“Sản phẩm nghệ thuật là tấm gương mà mỗi người nhìn thấy thứ giống mình trong đó” (Constantin Brancusi). Bạn có đồng ý với nhận định trên?
Bó hoa tulíp, Jeff Koons (2019)
Jeff Koons là nghệ sĩ Mỹ nổi tiếng với những tác phẩm mang phong cách văn hóa đại chúng. Nhiều tác phẩm gây điều tiếng xem ra càng củng cố danh tiếng toàn cầu của nghệ sĩ này. Chẳng hạn công trình điêu khắc Bouquet of tulips dành tặng Anna Hildalgo, nữ thị trưởng thành phố Paris sau vụ tấn công khủng bố ngày 13-11-2015 tại Pháp. Tác phẩm được giới thiệu vào năm 2016, được lắp đặt 3 năm sau đó. Một cánh tay giơ cao, nắm chắc một chùm bong bóng nhiều màu. Tuy vậy, chiều cao 13m và trọng lượng 34 tấn của Bó hoa tulíp đâ gây những ý kiến khác nhau. Chẳng hạn 25 nhân vật uy tín thuộc lĩnh vực văn hóa, trong đó có Frédéric Mitterrand, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp, đã ký một thư ngỏ, đăng trên tờ Libération để phản đối việc thiết đặt tác phẩm ấy tại thủ đô nước Pháp.
Tác phẩm trên còn gây tranh cãi vì nhiều điểm. Thứ nhất, chi phí quá cao. Giá xây dựng lên đến 3,5 triệu euro, được Nhà nước trợ cấp 66%. Về giá trị thẩm mỹ, được nhận xét là mang tính “cơ hội”, không thấy rõ ý nghĩa tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công. Về điều này, Jeff Koons giải thích: “Tôi muốn thực hiện một cử chỉ ủng hộ tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Mỹ và Pháp”. Cuối cùng là vị trí. Ban đầu, Bó hoa tulíp được dự định dựng lên ở địa điểm giữa Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại và Bảo tàng Palais deTokyo, nhưng rốt cuộc được chuyển đến vườn Champs-Elysées. Thêm đó, thường tác phẩm được đặt ở không gian công cộng phải trải qua một cuộc bỏ phiếu sau khi kêu gọi dự án nhưng Bó hoa tulip là ngoại lệ. Jeff Koons, nghệ sĩ còn sống, thu lợi cao hàng đầu thế giới (tác phẩm Rabbit – 1986 được bán với giá hơn 91 triệu USD, giá đắt nhất đối với một nghệ sĩ còn sống). Ông vẫn được xem là một doanh nhân hơn là nghệ sĩ.
Domestikator, Atelier Van Lieshout (2016)
Domestikator, cấu trúc kim loại khổng lồ, màu đỏ, có thể ở như một căn hộ, bị từ chối trưng bày tại triển lãm “Bên ngoài bức tường” diễn ra tại vườn Tuileries, năm 2017, do Viện Bảo tàng Louvre tổ chức. Domestikator, tác phẩm của Atelier Van Lieshout, do nghệ sĩ Hà Lan Joep van Lieshout sáng lập. Lý do: ban tổ chức không muốn công chúng bất bình khi xem một tac phẩm mô tả hoạt cảnh tình dục. Cấu trúc của Domestikator, theo dạng ráp Lego, trông như một cặp đang quan hệ theo tư thế từ phía sau. Rốt cuộc, công trình đồ sộ này được Trung tâm Pompidou “cứu vớt”, được dựng trước trung tâm vào năm 2017.
Tuy vậy, tại Đức, tác phẩm điêu khắc này được đón nhận nồng nhiệt, có lẽ sự gần gũi về địa lý của 2 quốc gia châu Âu đã khiến người Đức hiểu rõ hơn thông điệp mà Domestikator muốn truyền đạt, đó biểu tượng của mối quan hệ giữa con người và công nghệ.
Người đàn ông trong trang phục polyester – Robert Mapplethorpe (1980)
Một người đàn ông (không thấy mặt) trong trang phục thanh lịch, thế nhưng lại hớ hênh để lộ cơ quan sinh dục. Tác giả của bức ảnh đen trắng khiêu khích ấy là nhiếp ảnh gia Mỹ nổi danh Robert Mapplethorpe. Người mẫu trong ảnh Man in Polyester Suit này không ai khác hơn là Milton Moore, người tình (gay) thời ấy của tác giả ảnh.
Ảnh táo bạo ấy được bán với giá 500.000 USD tại Nhà bán đấu giá Sotherby’s vào năm 2014. Cùng thời điểm trên, nhiếp ảnh gia phải chống chọi với căn bệnh AIDS. Các nghị sĩ và dân biểu bảo thủ lên án bức ảnh, thí dụ điển hình cho thứ “nghệ thuật biến thái”, không được phép trưng bày tại những địa điểm được Nhà nước tài trợ, ở đây là triển lãm The Perfect Moment ở Philadelphia. Một cuộc săn lùng phù thủy thật sự nhằm chống lại các viện bảo tàng dám triển lãm ảnh của Robert Marpplethorpe. Thậm chí một giám dốc bảo tàng bị kiện ra tòa vì hành vi tục tĩu. Khi Bảo tàng Le Grand Palais ở Paris tổ chức một cuộc triển lãm kỷ niệm vào năm 2014, trẻ vị thành niên không được phép xem bộ sưu tập ảnh khổ dâm của nghệ sĩ này.
