Nhiều người hay nhầm lẫn các hiện tượng run tay khi nghỉ, nét mặt ít biểu lộ cảm xúc, đi đứng chậm chạp chỉ là biểu hiện của tuổi già, thực tế đó lại là các triệu chứng dễ thấy của bệnh Parkinson. Hiện nay trên thế giới có khoảng 6,3 triệu người mắc bệnh này, đa số bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, chỉ một số ít người bệnh ngoài 30 tuổi.
Tuy không phải là căn bệnh có thể dẫn đến tử vong nhưng biểu hiện nghiêm trọng của Parkinson là rối loạn vận động, gây trở ngại lớn cho sinh hoạt và công việc hằng ngày. Ngoài ra, có đến hơn 40% bệnh nhân Parkinson bị trầm cảm và một số trường hợp cũng có ý định tự tử.
Những thông tin từ PGS-TS Nguyễn Thi Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Phó chủ tịch Hội thần kinh học TP. Hồ Chí Minh, Trưởng bộ môn Thần kinh Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ giúp chúng ta có những hiểu biết đầy đủ hơn về căn bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Thi Hùng cho biết:
“Trong bệnh Parkinson có sự thoái hóa các tế bào sản sinh ra chất dopamine (chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác ở một phần của não gọi là chất đen, có chức năng duy trì cử động của cơ thể trong giới hạn bình thường). Các tế bào này bị thoái hóa và chết dần, dẫn đến lượng dopamine bị thiếu hụt.
Parkinson là bệnh rất thường gặp ở người cao tuổi. Theo một thống kê mới đây thì ở Hoa Kỳ có khoảng 0,3% ở người từ 55-64 tuổi, 1% người từ 65-74 tuổi, 3% người từ 75-84 tuổi.
Việt Nam chưa có số liệu về người bị bệnh nhưng theo thực tế thăm khám thì số người trên 60 tuổi có các biểu hiện Parkinson ngày càng nhiều.
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường bị rối loạn giấc ngủ và mất khả năng nhận biết mùi. Biểu hiện này không rõ ràng và thường bị nhầm lẫn với các bệnh về dây thần kinh khứu giác, viêm xoang… nên người bệnh khó nhận biết được.
Một vài năm sau, biểu hiện bệnh Parkinson rõ ràng hơn: bệnh nhân cử động chậm chạp, run khi nghỉ (khởi đầu ở một bên của cơ thể và run nhiều hơn khi xúc động), bệnh nhân cử động chậm chạp nên có vẻ ít hoạt động, ít cười nói và khó diễn tả cảm xúc trên nét mặt, các động tác tinh tế thì lại thực hiện một cách chậm chạp, kéo lê chân trên mặt đất, đi hơi khom người về phía trước, mất thăng bằng…
Về lâu dài có thể gây nên các triệu chứng rối loạn nhận thức, trí tuệ kém minh mẫn, trầm cảm, và các rối loạn tâm thần kinh. Một số bệnh nhân nam bị rối loạn cương còn bệnh nhân nữ thì giảm ham muốn tình dục.
Những nguyên nhân nào gây ra tình trạng thoái hóa và chết dần tế bào não sinh ra dopamine, thưa bác sĩ?
Nguyên nhân làm tế bào não sinh ra dopamine lại bị thoái hóa và chết đi đến nay vẫn chưa xác định được.
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết như sau: do yếu tố siêu vi trùng (sau khi phát hiện ra nhiều trường hợp có biểu hiện cứng đơ, chậm chạp giống như bệnh Parkinson sau dịch viêm não ở Mỹ vào đầu thế kỷ XX), môi trường sống quá yên tĩnh (tu sĩ mắc bệnh này khá nhiều), các kim loại nặng: Aluminium, chì hay các chất MPTP, chất độc màu da cam đã được các nhà nghiên cứu cho là có liên quan đến bệnh sinh của bệnh Parkinson.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh Parkinson gồm: tuổi cao, người bị chấn thương liên tục (như trường hợp vận động viên quyền anh Mohamed Ali) hay các sang chấn sau tai nạn giao thông.
Ngoài ra, các yếu tố stress trong thời gian dài được cho là yếu tố thúc đẩy quá trình oxy hóa dẫn đến sự hủy hoại các tế bào chọn lọc ở vùng chất đen. Các bệnh nhân từ 35-45 tuổi mắc bệnh thường do đột biến gen nhưng tỷ lệ này không cao.
Khi trong gia đình có người bị thay đổi biểu cảm của nét mặt (nhìn không chớp mắt, nhìn trừng trừng), giảm vung vẩy ở một cánh tay khi đi bộ, dáng người hơi gù xuống, hay đau vai hay các khớp, đi kéo lết ở một bên chân, giọng nói trở nên nhỏ hơn, run tay chân và đặc biệt run khi nghỉ ngơi thì nên đưa đến khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh về rối loạn vận động.
Bệnh nhân Parkinson nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng có thể gây tàn phế nặng nề do té ngã, biến dạng khớp, khó nuốt hay nuốt sặc. Người ta đã thống kê là nếu không dùng thuốc, thì 61% người bệnh sẽ bị tàn phế hoặc chết sau 5-9 năm, còn sau hơn 10 năm thì tỷ lệ sẽ là hơn 80%.
