Trâu, bò đóng một vai trò rất quan trọng trong nền nông nghiệp của mọi đất nước, khi vừa là sức kéo (vật thồ), thực phẩm (thịt, sữa), nguyên liệu da giày, vừa là sinh vật cảnh, đối tượng thờ cúng – biểu trưng trong nhiều sinh hoạt văn hóa.
Dường như không một vùng nông thôn nào không dùng đến chúng, và nhất là ngày xưa vào thời Ai Cập cổ đại, chúng thật là quý giá bởi vì lúc ấy, dân gian hoàn toàn phụ thuộc vào bò, từ việc trồng trọt đến làm thức ăn, phương tiện vận chuyển và chỉ một con bò thôi (thuở trước chưa có trâu) cũng là một tài sản vô giá, chưa nói đến một đàn bò thì là nguồn lực quốc gia, thứ tạo nên địa vị phú quý. Vì thế, với người Ai Cập xưa, bò được coi là một hóa thân của thần thánh và giữ một vị trí tối cao trong đời sống lẫn tâm linh.
Về cơ bản, Ai Cập cổ đại có 3 vị thần bò hay 3 loại bò thần chi phối dân gian là nữ thần Hathor, nữ thần Hesat và nam thần Apis. Trong thần thoại Ai Cập, Hathor chính là mẹ của thần Mặt trời Ra và thần Bầu trời Horus. Mỗi sáng, bà lại sinh ra mặt trời, kế tiếp là bầu trời và ban đêm là hằng hà những vì sao sáng, lập nên một dòng sông Ngân trên cao. Sở dĩ như vậy vì người xưa nhìn nhận con bò là một con vật rất to lớn, nhất là bò cái thì mập mạp; đứng ở dưới chân nó, ngước nhìn lên có cảm tưởng như mặt trời buổi sớm đang mọc, rồi tiếp tục bầu trời mênh mông…
- Xem thêm: Gọi tên bốn mùa
Trong văn hóa Ai Cập, Ra là vua của các vị thần nên Hathor trở thành “Đấng sáng tạo” của cả thế giới này. Thế giới ấy trong mắt người xưa chính là dòng sông Nile của Ai Cập. Tóm lại, Hathor là dòng sông Nile màu mỡ, ngày nào cũng bồi đắp và cho dân gian sữa tươi (nước ngọt) để uống. Do đó, vua chúa luôn ngồi trên ngai vàng có hình ảnh của một cặp bò, thể hiện Thượng Ai Cập và Hạ Ai Cập được chia tách bởi dòng sông Nile, và đôi bò Hathor ấy có vai trò như hai hộ thần phò tá vua cai trị vương quốc.
Không chỉ quản lý vương quốc của người sống, Hathor cũng quản luôn âm ty – địa phủ liên quan tới người chết; và vua chúa cũng thường vẽ, khắc hình Hathor lên các cỗ quan tài để nữ thần chỉ lối, băng qua đêm đen tới miền cực lạc là một đồng sậy bao la, tràn ngập ánh sáng, chim chóc. Dù ở dương thế hay nơi âm phủ, con người cũng được no nê nhờ Hathor, nhất là Hesat – một biểu hiện khác của Hathor cho rất nhiều sữa tươi, hoa quả, thịt.
Trong tranh tượng, Hathor thường hiện lên dưới dạng một con bò có làn da vàng rực, chấm đầy những đốm lông – hoa văn màu xanh da trời như những ngôi sao, và trên đầu giữa hai cặp sừng đen nhọn hoắt là một đĩa tròn chỉ mặt trời đỏ rực, cùng hai lông chim ngụ ý những cánh chim trên đồng ruộng hay bầu trời. Hathor luôn bảo vệ đế chế, ngai vàng của pharaoh nên khi có gì ảnh hưởng tới hoàng gia, nữ thần rất dữ tợn.