Hatstand, Table and Chair, Allen Jones (1969)
Allen Jones là nghệ sĩ người Anh gây những ý kiến trái chiều. Tác phẩm gây tranh cãi nhiều hơn cả của họa sĩ kiêm điêu khắc gia này là Giá treo mũ, bàn và ghế (1969). Bộ ba nhận vật nữ làm bằng sợi thủy tinh đem lại danh tiếng cho tác giả và khiến tác giả trở thành kẻ thù của các nhà hoạt động nữ quyền, do mô tả phụ nữ như đồ vật trong nhà, ở tư thế phục tùng. Những đồ nội thất dạng phụ nữ khêu gợi, mang tính ẩn dụ cho một xã hội tiêu thụ thời bấy giờ.
Tree, Paul McCarthy (2014)
Một tác phẩm được bơm phồng màu xanh lục, cao 24m, mang tên Tree, được dựng lên tại Quảng trường Vendôme, trong khuôn khổ Chợ phiên quốc tế Nghệ thuật đương đại diễn ra ở Paris vào năm 2014. Tác phẩm điêu khắc trừu tượng này trông như cây thông Noel dưới mắt người này, nhưng lại trở thành một đồ chơi tình dục đối với nhiều người khác, gây sự phẫn nộ trong công chúng. Tác giả Paul McCarthy, nghệ sĩ tạo hình người Mỹ, bị một người đánh vào mặt, còn cái cây bị đâm xẹp.
Dirty Corner, Anish Kapur (2015)
Dirty Corner, dài 60m, cao 9m, là tác phẩm điêu khắc hoành tráng gồm một đường hầm bằng thép rỉ sét, kết thúc bằng dạng tù và được trang trí bằng những khối đá khổng lồ, một số được sơn đỏ. Tác phẩm được lắp đặt tại trục chính trong vườn của Cung điện Versailles vào năm 2015, dường như khơi gợi lòng thù hận và bạo lực. Cái tên Góc bẩn càng làm tăng tính gây hấn. Cái tù và này đã bị phá hoại 4 lần trong vòng 4 tháng: các từ mang ý nghĩa đả phá hay lăng mạ được viết bằng sơn trắng trên phần kim loại và trên các khối đá. Tác giả, nghệ sĩ Ấn Độ Anish Kapur, không muốn xóa các dòng chữ này vì cho rằng hành vi phá hoại ấây cũng là phần trong tác phẩm của ông. Rốt cuộc, các từ xấu xí ấy được giấu dưới những chiếc lá bằng vàng.
Điều thú vị cần nhắc đến: tác phẩm này từng được trưng bày ở Milan (Ý) vào năm 2011, những người hiếu kỳ có thể vào trong đường hầm, mà không gây hư hại gì.
Bài học guitar, Balthus (1934)
Cái tên Janus Balthus nổi lên tại cuộc triển lãm quy mô diễn ra tại Paris vào năm 1930. Họa sĩ Pháp gốc Ba Lan sử dụng hình tượng pha trộn nét cổ điển và sự khêu gợi. Tranh La lecon de guitare gây nhiều điều tiếng, được xem như một khởi đầu tình dục đồng giới của một cô bé trong tư thế lả lơi. Bị Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York từ chối trưng bày sau hơn 4 năm tranh cãi về đạo đức, rốt cuộc tác phẩm tìm được hơn 10 chủ nhân, rồi được triển lãm 2 lần cho công chúng thưởng ngoạn, trong khoảng những năm 1934 và 2001. Tranh của Balthus thường thể hiện những thiếu nữ rất trẻ trong tư thế đầy nhục cảm, họa sĩ giải thích chỉ vì ông bị cuốn hút bởi những khoảng khắc ngắn ngủi khi ta rời xa tuổi thơ, là hiện thân của tương lai, nhưng vẫn chưa đạt sự hoàn mỹ. Và do đó càng thú vị.
White on white, Kazimir Malevitch (1918) và Xanh Monochrome Blue, Yves
Tác phẩm của Malevitch Ô vuông trắng trên nền trắng được giới thiệu ở Nga vào năm 1918, ngay lập tức bị loại ra vì bị cho là tham gia “cái chết của nghệ thuật”. Cha đẻ của nghệ thuật trừu tượng này gắn bó với phong cách làm biến mất mọi hình dạng nghệ thuật (theo nghĩa đen và ẩn dụ) để khám phá “hư không”, một không gian vô tận và thuần khiết: chủ nghĩa tối cao. Họa sĩ bị Chính quyền Xô Viết giam giữ. Dưới mắt của giới hữu trách, tác phẩm của Malevitch chẳng có lợi ích gì và quá chủ quan.
Tại châu Âu, người thừa kế của Malevitch không ai khác hơn họa sĩ người Pháp Yves Klein, nổi đình đám với tác phẩm Klein Blue, sử dụng đơn sắc như một biểu hiện nghệ thuật trong thập niên 1950.