500 năm đã trôi qua kể từ ngày Leonardo da Vinci (15–4–1452 đến 2–5–1519), thiên tài ngàn năm có một của Ý từ trần, sự sáng tạo và tầm nhìn xa trông rộng của ông về mọi mặt vẫn tiếp tục gây kinh ngạc.
Chỉ cuốn nhật ký rách nát – Codex Leicester – tổng hợp các ghi chép lan man cũng đáng giá cả 30,8 triệu USD (tương đương 701 triệu đồng).
Các bức tranh gắn mác thương hiệu Leonardo da Vinci thì rẻ cũng trên 100 triệu USD/bức. Riêng Mona Lisa thì còn ngất ngưởng tới tận 700 triệu USD (tương đương 16.205 tỉ đồng).
Không chỉ khiến hậu thế ngưỡng mộ về tài năng hội họa, Leonardo còn để lại vô số bài học triết lý, kỹ thuật, kiến trúc, quang học, âm nhạc, đặc biệt là những phát hiện y học, giải phẫu.
Với đam mê học hỏi, khát khao lý giải được mọi thứ trên đời, đại danh họa này nhảy vào mọi lĩnh vực. Tại sao các tinh tú chỉ hiển thị vào đêm tối? Vì lẽ gì nước ngăn được không khí? Linh hồn ngự trị ở đâu? Hắt hơi và ngáp khác nhau như thế nào? Khoảng cách từ lông mày đến giao điểm giữa môi và cằm là bao xa…
Cứ với mỗi một nghi vấn nảy sinh, ông lại cất công phân tích, thử nghiệm, tìm kiếm cho bằng được câu trả lời thì mới chịu dừng lại.
1. Đứa con ngoài giá thú
Có rất ít thông tin về thời thơ ấu của Leonardo Da Vinci. Chỉ biết rằng ông chào đời ở một thị trấn đồi núi tên Vinci, thuộc vùng Tuscan, là con trai ngoài giá thú của công chứng viên Ser Piero da Vinci với một thiếu nữ nông thôn tên Caterina di Meo Lippi.
Ngày có Leonardo, Ser Piero chỉ mới 25 tuổi, còn Caterina 22 tuổi. Sau khi sinh con, Caterina cũng quẳng luôn cho Ser Piero nuôi, còn mình phơi phới đi lấy chồng, lập gia đình với một chủ lò gốm.
Về phần Ser Piero, anh cũng sớm lấy vợ, kết hôn tất thảy 4 lần, có tổng cộng 11 người con chính thức, sống cuộc đời danh tiếng và thành công suốt đời. Nếu không phải là con riêng, Leonardo có lẽ cũng đã được giáo dục để nối nghiệp cha.
Vinci, nơi Leonardo chào đời và lớn lên, là một thị trấn cổ tuyệt đẹp. Nó được hình thành từ khoảng thế kỷ 12, với những vườn ôliu tốt tươi, nhấp nhô đồi núi xanh thẫm.
Xa xa, biển phía tây nước Ý phô bày sắc biếc mênh mang, mờ ảo rặng núi chạy dài. Thuở còn thơ, Leonardo sống với ông bà nội.
Cậu sớm bộc lộ tài năng hội họa hơn người. Ser Piero nhận ra điều đó. Ông liền đem tranh của con trai đến gặp Andrea del Verrocchio, một họa sĩ nổi tiếng đương thời và cũng là khách hàng của mình, nhờ đánh giá.
Andrea xem xong thì vô cùng hài lòng, đồng ý nhận Leonardo làm học trò, cho phép cậu tới xưởng vẽ Florence học nghề.
Rất nhanh, cậu bé thiên tài tỏ vẻ đối nghịch với cả thầy lẫn các huynh đệ đồng môn, cuối cùng tách ra làm ăn riêng.
Từ năm 1473, khi mới 21 tuổi, Leonardo đã có công trình nghệ thuật đầu tay độc lập, Landscape of the Arno Valley. Sau đó cậu liên tục tự “nhận thầu”, vẽ và hưởng toàn bộ tiền công.
Về giới tính, Leonardo chắc chắn là một người “gay”. Ông chỉ quan hệ yêu đương với nam giới, có hai lần bị tố cáo phạm kê gian (sodomy: từ chỉ tội quan hệ đồng tính).
Về nhân cách, Leonardo là một người mềm lòng, yêu động vật. Ông thường xuyên mua chim bị nhốt ở chợ rồi đem thả.
