Nằm trong chuỗi sự kiện APEC 2017 tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản đã tham dự seminar về vận dụng Monodzukuri để phát triển bền vững tại Đại học Đà Nẵng do Đại học Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Hợp tác kỹ thuật hải ngoại và Đối tác bền vững (AOTS) cùng Viện Phát triển quản trị và Công nghệ mới (IMT) tổ chức.
Monodzukuri một khái niệm về việc cung cấp ý tưởng về quá trình xây dựng tinh thần sản xuất, hệ thống cùng các quy trình tiêu chuẩn để tạo ra một sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng từ niềm tự hào và sự trân trọng. Monodzukuri thể hiện tổng hợp sức mạnh công nghệ, bí quyết và tinh thần của ngành công nghiệp Nhật Bản – yếu tố quan trọng đã tạo nên nước Nhật ngày nay.
Tại diễn đàn này, theo sáng kiến và trước sự chứng kiến của Bộ trưởng METI Hiroshige Seko, vị Chủ tịch AOTS Shinya Kuwayama đã trao chứng nhận “Đại sứ phát triển nhân lực Monodzukuri” cho ông Phạm Ngọc Tuấn – Chủ tịch IMT, đồng thời là Chủ tịch Ban liên lạc cựu tu nghiệp sinh AOTS – để vinh danh những nỗ lực của cá nhân ông cũng như cộng đồng cựu tu nghiệp sinh đã từng du học theo chương trình hỗ trợ học bổng quản lý tại Nhật Bản trong việc đóng góp vào quá trình xây dựng nguồn nhân lực và bang giao giữa hai nước.
Từ năm 1959 đến nay, AOTS đã cung cấp hơn 186.000 học bổng tu nghiệp tại Nhật, huấn luyện cho hơn 199.000 lượt người và cử hơn 8.660 chuyên gia đến hỗ trợ các doanh nghiệp các nước. Là đơn vị phối hợp tổ chức các hoạt động phối hợp tại Việt Nam, IMT đã hỗ trợ các tu nghiệp sinh tìm hiểu văn hóa và kỹ nghệ của Nhật Bản trước khi lên đường và nỗ lực đưa phương thức sản xuất Nhật Bản đến với các công ty Việt Nam. Mạng lưới cộng đồng cựu tu nghiệp sinh AOTS hiện nay có hơn 500 thành viên tích cực, nắm giữ các vị trí quản lý quan trọng tại các công ty lớn.
Tại hội nghị, giáo sư Trần Văn Nam – Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã tóm tắt chín bài học được đúc kết từ người Nhật, điển hình là tính khiêm nhường, lòng biết ơn, tính cẩn trọng và quyết tâm làm đến cùng. Anh Hà Đức Hùng – Giám đốc Công ty Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho biết rằng nhờ học hỏi, liên tục áp dụng và duy trì các phương cách quản lý sản xuất và tinh thần làm việc Nhật Bản mà anh đã từ vị trí một người thợ vươn đến vị trí quản lý cao nhất và dẫn dắt công ty đến vị trí hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Trong khi đó, anh Lê Mai Hữu Lâm – Giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi cho rằng bài học quý giá còn hơn cả công cụ kỹ thuật là tinh thần tích cực “mở đầu ngày làm việc bằng một nụ cười” mà anh đã tiếp thu và truyền đạt lại cho đội ngũ nhân viên của mình.
Ông Phạm Ngọc Tuấn – người đã tham dự các khóa đào tạo của AOTS năm 1997 và 1998 về TQM và quản lý sản xuất – cho rằng các chương trình tu nghiệp rất có ý nghĩa đối với bản thân ông trong công tác quản trị, đặc biệt là quản trị sản xuất theo phong cách Nhật Bản. Các học viên tham dự chương trình AOTS đã tiếp nhận được nhiều kiến thức có giá trị và những bài học thực tiễn từ chương trình, cũng như có cơ hội trau dồi kinh nghiệm, làm việc nhóm với các đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia. Từ đó, một mạng lưới đối tác đáng tin cậy với các công ty Nhật Bản và các nước khác đã được hình thành, giúp những người tham gia tiếp cận được nhiều hơn các cơ hội từ chương trình hỗ trợ kết nối giao thương toàn cầu (Japan Global Interface).
Ông còn cho biết thêm: “Giữ vị trí chủ tịch của IMT, tôi cùng các đồng nghiệp đã thực hiện nhiều hoạt động phát triển nguồn nhân lực và tối ưu hóa vận hành cho nhiều doanh nghiệp. Nhật Bản đang tăng đầu tư tại Việt Nam và vấn đề mà phía doanh nhân Nhật quan tâm nhất chính là chất lượng nguồn nhân lực. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển Monodzukuri tại Việt Nam, kết nối các doanh nghiệp và cộng đồng cựu tu nghiệp sinh AOTS Việt Nam cùng các nước trong khu vực để hoàn thành sứ mạng của mình. Các doanh nghiệp có nhu cầu cử nhân viên tham gia các chương trình tu nghiệp có học bổng hoặc cần tư vấn nâng cao năng lực vận hành có thể liên lạc với IMT. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn”.
- Thảo Nguyên