Tại sao những bức tranh nghệ thuật thường quá nghiêm túc? Không dễ thấy những nụ cười, nếu có thì chỉ cười mỉm, cười nhẹ! Công ty Artsy, chuyên khám phá và sưu tầm nghệ thuật trên toàn thế giới, đã cố đưa ra câu trả lời.
Cười kiểu… Mona Lisa là hết cỡ!
Đối với nhiều người, các viện bảo tàng nghệ thuật cho người xem những trải nghiệm đặc biệt mà không nơi nào có. Thậm chí đối với cả những người yêu và biết thưởng thức nghệ thuật, viện bảo tàng luôn là ngôi đền thờ bách thần, và thần ở đây chính là các hoạ sĩ, các nhà điêu khắc. Nhưng có lẽ không ở đâu “sự nghiêm nghị” được thể hiện rõ như trong các viện bảo tàng, nơi hầu hết kiệt tác cổ điển có số tuổi có khi lên đến vài trăm năm rất hiếm thấy bóng dáng nụ cười với đầy đủ “cường độ” của nó.
Nụ cười trong tranh luôn được tiết chế. Hoạ hoằn lắm chúng ta mới thấy một nhân vật mẫu nhìn mình người xem với nụ cười đầy “ma thuật” như bức hoạ chân dung Mona Lisa của danh hoạ châu Âu thời Phục hưng Leonardo da Vinci (vẽ chân dung Lisa Gherardini, vợ của thương nhân Francesco del Giocondo).
Trong lịch sử hàng trăm năm của nghệ thuật tạo hình, nụ cười rộng mở, “nụ cười thật sự” không hề có chỗ đứng trong tư duy của những người tạo ra nó? Đây là một câu hỏi mà nhà phê bình nghệ thuật the Nicholas Jeeves cố tìm câu trả lời trong cuốn sách The Serious and the Smirk: The Smile in Portraiture.
- Xem thêm: Đằng sau nụ cười của Mona Lisa
Nụ cười được con người ngày nay xem như chỉ dẫn của sự thân thiện, dễ gần, của hạnh phúc và tình cảm. Đối với các nhiếp ảnh gia, nụ cười là yêu cầu tiên quyết trước khi chụp một bức ảnh. “Cười lên!” là câu nói đầu môi của họ. Bức ảnh không có nụ cười được xem là bức ảnh chết, ngay cả khi tự chụp (selfie).
Đi tìm nguyên nhân
Có lúc người ta nghĩ rằng sở dĩ suốt nhiều thế kỷ, người phương Tây cổ không cười khi chụp ảnh hoặc lúc ngồi làm mẫu cho hoạ sĩ là vì họ sợ để lộ các “vấn đề” ở răng và hàm răng không được đẹp. Chụp ảnh chân dung hay vẽ chân dung càng cấm kỵ. Nói chung, nụ cười bị kiềm chế nhân danh sự… hoàn hảo! Nhận xét này khá đúng vì vệ sinh răng miệng kém bao giờ cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự mất tự tin, cả đối với nụ cười.
Ngoài ra, không giống như thế giới hôm nay, một bức ảnh chân dung dễ dàng ghi lại trong vài giây, ngồi vẽ môt bức chân dung lúc trước kéo dài hàng giờ và không ai có thể giữ được nụ cười “thoải mái” lâu như thế. Chụp ảnh cũng thế, dù thời gian ít hơn. Nụ cười chỉ tự nhiên khi xảy đến nhanh và bất ngờ.
Nụ cười gượng gạo không tạo ra cảm xúc vì nó khô cứng, dù là tranh vẽ hay hình ảnh. “Nụ cười giống như một cơn đỏ mặt bùng phát. Nó là một phản ứng tự nhiên chứ không phải là biểu cảm nên không thể kéo dài quá vài giây” – một nhà tâm lý học hành vi nói. Nếu hoạ sĩ may mắn có được một người làm mẫu có nụ cười mỉm, “cười bên trong” một cách tự nhiên, không hề gắng sức, bức tranh sẽ rất có giá trị. Nụ cười luôn là điểm đầu tiên đập vào mắt người xem tranh.
Chính vì vậy mà “nụ cười bí mật” của nàng Mona Lisa đã cho bức tranh sức sống đặc biệt mà khó có bức tranh chân dung nào sánh kịp. Những nụ cười tự nhiên như vậy luôn được trả giá hậu hĩnh. Antonello da Messina hoạ sĩ Ý thời Phục hưng là một trong ít người đạt được trình độ cao về nụ cười trong tranh.
Messina là bậc thầy về kỹ thuật sơn dầu Hà Lan, trong đó nhấn mạnh ưu tiên đến việc “quan sát trực tiếp” vật chủ của bức tranh. Ông thích đưa nụ cười vào tranh chân dung để thể hiện sức sống nội tâm của nhân vật. Ví dụ bức tranh Portrait of a Young Man (1470) được xem là “đặc trưng” cho nụ cười trong hội hoạ thời kỳ trước Mona Lisa (1503-19) của Leonado da Vinci.
