Mục đích chính là tìm kiếm và phát hiện những tài năng trẻ có niềm đam mê, biết tìm tòi và không ngừng sáng tạo trong nghệ thuật nhiếp ảnh, cuộc thi dành cho đối tượng là các bạn trẻ yêu thích nhiếp ảnh có quốc tịch Việt Nam, tuổi từ 18 đến 35, không phân biệt nghề nghiệp hoặc chuyên môn. Dự án này được chia thành ba giai đoạn, gồm thi ảnh trực tuyến (1 đến 7-12), chạy đua chụp ảnh 48 giờ diễn ra tại TP.HCM (13 đến 14-12) và vừa khép lại bằng triển lãm ảnh cũng tại TP.HCM (20 đến 22-12). Tuy lần đầu tiên tổ chức nhưng cuộc thi đã thu hút hàng ngàn bạn trẻ trên khắp cả nước tham dự, và đi đến cuối cùng là những bạn tỏa sáng nhất ở ba hạng mục ảnh đơn, ảnh bộ và ảnh chụp bằng điện thoại. Đây là dịp để các bạn trẻ thể hiện tình yêu đối với thành phố trong tim mình, với những con người cũng như cuộc sống chung quanh qua ngôn ngữ và góc nhìn của nghệ thuật nhiếp ảnh. Vì chắc hẳn trong mỗi người đều có một thứ tình cảm đặc biệt, có thể là lưu luyến, hoài nhớ hay yêu quý, thân thương, gần gũi… đối với một nơi chốn nào đó. Đến với cuộc chơi này, có bạn đã có ít nhiều kinh nghiệm chụp ảnh, nhưng cũng có bạn là “lính mới”. Có bạn yêu thích những công trình cao tầng, những tòa nhà hiện đại hoặc cổ kính, những đại lộ dài rộng thênh thang. Có bạn lại chọn những ngõ phố nơi mình sống, bờ sông thơ mộng hay một góc chợ – nơi có những người phụ nữ tần tảo bán hàng, hay những hàng quán lề đường nhộn nhịp. Có bạn lại chọn chụp cảnh hậu trường sân khấu để cho mọi người phần nào hiểu được những gì xảy ra sau cánh màn nhung. Hay bộảnh chụp tại trung tâm khiếm thị đã mang đến một góc nhìn nhân văn xúc động về sinh hoạt của những người kém may mắn. Họ không nhìn thấy ánh sáng, nhưng không gian sống của họ lại đầy sắc màu, đó không chỉ là khát khao mà còn là thông điệp vui tươi, lạc quan của họ gửi đến mọi người. Tình yêu không phải là điều gì quá lớn lao, có khi người ta yêu cả những điều chưa đẹp, hoặc nhìn nó với cái nhìn bao dung. Có những cảm xúc bất chợt mà tinh tế. Bởi vậy có bạn đúc kết rằng yêu thành phố của mình là biết yêu chính gia đình mình, yêu cuộc sống xung quanh đang diễn ra hằng ngày… Chỉ đơn giản thế thôi nhưng không phải lúc nào cũng nhận ra, chỉ khi tham gia dự án, các bạn mới dành thời gian để cảm nhận sâu sắc về những ngày đang sống.
Thành phố thân yêu của Thân Thị Thiêm đoạt giải ảnh đơn
Tác phẩm Trẻ em của Đào Duy Linh
Đường phố của Cao Thiên Kim đoạt giải ảnh chụp bằng điện thoại Lumia
Có thể nói, thành công lớn nhất của dự án là thắp lên niềm đam mê nhiếp ảnh trong các bạn trẻ và hơn nữa, ai cũng trưởng thành hơn từ cách nhìn, cách nghĩ về cuộc sống để yêu quý thành phố của mình hơn. Ngoài giải thưởng dành cho người thắng cuộc, đọng lại trong quá trình diễn ra dự án là khoảnh khắc đẹp của những người trẻ cùng kết nối trái tim yêu thương, cùng chia sẻ tình cảm chân thành của mình đến với mọi người. Phần trải nghiệm nhiếp ảnh trong 48 giờ là những câu chuyện thú vị trong việc thực hiện một chủ đề bằng nhiều tấm ảnh. Đó là khi luân phiên thể hiện chân dung của mọi người, những góc nhìn tổng thể, những lúc tác nghiệp sinh động, những chi tiết khiến người xem hiểu được các bạn yêu thành phố của mình như thế nào. Mục đích của sự trải nghiệm này không phải mang đến những thông tin báo chí, mà chính là truyền tải những ấn tượng, những không gian, những chi tiết nhỏ được các bạn yêu thích. Qua những góc nhìn đời thường nhưng mới lạ, các bạn có thể giới thiệu thành phố của mình với những người còn chưa biết đến và khơi dậy mong muốn được đến thăm, khám phá… nơi chốn thú vịấy.
Sắc phố của Phùng Anh Tuấn đoạt giải ảnh đơn sáng tạo
Chỉ có hai ngày làm việc, gồm việc chọn chủ đề, tìm và chụp nội dung câu chuyện chỉ gói gọn từ 7 đến 12 tấm ảnh dưới dạng tài liệu là một thử thách không nhỏ đối với các bạn, nhất là các bạn ở xa, lần đầu đến TP.HCM. Thủy Tiên đến từ Hà Nội là một cô gái như thế. Cảm giác choáng ngợp khiến cô không biết bắt đầu từ đâu. Rồi từ những lần đi trên đường, bắt gặp toàn những người xa lạ, cô tự hỏi không biết họ có những ước muốn gì. Thế rồi cô mạnh dạn làm quen, chuyện trò, nói mục đích của mình. Trước khi về lại Hà Nội, cô đã kịp gửi tặng món quà nhỏ thú vị là những bức ảnh cô mới chụp làm post card cho những người quen mới. Còn Phi Long lại háo hức với nhiều ý tưởng khi tham gia dự án, nhưng vì hạn chế thời gian nên chọn chủ đề đơn giản nhất là chân dung. Tuy nhiên, để có mối liên hệ giữa các chân dung, Phi Long chọn chụp những gương mặt đàn ông có râu. Người lịch lãm, kẻ phong trần, trung niên, người già… mỗi người đều toát lên thần thái riêng. Nguyễn Ly người giành giải nhất với bộảnh “Nơi giữ ký ức” mang đến cho người xem một góc nhìn xúc động khi cảm nhận vết thời gian hằn lên tuổi tác. Thuận Thắng với góc nhìn khôi hài về đời sống của người Sài Gòn qua bộảnh “Vợ tôi ở đâu?” – những cô gái Sài Gòn với thời trang chống nắng làm anh không nhận ra cả vợ mình khi đi xe máy ngoài đường.
Ngân An