Công ty nào cũng có những nhân viên “sao”. Đó là những nhân viên đã từng gắn bó với doanh nghiệp trong một thời gian dài, cùng trải qua những thăng trầm của tổ chức, sẵn sàng đi sớm, về muộn và làm việc vào những ngày nghỉ khi cần thiết để hoàn thành những dự án quan trọng. Sujan Patel, Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị của When I Work, cảnh báo rằng nếu những nhân viên ấy không được đối xử, đãi ngộ một cách thỏa đáng và không được tạo điều kiện để làm việc trong một môi trường tích cực, họ sẽ sớm rời bỏ doanh nghiệp. Theo Patel, có những nguyên nhân hàng đầu sau đây khiến nhân viên giỏi của doanh nghiệp muốn tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác.
1. Không được đền bù thỏa đáng
Đa số nhân viên sẵn sàng nỗ lực thêm trong công việc nếu nỗ lực ấy được đền bù thỏa đáng. Những nhân viên giỏi nhất thường sẽ là người luôn sát cánh với sếp để thực hiện những mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra lâu dài nếu họ không phải suy nghĩ nhiều về chuyện tiền bạc.
Patel khuyên doanh nghiệp nên tìm cách đãi ngộ nhân viên xứng đáng với những giá trị mà họ đóng góp cho công ty. Không nhân viên nào muốn học hỏi các hệ thống mới, phát triển các phương pháp giải quyết công việc mới hay đảm nhận thêm nhiều trách nhiệm chỉ để nhận được một mức tăng lương khiêm tốn 1 – 2% vào cuối năm.
Nếu một nhân viên liên tục có những đóng góp giúp cải thiện hoạt động kinh doanh thì nhân viên ấy phải được đền bù kịp thời và xứng đáng. Nếu doanh nghiệp đang đắn đo với việc trả lương cao hơn cho những nhân viên giỏi nhất thì hãy tự hỏi liệu doanh nghiệp sẽ bị tổn thất những gì khi những nhân viên ấy ra đi. Thực tiễn cho thấy chi phí bỏ ra để tăng lương cho một nhân viên giỏi gần như lúc nào cũng nhỏ hơn chi phí để tuyển dụng nhân sự mới.
2. Không cân bằng được công việc và cuộc sống
Tiền bạc cũng quan trọng nhưng chắc chắn sẽ không thể thay thế được những ngày nghỉ mà nhân viên có thể sử dụng để dành cho gia đình, nhất là những nhân viên có con nhỏ.
Đa số nhân viên đều hiểu rằng đôi khi họ cũng cần phải làm việc nhiều thời gian hơn để hoàn thành một dự án lớn. Nhưng khi dự án ấy đã được hoàn tất thì hãy bù đắp cho họ bằng những kỳ nghỉ thêm, hoặc tặng cho họ những phiếu nghỉ dưỡng, ăn uống miễn phí để họ có thể chia sẻ với những người thân của mình và tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Patel khuyên, ngay cả khi không thể làm như các công ty hàng đầu thế giới như Twitter hay Pocket vốn đang áp dụng chế độ nghỉ phép không giới hạn cho nhân viên, doanh nghiệp cũng nên tạo ra cơ chế làm việc theo thời gian linh hoạt và những phúc lợi nhỏ đi kèm để thể hiện sự quan tâm đến đời sống của nhân viên.
3. Không được công nhận và đánh giá cao dù có nhiều thành tích hoặc thâm niên làm việc
Mỗi ngày, nhân viên phải cống hiến nhiều thời gian và sức lực cho doanh nghiệp. Nhưng về lâu dài, họ muốn biết rằng bản thân họ thật sự có một ý nghĩa quan trọng hơn đối với doanh nghiệp ngoài những giá trị vật chất hay tiền lương mà họ nhận được. Một số công ty thường cảm ơn những nhân viên có nhiều thành thích hay thâm niên làm việc bằng việc cấp cho họ những bằng khen, kỷ niệm chương hoặc tặng cho họ những kỳ nghỉ thêm được đài thọ toàn bộ chi phí.
4. Thiếu sự hỗ trợ từ cấp quản lý
Những nhà quản lý cấp cao được xem là những người lãnh đạo doanh nghiệp trên mọi phương diện, từ việc xây dựng các chính sách, quy trình, vạch ra các chiến lược kinh doanh cho đến định hướng về thái độ và sự tôn trọng giữa các đồng nghiệp trong tổ chức với nhau và với khách hàng.
Thực tế cho thấy, không ít nhân viên giỏi nghỉ việc vì cảm thấy họ không nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên từ quản lý cấp trên mặc dù họ đang phải làm việc rất cật lực. Patel khuyên các nhà quản lý nên thường xuyên trò chuyện với nhân viên, tìm hiểu các vấn đề, khó khăn mà nhân viên đang gặp và cùng họ giải quyết các khó khăn ấy.
5. Môi trường làm việc tiêu cực
Dù cho có được trả lương cao đến mấy hay được tham gia vào những dự án hấp dẫn đến mấy, những nhân viên giỏi vẫn có thể “nhảy tàu” nếu họ cảm thấy con tàu ấy “nặng mùi” đấu đá hay chính trị giữa các thành viên thay vì là một sân chơi dành cho những người làm nghề chuyên nghiệp. Ngoài ra, theo Patel, môi trường vật lý không thông thoáng, thoải mái, thiếu ánh sáng cũng có thể tạo ra những cảm giác tiêu cực từ nhân viên.
6. Thông tin bị rò rỉ
Sẽ không tốt nếu doanh nghiệp để cho mọi nhân viên đều nắm bắt mọi thể loại thông tin. Patel khuyên nên giữ bí mật những cuộc đối thoại hay những quyết định quan trọng cho đến khi chúng được chốt lại lần cuối cùng với đầy đủ các thông tin, chi tiết chính xác.
Với những thông tin đã được xác định rõ ràng thì cần áp dụng chính sách “mở cửa” trong truyền thông nội bộ, nghĩa là để cho mọi nhân viên biết được những thay đổi hay diễn biến có ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp đến họ càng sớm càng tốt. Không nên để cho những nhân viên cấp thấp có cảm giác rằng họ luôn là những người sau cùng nhận được thông tin về các diễn biến và các thành tựu của doanh nghiệp.
7. Doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự cấp cao từ bên ngoài
Một trong những trường hợp khiến nhân viên cảm thấy bất mãn nhất là khi họ đã gắn bó với doanh nghiệp một thời gian dài, bắt đầu từ những vị trí thấp nhất, nỗ lực học hỏi tất cả các hệ thống, quy trình, có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp để rồi chứng kiến việc doanh nghiệp tuyển dụng một ứng viên từ bên ngoài vào đảm nhận vị trí mà họ đang cố gắng để đạt đến.
Patel khuyên doanh nghiệp nên hạn chế tuyển dụng nhân sự cấp cao từ bên ngoài và nên dành cơ hội ấy cho những nhân viên đã gắn bó lâu dài với tổ chức. Những nhân viên này có thể thiếu một kỹ năng nào đó nhưng điểm mạnh của họ là sự trung thành và sự hiểu biết về văn hóa của doanh nghiệp.