Tham dự các phiên đấu giá ở Sotheby’s và Christie’s thời gian vừa qua, Kevin Nance, nhà báo tự do chuyên theo dõi thị trường tranh pháo ở Mỹ, vừa có bài phân tích trên tờ Washington Post (số ra ngày 11-8-2012) về sự bùng nổ giá tranh bất thường ấy.
Thị trường nghệ thuật tăng trưởng mạnh mẽ
Theo Kevin Nance, dù sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã qua nhưng các nền kinh tế Mỹ và châu Âu vẫn còn trong giai đoạn dễ dao động; ấy vậy nhưng thị trường tác phẩm mỹ thuật hiện đại và đương đại lại tăng trưởng vượt mức mong đợi của các nhà đấu giá. Đơn cử như trong tháng 5-2012 vừa qua, bức Tiếng thét của họa sĩ Na Uy Edvard Munch (vẽ năm 1895) đã bán được với giá gần 120 triệu USD tại nhà Sotheby’s, qua mặt tất cả những kỷ lục về giá tranh từ trước đến nay (giá cao nhất trước đó là bức Khỏa thân, lá xanh và tượng của Picasso – vẽ năm 1932 – được bán với giá 106,5 triệu USD tại nhà Christie’s vào tháng 5-2010). Chỉ một tuần sau, bức Cam, đỏ, vàng của họa sĩ Mỹ Mark Rothko (1903-1970) được bán tại nhà Christie’s với giá cao nhất từ trước tới nay của tranh ông: gần 87 triệu USD. Cũng trong phiên đấu giá đó, tranh của 13 họa sĩ khác đã được bán với giá 388,5 triệu USD – mức giá cao nhất trong lịch sử các cuộc đấu giá tranh đương đại.
Tuy nhiên không phải loại tranh nào cũng có giá cao đến chóng mặt. Ông Douglas Druick, chủ tịch và cũng là hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Chicago nói: “Tranh xuất sắc nhất trong số những tranh đẹp nhất có giá cao, thật cao, song khi bạn rơi xuống các thị trường tác phẩm thứ cấp thì điều ấy không diễn ra. Tình hình hiện nay khác với thời kỳ thập niên 1980, khi mà mọi thứ tác phẩm xuất sắc nhất cũng như tác phẩm kém hơn đều có giá cao”.
Điều gì đang diễn ra ở đây? Phải chăng tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt là tranh của các họa sĩ tên tuổi, đã trở thành một thứ kim bản vị mới? Phải chăng đó là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư siêu giàu để thoát khỏi thị trường chứng khoán đầy bất ổn cũng như các loại tiền tệ đang ngả nghiêng khắp thế giới?
Richard Feigen, nhà buôn tranh kỳ cựu ở New York cho biết: “Nghệ thuật ngày càng trở thành một thứ tiền tệ. Những người giàu sụ cần sự an toàn cho tài sản của họ đang coi tác phẩm mỹ thuật như một công cụ đầu tư, một tài sản cao cấp – tôi muốn nói rằng các thiết chế tài chính cũng đang cho vay tiền theo hướng đầu tư ấy. Lý do để làm điều này: đồng tiền sẽ sinh sôi một cách đơn giản, khả năng thanh toán bằng tiền mặt tăng lên hẳn của những người cực giàu… Do có một nguồn cung tiền tệ tăng lên hẳn và một nguồn cung tác phẩm nghệ thuật có giá trị giảm đi hẳn nên mới sinh ra những loại giá tranh như đã thấy”.
Walter Robinson, nguyên chủ biên tạp chí Artnet ở New York đồng ý với nhận định trên: “Sự lý giải ấy về mặt kinh tế cho hiện tượng giá tranh cao bất thường là rất rõ ràng: đó là cách làm của những người siêu giàu trên thế giới. Đã có một sự gia tăng khổng lồ về đồng vốn trong một vài năm gần đây, và hầu hết thuộc về tầng lớp chỉ chiếm một phần trăm dân số. Nghệ thuật chưa hẳn là một sự đầu tư an toàn, nhưng với những người có quá nhiều tiền thì ắt họ phải nghĩ “sao không thử bỏ một vài triệu USD vào nghệ thuật nhỉ?”.
