Chính phủ Campuchia đã chính thức đề nghị chính phủ Mỹ giúp đỡ trong việc thu hồi một tác phẩm nghệ thuật vô giá có từ ngàn năm trước, từng được rao bán tại nhà đấu giá Sotheby’s ở New York mà theo một số chuyên gia, tác phẩm ấy đã bị cướp đi vào thời Khmer đỏ cầm quyền tại Campuchia.
Đó là một bức tượng bằng sa thạch trong tư thế ngồi, được in trên vựng tập của Sotheby’s với lời rao: “Nếu phải chọn chỉ một tác phẩm điêu khắc thể hiện được sự vinh quang của nghệ thuật Khmer thì bức tượng này có thể đáp ứng đầy đủ thách thức đó”. Tượng được định giá khởi điểm ước chừng 2-3 triệu USD nhưng vào giờ chót đã được rút ra khỏi cuộc đấu giá hồi tháng 3-2011, sau khi chính phủ ở Phnom Penh tố cáo tác phẩm điêu khắc đó đã bị đưa khỏi đất nước Campuchia “bất hợp pháp”.
Thị trường và đạo đức
Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ đã mở một cuộc điều tra chung quanh cáo buộc nói trên, còn các viên chức của Chính phủ Campuchia nói rằng họ đã từng liên hệ với nhà Sotheby’s để tìm hiểu về bức tượng khi họ giả danh là những nhà sưu tập tư nhân. Khi đó, nhà Sotheby’s cho hay người muốn bán bức tượng là “một quý bà ở châu Âu” đã sở hữu bức tượng vào năm 1975. Tượng đã bị mất chân và bệ ngồi, những phần này bị bỏ lại ở một khu vực khảo cổ xa xôi tại Campuchia, trong khi những người có trách nhiệm của nhà Sotheby’s lại cho rằng chẳng có bằng chứng nào để khẳng định tượng đã bị lấy đi bất hợp pháp từ Campuchia.
Bà Jane A. Levine, phó chủ tịch và là giám đốc toàn cầu của Sotheby’s cho rằng nhà đấu giá này “biết rõ có những quan điểm hết sức khác biệt liên quan đến cách giải quyết những xung đột có dính líu tới các đồ vật thuộc về văn hóa truyền thống. Cách tiếp cận của Sotheby’s với tác phẩm điêu khắc Khmer này là một hoạt động thị trường có trách nhiệm và đạo đức, đồng thời là sự hợp tác quốc tế giữa các thực thể công và tư”.
Ngược lại, ông Matthew F. Bogdanos, đại tá dự bị thủy quân lục chiến Mỹ và cũng là một luật sư đã lên tiếng quanh vụ bức tượng: “Chúng ta sống trong một thế giới khác và những gì được chấp nhận 50 năm trước đã không còn giá trị như vậy nữa”. Từng được tặng thưởng huân chương vì phụ trách cuộc truy tìm các báu vật bị đánh cắp khỏi Bảo tàng Baghdad (Iraq) năm 2003, ông Bogdanos khẳng định bức tượng đó là đồ ăn cắp không hơn không kém. Tương tự, ông Herbert V. Larson Jr., một luật sư ở New Orleans đồng thời là một chuyên gia cổ vật, người giảng dạy về những vấn đề liên quan đến các cổ vật bị đánh cắp cũng cho rằng đó là một “vụ cướp bóc” và theo ông thì “các biển báo nguy hiểm trên hành tinh này nên dỡ bỏ hết một khi bức tượng ấy được phép bán”.
Tượng bị lấy cắp khi nào?
Theo các nhà khảo cổ và các quan chức Campuchia, trường hợp mất bức tượng không chân này còn là nỗi đau của một xứ sở từng trải qua thảm họa diệt chủng trong thời hiện đại, bởi các nhà nghiên cứu đã tìm thấy phần chân và bệ tượng ở Koh Ker, một di tích nằm cách đền Angkor Wat khoảng 100km về phía tây bắc. Từng là một đô thị lớn của vương quốc Khmer, Koh Ker còn cạnh tranh với kinh đô Angkor và theo các nhà khảo cổ, vào thời cực thịnh của đô thị cổ này thì Koh Ker có diện tích gấp ba lần thành phốNew Yorkhiện nay. Cũng theo họ, bức tượng bị lấy đi khỏi Koh Ker có chiều cao trên 1,5m và nặng khoảng 125kg, là một trong một cặp tượng có gương mặt thể hiện sự giận dữ của một chiến binh lực lưỡng, đầu đội chiếc mũ cấu tạo phức tạp, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tượng từng được đặt trong một đền tháp ở Koh Ker và có niên đại vào giữa những năm 900, sớm hơn những bức tượng ở Angkor Wat chừng 200 năm.
