Apollo 17, sứ mệnh cuối cùng thuộc chương trình không gian đưa con người lên mặt trăng, diễn ra vào năm 1972. Harrison Schmitt, một trong những phi hành gia thực hiện chuyến bay, lại bị một chứng bệnh lạ: dị ứng với bụi mặt trăng khiến ông vô cùng khổ sở.
Tháng 12.1972. Các phi hành gia Eugene Cernan và Harrison “Jack” Schmitt vừa kết thúc nhiệm vụ quan sát kéo dài 3 ngày trong thung lũng Torus-Littrow, ở phía Đông Nam biển Yên tĩnh. Khi đã vào bên trong module Mặt trăng thuộc phi thuyền Apollo 17, 2 phi hành gia này tháo mũ và bắt tay vào việc phủi bụi mặt trăng bám đầy bộ trang phục không gian.
Thình lình, Harrison Schmitt bắt đầu nhảy mũi, mắt đỏ lên, ngứa họng và nghẹt mũi. Sau này, ông giải thích, nhân một cuộc liên lạc bằng radio với Trung tâm kiểm soát của NASA: “Tôi không biết tôi bị sổ mũi do dị ứng với bụi mặt trăng”.
Theo Larry Taylor, giám đốc Viện Khoa học Địa chất địa cầu, việc khó nhất không phải đến được mặt trăng, mà là chịu bụi của vệ tinh này: “Đâu cũng bụi. Toàn bụi. Các phi hành gia Apollo vô cùng khốn khổ”. Các phi hành gia thuộc sứ mệnh Apollo 11 than thở các phần tử bụi mặt trăng phủ khắp nơi, dù họ rất cố gắng phủi đi phủi lại. Còn một thành viên thuộc Apollo 12 nhấn mạnh bụi phủ đầy module Mặt trăng, đến độ ông gần như lòa khi tháo mũ.
Bụi mặt trăng, hay regolith, tưởng như hoàn toàn vô hại nếu thoạt nhìn, thật ra lại có tính ăn mòn khủng khiếp. Bụi này sinh ra từ sự thoái hóa của đá nằm bên dưới, do tác động của thiên thạch và gió mặt trời trên bề mặt của mặt trăng. Hít phải bụi này cũng giống như hít thủy tinh tán mịn, rất nguy hiểm cho các phi hành gia: các phần tử bụi li ti có tính ăn mòn cao này có thể xuyên thủng phế nang.
Căn bệnh kiểu “bệnh thợ mỏ” này, thường được gọi là bệnh phổi nhiễm bụi silic (silicose), không phải là nguy cơ duy nhất đối với các phi hành gia. Bụi mặt trăng cũng rất giàu chất sắt, là nguyên do gây nhiều trường hợp tăng huyết áp nơi các phi hành gia cuả chương trình Apollo. Bác sĩ Bill Carpentier, làm việc cho NASA, là người đầu tiên nhắc đến những phản ứng dị ứng do bụi mặt trăng gây ra.
Tuy vậy, những nguy cơ trên không bao giờ khiến Harrison Schmitt từ bỏ ý định tham gia sứ mệnh Apollo 17. Chuyên viên địa chất học, sinh năm 1935, được đào tạo ở Đại học Harvard này đã nhiều năm nghiên cứu cảnh sắc mặt trăng, và khi NASA yêu cầu các nhà khoa học tình nguyện dự chuyến du hành không gian, Harrison Schmitt không hề do dự. Ông giải thích: “Tôi suy nghĩ trong khoảng 10 giây, rồi giơ tay, tình nguyện tham gia”.
Để tuyển các phi hành gia, thoạt tiên NASA chọn các cựu phi công thuộc quân đội. Dưới áp lực của cộng đồng khoa học, từ năm 1965, NASA bắt đầu đào tạo các nhà khoa học tham dự các sứ mệnh mặt trăng thuộc chương trình Apollo.
Người đầu tiên trong số này là Harrison Schmitt. Sau khi được tuyển, ông được huấn luyện lái máy bay phản lực trong một năm. Ông giữ một vai trò then chốt trong việc đào tạo các đồng sự phi hành gia trong lĩnh vực địa chất học và tham gia hiệu chỉnh các phương pháp khảo sát và chuyển dịch trên đất mặt trăng. Ông cũng phối hợp các hoạt động phân tích đá mặt trăng do các chuyến bay Apollo đem về.
Harrison Schmitt là nhà khoa học duy nhất trong lịch sử đặt chân lên mặt trăng. Báo The New York Times thời ấy mô tả người đàn ông 37 tuổi này là “một người độc thân kín đáo và nghiêm túc, không sở hữu máy thu hình hay giàn âm thanh nổi”.
Harrison Schmitt theo một khóa huấn luyện trong suốt 53 tuần và học điều khiển module Apollo. Đương nhiên, nhà khoa học này không hề tưởng tượng rằng mình lại dị ứng với bụi mặt trăng và đá mà ông đã nghiên cứu nhiều năm qua.
Vào ngày 11.12.1972, Harrison Schmitt và Eugene Cernan đáp xuống thung lũng Taurus-Littrow. Trong một lần ra ngoài, xe tự hành mất một chắn bùn và làm bốc lên một khối bụi mù trời. Bụi chui vào các nếp gấp của bộ trang phục của Schmitt, khiến nó cứng đơ, đến độ ông khó động đậy tay. Bụi có tính ăn mòn này không tha một thứ nào, nó xuyến qua 3 lớp vật liệu, giống như Kevlar, cấu thành đôi ủng của phi hành gia. Khi 2 phi hành gia quay trở lại module Mặt trăng, họ phải mất khoảng thời gian dài như vô tận để phủi bụi bám.
Tuy vậy, những phản ứng dị ứng này không cản trở Harrison Schmitt tiến hành nhiệm vụ của ông. Apollo 17 thu thập hơn nhiều mẫu đá hơn mọi sứ mệnh khác thuộc chương trình không gian của Mỹ, và mẫu đá xưa 4,2 tỷ năm được đặt tên “Troctolite 76535” đặc biệt giúp các nhà khoa học tìm hiểu những bí mật của từ trường mặt trăng.
- Xem thêm: Đến Nam cực săn thiên thạch
Harrison Schmitt cũng phát hiện những mảnh thủy tinh núi lửa li ti, chứng tỏ mặt trăng xưa kia không chỉ có hoạt động núi lửa mạnh, mà còn chứa nước. Các phi hành gia thuộc Apollo 17 cũng chụp một trong những ảnh nổi tiếng hơn cả về hành tinh của chúng ta: The Blue Marble, ảnh đầu tiên cho thấy trái đất hoàn toàn được chiếu sáng.