Về ngoại hình, Leonardo có khuôn mặt đẹp trai, dáng vẻ thư sinh, thích mặc áo dài tay màu hồng nên trông rất dịu dàng. Ngoài ra, ông còn hát hay, đàn giỏi, yêu thi ca nữa.
2. Liên kết khoa học với nghệ thuật
Trong 67 năm cuộc đời, Leonardo dành hẳn 46 năm cho Florence và Milan (hai thành phố ở Ý), lang thang khắp nơi, khám phá và theo đuổi tri thức.
Ông học tiếng La tinh, nghiên cứu toán học của Euclid và Archimedes, tìm hiểu mối liên hệ giữa các lĩnh vực hiểu biết khác nhau, phác thảo thiết kế, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ… Với mỗi một vấn đề, Leonardo đều tỉ mỉ vẽ minh họa và ghi chú đầy đủ.
Cái ấn tượng ở Leonardo là ông không chỉ học hỏi từ các bậc thầy mà còn “gạn đục khơi trong”, phát hiện những mâu thuẫn và phản biện, đưa ra kết luận hợp lý cuối cùng.
Trước Leonardo, người ta tin rằng nước có ở trên đỉnh núi vì sức nóng hút chúng lên. Còn nhà họa sĩ kiêm nghiên cứu khoa học thì nỗ lực tìm hiểu và nhận ra rằng nước được lưu thông theo một vòng tuần hoàn khép kín. Đó là bốc hơi thành mây, ngưng tụ thành mưa rồi rơi xuống.
- Xem thêm: Đằng sau nụ cười của Mona Lisa
Từ hiểu biết khoa học, Leonardo đem ứng dụng vào nghệ thuật. Vốn dĩ, nghệ thuật và khoa học là hai lĩnh vực hoàn toàn tách biệt.
Nghệ thuật là cảm hứng, sáng tạo còn khoa học là thực nghiệm, chính xác từng li, từng tí. Hiếm có nghệ sĩ nào lại lôi khoa học và vào sáng tạo. Riêng Leonardo lại vô tư bắc cầu, thoải mái đi về giữa cả hai.
Nghệ thuật của ông thấm nhuần kiến thức khoa học và ngược lại. Điều này thể hiện sống động nhất qua sự liên kết giữa giải phẫu và hội họa.
Có thể nói rằng, Leonardo chính là họa sĩ “đồ tể” đầu tiên. Ông từng điên cuồng mổ xẻ xác người chết, quan sát tỉ mỉ từng sợi cơ, đốt xương, sau đó phác họa hình ảnh ba chiều rõ nét.
Cho đến tận bây giờ, các tranh vẽ giải phẫu của Leonardo vẫn làm giới y học khâm phục. Ông thậm chí tìm ra cả cơ chế khóc, cười theo nguyên lý sinh học, biết mỗi biểu hiện của khuôn mặt là do những búi cơ nào tác động, hình thành.
Tuyệt hơn cả là Leonardo liên kết giải phẫu với quang học, từ đó vẽ ra những hình ảnh ba chiều chính xác đến từng li.
The Last Supper và Mona Lisa là những bức tranh được kết hợp bởi ba yếu tố hội họa + giải phẫu + quang học như thế. Chúng sống động và tinh tế đến mức không có lấy một nét nào là cứng nhắc, gượng gạo.
3. Hiểu biết giải phẫu ấn tượng
Khổ nỗi Leonardo càng cầu toàn bao nhiêu thì càng… phiền hà cho khách hàng bấy nhiêu. Không phải mọi người mua tranh đều có con mắt thưởng thức của nghệ sĩ. Còn Leonardo thì thong thả đến phát bực.
Vì mải đuổi theo những thứ mới mẻ, ông lắm lúc còn bỏ dở tác phẩm đang vẽ, ví dụ như bức The Adoration of the Magi.
Về thực chất, Leonardo cũng không tự tay làm cuốn sổ Codex Leicester, mà phác thảo từng trang rời rồi bạ đâu quăng đó. May mắn là Melzi, bạn đồng hành trung thành của ông, đã cẩn thận thu thập, giữ gìn.
Leonardo là một nhà họa sĩ bậc thầy, song cũng là một nhà giải phẫu toàn tài. Gần như mọi cơ quan của cơ thể người đều được ông mổ xẻ tỉ mỉ và phân tích kỹ lưỡng.
