Sáng sớm ngày 30-3-2020, bức tranh “Khu vườn linh mục ở Newton vào mùa xuân” của nhà danh họa Van Gogh sáng tác năm 1884 đã bị đánh cắp tại Bảo tàng Singh ở thị trấn Laren của Hà Lan. Vụ mất trộm xảy ra đột ngột và thời điểm vụ trộm xảy ra lại đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 167 của nhà danh họa đã gây nên sự chú ý rộng rãi trong giới truyền thông.
Kẻ trộm phá cửa đột nhập vào bảo tàng
Là một trong những họa sĩ vẽ tranh sơn dầu nổi tiếng nhất thế giới nên các tác phẩm của danh họa Van Gogh có giá trị hàng triệu đôla. Người ta ước tính là bức tranh “Khu vườn linh mục ở Newton vào mùa xuân” vừa bị mất cắp có giá trị không dưới 6 triệu euro, vì gần đây một bức tranh khác của nhà danh họa đã bán được 11,2 triệu euro trong một phiên đấu giá tại Hà Lan.
Đối mặt với vụ trộm bất ngờ, Bảo tàng Singh đã phải đóng cửa hơn nửa tháng. Người quản lý bảo tàng đã tổ chức một cuộc họp báo khẩn cấp để bày tỏ sự bực tức của mình, ông ta nói: “Tên trộm đã phá vỡ cửa kính bảo tàng đi thẳng đến chỗ treo bức danh họa của Van Gogh và lấy nó đi”.
Khi tên trộm đột nhập vào bảo tàng hệ thống chống trộm đã phát cảnh báo nhưng lúc đó là 3g15 sáng, nên xung quanh đấy không có ai cả và khi cảnh sát đến thì tên trộm đã xa chạy cao bay rồi.
Trước mắt, cảnh sát địa phương đang khẩn trương điều tra vụ án. Một phát ngôn viên cảnh sát tuyên bố rằng bức tranh đã được thêm vào danh sách “Tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp” của Tổ chức Cảnh sát Quốc tế Interpol.
- Xem thêm: 5 tuyệt tác nghệ thuật bị mất cắp
Mặc dù Bảo tàng Singh không nổi tiếng lắm, nhưng lâu rồi nó cũng đã bị mất trộm: Năm 2007, những tên trộm đã đánh cắp 7 bức tượng đang trưng bày ở trong vườn của bảo tàng giá trị khoảng 1,3 triệu euro, trong những bức tượng bị đánh cắp có một tác phẩm điêu khắc “Người suy nghĩ” của Rodin, tuy các tác phẩm này đã được thu hồi nhưng chúng đều bị hư hại.
Các tác phẩm của danh họa Van Gogh liên tục bị đánh cắp
Do quá nổi tiếng nên các tác phẩm của nhà danh họa Van Gogh luôn là mục tiêu quan trọng của những tên trộm tác phẩm nghệ thuật, người ta tính rằng có tất cả 28 tác phẩm của nhà danh họa đã bị đánh cắp, có những tác phẩm bị đánh cắp nhiều lần.
Đầu năm 1991, bức tranh “Những người ăn khoai tây” của ông đã bị đánh cắp từ Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan. Trong vụ trộm này, ngoài bức tranh “Những người ăn khoai tây”, còn có hơn mười tác phẩm khác cùng bị đánh cắp, tổng giá trị khoảng 500 triệu đôla Mỹ. May mắn thay là những tên trộm chạy trốn đã không thành công vì chiếc xe của bọn chúng bị nổ lốp và các bức tranh đã được thu hồi ngay.
Tuy nhiên, vào năm 2002, bức tranh này và bức tranh “Phong cảnh biển ở Scheveningen” của nhà danh họa lại bị mất trộm một lần nữa. Những tên trộm đã đột nhập từ trên nóc nhà vào phòng trưng bày và trốn thoát thành công, mãi đến năm 2016, qua 14 năm mất tích, những bức tranh này mới được cảnh sát được tìm thấy ở thành phố Naples, Ý, nhưng bức tranh “Phong cảnh biển ở Scheveningen” đã bị hư hại nghiêm trọng và các kỹ thuật viên của bảo tàng phải dùng đến kỹ thuật 3D để sửa chữa bức tranh. Tháng 4.2019, hai bức tranh nổi tiếng này đã được đưa trở lại bảo tàng để trưng bày.
