Nhóm cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) tiếp tục là tâm điểm của thị trường trong tuần từ 6 đến 10-7 khi đóng góp chủ đạo vào sắc xanh của thị trường, trong đó nhóm cổ phiếu bảo hiểm tăng khá mạnh. Hoạt động chốt lời cũng đã diễn ra trong một vài phiên cũng như nhiều thời điểm trong phiên, tuy nhiên với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu tài chính, thị trường đã “vượt dốc” thành công, đặc biệt là phiên cuối tuần (10-7). Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng lên 627,28 điểm (1,76%), còn HNX-Index cũng tăng nhẹ lên 88,24 điểm (0,62%). Thanh khoản của thị trường tăng mạnh, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HoSE tăng đến 25,6% so với tuần trước, còn trên HNX khối lượng khớp lệnh cũng tăng 18,6%. Ngoại trừ phiên giảm sâu ngày 8-7, nhìn chung độ rộng thị trường các phiên giao dịch tuần qua khá cân bằng. Dòng tiền cũng không chỉ chảy vào một số mã chủ chốt thuộc nhóm ngân hàng, mà đã chuyển sang các nhóm chứng khoán, bất động sản. Đặc biệt, kỳ vọng nới room 100% đã giúp nhóm cổ phiếu bảo hiểm tăng điểm tốt nhất trong tuần qua.
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì vị thế mua ròng trên cả hai sàn, tuy nhiên giá trị mua ròng đã giảm mạnh so với tuần trước, chỉ còn 221,4 tỉ đồng. Cùng với việc giảm dần giá trị mua ròng, sức ảnh hưởng của khối ngoại lên thị trường cũng giảm đi đáng kể. Sự thận trọng của khối ngoại tuần qua có thể do các diễn biến nóng tại Hy Lạp khi châu Âu vẫn chưa tìm được giải pháp cụ thể giải quyết tình trạng khủng hoảng nợ tại quốc gia này.
Việc thị trường chứng khoán tại Trung Quốc lao dốc với đà giảm mạnh nhất trong vòng tám năm qua là sự kiện nổi bật không chỉ của quốc gia đông dân nhất thế giới này mà còn ảnh hưởng đến nhiều thị trường trên thế giới. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm điểm mạnh từ giữa tháng 6-2015, khiến thị trường chứng khoán thế giới nói chung và thị trường châu Á nói riêng chịu tác động không nhỏ. Rõ ràng nhất là tâm lý nhà đầu tư trở nên dè dặt hơn khi bỏ vốn vào nhóm thị trường mới nổi và thị trường cận biên, trong đó có nước ta. Thực ra, không nhiều người ngạc nhiên trước việc thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh sau khi trải qua một đợt tăng trưởng nóng từ cuối năm 2014 tới nay mà không dựa vào các yếu tố cơ bản nào. Khi các số liệu kinh tế của nước này chưa cho tín hiệu về sự phục hồi tương ứng với đà tăng quá nóng đó, nhịp giảm mạnh vừa qua không khó để lý giải. Giới đầu tư toàn cầu chỉ lo ngại rằng sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tác động tiêu cực đến các nước còn lại mà thôi. Hiện các biện pháp khá quyết liệt của chính phủ Trung Quốc đã phần nào phát huy tác dụng trong ngắn hạn, tuy nhiên sự phục hồi là chưa đủ để đảm bảo những rủi ro sẽ không tiếp diễn. Một khi điều này xảy đến, thị trường tài chính quốc tế sẽ bịảnh hưởng, trong đó có thị trường chứng khoán nước ta.
Dù vậy, mức độảnh hưởng như thế nào sẽ phụ thuộc vào từng thị trường. Độ tương quan giữa thị trường chứng khoán nước ta với thị trường chứng khoán Trung Quốc là không đáng kể, do đó sự tác động là rất nhỏ. Với quy mô đầu tư của các quỹ đầu tư Trung Quốc vào thị trường chứng khoán nước ta hiện tại, việc họ rút ra khỏi thị trường cũng không tạo ra ảnh hưởng gì quá lớn. Bởi vậy, thời gian qua, khi chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, thị trường chứng khoán nước ta chỉ phản ứng tức thời trong vài phiên, rồi nhanh chóng tăng trở lại, khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng. Thậm chí, thị trường chứng khoán Việt Nam còn có thể hưởng lợi như là một thị trường thay thế khi các quỹ đầu tư nước ngoài cơ cấu lại danh mục trong thời gian tới.
Đó chính là lý do vì sao trong giai đoạn nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới giảm điểm, thị trường chứng khoán nước ta vẫn tăng tốc và đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm. Việc tăng điểm của thị trường chủ yếu đến từ nội tại của nền kinh tế, với những chính sách thu hút dòng vốn ngoại và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng của Chính phủ. Nhìn một cách tích cực, yếu tố dòng tiền hiện đang duy trì xung lực khá mạnh, giúp thị trường không chịu áp lực điều chỉnh sâu. Sự phân hóa mạnh có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, với sự tập trung dòng tiền vào các cổ phiếu tốt, có thông tin hỗ trợ tích cực.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (13-7), nhóm cổ phiếu bảo hiểm mà dẫn đầu là BVH, BIC tiếp tục tăng trần. Các cổ phiếu tài chính tiếp tục tăng điểm giúp cho VN-Index tăng thêm 7,21 điểm, dừng ở 634,49 điểm, dù xét tổng thể thì số mã tăng điểm (96) ít hơn số mã giảm điểm (107). Thanh khoản ở mức trung bình với giá trị giao dịch đạt 2.263,316 tỉ đồng. Có lẽ trong những ngày tới, khi hoạt động chốt lời những mã tài chính lấn át, thì thị trường mới hết đợt tăng trưởng ngắn hạn hiện nay.
Thành Huân (DNSGCT)