Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết dừng triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vì điều kiện kinh tế – xã hội và trình độ khoa học – công nghệ của Việt Nam chưa phù hợp, nhiều người đã nghĩ đến khả năng tận dụng các nguồn năng lượng hiện có như than đá, thủy điện và năng lượng tái tạo.
Theo quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, triển vọng đến 2030 vừa được Bộ Công thương công bố tháng trước, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành trong các giai đoạn của quy hoạch khoảng 47-50 triệu tấn vào năm 2020; 51-54 triệu tấn vào năm 2025 và 55-57 triệu tấn vào năm 2030. Lãnh đạo Bộ Công thương dự báo, với trữ lượng than hiện tại, Việt Nam còn có thể khai thác than thêm vài trăm năm nữa. Riêng bể than Đông Bắc còn có thể khai thác thêm 40-50 năm. Nhu cầu than tiêu thụ trong nước sẽ gấp đôi so với sản lượng sản xuất trong nước, khoảng 112,3 triệu tấn vào năm 2020 và tăng lên 220,3 triệu vào 2030.
Tuy nhiên sản lượng này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho cả ba ngành là điện, luyện gang thép và sản xuất xi măng. Khi ấy việc nhập than là một biện pháp chẳng đặng đừng, trong khi chờ đợi bổ sung điện năng từ các nguồn khác như phong điện và điện mặt trời.
Các nghiên cứu thực tế cho thấy Việt Nam có tiềm năng điện gió là 1.750MW, rất cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ gió trung bình ở khu vực có gió tốt là 6m/s ở độ cao 60m. Tiềm năng gió cao hơn ở miền Trung và miền Nam của đất nước (đặc biệt ở Tây Nguyên, hải đảo và các khu vực ven biển), tương ứng khoảng 880MW và 855MW. Ở miền Bắc, tiềm năng khoảng 50MW. Hiện nay có một trang trại điện gió với tổng công suất 30MW đang vận hành và một trang trại điện gió công suất 90MW đang xây dựng.
Chính phủ cũng đã có chủ trương phát triển điện gió nhằm đáp ứng nhu cầu điện đang tăng nhanh. Mục tiêu của phát triển điện gió ở Việt Nam là 5% trong tổng sản lượng điện vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.
Một nội dung chính của cơ chế khuyến khích được phê duyệt để thúc đẩy phát triển điện gió là giá điện quy định (FIT). FIT bằng 7,8 US cent/kWh. Trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nghĩa vụ mua điện từ các dự án điện gió ở mức giá 6,8 cent/kWh. Bù giá từ ngân sách nhà nước cho chủ đầu tư dự án điện gió là 0,1cent/kWh (từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam). Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ này cũng bao gồm giảm và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, phí sử dụng đất, thuế VAT và phí môi trường.
Hiện nay nhà máy phong điện đầu tiên của Việt Nam có công suất 120MW với 15 trụ cánh quạt gió loại 1,5 Megawatt ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đang đi vào giai đoạn hoàn tất.
Chỉ thuần về kinh tế, đã có những sự so sánh và khẳng định là giá thành 1kWh năng lượng của nhà máy điện hạt nhân đắt gấp đôi giá thành của năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than đá, gas… và đắt gần gấp ba lần giá năng lượng từ những cánh quạt gió.
Phạm Thành Sơn (DNSGCT)
Xem thêm: