Trong khi quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc trở nên hết sức căng thẳng về chủ quyền trên quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư nằm ở phía đông Trung Quốc và tây nam của tỉnh cực nam Okinawa của Nhật; thì Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tranh chấp về lãnh thổ trên quần đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima nằm ở vùng biển giữa hai nước. Các đảo này đang là điểm nóng tại khu vực Đông Bắc Á với động thái cứng rắn của các bên mà đáng chú ý hơn cả là các cuộc biểu tình bài Nhật tại các thành phố lớn ở Trung Quốc.
Những sự kiện này cùng với tranh chấp Biển Đông diễn ra căng thẳng thời gian qua khiến nhiều quan sát viên cho rằng đây là thời điểm mà Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cần được các bên tranh chấp tuân thủ để tránh xung đột gây nguy hiểm cho tình hình ổn định các khu vực.
Điểm nóng Senkaku/Điếu Ngư
Senkaku/Điếu Ngư nằm trên biển Hoa Đông, trong một ngư trường đánh cá lớn và được cho là có trữ lượng khoáng sản có giá trị.
Nhật Bản kiểm soát các đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc lại không muốn từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Cảnh đối đầu giữa các tàu tuần duyên của Nhật và tàu cá của Trung Quốc là chuyện thường xảy ra.
Căng thẳng bắt đầu nóng lên sau sự kiện ngày 15-8, một nhóm người Hongkong khởi hành tới chuỗi đảo tranh chấp bằng tàu cá mang cờ Trung Quốc. Mục đích chuyến đi là để phản đối kế hoạch thăm đảo của một nhóm nghị sĩ Nhật và để cắm cờ Trung Quốc trên đảo. Hai tàu tuần duyên Nhật Bản cùng ngày đã bắt giữ 14 thành viên của nhóm tiếp cận đảo Uotsurijima, một trong các đảo nhỏ thuộc Senkaku/Điếu Ngư.
Tàu cá mang cờ Trung Quốc của nhóm người Hongkong đến Senkaku bị hai tàu tuần duyên của Nhật Bản chặn lại
Chỉ vài giờ sau khi vụ bắt giữ diễn ra, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh triệu đại sứ Nhật đến để phản đối. Bà cũng gọi điện cho người đồng cấp Nhật Bản để yêu cầu Nhật “đảm bảo an toàn cho các công dân Trung Quốc và trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện”.
Ngày 18-8, một ngày sau khi Nhật trục xuất 14 người Hongkong xâm nhập đảo tranh chấp, thì khoảng 150 người Nhật, trong đó có tám nghị sĩ quốc hội, đã có mặt ở nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư sau khi đi trên 20 chiếc tàu khởi hành từ Ishigaki – tây nam nước Nhật với mục đích cắm cờ Nhật Bản trên điểm cao nhất của đảo. Một tàu tuần duyên Nhật Bản đã bắc loa, kêu gọi các nhà hoạt động “Không neo đậu và hãy rời khỏi đảo”.
Một nhóm người Nhật cắm cờ trên đỉnh cao nhất của Senkaku
Chính trị gia Tokyo Eiji Kosaka có mặt trên một con tàu đã tuyên bố rằng những người tham gia phải lên đảo, bất chấp sự cấm đoán từ chính phủ: “Chúng tôi muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc”.