Xin bác sĩ giải thích về các phương pháp điều trị bệnh Parkinson hiện nay, đặc biệt là phương pháp kích thích điện não sâu mà Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã thực hiện thành công vào tháng 4-2012.
Bệnh nhân cần hiểu rõ bệnh Parkinson là một bệnh mãn tính, việc điều trị là làm giảm triệu chứng chứ không thể chữa khỏi hẳn bệnh. Dù điều trị bệnh Parkinson bằng phương pháp nào cũng cần có sự phối hợp giữa bác sĩ, bệnh nhân và người thân để đạt kết quả khả quan.
Ở giai đoạn sớm, người bị bệnh Parkinson không cần hoặc chỉ dùng một liều nhỏ của thuốc, bệnh nhân cần tập thể dục thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Thực tế cho thấy các bài tập dưỡng sinh, khí công và tâm lý liệu pháp có kết quả tốt cho người bệnh.
Thường bệnh nhân được điều trị bằng thuốc khi đã có các triệu chứng rõ như run, cứng đơ, chậm chạp. Bệnh Parkinson biểu hiện ở mỗi người một khác nhau, vì vậy không có một cách dùng thuốc duy nhất chung cho tất cả mọi bệnh nhân.
Việc thăm khám theo định kỳ đều đặn ở bác sĩ chuyên khoa, để điều chỉnh liều lượng từng loại thuốc, cũng như các phương thức phối hợp thuốc với nhau là rất cần thiết. Các loại thuốc thông dụng được dùng tại Việt Nam là: Levodopa, Trihexyphenidyl, Pramipexole, Amantadine…
Trong đó, Levodopa dùng phổ biến nhất vì có hiệu quả cao trong việc thay thế dopamine mà bệnh nhân thiếu hụt để duy trì, kiểm soát các hiện tượng run, cứng đơ, chậm chạp.
Tuy nhiên, khi dùng lâu dài và liều cao, thuốc lại gây ra các biến chứng về vận động khó chịu cho người bệnh (có lúc bệnh nhân cứng đơ, có lúc lại vận động quá mức, vung múa tay chân). Điều này được giải thích một phần là do nồng độ thuốc không còn ổn định trong máu và não nữa.
Levodopa hầu như không còn hiệu quả sau khi sử dụng từ 8-10 năm. Lúc này, một số bệnh nhân cần được tiến hành phẫu thuật nếu đáp ứng đúng các chỉ định dành cho phẫu thuật (được đánh giá bởi các bác sĩ chuyên khoa). Bệnh nhân cũng không quá lớn tuổi, không có bệnh về tim mạch nặng, không bị sa sút trí tuệ… Trước đây, bệnh nhân Parkinson muốn phẫu thuật phải sang Trung Quốc, Mỹ, Singapore… vì nước ta chưa có đủ thiết bị cần thiết.
Từ tháng 4-2012, bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tiến hành hai ca phẫu thuật Parkinson đầu tiên bằng phương pháp kích thích não sâu (deep brain stimulation): một vi điện cực được cấy vào nhân não gây bệnh Parkinson, một đầu nối với pin phát xung điện cấy dưới da vùng ngực.
Hệ thống này sẽ tạo một xung điện nhỏ và kích thích liên tục để điều chỉnh các triệu chứng run, cứng đờ, chậm chạp trở lại bình thường. Kỹ thuật này giúp cải thiện đến 80% các triệu chứng bệnh, bệnh nhân không phải dùng thuốc hoặc mỗi ngày chỉ dùng bốn viên thay vì từ 10-15 viên như khi chưa phẫu thuật.
Xin bác sĩ hướng dẫn các cách phòng bệnh và nơi điều trị bệnh Parkinson?
Chúng ta phòng ngừa bệnh bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ và các yếu tố thúc đẩy đưa tới quá trình lão hóa gây chết tế bào như: tránh bị chấn thương đầu và stress trong thời gian dài, môi trường sống không ô nhiễm.
Bệnh Parkinson cần được chẩn đoán và điều trị bởi các bác sĩ thần kinh và chuyên về rối loạn vận động như ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Đại học Y Dược.
Một số thông tin cho rằng cà phê và giấc ngủ ngon giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh Parkinson. Bác sĩ đánh giá thế nào về hai yếu tố này?
Đúng là giấc ngủ giúp cải thiện rõ trong các triệu chứng cứng đơ, chậm chạp của bệnh Parkinson, nhất là giấc ngủ về đêm. Tuy nhiên, lý do tại sao giấc ngủ tốt cho các bệnh nhân Parkinson vẫn chưa được các nhà khoa học tìm ra và cũng không phải tất cả các bệnh nhân đều được cải thiện chức năng này nhờ giấc ngủ.
Các nhà nghiên cứu tại Canada cũng phát hiện thấy bệnh nhân uống khoảng ba tách cà phê mỗi ngày thì các triệu chứng như cứng đờ, chậm chạp giảm hẳn. Đây chỉ là kết quả của một nghiên cứu, chưa phải là chứng cứ y học. Tuy nhiên, kết quả này có nhiều triển vọng trong việc điều trị bệnh Parkinson.
Cảm ơn bác sĩ về các thông tin hữu ích trên.