Một lần, người dân muốn chống lại mặt trời, thế là các vị thần cử Hathor đi trừng phạt những kẻ nổi loạn, và bà đã quần nát cả một vùng rộng lớn, làm lũ dâng lên tràn khắp tứ phương. Sợ hãi, dân gian đã hiến tế cho bà những vại bia vàng tươi đổ xuống sông để bà giải khát, đỡ nóng nảy mà tĩnh tâm lại. Từ đó, có tục cúng bia – heket tại các đền thờ. Kinh Cựu Ước cũng đã từng nhắc tới sự hủy diệt này của Hathor như một điềm báo.
Pharaoh nằm mộng thấy 7 con bò, một nửa gầy guộc. một nửa béo tròn đi dọc bờ sông, đột nhiên các con gầy nuốt chửng các con béo. Sau đó, vua lại mơ thấy 7 bông lúa về sau cũng nhai ngấu nghiến nhau; lý giải thì đó là sự dự báo Ai Cập sẽ bị mất mùa, khô hạn 7 năm, do vậy người dân càng tôn sùng, chăm sóc bò hơn.
Hesat, cũng là Hathor, song dưới dạng một con bò trắng để thể hiện sự tinh khôi, thuần khiết, cao quý không gì bằng, nhằm ám chỉ ngôi tối thượng. Đây cũng là nữ thần nuôi sống nhân loại, nhất là các pharaoh cùng nhiều vị thần khác bằng sữa, với các bích họa, tranh tượng đều miêu tả có người đang bú sữa bò hay “bia của Hesat”. Bà là mẹ của Anubis, vị vua cai quản cõi âm, người tiến hành các thủ thuật ướp xác để lưu giữ linh hồn.
Do gắn với đất, lại xinh đẹp, Hesat luôn được xem là nữ thần tình yêu – sinh sản, tương tự như thần Vệ nữ của Hy Lạp. Nhẹ nhàng, duyên dáng, đi lại uyển chuyển đầy tiếng nhạc, Hesat luôn mang trên đầu một khay thực phẩm đầy ắp, còn ở dưới bụng là những dòng sữa chảy lênh láng; vì thế, dân gian Ai Cập tôn bà là người bảo hộ việc ăn uống.
Nữ thần sinh được khá nhiều con, trong đó có Apis là vị thần bò dũng mãnh, cũng là cầu nối, sứ giả giữa con người và thần linh trong tín ngưỡng cổ xưa. Vị thần này luôn được tế sống, nhấn chìm xuống sông, sau đó lại tái sinh vì nhân loại. Do công trạng đó, Apis luôn được rước và an táng như vua.
Vì là con trai của Hathor, Apis cũng có hình một chú bò lực lưỡng với làn da đen xám, đầu đội mặt trời cùng một con rắn uraeus biểu thị vương quyền, và trên trán có một cái dấu hình tam giác – kim cương trắng muốt, dưới lưỡi có dấu hình con bọ hung, dọc lưng có hình cánh chim kền kền Ai Cập và bên hông phải là một mặt trăng lưỡi liềm… Thân mẫu Apis được tin là đã thụ thai ra ông nhờ một tia chớp hoặc ánh trăng đến từ thiên đàng nên thần có hình thể cực kỳ đỏm dáng.
Vào cuối thời Ai Cập cổ đại, Apis còn được đặc tả như một nam thần đầu bò cầm vương trượng hình ankh – chìa khóa sự sống. Tục thờ Apis đã xuất hiện vào đầu triều đại thứ nhất của Ai Cập cách đây từ 4.829 tới 5.150 năm, với tư cách một thần sông và sinh sản, sau đó được thờ như một sứ giả của thần Ptah, rồi hóa thân của Ptah khi sống và Osiris khi mất.
Với ý nghĩa về sự tái sinh, không bao giờ dứt, thần luôn mang lại những mùa vụ bội thu và khí hậu mát lành quanh năm và cũng mang tới địa vị, đặc biệt là vương vị vua chúa, và khi mất đưa người ấy thành thần nên được kính trọng vô cùng. Vùng Memphis và nhiều nơi lân cận hàng năm đều có lễ cúng tế Apis như là thần nông.
