Một tác phẩm của danh họa Picasso bị mất cắp ở miền Nam nước Pháp cách đây 20 năm đã tái xuất hiện ở Hà Lan nhờ các nghiên cứu của một chuyên gia nghệ thuật Hà Lan.
Điều này xảy ra khá thường xuyên đủ để người hâm mộ hy vọng rằng một ngày đẹp trời nào đó, các tác phẩm bị đánh cắp sẽ xuất hiện trở lại nguyên vẹn giống như năm tuyệt tác sau đây mà cho đến nay vẫn biệt vô âm tín.
Bức Chân dung chàng trai trẻ của danh họa Ý Raphael Sanzio
Bức tranh sơn dầu trên gỗ này có niên đại khoảng từ 1513-1514. Bức Chân dung chàng trai trẻ của họa sĩ Raphael được lưu giữ tại Bảo tàng Czartoryski de Cracovie, Ba Lan, đến năm 1939.
Bức tranh mà nhiều chuyên gia cho là chân dung tự họa của họa sĩ, bị Đức Quốc xã tịch thu theo lệnh của Hans Franck, được Hitler bổ nhiệm làm Toàn quyền Ba Lan.
Hans Franck đã sử dụng bức họa Chân dung chàng trai trẻ và nhiều tác phẩm khác tịch thu trong bảo tàng, để trang trí nhà ở. Chính tại nơi đây, bức họa Chân dung chàng trai trẻ được trông thấy lần cuối cùng vào năm 1945.
- Xem thêm: Vụ ăn cắp tranh động trời tại Trung Quốc
Theo Simon Houpt, tác giả quyển sách Những bức tranh bị đánh cắp (Tableaux volés): cuộc điều tra các vụ trộm trong thế giới nghệ thuật, bức họa Chân dung chàng trai trẻ trị giá 100 triệu euro này là kiệt tác quan trọng nhất bị mất trong Thế chiến thứ hai. Hiện nay, Bộ Ngoại giao Ba Lan tin chắc rằng tuyệt tác này vẫn tồn tại sau chiến tranh, nhưng nó vẫn chưa được tìm thấy.
Tác phẩm Khuôn mặt dài thượt của nhà điêu khắc Anh Henry Moore
Trong danh sách các tác phẩm điêu khắc, chỉ một mình Khuôn mặt dài thượt (Figure allongée) bằng chất liệu đồng thanh có trọng lượng nặng nhất: trên 2 tấn.
Tuy nhiên, trọng lượng khủng này vẫn không làm nản lòng bọn trộm đã đánh cắp tác phẩm vào tháng 12-2005, trong công viên dành riêng cho nghệ nhân người Anh này trưng bày tác phẩm ở Hertfordshire. Phương cách hành động của chúng cũng không phải tầm thường.
Để di chuyển tác phẩm nặng trên 2 tấn, chúng đã sử dụng một chiếc xe cần cẩu và một chiếc Mini Cooper, xe hơi sang trọng và đắt tiền của Mỹ. Kể từ đó, không một vết tích nào của tác phẩm bị phát hiện. Có lẽ nó đã bị nấu chảy để lấy đồng thanh.
Tác phẩm Lễ Giáng sinh với thánh Francois và thánh Laurent của danh họa Ý Michelangelo Merisi da Caravaggio
Tên tác phẩm này nằm ở đầu danh sách các tác phẩm bị đánh cắp mà FBI bỏ nhiều công sức nhất để truy tìm.
Được Michelangelo Merisi da Caravaggio vẽ vào năm 1609, Lễ Giáng sinh với thánh Francois và thánh Laurent (La Nativité avec saint Francois et saint Laurent) là tác phẩm vẽ trên vải về lễ Giáng sinh đầu tiên, pha trộn chủ nghĩa hiện thực và các yếu tố ngoài sức tưởng tượng của tác giả. Chiếm diện tích 6m2, tác phẩm được giữ trong nhà nguyện San Lorenzo ở Palermo, trên đảo Sicile.
