“Mọi thứ đều có thể thay đổi” vén tấm màn đằng sau những hành vi “không đúng mực”. Từ đó, chúng ta có thể nhìn những hành vi khó chịu của người khác và của chính mình dưới một góc nhìn sâu sắc và cảm thông hơn.
Một đứa con không nghe lời, một học trò cá biệt, đồng nghiệp vô lý…, trong chúng ta, hẳn ai cũng từng gặp khó khăn khi đối mặt với những hành vi “không đúng mực” từ người khác. Làm sao để thay đổi họ?
Nhà tâm lý học trứ danh J. Stuart Ablon bắt đầu cuốn sách “Mọi thứ đều có thể thay đổi” bằng ví dụ về những người điên trong bệnh viện tâm thần Oregon State, Hoa Kỳ. Họ là những bệnh nhân có tình trạng trầm trọng và bạo lực nhất vùng, có người đã phạm tội nghiêm trọng.
Với các đối tượng tưởng thách đố nhất, khó thay đổi nhất này, những nhân viên y tế ở đây quyết định dừng sử dụng cách trừng phạt truyền thống (như khống chế bằng vũ lực, cách ly, tước đi một số quyền lợi). Thay vào đó, họ bắt đầu “mềm mỏng” hơn: Không đối phó mạnh tay, cố gắng trò chuyện, tìm hiểu góc nhìn của bệnh nhân. Kết quả, hành vi gây hấn của bệnh nhân với nhau giảm hơn 70%.
Trong Changeable – “Mọi thứ đều có thể thay đổi”, J. Stuart Ablon đề xuất một phương pháp đột phá để thay đổi hành vi con người. Ông gọi là Collaborative Problem Solving (CPS) – Phương pháp giải quyết vấn đề thông qua hợp tác. Trọng tâm của phương pháp nằm ở lập luận cho rằng người ta không cố tình cư xử không đúng mực hay chống đối vì người ta muốn vậy, mà vì họ “thiếu các kỹ năng tư duy cần thiết để đáp ứng các kỳ vọng và giải quyết xung đột”. “Vấn đề chính là ở kỹ năng chứ không phải ý chí”, nhà tâm lý học nhấn mạnh.
Ví dụ, những bệnh nhân tâm thần có hành vi sai lệch hoàn toàn không cố ý làm vậy, họ chỉ thiếu những năng lực cần thiết, như khả năng chịu đựng, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng nhận thức…, để có thể hành động đúng đắn. Điều đó cũng đúng với những đứa trẻ nổi loạn, nhân viên đi làm muộn, hay một người xa lạ cư xử kỳ khôi với bạn chốn đông người.
Song song với lý thuyết này, J. Stuart Ablon cho rằng mọi biện pháp kỷ luật hà khắc và các hình thức thưởng phạt đều đem lại thất bại tồi tệ. Chúng không những không hiệu quả mà còn phản tác dụng, gây nên cho đối tượng mà ta muốn thay đổi sự thất vọng, uất ức, đôi khi kiềm hãm sự phát triển của họ.
Phương pháp CPS mà J. Stuart Ablon giới thiệu, chứng minh và dẫn chứng một cách có hệ thống trong “Mọi thứ đều có thể thay đổi”, hoàn toàn ngược lại. Từ khoá ở đây là “hợp tác”. Thay vì vội vàng áp đặt ý chí của mình lên các cá nhân gây rối ở nhà hoặc ở nơi làm việc, với phương pháp CPS, chúng ta “nỗ lực cảm thông với họ, cùng họ suy nghĩ để tìm ra giải pháp và cho họ cơ hội để rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề”. Phương pháp này đề cao sự đồng cảm, việc các bên cùng nhau tham gia vào giải quyết vấn đề, xây dựng những kỹ năng cơ bản của đối tượng cần thay đổi hành vi.
J. Stuart Ablon đã dành 25 năm hướng dẫn nhân viên tại các trường học, nhà tù, sở cảnh sát, các cơ sở trị liệu thử nghiệm và áp dụng phương pháp CPS. Ông cũng phát triển và hoàn thiện thêm phương pháp bằng cách hợp tác với các nhà nghiên cứu thần kinh hàng đầu, đồng thời mở rộng thêm nhiều đối tượng đa dạng hơn.
Quyển sách “Mọi thứ đều có thể thay đổi” là sự tổng hợp quy mô của J. Stuart Ablon về phương pháp CPS, đưa ra “các tư duy mới về kỷ luật, xung đột, các mối quan hệ, cách giải quyết vấn đề, cũng như các công cụ đã được khoa học kiểm chứng để giải quyết các xung đột trong cuộc sống của bạn”.
Sách gồm tổng cộng 7 chương. Trong phần đầu, tác giả nhấn mạnh và chứng minh luận điểm “con người cư xử đúng đắn nếu họ có khả năng làm vậy”, đồng thời nêu những hạn chế của phương pháp thưởng phạt truyền thống. Sau đó, J. Stuart Ablon trình bày chi tiết về phương pháp giải quyết vấn đề mà ông gọi là Kế hoạch B (Cùng nhau giải quyết vấn đề thay vì áp đặt ý chí của bất cứ bên nào).
Cuốn sách cũng đầy ắp những câu chuyện thành công khi ông và các đồng nghiệp đã ứng dụng phương pháp này với các bậc phụ huynh và các tổ chức như trường học, nhà tù và các cơ sở điều trị bệnh tâm thần. Ngoài ra, trong những chương cuối sách, tác giả hướng dẫn cách áp dụng phương pháp CPS để giúp các đội nhóm làm việc hiệu quả hơn cũng như tạo ra sự kết nối chặt chẽ hơn gia đình, bạn bè.
Với chứng cứ khoa học rõ ràng và những câu chuyện cảm động, “Mọi thứ đều có thể thay đổi” vén tấm màn đằng sau “những hành vi không đúng mực”, để chúng ta phải nhìn những hành vi khó chịu của người khác và của chính mình dưới một góc nhìn khác. Các bậc phụ huynh, giáo viên, nhà quản lý và bất cứ ai quan tâm đến việc lý giải hành vi con người sẽ tìm được trong cuốn sách này phương pháp hữu hiệu để phát triển và thay đổi người khác cũng như chính bản thân mình.
Tiến sĩ J. Stuart Ablon là một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về thấu hiểu và giúp đỡ trẻ em, thanh thiếu niên và những người trưởng thành có hành vi sai lệch. Eblon là giám độc của tổ chức Think: Kids tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện đa khoa Massachusetts.
Ông cũng là Phó giáo sư và Chủ tịch của Tổ chức Thomas G. Stemberg về tâm thần học trẻ em và thanh thiếu niên tại Khoa Y Trường Đại học Harvard. Tiến sĩ J. Stuart Ablon hướng dẫn các bậc cha mẹ, các chuyên gia giáo dục, bác sĩ lâm sàng, nhà quản lý, nhà lãnh đạo và trao đổi ý kiến với các trường học, các chương trình điều trị và các tổ chức khác khắp nơi trên thế giới về Phương pháp Giải quyết vấn đề thông qua hợp tác (Collaborative Problem Solving – CPS).