Có nhiều nguyên nhân khiến những nhân viên giỏi phải nói lời chia tay với doanh nghiệp sau một thời gian gắn bó.
Theo Greg Smith – một chuyên gia tư vấn quản trị nguồn nhân lực hàng đầu thế giới, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng, trong đó cuốn mới nhất có tựa đề Fired Up! Leading Your Organization to Achieve Exceptional Results (tạm dịch: Động viên nhân viên để đạt kết quả ngoài mong đợi), có mười nguyên nhân hàng đầu dưới đây khiến nhân viên nghỉ việc, nhưng điều đáng nói là các nhà quản trị doanh nghiệp đều có thể tránh được hầu hết.
- Sếp yêu cầu một nhân viên làm công việc của hai hay ba nhân viên khác, khiến cho người ấy cảm thấy mệt mỏi vì phải làm việc quá sức mình.
- Doanh nghiệp cắt giảm nhân sự hành chính và hậu cần nên các nhân viên làm công việc chuyên môn phải tự làm các công việc sự vụ tốn thời gian, kém hiệu quả.
- Doanh nghiệp không quan tâm đến việc tăng lương và thăng chức cho nhân viên, trong khi nhân viên có thể dễ dàng tìm được công việc tương tựở công ty khác với mức lương cao hơn.
- Cấp trên không tạo điều kiện để nhân viên tự làm chủ công việc, tự đưa ra các quyết định đối với những công việc đã quá quen thuộc và nhỏ nhặt.
- Doanh nghiệp thường xuyên thay đổi cơ cấu tổ chức – nhân sự, thuyên chuyển nhân viên từ bộ phận này sang bộ phận khác “như chong chóng”, thậm chí vội vàng thay đổi cả chiến lược, đường hướng kinh doanh, làm cho các nhân viên bất ngờ, lo lắng.
- Sếp không có thời gian hoặc không dành thời gian để làm rõ các mục tiêu cho cấp dưới, cũng không tham khảo ý kiến của họ khi ra các quyết định quan trọng. Việc đánh giá kết quả làm việc của cấp dưới phiến diện, chỉ theo sự cảm nhận riêng, khiến nhân viên mất tinh thần, mất động lực và không được các đồng nghiệp tôn trọng.
- Sếp thiên vị, tạo điều kiện làm việc thuận lợi hơn hoặc tỏ ra ưu ái hơn đối với một số nhân viên.
- Doanh nghiệp thay đổi trụ sở làm việc khiến nhân viên mất nhiều thời gian và chi phí để đến nơi làm việc.
- Sếp tạo điều kiện thăng tiến cho nhân viên xoàng, thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm lên vị trí quản lý, khiến những nhân viên giỏi bất bình và nghỉ việc.
- Doanh nghiệp xây dựng một bộ máy tổ chức cứng nhắc và tạo ra cơ chế khiến các phòng ban cạnh tranh nhau gay gắt, nhưng lại vẫn kêu gọi tinh thần làm việc đồng đội và hô hào hợp tác.
Khảo sát thực tế của tác giả Greg Smith về tỷ lệ nghỉ việc ở các doanh nghiệp đã khẳng định rằng nói chung, các nhân viên không muốn rời bỏ nơi làm việc, mà họ muốn “chạy trốn khỏi các sếp”.
Chính thái độ của cấp trên trực tiếp là nguyên nhân chính khiến nhiều nhân viên giỏi nghỉ việc. Kỹ năng quản lý nhân sự vì vậy là yếu tố quan trọng hàng đầu mà các doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo cho các nhà quản trị để giảm thiểu tình trạng nhân viên nghỉ việc thường xuyên.