Vào đêm 18-10-1969, bọn trộm đã dùng dao cắt vải vẽ một cách thô thiển dọc theo các cạnh của khung tranh. Cosa Nostra, tổ chức mafia trên đảo Sicile, bị giới nghệ thuật nghi ngờ là thủ phạm.
Nhưng cuộc điều tra không tìm ra một manh mối nào cả, dù một đội cảnh sát đặc biệt được thành lập trong cùng năm đó. Cho đến nay, bức Lễ Giáng sinh với thánh Francois và thánh Laurent vẫn bặt vô âm tín.
Có nhiều giả thuyết về sự biến mất của bức họa. Một người cung cấp thông tin, một mafia ra đầu thú, thậm chí còn cho rằng bức họa được giữ trong một trang trại và bị chuột bọ phá hủy.
Tác phẩm Chim bồ câu và đậu Hà Lan của Picasso
Tác phẩm sơn dầu trên vải Chim bồ câu và đậu Hà Lan (Le pigeon aux petits pois) do Pablo Picasso vẽ năm 1911 bị đánh cắp trong một vụ trộm ngoạn mục.
Trong tác phẩm được thể hiện theo trường phái Lập thể này, người xem có thể phân biệt một chiếc cốc và một con chim bồ câu ở giữa. Vréjan Tomic, nhân vật chính trong vụ trộm thực hiện theo đơn đặt hàng của một nhà sưu tập tranh giàu có, đã nói với các nhà điều tra rằng anh ta “yêu trường phái Lập thể”.
Vụ trộm diễn ra vào đêm 19 rạng ngày 20-5-2010 tại Bảo tàng Cận đại Paris. Năm bức tranh ký tên Picasso, Modigliani, Léger, Matisse và Braque với tổng giá trị khoảng 100 triệu euro đã bị đánh cắp cùng lúc.
Người đặt hàng chỉ đặt một bức tranh duy nhất, nhưng Vréjan Tomic, một tay chuyên trộm tranh, sau khi lấy được một bức, đã tranh thủ tom góp thêm bốn bức nữa, trong đó đặc biệt có bức tranh của Picasso vì phát hiện hệ thống báo động không hoạt động.
Tuy nhiên, vụ trộm gây nhiều ồn ào trên các trang báo, nên người đặt hàng không muốn nhận hàng nữa. Với những ồn ào như thế, rõ ràng là việc tiêu thụ hàng sẽ rất phức tạp chứ không dễ dàng chút nào.
Bị bắt, Vréjan Tomic đã khai với các nhà điều tra rằng hắn đã tiêu hủy các tác phẩm bị đánh cắp, điều mà cảnh sát không thật sự tin, cho dù họ không bao giờ tìm lại được tuyệt tác Chim bồ câu và đậu Hà Lan của Picasso.
Tác phẩm Chúa Giêsu trong cơn bão trên biển Galilée của Rembrandt
Bức tranh Chúa Giêsu trong cơn bão trên biển Galilée (Le Christ dans la tempête sur la mer de Galilée) bị đánh cắp vào năm 1990 cùng với 12 bức tranh khác. Đây được xem là vụ trộm tranh trong viện bảo tàng gây chấn động lớn nhất ở Hoa Kỳ.
Ngày 18-3-1990, trong khi cả thành phố Boston tổ chức lễ Ngày Thánh Patrick, hai tên trộm đã cải trang thành cảnh sát và xâm nhập vào Bảo tàng Isabella Stewart Gardner.
Họ vô hiệu hóa hai bảo vệ trực đêm hôm đó, ngắt hệ thống báo động và chính xác chỉ trong vòng 81 phút, họ đã tháo niêm phong, cắt gỡ và mang đi trót lọt khối chiến lợi phẩm vô giá, trong đó có ba tác phẩm của Rembrandt, một của Vermeer, một của Édouart Manet và nhiều bức của Edgar Degas.
FBI đã vào cuộc điều tra trong suốt 25 năm trên khắp thế giới để tìm dấu vết, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín.
Bảo tàng đã không lấy xuống những khung tranh của những tác phẩm đã bị mất cắp. Hiện nay những khung này vẫn được giữ nguyên để làm vật trang trí trên các bức tường của bảo tàng.