“Ngay cả trong thế giới hiện đại bây giờ, bạn vẫn không thể tìm được bác sĩ giải phẫu nào vẽ được chính xác đến thế”, Calvin Coffey, chủ nhiệm khoa giải phẫu của Đại học Limerick Ireland, khẳng định. Mọi phác thảo giải phẫu học của ông đều không một nét thừa. Tất cả đều đẹp và chuẩn đến từng milimét.
Khi Francis Charles Wells, bác sĩ phẫu thuật tim cấp cao của Bệnh viện Hoàng gia Papworth ở Cambridge (Anh) tình cờ ghé một cuộc triển lãm các bản vẽ giải phẫu cơ thể người của Leonardo, ông đã ngỡ ngàng đến mức không tin nổi vào mắt mình.
Dù là cách đây cả 500 năm, Leonardo vẫn vẽ chính xác về chứng xơ vữa động mạch (sau khi giải phẫu cơ thể của một ông lão thọ 100 tuổi).
Ông còn đặc biệt quan tâm đến hoạt động của van tim, phác thảo hình ảnh cấu trúc quả tim giống hệt như thật, bao gồm đầy đủ toàn bộ các chi tiết nhỏ nhặt nhất.
4. Yêu âm nhạc chỉ sau hội họa
Nếu sắp xếp thứ tự các lĩnh vực được Leonardo yêu thích thì hội họa xếp thứ nhất, âm nhạc xếp thứ hai, điêu khắc xếp thứ ba.
Ông đam mê giai điệu đến nỗi gọi nó là “hình hài của sự vô hình”. Lúc sinh thời, Leonardo “chết mê chết mệt” đàn Lira da braccio, một loại nhạc cụ có dây thời Phục hưng. Ông từng tỉ mẩn phác họa cả âm thanh được phát ra.
Vào một buổi tối mùa hè, trong chiếc áo ghi lê dài trang trọng, Leonardo bước vào lâu đài Kalmar tọa lạc trên bờ biển phía nam của Thụy Sĩ, ngồi xuống và kéo một điệu đàn. Âm thanh vui tươi, rộn rã nổi lên, vang vọng tới mọi ngóc ngách.
Slawomir Zubrzycki (1963), nghệ sĩ piano người Ba Lan khao khát hồi sinh được bản nhạc Leonardo từng chơi. Bắt đầu từ năm 2009, ông bắt tay vào việc tái tạo âm thanh từ cây đàn Lira da braccio của Leonardo.
Đáng tiếc là đại danh họa lại không vẽ phác thảo chi tiết về cấu trúc của cây đàn yêu thích, mà chỉ vẽ mỗi thanh âm, cái chỉ nhìn thôi thì không cách nào mường tượng ra hết. Thành ra Zubrzycki đành phải tự mày mò.
Sau bốn năm, ông ra mắt cây đàn Viola organista có âm thanh của Leonardo (tất nhiên là chỉ theo trí tưởng tượng của Zubrzycki mà thôi).
Không rõ chiếc Viola organista ấy có phát ra âm thanh giống như bản nhạc của người nghệ sĩ cầu toàn Leonardo từng chơi hay không, nhưng màn trình diễn của Zubrzycki thì thành công thu hút được không ít sự quan tâm và lời khen ngợi.
Mùa thu năm 1516, Leonardo được vua Francois I của Pháp vời đến Amboise, tặng cho một núi tiền đủ để ông muốn làm gì cũng được.
Ông chuyển vào lâu đài Clos Lucé ở, mang theo ba kiệt tác chưa bao giờ rời tay kể từ khi hoàn thành là Saint John the Baptist, The Virgin and Child With Saint Anne và Mona Lisa.
Trong những năm cuối đời, ông tập trung nghiên cứu và thiết kế công trình thủy lực, dễ dãi hài lòng với món xúp thơm ngon ấm bụng mỗi khi dạ dày réo gào.
Trước khi nhắm mắt xuôi tay vào ngày 2-5-1519, Leonardo còn hoàn thành loạt phác thảo thảm họa tự nhiên từ gió và nước.
Dẫu đã 67 tuổi, nghệ sĩ toàn tài này vẫn không ngừng mở rộng tri thức. Cơn cuồng phong qua những nét phấn màu đen của ông vẫn vừa biểu lộ được đặc điểm thực tế của gió lốc, vừa dâng trào sự khẩn trương và hỗn loạn đầy tính nghệ thuật.
Thật tò mò nếu “lão thiên” chưa mang ông đi, con người ưa khám phá, lý giải mọi sự này kế tiếp sẽ hướng mắt đến mục tiêu hiểu biết nào!