- Xem thêm: Vụ ăn cắp tranh động trời tại Trung Quốc
Năm 2003, ba tác phẩm nổi tiếng “Căn cứ quân sự ở Paris” của danh họa Van Gogh, “Nghèo đói” của danh họa Picasso và “Phong cảnh Tahitian” của danh họa Gauguin đã bị đánh cắp tại Phòng Trưng bày nghệ thuật Whitworth ở Vương quốc Anh. Mấy ngày sau, những tác phẩm này được tìm thấy trong một nhà vệ sinh công cộng gần phòng trưng bày ở Manchester. Những tác phẩm này được cuộn tròn bọc kín và kèm theo một mẩu giấy viết rằng ý định của bọn trộm là không phải ăn cắp mà là chỉ “kiểm tra các biện pháp an ninh đáng buồn của bảo tàng”.
Tháng 2-2008, ba tên cướp đeo mặt nạ có súng đã cướp đi 4 kiệt tác gồm “Những cây mỹ nhân” của Claude Monet, “Bá tước Lepic và các con gái” của Edgar Degas, “Cành dẻ nở hoa” của Van Gogh và “Cậu bé mặc áo gilê đỏ” của Paul Cézanne ở Bảo tàng Bulle Zurich Thụy Sĩ, tổng giá trị những bức tranh này lên tới 113 triệu euro, đây là 4 tác phẩm được cho là giá trị nhất của bảo tàng.
Một thời gian không lâu sau, cảnh sát và Viện Kiểm sát Zurich đã thông báo với các phóng viên rằng họ đã tìm thấy 2 trong số 4 bức tranh nổi tiếng này, nhưng 2 bức còn lại vẫn mất tích.
Năm 1977, bức kiệt tác “Hoa anh túc” của danh họa Van Gogh đã bị đánh cắp lần đầu tiên trong Bảo tàng Khalil ở Ai Cập và chỉ được tìm thấy sau đó 10 năm, đến tháng 8-2010, bức tranh “Hoa anh túc” lại một lần nữa không cánh mà bay, cảnh sát địa phương nói rằng bức tranh này theo giá thị trường phải trên 50 triệu đôla.
Điều đáng nói là trước khi tác phẩm này bị mất không lâu ngày 14-3, phòng trưng bày nhà thờ St. Christ ở Đại học Oxford Anh Quốc cũng bị bọn trộm hỏi thăm. Ba bức tranh bị đánh cắp đều là những tác phẩm bậc thầy nổi tiếng trong lịch sử nghệ thuật phương Tây giá trị gần 12 triệu euro.
Ngày 14-11-2019, hai bức tranh của danh họa Rembrandt đã bị đánh cắp từ Phòng Trưng bày Dalich ở Vương quốc Anh, may mắn thay cảnh sát đã kịp thời phát hiện nên những tên trộm hoảng loạn đã ném những bức tranh vào bụi rậm và những bức tranh được thu hồi ngay.
Vụ trộm ngoạn mục nhất
Ngày 27-1-2019, trong phòng trưng bày của Bảo tàng Quốc gia Tretyakov ở Nga, xảy ra một vụ trộm rất kịch tính: Một người đàn ông trong trang phục lịch sự giống như một nhân viên bảo tàng đi thẳng đến chỗ treo bức tranh “Ai Petri Crimea” của họa sĩ Arkhip Kuindzhi (Nga), nổi tiếng thế kỷ 19 và điềm nhiên gỡ bức tranh ra khỏi tường. Một số khán giả đang đứng xem tưởng là nhân viên bảo tàng thay đổi cách bài trí và chỉ đến khi người đàn ông đi khỏi mới có một vị khách ngạc nhiên hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra thế? Anh ta không ăn cắp tranh đấy chứ?”.
Bức tranh này được mang từ bảo tàng ở St. Petersburg về Moscow để tham gia trưng bày triển lãm các tác phẩm của Kuindzhi. Theo đánh giá của một số chuyên gia nghệ thuật, giá trị bức tranh bị đánh cắp có thể lên tới một triệu đôla.
Sự việc này được Bộ Văn hóa Nga xác nhận và ngay ngày hôm sau, bức tranh và tên trộm “không đi theo cách bình thường” đã được tìm thấy.
Từ bảo tàng ở Nga đến các bảo tàng trong các thị trấn của Hà Lan có những bộ sưu tập nghệ thuật châu Âu vô cùng phong phú và những tên trộm thường để mắt đến những bảo tàng nhỏ của tư nhân này, vì hệ thống an ninh tương đối yếu kém. So với các bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia châu Âu thì những bảo tàng nhỏ này thường được quản lý bởi các nhà sưu tập cá nhân hoặc các tổ chức tư nhân. Do tình hình tài chính không dồi dào và chi phí bảo mật cũng rất hạn chế nên họ phải chịu trách nhiệm về lợi nhuận và tổn thất của chính họ. Một điều nữa là trong thời điểm này, ảnh hưởng của nạn dịch Covid-19, các phong trưng bày không có khán giả cũng đã tạo cơ hội tốt cho những tên trộm.