Sau thất bại trong vụ khởi kiện hãng taxi công nghệ Grab vi phạm cạnh tranh thương mại bằng hình thức phá giá, vừa qua hãng taxi Vinasun (Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam) đã gửi đơn kiến nghị tới Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành chức năng, đề nghị tạm dừng đề án thí điểm gọi Grab – Uber của Bộ Giao thông Vận tải.
Bị sức ép liên tục từ phía taxi truyền thống, nhiều cơ quan quản lý tỏ ra lúng túng và muốn xử lý theo hướng tăng cường can thiệp hành chính vào thị trường. Điều này rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế chung, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hướng tới cách mạng công nghệ 4.0.
Để thị trường tự điều chỉnh nguồn cung và cạnh tranh
Trong đơn kiến nghị của mình, Vinasun nêu lên ba nội dung được cho là chứa nhiều khuất tất trong Quyết định số 24 ngày 7-1-2016 cho phép triển khai thí điểm hình thức vận tải hợp đồng điện tử. Cả ba nội dung vẫn xoay quanh chuyện nguồn cung xe tăng vượt mức, cạnh tranh giá cả và dịch vụ, thuế. Kiến nghị lần này là một trong chuỗi tác động của taxi truyền thống lên Chính phủ nhằm mục đích tạm dừng thí điểm Grab cho đến khi có nghị định mới thay thế Nghị định 86.
Tuy nhiên, hầu hết những vấn đề mà Vinasun cùng Hiệp hội Taxi Việt Nam nêu ra thực chất là chuyện thuộc về thị trường: nguồn cung tăng vượt mức, cạnh tranh giá cả và dịch vụ… Theo quy luật cung cầu, các vấn đề này thị trường sẽ tự điều chỉnh một cách hiệu quả theo thời gian, các cơ quan quản lý nếu can thiệp hành chính quá nhiều thường lại kiềm hãm sự phát triển chung.
Nhìn từ nền kinh tế chung, đến nay Uber, Grab mang lại cái lợi không nhỏ cho toàn xã hội. Đó là góp phần giải quyết vấn đề đi lại ở các đô thị lớn, tạo hàng vạn công việc làm cho thanh niên thất nghiệp, sinh viên khó khăn. “Trong khi đường sắt, taxi chúng ta phải đầu tư rất nhiều thì Uber, Grab là hoàn toàn do xã hội hóa”, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải từng phát biểu với báo chí. Nói cách khác, theo ông Trần Bảo Ngọc, sau hai năm thí điểm thì Uber, Grab đã vận chuyển được hàng chục triệu lượt hành khách trong khi Nhà nước không hề mất tiền để tài trợ phát triển loại hình này, mà hoàn toàn do xã hội hóa.
Đầu năm 2018, Tòa án Hội đồng Công lý châu Âu đã ra phán quyết mô hình Uber, Grab là một dịch vụ kỹ thuật số. Còn tại Việt Nam, tại buổi họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô sáng 13-7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: Bản chất hoạt động của loại hình Grab giống taxi truyền thống nên cần có những quy định tương đồng nhằm tạo sân chơi bình đẳng. Nhiều ý kiến e ngại rằng nếu các “quy định tương đồng” được áp dụng sẽ tạo “bước lùi” cho nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam.
Chính sách thuế cần theo kịp mô hình kinh doanh mới
Trong hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế sáu tháng đầu năm tổ chức sáng 20-7, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh Trần Ngọc Tâm phản ánh việc Uber không còn tồn tại ở Việt Nam nữa, không thể thực hiện thu thuế được. Xoay quanh trách nhiệm trả khoản nợ thuế 53 tỉ đồng của Uber sau khi sáp nhập với Grab, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết đã có công văn yêu cầu Uber Hà Lan thanh toán.
Thậm chí trước đó, đại diện Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng sẽ cưỡng chế tài khoản của Uber để truy thu thuế, nhưng đến nay quá trình này vẫn chưa cho thấy kết quả. Ngoài ra, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh muốn truy thu hơn 53 tỉ đồng tiền thuế của Uber B.V là không dễ, bởi vụ việc vẫn đang liên quan đến kiện tụng. Trường hợp tòa tuyên Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thắng kiện thì cũng khó cưỡng chế Uber B.V, vì hãng không lập pháp nhân, cũng như mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam.
Qua câu chuyện trên có thể thấy vấn đề cần quan tâm nhất của Nhà nước đối với mô hình taxi công nghệ là chính sách thuế sao cho hợp lý, chống thất thu. Để hiểu về câu chuyện nộp thuế của Grab và Uber, cần bắt đầu từ bản chất và quan hệ giữa cơ quan quản lý và đối tượng nộp thuế. Về cơ bản, chính sách thuế của Việt Nam chỉ có hai đối tượng nộp thuế, đó là các tổ chức và các cá nhân. Với các doanh nghiệp taxi truyền thống, việc đăng ký kinh doanh vận tải gắn liền với hoạt động đầu tư dàn xe, treo logo, ký hợp đồng thuê lái xe, chở khách, thu cước và nộp thuế.
Trong quan hệ với cơ quan thuế, doanh nghiệp taxi truyền thống là chủ thể nộp thuế. Mức thuế được phản ánh vào trong giá cước và lái xe là người thu cước để nộp về doanh nghiệp, trước khi nộp cho Nhà nước. Nhưng cách thu thuế “truyền thống” này thay đổi hoàn toàn trong trường hợp các doanh nghiệp Grab.
Theo đó, Grab – với nền tảng công nghệ của mình – đóng vai trò như người môi giới, kết nối giữa khách đi xe và chủ xe. Grab không đầu tư xe, không là chủ xe, do thế cũng không kinh doanh vận tải khách. Thực tế này trở thành rào cản đầu tiên khi các cơ quan quản lý lúng túng trong cách tiếp cận quản lý thuế đối với loại hình doanh nghiệp như Grab, hay rộng hơn là quản lý thuế với các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mạng. Thực tế nữa, là Grab giao kết với các chủ xe – lái xe bằng các hợp đồng ăn chia cước. Theo đó, Grab thu một tỷ lệ nhất định (20 – 28%) cước thu của khách. Phần còn lại trả về các chủ xe – lái xe.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc khách gọi xe và các chủ xe – lái xe nhận chở khách cũng là giao kết hợp đồng. Do đó, trong trường hợp này, đối tượng phải nộp thuế chính là các chủ xe – lái xe tham gia Grab. Pháp luật Việt Nam có quy định những chủ xe là cá nhân phải đăng ký với cơ quan quản lý và nộp thuế nếu tham gia vận tải khách theo hợp đồng. Đồng thời, đã có khá nhiều tài xế Uber và Grab đã bị phạt vì không đăng ký vận tải khách. Tuy nhiên, với hàng chục ngàn tài xế đã tham gia Grab và số lượng tiếp tục tăng lên mỗi ngày, dường như việc quản hết số lượng này là quá sức với các cơ quan thuế.
Trong bối cảnh Chính phủ đang hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số, nền kinh tế mở thúc đẩy sáng tạo thì việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho mô hình kinh doanh mới là nhiệm vụ thiết yếu của các cơ quan chức năng. Nếu ngăn cấm Grab do việc quản lý, xây dựng chính sách thuế quá phức tạp, Việt Nam rõ ràng đã tạo thêm một bất lợi cho mình trong thu hút công nghệ mới, dịch vụ mới để tham gia vào cách mạng khoa học 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.