằng giữa lợi nhuận và mục đích xã hội – đã thu hút rất ít sự quan tâm ở Nhật Bản. Đến tháng 9 năm 2021, đã có 4.026 công ty được chứng nhận đạt chuẩn B Corps tại 77 quốc gia, nhưng chỉ có 7 công ty ở Nhật Bản. Tuy nhiên, mặc dù không chính thức đăng ký cam kết hoặc thay đổi mạnh mẽ cấu trúc công ty, một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đã cố gắng tiếp thu lại những đức hạnh của Shibusawa trong doanh nghiệp của họ.
Shibusawa đã ảnh hưởng đến hai CEO Nhật Bản như thế nào
Đối với những người muốn các doanh nghiệp Nhật Bản phục vụ vai trò xã hội và môi trường chủ động hơn và có lẽ để phục hồi phần nào sự năng động, Shibusawa mang đến một tiếng nói Nhật Bản đích thực – một tiếng nói có trước cả tư duy đương đại hướng về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Trên thực tế, chúng tôi đã tìm hiểu quan điểm của hai nhà lãnh đạo như vậy:
Takashi Tsukamoto, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính Mizuho. Tsukamoto xem tư duy nền tảng của Shibusawa là có tầm nhìn dài hạn; về cơ bản là “nhắm vào Sao Bắc Đẩu” (Mục tiêu chính, ND). Ông đã giữ chức Giám đốc tài chính (CFO) của Tập đoàn Tài chính Mizuho khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 diễn ra, điều này khiến ông đánh giá lại giá trị của chủ nghĩa tư bản tài chính và sự chú trọng của nó vào lợi ích ngắn hạn so với các mục tiêu dài hạn. Khi chúng tôi hỏi về cách ông tiếp tục quản lý các bên liên quan khác nhau (stakeholders) của Mizuho sau này với tư cách là Giám đốc điều hành, ông khẳng định rằng trong tinh thần của Shibusawa ông nhìn thấy những gì tốt nhất cho xã hội về lâu dài.
“Thay vì tập trung vào việc giải quyết xung đột lợi ích giữa các bên liên quan, ý tưởng là tìm ra Sao Bắc Đẩu và tập hợp các bên liên quan để hướng tới nó”, ông nói.
Takeshi Niinami, Giám đốc điều hành của Suntory Holdings và cựu CEO của Lawson. Với tư cách là Giám đốc điều hành của chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson, Niinami đã dành bốn năm đầu tiên để thực hiện một bước ngoặt tài chính. Khi tìm kiếm nguồn cảm hứng cho các bước tiếp theo, ông nghĩ về cuốn sách năm 1915 của Shibusawa, The Analects and the Abacus (tạm dịch: Luận ngữ và Bản tính). Các tác phẩm của Shibusawa khuyến khích ông suy nghĩ xa hơn các nhà đầu tư. Niinami nhận ra sự khơi dậy niềm tự hào cho nhân viên, gia đình họ và xã hội có thể thúc đẩy sự phát triển và ổn định dài lâu của công ty. Ông áp dụng các bài học của mình vào thực tế và nỗ lực truyền đạt mục đích của Lawson cho nhân viên thông qua các chương trình đào tạo.
Khi một trận động đất và sóng thần lớn tấn công Nhật Bản vào năm 2011, Niinami ưu tiên tiếp tế thực phẩm và đồ thiết yếu cho các nạn nhân và những người cứu nạn khẩn cấp, ngay cả khi công ty của ông phải đối mặt với khoản lỗ 100 triệu USD. Chỉ 11 ngày sau thảm họa, ông bắt đầu mở lại các cửa hàng Lawson trong khu vực bị ảnh hưởng để giúp lấy lại trạng thái bình thường cho cộng đồng và thực hiện các bước hướng tới xây dựng lại nền kinh tế.
“Bởi vì tôi đã truyền đạt mục đích của Lawson với tư cách là một công ty cho nhân viên và các bên liên quan khác, nên ngay cả khi phải gánh chịu tổn thất tài chính và các gánh nặng khác, họ đều hiểu và hành động phù hợp với sứ mệnh”, Niinami nói.
Vào thời điểm khủng hoảng, tinh thần của Shibusawa đã phát huy hiệu lực trọn vẹn và nhiều bên liên quan đã đồng tình liên kết lại để đạt được cùng một mục đích vì lợi ích công cộng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các triết lý của Shibusawa đã đi trước thời đại của ông. Tuy nhiên, khả năng truyền cảm hứng về lòng trắc ẩn của ông cho đến cả bốn thế hệ sau đó, nói lên sức mạnh và sự bất tử của thông điệp của ông – một thông điệp có thể sẽ tiếp tục định hình các Tổng giám đốc trong nhiều thập kỷ tới.
Nguồn: https://hbswk.hbs.edu/item/is-the-business-world-finally-ready-for-the-wisdom-of-shibusawa
Giới thiệu về các tác giả
Geoffrey Jones là giáo sư lịch sử kinh doanh Trường Isidor Straus. Ông là tác giả của cuốn sách: Lợi nhuận và tính bền vững: Lịch sử của tinh thần doanh nghiệp xanh (Profits and Sustainability: A History of Green Entrepreneurship) và đồng chỉ đạo dự án tại Trường. Rei Morimoto mới tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard – HBS (2021).
Người dịch: Đỗ Thị Thu Trà và Lê Tùng Quân
[II] Lời bạt
Theo Shibusawa, doanh nhân – entrepreneur, gồm những nhà công nghiệp, nhà ngoại thương, và nhà ngân hàng − cần có những phẩm chất: giáo dục, chân thật, đức hạnh, nhân cách và một sự tổng hợp giữa Luận ngữ của Khổng tử và bàn tính (abacus). Ông diễn giải những tính chất này là cái Đạo của Samurai (bushidō) trong thời kinh doanh mới. Chủ nghĩa tư bản thôi chưa đủ để có ích lợi cho Nhật Bản nếu không có nền tảng đạo đức của Khổng giáo. Ông cảnh báo, đạo đức sẽ suy giảm nếu gakumon – giáo dục – bị các tư duy lợi ích thuần túy hoàn toàn khống chế.
Lịch sử Nhật Bản có nhiều nhà tư tưởng Khổng giáo từng làm công việc hòa giải Khổng giáo và chủ nghĩa tư bản, mở đường cho giới thương nhân, sản xuất làm giàu chính đáng. Thời Tokugawa đã sản sinh ra một số học giả Khổng giáo mới có tư duy rất độc lập, đặc biệt các ông Ishida Baigan, người sáng lập Trường Ishida nổi tiếng về giáo dục đạo đức, Dazai Shundai, và Suzuki Shosan. Họ truyền bá cho thương mại, sản xuất các hàng hóa chất lượng, ca ngợi các tính chất cần cù lao động, cần kiệm, kiếm lợi nhuận minh bạch và có trách nhiệm với xã hội. Họ vượt khỏi thành kiến “sĩ nông công thương”. Điều này là đặc biệt và duy nhất ở Nhật Bản, không phải Trung Quốc hay Hàn Quốc hoặc Việt Nam. Khổng giáo thấm sâu trong giới samurai nhưng rất sinh động, có nghĩa không giáo điều rập khuôn hay mù quán, mà có tính độc lập và sáng tạo, áp dụng được vào những vấn đề thực tiễn của từng thời kỳ của xã hội. Điều đó tạo điều kiện tinh thần để Nhật Bản mở cửa dễ dàng với phương Tây.
Nhưng Shibusawa có lẽ là người ảnh hưởng lớn nhất. Ông chủ trương Luận ngữ của Khổng giáo như giềng mối đạo đức con người, kết hợp với bàn tính tượng trưng cho kinh doanh theo tinh thần phương Tây. Ông có vô số bài phát biểu nhấn mạnh rằng sự nghiệp kinh doanh, vốn thúc đẩy phúc lợi của quốc gia, thực sự phù hợp với các giá trị cũ của Khổng giáo về lòng trung thành (loyalty) và dịch vụ công (public service). Trong suốt sự nghiệp của mình, Shibusawa đã khuếch trương tầm nhìn về chủ nghĩa tư bản, nơi các cổ đông và nhà quản lý được xem là chính đáng trong việc theo đuổi lợi nhuận tư nhân trên thị trường chỉ trong chừng mực doanh nghiệp của họ mang lại lợi ích cho quốc gia.
Trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ của Đoàn Thương mại Nhật Bản tháng 11 năm 1909, Shibusawa đã có dịp phát biểu tại Golden Gate Hall ở San Francisco trong đó có đoạn như sau nói vệ týp doanh nhân lý tưởng mà quốc gia cần:
Một người dành hết tâm trí cho các vấn đề tài chính hoặc thương mại mà bỏ qua sự phát triển về mặt tinh thần trong bản chất của mình, sẽ không thể trở thành con người lý tưởng. Chính người lý tưởng là mẫu người mà nhà nước mới đòi hỏi từ công dân hoặc thần dân của mình, bởi vì một cộng đồng càng có nhiều những con người hoàn hảo hơn thì nó càng hoàn hảo hơn. Một doanh nhân lý tưởng là người có thể kết hợp vật chất với tinh thần, là người có lý thuyết sống của anh ta và nỗ lực đưa lý thuyết đó vào thực tiễn. Khi một người được dẫn dắt bởi một niềm tin tinh thần (hay “tâm linh”, ND) hướng tới việc đạt được một đối tượng vật chất, anh ta sẽ vượt qua những trở ngại một cách dễ dàng hơn và với sự nhiệt tình hơn là nếu chỉ được hướng dẫn bởi những ham muốn vật chất thuần túy.