Leonardo đã thuyết phục Mona Lisa cười mỉm hay nụ cười bí ẩn này là thói quen của nàng thơ khi ngồi cho hoạ sĩ vẽ. Không có câu trả lời chính thức, nhưng cười mỉm cũng khó giữ được lâu đối với người ít dùng nó. “Nụ cười mỉm của Mona Lisa được xem là một bí mật vì nó pha trộn giữa sự nghiêm trang và cởi mở nên rất tự nhiên, không giả tạo và để lại phần suy đoán cho người xem.
Và đây là điều rất thú vị!” – Jeeves viết. Nụ cười rộng mở nhất của Leonardo là nụ cười trong bức tranh St. John the Baptist (1513-16) và đây cũng là nụ cười hiếm thấy trong hội hoạ phương Tây thời điểm đó, vốn chỉ dừng ở mức độ cười nhẹ, cười mỉm.
Trường phái cười Hà Lan
Vào thế kỷ thứ 17 tại châu Âu, các nhà quý tộc xem việc khoe răng (cả nơi công cộng lẫn trong tranh vẽ, tượng) là hành vi chỉ có ở… tầng lớp thấp, bọn say xỉn hoặc trong các vở kịch. Tuy nhiên, tại Hà Lan, nụ cười được xem là biểu hiện bình thưởng của tất cả mọi tầng lớp xã hội trong cuộc sống hàng ngày. Quý tộc và thứ dân đều như nhau. Nhiều hoạ sĩ Hà Lan thoải mái tôn vinh nụ cười của tầng lớp nghèo, mà đi đầu là các hoạ sĩ Jan Steen, Franz Hals, Judith Leyster và Gerrit van Honthorst.
Ví dụ bức Young Man and Woman in an Inn (Yonker Ramp and His Sweetheart-1623) của Frans Hals; bức The Merry Fiddler (1623) của Gerrit van Honthorst. Bức The Merry Fiddler và The Concert (1623) của Leyster đều có nụ cười rộng mở.
“Người Hà Lan cười từ ngoài đời vào trong tranh. Cười trong cuộc rượu và cười trong âm nhạc. Cười được ví như ‘tốc ký xã hội’ để giải toả sự căng thẳng” – Jeeves viết. Khi đưa nhạc cụ vào tranh, những hoạ sĩ trên đã bị ảnh hưởng bởi hoạ sĩ Ý tiên phong Caravaggio mà đặc trưng là bức tranh Triumphant Eros (1602) pha trộn giữa tình yêu và vẻ đẹp mà trọng tâm là nữ thần Eros trẻ, trần truồng với mũi tên trong tay, những cây đàn vung vãi dưới sàn và nụ cười trẻ thơ hiền hậu.
Hấp lực đặc biệt của nụ cười mỉm kiểu Mona Lisa là “sự chừng mực và quý phái”. Đây phong cách của những người mẫu có nguồn gốc quý tộc thích tranh chân dung nhưng không muốn vượt quá giới hạn. Cách thể hiện này tạo ra sự gợi cảm đặc biệt cho người xem tranh.
Đại diện cho những bức tranh “nụ cười bí ẩn” có bức Portrait of Isabella Brant (1620-25) của Peter Paul Rubens vẽ chính vợ mình; bức Dona Isabel de Porcel (vẽ trước 1805) của Francisco de Goya và bức Ingres’s Madame Jacques-Louis Leblanc (1823) của Jean-Auguste-Dominique.
Nụ cười là điểm nhấn của nghệ thuật hiện đại
Gần như ngay sau khi phát minh ra nhiếp ảnh vào giữa thế kỷ 19, những nụ cười thoáng qua và nhẹ nhàng đã trở thành phần không thể thiếu của một bức chân dung, dù là chụp hay vẽ. Các hoạ sĩ cận đại và hiện đại còn đưa ý nghĩa “xã hội và chính trị” vào nụ cười.
Hoạ sĩ Kerry James Marshall có bức tranh đen trắng A Portrait of the Artist as a Shadow of His Former Self (1980) với nụ cười nhân vật rộng đến mang tai đưa hàm răng trắng nhỡn gợi nhớ đến nhân vật người vô hình cuốn truyện Invisible Man của nhà văn Ralph Ellison.
Hoạ sĩ Yue Minjun thuộc phong trào Cynical Realist tại Trung Quốc nổi tiếng nhờ những bức chân dung “exaggerated self-portrait” mô tả những nụ cười hết cỡ của các nhân vật trong tranh. Ví dụ bức The Massacre at Chios (1994) của hoạ sĩ Yue Minjun. Ông còn mô phỏng lại một số tác phẩm lớn của phương Tây, nhưng các nhân vật từ nghiêm trang chuyển sang cười cợt.
Giấu phía sau những chiếc mặt nạ cười lạnh băng của nhiều tác phẩm đương đại là những “thông điệp chính trị và bình luận xã hội” mang tính phê phán. Nói tóm lại, nụ cười trong tranh hiện nay không chỉ là nụ cười đơn thuần mà còn ẩn chứa những ý nghĩa và nhắc nhủ khác. Lịch sử nghệ thuật cho thấy nhân vật trong tranh có thể chuyển tải thông điệp của người sáng tạo ra nó hay thông điệp của xã hội, trong đó nụ cười là một công cụ được sử dụng thường xuyên.