Những cái giá điên rồ
Olivier Camu, giám đốc bộ phận mỹ thuật hiện đại và trào lưu Ấn tượng của nhà đấu giá Christie’s khẳng định sự bùng nổ về giá tranh là một thực tế: “Có thể thấy rõ là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dường như đã không ảnh hưởng đến thị trường nghệ thuật, điều ấy càng chắc chắn ở cấp độ cao nhất; bởi những gì mà chúng tôi chứng kiến trong năm năm qua cho thấy bất kỳ khi nào tác phẩm mỹ thuật quan trọng được đưa ra thị trường, nó đều mang tới những cái giá phi thường. Một sự bùng nổ (về giá) là có thật, nhưng nó chỉ diễn ra nhanh chóng và chỉ với những tác phẩm tuyệt đỉnh”. Tuy nhiên, theo ông Camu thì sự bùng nổ ấy ở các nhà đấu giá không phụ thuộc vào các thị trường tài chính: “Nó không giống như một làn sóng các nhà đầu tư hoảng sợ tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán. Tôi nghĩ nếu như các bạn đầu tư 100 triệu USD vào thị trường nghệ thuật thì chẳng phải vì các bạn đang do dự trước thị trường chứng khoán. Một nhà đầu tư có thể có một danh mục đầu tư đa dạng: chứng khoán, trái phiếu, tiền mặt và tranh, cùng nhiều loại hình đầu tư khác. Và đúng là có những người bảo: “Tác phẩm mỹ thuật dường như đang tăng giá, tại sao không đầu tư vào lĩnh vực này thay vì vào thị trường chứng khoán luôn thay đổi bất thường?”. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích những người chỉ coi nghệ thuật như một kênh đầu tư nói chung, dù rằng hiển nhiên có những người như thế trước đây, hiện nay và sắp tới”.
Theo nhà buôn tranh Richard Feigen, nếu các nhà sưu tập giàu có mua tác phẩm nghệ thuật với ý định đầu tư thì những gì diễn ra gần đây tại các sàn đấu giá quả là khó khiến họ hài lòng, bởi như ông Feigen lý giải: “Đối với tôi, 120 triệu USD cho một bức tranh phấn tiên trên giấy của Munch là một cái giá kỳ quái, thậm chí rồ dại. Edvard Munch là một họa sĩ quan trọng nhưng không là một họa sĩ lớn. Ông ấy là một họa sĩ hạng nhì và một bức tranh vẽ trên giấy của Munch quả là một sự điên rồ. Mark Rothko là một họa sĩ lớn nhưng sản xuất nhiều quá (trong cuộc đời sáng tác của mình, ông đã vẽ hơn 800 bức tranh biểu hiện trừu tượng, hầu hết có khổ lớn), vậy nên 87 triệu USD cho một bức tranh của Rothko cũng thật kỳ quái và cũng khá là điên rồ! Và bây giờ người ta đang trả những khoản tiền khổng lồ để mua tác phẩm của các họa sĩ chẳng có tầm quan trọng gì trong lịch sử mỹ thuật, chẳng hạn như Damien Hirst. Do đó, theo tôi giá tranh điên rồ trên thị trường hôm nay sẽ thê thảm trong tương lai. Những cái giá như vậy sẽ không sống lâu”.
Một yếu tố quan trọng dẫn tới sự bùng nổ của giá cả tại các nhà đấu giá là sự xuất hiện của những nhà sưu tập mới toanh đến từ nhiều nơi: nước Nga và các quốc gia trước đây là nước thành viên Liên bang Xô viết, châu Á, vùng Trung Đông – đặc biệt là Qatar, xứ sở giàu nhất tính theo đầu người vốn đang tự khẳng định mình như một trung tâm văn hóa mới của thế giới. Theo nhiều nguồn tin thì chính hoàng gia Qatar là người đã mua bức Tiếng thét và trước đó đã mua (không trên sàn đấu giá) một bức trong loạt tranh Người chơi bài của Cézanne (vẽ trong những năm 1890-1892) với cái giá kinh hoàng: 250 triệu USD.
Theo ông Olivier Camu, trong phiên đấu giá tháng 2-2012 tại nhà Christie’s ở London, 30% các lô tranh được bán cho những người Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây, 27% thuộc về các nước châu Âu, 24% đến từ châu Mỹ, 15% là Trung Đông và 4% thuộc châu Á.
- Đông Hà