- Xem thêm: Uy nghi dung mạo Thần Zeus
Có khá nhiều vị thần hình bò ở Ai Cập như Mnevis, Sema-wer hay Ageb-wer… song Apis là lớn nhất vì thần thể hiện tất cả những giá trị văn hóa cốt lõi và vốn hiểu biết của toàn dân. Trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống bấy giờ, Apis đều có mặt, giúp người dân tường tận, cặn kẽ. Ai nấy đều yêu thích Apis vì sự khỏe khoắn, vui vẻ, nhất là một trái tim dũng mãnh và một linh hồn can đảm của một chiến binh.
Apis cũng sống khá lâu, ngang bằng tuổi thọ người dân lúc ấy: đó là hơn 25 tuổi, vì vậy thường được thờ cúng và những con bò đực thì được nuôi dưỡng để cầu mong sống lâu, quốc thái dân anh. Mỗi năm, các tu sĩ sẽ đi khắp cả nước chọn trong các đàn gia súc một con bê có những đặc điểm thần thánh, đưa về đền, tôn làm thần, chăm sóc hết sức chu đáo, ngược lại cùng dùng từng hơi thở, tiếng kêu, động tác của nó để làm các lời sấm.
Mỗi hơi thở của Apis được xem có thể chữa trị bách bệnh, còn sự tiếp xúc gần với nó cũng sẽ đem tới muôn điều tốt. Vào các ngày lễ, đăng quang của pharaoh, con vật sẽ được trang trí đẹp mắt bằng nhiều hoa cỏ, tua rum, cờ phướn, nhạc cụ sau đó dẫn tới một khán phòng có nhiều ô cửa để mọi người tiếp kiến, tặng quà và hỏi xin. Con vật đi tới cửa nào sẽ trả lời những thắc mắc ở đấy. Các tu sĩ sẽ thuật lại những lời giải đáp của nó qua từng tiếng kêu hay cú gật, lắc đầu…
Trong khi tu sĩ đang tìm lời giải ở Apis, cũng có khi là tượng bò thần thì dân chúng bên dưới cùng quỳ lạy, dâng lên nhiều đồ lễ. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp được bò thần, mà phải trong các sự kiện trọng đại, mà một trong đó là lễ hội Heb-Sed được tổ chức 30 năm một lần nhân sự trị vì của một vị vua, và bò thần sẽ được mang tới để nhờ sự tráng niên, trường thọ của nó đem tới tuổi xuân cho nhà vua và sự thịnh vượng của đất nước.
Sau 25 tuổi, nếu con vật vẫn sống sót không bệnh tật, nó sẽ được hiến tế cho các vị thần và ướp xác đặt trong một lăng mộ riêng trang nhã. Khi đó, cả Ai Cập sẽ để tang 60 ngày, toàn dân cạo trọc đầu và kiêng ăn thịt. Ngay cả khi chết đi, nó vẫn được tin là linh thú, hòa cùng Osiris cai quản vòng sinh, tử. Đó là lý do tại sao Apis thường được vẽ trên hai đầu quách như một người hộ vệ đưa người quá cố sang thế giới bên kia.
- Xem thêm: Những bí ẩn của tượng Nhân sư Ai Cập
Khi sống là hiện thân của Ptah – vị thần sáng tạo, khi mất nó trở thành thần Osiris rồi Osirapis. Osiris là vị vua đầu tiên của Ai Cập, cũng là quân vương đầu tiên song hồi sinh giữa muôn thú; vì vậy, có lễ hiến sinh của quân vương để cầu mong sống lâu. Như vậy, trong quan niệm dân gian Ai Cập, cả pharaoh và Apis khi tại thế cùng cai quản sông Nile và khi mất sẽ thành vua ở thế giới bên kia, điều đó cho thấy bò thần Ai Cập thật sung sướng vì là vua của hai thế giới.