Du lịch là một trong những ngành có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Trong các yếu tố để thúc đẩy phát triển du lịch, không thể không nhắc đến môi trường, vì môi trường có tốt thì du lịch mới phát triển bền vững. Về phần mình, du lịch tác động đến môi trường theo cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Ngoài các mặt tích cực, hoạt động du lịch gây ra những tác động không tốt đối với môi trường ở nhiều mức độ khác nhau, phổ biến nhất là nạn xả rác thải làm ô nhiễm nguồn nước, đất và ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, gây mất cân bằng sinh thái. Vì vậy, để du lịch phát triển bền vững, cần phải có những giải pháp bảo vệ môi trường một cách quyết liệt hơn.
Nhiều du khách nước ngoài “một đi không trở lại” vì lý do môi trường du lịch của Việt Nam không tốt
Tiềm năng từ du lịch biển đến du lịch sinh thái
Sở hữu bờ biển dài hơn 3.260km, nước ta có hàng trăm bãi biển đẹp lớn nhỏ với cát mịn trải dài, nước trong xanh, mà nổi tiếng là Trà Cổ (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), Vũng Tàu… Ngoài ra, thiên nhiên còn ưu đãi cho chúng ta khoảng 2.273 đảo ven bờ, 44 vũng, vịnh nhỏ, 1.120 rạn san hô… Đó cũng là những lợi thế lớn để phát triển du lịch biển. Nhằm đáp ứng lượng khách du lịch ngày một tăng, việc phát triển cơ sở hạ tầng đã được tiến hành ở các địa phương ven biển, nhưng từ đó cũng dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường (bụi và tiếng ồn) do xây dựng công trình gây ra.
Gần đây loại hình du lịch sinh thái, vốn thân thiện với môi trường, được đầu tư phát triển nhanh, đặc biệt các tỉnh Nam bộ, nơi chưa được chú ý trước đây. Chỉ riêng hệ thống rừng ngập mặn với 252.500ha cùng 164 khu rừng đặc dụng có tổng diện tích gần 2,3 triệu hécta đã là nguồn tài nguyên rất dồi dào. Hầu hết các khu rừng đặc dụng đều có phong cảnh đẹp, nguồn động, thực vật phong phú, hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đặc thù gắn với các giá trị về văn hóa, lịch sử và tâm linh, rất lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học. Ở đồng bằng sông Cửu Long, những miệt vườn sum suê cây trái và các làng nghề truyền thống, chợ nổi trên sông gây sức hấp dẫn lớn đối với du khách cả ngoài nước và trong nước. Riêng vùng tứ giác Long Xuyên, theo quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ được xây dựng thành khu du lịch sinh thái chất lượng cao của khu vực và cả nước, đồng thời phát triển đồng bộ các vùng du lịch trọng điểm Kiên Lương, Hà Tiên, Rạch Giá cùng vùng phụ cận liên hoàn như Hòn Đất, Hòn Tre, U Minh Thượng… Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, lượng khách du lịch ngày một tăng đã gây áp lực lớn đối với môi trường. Đó là khí thải từ ôtô đưa đón khách, khí thải từ máy lạnh trong các nhà nghỉ, khách sạn, còn rác thải tuy chưa quá tải nhưng cũng có hiện tượng vứt bừa bãi, thiếu thùng rác phân loại tại nguồn. Nếu không được sớm khắc phục thì hẳn cũng có nguy cơ tập trung thành bãi rác lớn.
Du lịch sinh thái đang thu hút nhiều du khách, nhưng nếu không khai thác đúng sẽ là “lợi bất cập hại” cho môi trường