Các nhà khảo cổ học tin rằng bức tượng mà Sotheby’s rao bán đã được bứng khỏi Koh Ker vào giữa thập niên 1970 trong cơn hỗn mang thảm sát và diệt chủng khi Pôn Pốt lên cầm quyền ở Campuchia. Chính lúc đó bọn trộm cắp đã xâm nhập các đền đài từ lâu bị bỏ hoang, lấy đi các cổ vật vô giá và đưa sang bán cho các nhà sưu tập ở Thái Lan cũng như các nước phương Tây. Nhà khảo cổ học người Pháp Eric Bourdonneau khi khảo sát phần còn lại của hai bức tượng đã kết luận rằng cả hai đã bị lấy cắp vào những năm đầu thập niên 1970. Ông còn cho biết các tài liệu lưu giữ ở Paris khẳng định các bức tượng đó vẫn còn ở vị trí của chúng vào năm 1939, lúc đó đền Koh Ker bị rừng già bao phủ, không thể tìm được đường vào cho tới khi khu vực này trở thành nơi giao tranh giữa quân Khmer đỏ và các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam.
Thế nhưng khi được hỏi bức tượng bị đưa ra khỏi đất nước Campuchia lúc nào, bà phó giám đốc Levine của Sotheby’s lại trả lời ỡm ờ rằng nó có thể bị đưa đi bất kỳ lúc nào trong lịch sử hàng ngàn năm tồn tại, và cho rằng từ ăn cắp thường được “dùng rất lỏng lẻo”! Sotheby’s đã thuê học giả Emma C. Bunker, người từng viết sách về nghệ thuật Khmer để viết giới thiệu bức tượng bị đánh cắp trong vựng tập; tuy nhiên ngày 24-3-2011 vụ đấu giá bức tượng bị hủy bỏ khi ông Tan Theany, một viên chức Campuchia làm việc cho Liên Hiệp Quốc phát hiện và viết thư yêu cầu Sotheby’s “tạo điều kiện để tượng được trở về” với đất nước khai sinh ra nó.
Một giải pháp dung hòa?
Chính phủ Campuchia cũng đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Mỹ để nhờ thúc đẩy quá trình điều tra được Bộ An ninh nội địa Mỹ tiến hành. Nhưng xem chừng vụ việc có thể chẳng đi tới đâu vì nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố luật pháp hai nước Mỹ và Campuchia không có những điểm chung liên quan đến vụ việc. Đáng lưu ý là bà phó chủ tịch của Sotheby’s từng là một ủy viên công tố liên bang ở Mỹ và mới năm ngoái đã được Tổng thống Obama chỉ định vào Ủy ban tư vấn về tài sản văn hóa của Chính phủ Mỹ! Về việc Sotheby’s hủy đấu giá bức tượng, bà Levine cho rằng đó là cách để “tiến tới một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả Chính phủ Campuchia lẫn chủ nhân của bức tượng”.
Giải pháp đó là sự xuất hiện của ông Istvan Zelnik, một nhà sưu tập cổ vật giàu có người Hungary, từng là viên chức ngoại giao trong vùng Đông Nam Á và từng viếng thăm Koh Ker. Bộ sưu tập cổ vật phong phú của ông hiện được trưng bày trong Bảo tàng các hiện vật bằng vàng ở Đông Nam Á tại Budapest.
Ông Zelnik đề nghị sẽ mua bức tượng với giá 1 triệu USD và sẽ tặng lại bức tượng choPhnom Penhnhư một cử chỉ thiện chí.
Câu chuyện về những cổ vật văn hóa – lịch sử bị lấy cắp, tước đoạt và đưa ra khỏi các nước nghèo, nước đang phát triển, nước chịu tai họa chiến tranh… để làm giàu cho các bộ sưu tập tư nhân hay nhiều bảo tàng ở các nước giàu, nước phát triển cho tới nay vẫn còn gây nhức nhối và chưa có lời đáp ổn thỏa. Cũng không phải lúc nào cũng có giải pháp dung hòa! Nhiều cổ vật vô giá của ViệtNamcũng chịu cảnh tương tự khi bị đưa ra khỏi đất nước từ thời Bắc thuộc và trong hai cuộc chiến tranh đã qua.
- Lê Bản