Ông nói tiếp: “Tôn giáo mang lại cho con người một đối tượng (để hướng đến), và không có tôn giáo thì con người hay quốc gia không có sức mạnh và sức sống lâu dài.” Shibusawa cho rằng một loại đức tin hoặc tâm linh nào đó là cần thiết để con người có thể vượt qua nghịch cảnh. Riêng đối với ông, đó là sự hiểu biết về Khổng giáo, nhưng ông nhận ra rằng các tôn giáo khác cũng có thể thực hiện chức năng tương tự. Theo Shibusawa, chỉ riêng tiến bộ vật chất sẽ không đủ động lực cho sự tồn tại lâu dài của nhà nước.
Chuyên gia và học giả về quản lý Peter Drucker quan tâm đến tầm quan trọng của Shibusawa trong sự trỗi dậy của các tập đoàn hiện đại trong các bối cảnh văn hóa Nhật Bản. Ông đã viết trong cuốn sách của mình (Management):
Ở Nhật Bản, Eiichi Shibusawa, chính khách thời Minh Trị trở thành nhà lãnh đạo doanh nghiệp, vào những năm 70 và 80 (của thế kỷ 19) lần đầu tiên đưa ra những câu hỏi cơ bản về mối quan hệ giữa doanh nghiệp kinh doanh và mục đích quốc gia, và giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và đạo đức cá nhân. Ông đã giải quyết vấn đề giáo dục quản lý một cách có hệ thống. Shibusawa là người đầu tiên đưa ra hình ảnh về người quản lý chuyên nghiệp. Sự nổi lên của Nhật Bản trong thế kỷ này thành vị trí lãnh đạo kinh tế phần lớn được tạo dựng dựa trên tư tưởng và tác phẩm của Shibusawa.
Đối với Drucker, Shibusawa là nhà lãnh đạo tiên phong không chỉ trong quản lý kinh doanh mà còn định hướng vai trò của doanh nghiệp trong chính trị và xã hội.
Tại Thung lũng Silicon, có một số công ty đã tiên phong thể hiện triết lý kinh doanh nhân bản này, chẳng hạn như Hewlett-Packard. Gần đầy, vào tháng 11 năm 2003, đúng theo truyền thống của những nhà sáng lập của nó, Carly Fiorina, Giám đốc điều hành của Hewlett-Packard cho biết:
Tôi thành thật tin rằng những công ty chiến thắng của thế kỷ này sẽ là những người chứng minh bằng hành động của mình rằng họ có thể sinh lợi và làm gia tăng giá trị xã hội – những công ty vừa làm giỏi (well) vừa làm tốt (good) … Càng ngày, cổ đông, khách hàng, đối tác và nhân viên sẽ bỏ phiếu bằng chân của họ – thưởng cho những công ty thúc đẩy thay đổi xã hội thông qua kinh doanh. Đây chỉ đơn giản là thực tế mới của kinh doanh – một thực tế mà chúng ta nên và phải nắm lấy.
Đó là ý tưởng “trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” (corporate social responsibility, CSR) của giới doanh nghiệp phương Tây hiện nay. Những người ủng hộ CSR cho rằng hành vi đạo đức là tốt cho hoạt động kinh doanh và góp phần vào sự bền vững và khả năng tồn tại lâu dài của một doanh nghiệp bằng cách tạo ra thiện chí giữa các bên liên quan (stakeholder) khác nhau, bao gồm cả yếu tố môi trường. Các phong trào đạo đức kinh doanh và CSR cho rằng hoạt động kinh doanh nên có một số ưu tiên khác ngoài việc tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn cho các cổ đông như rất phổ biến hiện nay, chẳng hạn như việc cung cấp các dịch vụ để cải thiện cộng đồng xung quanh, đầu tư vào các công nghệ giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên hoặc ô nhiễm hoặc đóng góp cho các tổ chức phúc lợi xã hội.
Nguyễn Xuân Xanh
Ngày 16, tháng 11, 2021
Xem thêm chi tiết về Shibusawa tại hai bài viết dưới đây.
–Shibusawa Eiichi: Doanh Nhân Lập Quốc Vĩ Đại của Nhật Bản:
-Shibusawa Eiichi, Sơ lược về cuộc đời và tác phẩm: